Luật sư tư vấn:
1. Quyền và nghĩa vụ của công chứng viên
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Công chứng năm 2014 thì công chứng viên có các quyền sau đây:
(1) Được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề công chứng;
(2) Tham gia thành lập Văn phòng công chứng hoặc làm việc theo chế độ hợp đồng cho tổ chức hành nghề công chứng;
(3) Được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch theo quy định;
(4) Đề nghị cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện việc công chứng;
(5) Được từ chối công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội;
(6) Các quyền khác theo quy định của Luật Công chứng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Nghĩa vụ của công chứng viên được quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật Công chứng năm 2014:
(1) Tuân thủ các nguyên tắc hành nghề công chứng;
(2) Hành nghề tại một tổ chức hành nghề công chứng;
(3) Tôn trọng và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người yêu cầu công chứng;
(4) Giữ bí mật về nội dung công chứng, trừ trường hợp được người yêu cầu công chứng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;
(5) Tham gia tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên;….
2. Mức xử phạt hành chính liên quan đến công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã:
* Thực hiện những hành vi vi phạm sau thì bị phạt từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng:
+ Hành vi tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch.
+ Hành vi sử dụng giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch.
Ngoài ra, khi thực hiện những hành vi vi phạm trên thì sẽ bị tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung; buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở về bản dịch đã được công chứng; kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.
* Thực hiện những hành vi vi phạm sau thì bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng:
+ Có hành vi gian dối, không trung thực khi làm chứng hoặc phiên dịch.
+ Hành vi dịch không chính xác, không phù hợp với giấy tờ, văn bản cần dịch.
Nếu thực hiện hành vi vi phạm này thì buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan.
* Thực hiện những hành vi vi phạm sau thì bị phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng:
+ Hành vi giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng; giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch; giả mạo chữ ký của nguời yêu cầu công chứng.
+ Hành vi yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo.
+ Hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịch.
+ Hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng bản dịch.
+ Hành vi cản trở hoạt động công chứng.
Nếu thực hiện hành vi vi phạm: (1) giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng; giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch; giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng; (2) yêu cầu công chứng chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo; (3) hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịch thì buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm.
Đối với hành vi cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng bản dịch thì buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo trên cổng thông tin điện tử của Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở về bản dịch đã được công chứng.
3. Mức phạt đối với một số hành vi vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng
Căn cứ vào Điều 15 Nghị định 82/2020/NĐ-CP, một số hành vi vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng:
+ Hành vi công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp người ký hợp đồng, giao dịch không có hoặc vượt quá thẩm quyền đại diện thì bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Người thực hiện hành vi vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 01 tháng đến 03 tháng. Ngoài ra, tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng buộc thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan.
+ Hành vi công chứng khi không kiểm tra, đối chiếu bản chính giấy tờ trong hồ sơ công chứng theo quy định trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch thì bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Người thực hiện hành vi vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 01 tháng đến 03 tháng.
+ Hành vi công chứng hợp đồng, giao dịch trong trường hợp không có căn cứ xác định quyền sử dụng, quyền sở hữu đối với tài sản khi tham gia hợp đồng, giao dịch, trừ trường hợp tài sản đã bị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 06 tháng đến 09 tháng và tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan.
+ Hành vi công chứng hợp đồng, giao dịch khi không có bản chính giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng mà pháp luật quy định phải có thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Người thực hiện hành vi vi phạm có thể bị tước quyền sử dụng thẻ công chứng viên từ 06 tháng đến 09 tháng và tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan.
Như vậy, với những sai phạm của công chứng viên hay của tổ chức hành nghề công chứng thì bạn đọc có thể xem trong Nghị định 82/2020/NĐ-CP để tham khảo thêm những hình thức xử phạt vi phạm hành chính đối với từng hành vi vi phạm cụ thể. Còn đối với hành vi vi phạm hai công chứng viên ở Văn phòng công chứng Gia Định bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 60/2009/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp.
Nếu bạn đọc có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này hay bất kỳ vấn đề pháp lý khác thì vui lòng liên hệ tới bộ phận tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của Luật LVN Group qua số 1900.0191 để được hỗ trợ kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!