Cơ sở pháp lý:
Luật Báo chí năm 2016;
Nghị định 119/2020/NĐ-CP
Việc cấp giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền được thực hiện với từng kênh chương trình và phù hợp với chiến lược, kế hoạch và chính sách của Nhà nước về phát triển và quản lý báo chí toàn quốc.
1. Điều kiện cấp giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền
Điều kiện cấp giấy phép gồm:
– Là cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình;
– Có văn bản đề nghị cấp giấy phép biên tập của cơ quan báo chí. Trường hợp là cơ quan báo chí thuộc bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì phải có văn bản chấp thuận của cơ quan chủ quản báo chí;
– Có nhân sự đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn báo chí, có thẻ nhà báo còn hiệu lực và trình độ ngoại ngữ phù hợp với kênh chương trình nước ngoài đề nghị cấp giấy phép biên tập;
– Có năng lực kỹ thuật đáp ứng yêu cầu biên tập, gồm hệ thống thiết bị làm chậm, thiết bị lưu trữ, phương tiện kỹ thuật thu phát tín hiệu phù hợp với việc biên tập kênh chương trình; bảo đảm công tác biên tập, biên dịch được thực hiện tại Việt Nam;
– Có dự toán chi phí biên tập, biên dịch trong 01 năm và văn bản chứng minh nguồn tài chính hợp pháp bảo đảm thực hiện công tác biên tập, biên dịch theo dự toán;
– Có bản quyền hoặc văn bản cho phép được sử dụng kênh chương trình nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.
2 Trình tự, thủ tục cấp giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền
Trình tự, thủ tục cấp giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền được thực hiện theo quy định sau đây:
– Cơ quan báo chí có nhu cầu biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua hệ thống bưu chính đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép.
Hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp giấy phép do Chính phủ quy định, cụ thể tại Nghị định 06/2016/NĐ-CP như sau:
2.1 Thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài
Cơ quan thực hiện cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền là Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.
Căn cứ vào Điều 18 Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016, việc cấp giấy chứng nhận nhận đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền được thực hiện theo trình tự sau:
– Trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm xét cấp Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, trong đó quy định rõ yêu cầu biên tập, biên dịch đối với kênh chương trình được cấp Giấy chứng nhận đăng ký.
Trường hợp không cấp Giấy chứng nhận đăng ký, Bộ Thông tin và Truyền thông có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
– Giấy chứng nhận đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền có hiệu lực tối đa 05 năm kể từ ngày cấp nhưng không vượt quá thời hạn có hiệu lực ghi trong văn bản ủy quyền làm đại lý.
2.2 Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp kệnh chương trình nước ngoài
Theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/01/2016, cần có các giấy tờ, tài liệu sau đây trong hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền
– Đơn đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền theo mẫu số 03/DVTHTT ban hành kèm theo Thông tư số 19/2016/TT-BTTTT ngày 30/6/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định các biểu mẫu Tờ khai đăng ký, Đơn đề nghị cấp Giấy phép, Giấy Chứng nhận, Giấy phép và Báo cáo nghiệp vụ theo quy định tại Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 30/6/2016.
– Bản sao Giấy phép hoạt động của hãng truyền hình nước ngoài là chủ sở hữu kênh chương trình nước ngoài kèm theo bản dịch tiếng Việt Nam có chứng thực.
– Văn bản chứng minh quyền sở hữu hợp pháp còn hiệu lực pháp lý đối với kênh chương trình được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của quốc gia mà hãng truyền hình nước ngoài sở hữu kênh chương trình đó đăng ký hoạt động, kèm theo bản dịch tiếng Việt Nam có chứng thực (nếu văn bản được soạn bằng tiếng nước ngoài).
– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có) mới nhất của đại lý được ủy quyền.
– Bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản gốc để đối chiếu văn bản xác nhận của hãng truyền hình nước ngoài về việc ủy quyền cho doanh nghiệp làm đại lý cung cấp các kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền kèm theo bản dịch tiếng Việt Nam có chứng thực (nếu văn bản được soạn bằng tiếng nước ngoài).
– Văn bản mô tả của hãng truyền hình nước ngoài về nội dung kênh chương trình, khung phát sóng của kênh chương trình trong 01 (một) tháng kèm theo bản dịch tiếng Việt Nam có chứng thực (nếu văn bản được soạn bằng tiếng nước ngoài).
Hồ sơ lập thành 02 (hai) bộ (01 bộ bản chính, 01 bộ bản sao) nộp trực tiếp hoặc gửi qua hệ thống bưu chính về Bộ Thông tin và Truyền thông và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký.
Lệ phí cấp giấy chứng nhận theo quy định của Thông tư số 307/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016 là 5.000.000 đồng/giấy chứng nhận
2.3 Thời gian hiệu lực của giấy phép
Thời gian hiệu lực của giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền được quy định trong từng giấy phép.
Sau 03 tháng kể từ ngày giấy phép có hiệu lực, nếu cơ quan báo chí không thực hiện việc biên tập kênh chương trình nước ngoài thì giấy phép hết hiệu lực. Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định thu hồi giấy phép.
Lưu ý:
– Chậm nhất là 30 ngày trước ngày tạm ngừng biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, cơ quan báo chí phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Thông tin và Truyền thông; trường hợp tạm ngừng quá 03 tháng thì Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định thu hồi giấy phép.
– Chậm nhất là 30 ngày trước ngày chấm dứt biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, cơ quan báo chí phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Thông tin và Truyền thông để thu hồi giấy phép.
– Trường hợp đã bị thu hồi giấy phép theo quy định, nếu có nhu cầu hoạt động biên tập trở lại thì cơ quan báo chí gửi văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp lại giấy phép. Trường hợp có thay đổi nội dung so với giấy phép đã được cấp, cơ quan báo chí gửi hồ sơ đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép theo quy định tại Khoản 3 Điều này.
3. Mức phạt hành chính vi phạm quy định về cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình
Mức phạt hành chính vi phạm quy định về cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình được quy định tại Điều 18 Nghị định 119/2020/NĐ-CP, cụ thể mức phạt đối với các hành vi vi phạm như sau:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Thực hiện không đúng quy định trong giấy chứng nhận đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền;
b) Thực hiện không đúng quy định trong giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp kênh chương trình nước ngoài khi giấy chứng nhận đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền đã hết hiệu lực hoặc không thực hiện sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình nước ngoài khi thay đổi thể loại kênh chương trình, nội dung kênh chương trình;
b) Biên tập, biên dịch kênh chương trình nước ngoài khi giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền đã hết hiệu lực hoặc không thực hiện sửa đổi, bổ sung giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài khi thay đổi thể loại kênh chương trình, nội dung kênh chương trình.
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp kênh chương trình nước ngoài có thu phí bản quyền nội dung cho các đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền nhưng không có giấy chứng nhận đăng ký cung cấp kênh chương trình nước ngoài;
b) Thực hiện biên tập, biên dịch kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình không đúng quy định.
– Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp thông tin quảng cáo được cài đặt sẵn từ nước ngoài trong các kênh chương trình nước ngoài;
b) Thực hiện biên tập, biên dịch kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền nhưng không có giấy phép biên tập kênh chương trình nước ngoài.
MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)