Cơ sở pháp lý:
– Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015
– Nghị định 44/2016/NĐ-CP
– Nghị định 140/2018/NĐ-CP
1. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động
Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp cung ứng dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động thực hiện theo quy định tại Điều 32 Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015. Cụ thể đó là:
1.1 Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động có quyền sau đây:
– Thực hiện hoạt động kiểm định theo hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm định;
– Từ chối cung ứng dịch vụ kiểm định khi không bảo đảm điều kiện an toàn khi thực hiện hoạt động kiểm định máy, thiết bị, vật tư;
– Kiến nghị, khiếu nại, tố cáo hành vi cản trở hoạt động kiểm định;
– Yêu cầu tổ chức, cá nhân có đối tượng đề nghị được kiểm định cung cấp các tài liệu, thông tin phục vụ hoạt động kiểm định.
1.2 Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động có nghĩa vụ sau đây:
– Cung ứng dịch vụ kiểm định trong phạm vi, đối tượng được quy định trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định;
– Thực hiện kiểm định theo quy trình kiểm định;
– Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định, bồi thường thiệt hại do hoạt động kiểm định gây ra theo quy định của pháp luật; thu hồi kết quả kiểm định đã cấp khi phát hiện sai phạm;
– Hằng năm, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quản lý lĩnh vực theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 33 của Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 và cơ quan quản lý nhà nước về lao động tình hình hoạt động kiểm định đã thực hiện theo quy định của pháp luật;
– Lưu giữ hồ sơ kiểm định.
2. Trách nhiệm của Tổ chức kiểm định kỹ thuật an toàn lao động
– Công bố biên bản kiểm định với tổ chức, cá nhân sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Dán tem kiểm định hoặc thể hiện thông tin kiểm định lên đối tượng kiểm định và cấp cho tổ chức, cá nhân sử dụng đối tượng kiểm định Giấy chứng nhận kết quả kiểm định (01 bản) chậm nhất sau 05 ngày làm việc, kể từ ngày công bố biên bản nếu kết quả kiểm định đạt yêu cầu.
– Trong trường hợp đối tượng kiểm định không đạt yêu cầu và phát hiện đối tượng có nguy cơ dẫn đến sự cố, tai nạn lao động thì không cấp Giấy chứng nhận kết quả kiểm định và thông báo cho cơ sở biết để có biện pháp khắc phục.
– Đảm bảo độc lập, khách quan trong cung ứng dịch vụ kiểm định.
– Cử kiểm định viên tham dự các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.
– Không cung ứng dịch vụ kiểm định trong thời gian bị đình chỉ hoặc bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; không sử dụng kiểm định viên đang bị thu hồi chứng chỉ kiểm định viên để thực hiện kiểm định.
3. Mức phạt hành vi phạm quy định về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động
3.1 Hình phạt bằng tiền
a, Phạt tiền đối với tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động có hành vi vi phạm quy định về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động như sau:
– Từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi không báo cáo hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động theo quy định;
– Từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: không thông báo cho cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định khi có thay đổi về địa chỉ trụ sở, chi nhánh;
– Từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cung ứng dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động ngoài phạm vi ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định; không thực hiện đúng quy trình kiểm định; sử dụng kiểm định viên đang bị tước quyền sử dụng, thu hồi chứng chỉ kiểm định viên hoặc chứng chỉ kiểm định viên hết hiệu lực để thực hiện kiểm định; sử dụng người chưa có chứng chỉ kiểm định viên để thực hiện kiểm định; sử dụng kiểm định viên khi chưa ký kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng theo công việc; không duy trì đúng quy định về điều kiện hoạt động kiểm định theo Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định; không đảm bảo độc lập khách quan trong cung ứng dịch vụ kiểm định;
– Từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp kết quả kiểm định không đúng sự thật; cung cấp kết quả kiểm định mà không thực hiện kiểm định;
– Từ 130.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Thực hiện hoạt động kiểm định khi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định đã hết hiệu lực hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động kiểm định hoặc đang bị thu hồi, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; sửa chữa nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định đã được cấp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
b, Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với kiểm định viên có một trong các hành vi sau:
– Không thực hiện đúng quy trình kiểm định do cơ quan có thẩm quyền ban hành;
– Thực hiện kiểm định cho tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định.
c, Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với kiểm định viên có hành vi thực hiện kiểm định khi: chứng chỉ kiểm định viên hết hiệu lực; kiểm định ngoài phạm vi ghi trong chứng chỉ kiểm định viên; chứng chỉ kiểm định viên bị thu hồi.
d, Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với cá nhân hoạt động kiểm định khi không có chứng chỉ kiểm định viên.
e, Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với hành vi thực hiện hoạt động kiểm định khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định.
f, Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với kiểm định viên có hành vi sửa chữa nội dung Chứng chỉ kiểm định viên đã được cấp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
3.2 Hình thức xử phạt bổ sung
– Đình chỉ hoạt động kiểm định từ 01 tháng đến 03 tháng đối với tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động vi phạm quy định:
“Cung cấp kết quả kiểm định không đúng sự thật; cung cấp kết quả kiểm định mà không thực hiện kiểm định;”
– Tịch thu Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động đối với hành vi sửa chữa nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định đã được cấp quy định: “Thực hiện hoạt động kiểm định khi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định đã hết hiệu lực hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động kiểm định hoặc đang bị thu hồi, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; sửa chữa nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định đã được cấp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.”
– Tịch thu Chứng chỉ kiểm định viên đối với hành vi vi phạm: “Kiểm định viên có hành vi sửa chữa nội dung Chứng chỉ kiểm định viên đã được cấp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.”
– Tước quyền sử dụng Chứng chỉ kiểm định viên từ 01 tháng đến 03 tháng đối với kiểm định viên có hành vi kiểm định ngoài phạm vi ghi trong chứng chỉ kiểm định viên: “Kiểm định viên có hành vi thực hiện kiểm định khi: chứng chỉ kiểm định viên hết hiệu lực; kiểm định ngoài phạm vi ghi trong chứng chỉ kiểm định viên; chứng chỉ kiểm định viên bị thu hồi.”
3.3 Biện pháp khắc phục hậu quả
Buộc hủy kết quả kiểm định và hoàn trả chi phí kiểm định cộng khoản lãi của số tiền đó tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định sau:
– Cung ứng dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động ngoài phạm vi ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định; không thực hiện đúng quy trình kiểm định; sử dụng kiểm định viên đang bị tước quyền sử dụng, thu hồi chứng chỉ kiểm định viên hoặc chứng chỉ kiểm định viên hết hiệu lực để thực hiện kiểm định; sử dụng người chưa có chứng chỉ kiểm định viên để thực hiện kiểm định; sử dụng kiểm định viên khi chưa ký kết hợp đồng lao động hoặc hợp đồng theo công việc; không duy trì đúng quy định về điều kiện hoạt động kiểm định theo Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định; không đảm bảo độc lập khách quan trong cung ứng dịch vụ kiểm định;
– Cung cấp kết quả kiểm định không đúng sự thật; cung cấp kết quả kiểm định mà không thực hiện kiểm định;
– Thực hiện hoạt động kiểm định khi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định đã hết hiệu lực hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động kiểm định hoặc đang bị thu hồi, tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; sửa chữa nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định đã được cấp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Lưu ý, biện pháp khắc phục hậu quả này không áp dụng đối với hành vi sửa chữa nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định đã được cấp nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.