1. Thực phẩm chức năng là gì?

Ngày nay, thị trường tiêu thụ thực phẩm chức năng trong nước đang có sự tăng trưởng vượt bậc do nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng nhiều. Người ta mua để sử dụng với nhiều cách khác nhau như để giảm cân, để làm đẹp, để chăm sóc sức khoẻ…

Vậy thực phẩm chức năng là gì?

Thực phẩm chức năng theo nghiên cứu của Viện dinh dưỡng thì thực phẩm chức năng là thực phẩm có chứa các hoạt tính sinh học cần thiết cho sức khoẻ bao gồm: thực phẩm chế biến cải tiến từ các loại thảo dược, thực phẩm truyền thống, các thành phần dinh dưỡng hoặc không chứa dinh dưỡng khác nhưng sẽ nắm giữ vai trò rất quan trọng với sức khoẻ của con người và tồn tại dưới những dạng như viên nén sủi bọt, viên nén, viên kẹo dẻo , dạng bột , cốm, hoặc dạng lỏng.

Còn theo quy định tại điểm a, khoản 3 điều 1 Thông tư số 09/2015/TT-BYT thì thực phẩm chức năng là sản phẩm, hàng hoá đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của bộ y tế trên lãnh thổ Việt Nam, là một loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm để bổ sung vào chế độ ăn uống để cải thiện sức khoẻ, đồng thời làm giảm nguy cơ gặp các vấn đề về sức khoẻ và ngăn ngừa các bệnh.

Con người thông qua những thực phẩm chức năng này để có thể bổ sung thêm các dưỡng chất vào trong cơ thể để cân bằng sức khoẻ hơn, bổ sung những chất như vitamin, canxi, protein, các chất béo có lợi…

Thực phẩm chức năng được chia ra thành các loại như: 

  • Thực phẩm chức năng bổ sung vitamin : Ví dụ: Vitamin A, Vitamin B, Vitamin C,…
  • Thực phẩm chức năng bổ sung khoáng chất: Khoáng chất là các yếu tố hoá học khá là quan trọng với con người, nhưng cơ thể con người không thể tự sản xuất ra được như kẽm, canxi, sắt, kali,magie…
  • Thực phẩm chức năng bổ sung protein và axit amin ;
  • Thực phẩm chức năng bổ sung axit béo có lợi ;
  • Thực phẩm chức năng bổ sung lợi khuẩn probiotic ;
  • Thực phẩm chức năng bổ sung cho người tập luyện thể thao ;
  • Thực phẩm chức năng chiết xuất, cô đặc từ thiên nhiên ;

 

2. Thực phẩm chức năng có được phép quảng cáo trên thị trường hay không?

Có thể thấy, thực phẩm chức năng là loại hàng hoá có liên quan đến sức khoẻ của người tiêu dùng và chịu sự quản lý chặt chẽ bởi cơ quan nhà nước khi thực hiện phân phối, sản xuất, kinh doanh. Nên việc quảng cáo thực phẩm chức năng cần phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì mới được quảng cáo trên thị trường.

Quảng cáo theo quy định tại khoản 1 điều 2 luật quảng cáo 2012 thì quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm , hàng hoá , dịch vụ có mục đích sinh lợi, sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi, tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm , hàng hoá, dịch vụ, được giới thiệu , trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.

Vậy bản chất của thực phẩm chức năng cũng là một loại sản phẩm hàng hoá để có thể giới thiệu, phân phối đến người tiêu dùng khi đã hoàn tất các thủ tục công bố sản phẩm ra thị trường và hoàn toàn có thể thực hiện việc quảng cáo theo đứng trình tự quy định của thông tư số 09 năm 2015 thông tư của bộ y tế.

 

3. Điều kiện để thực hiện thủ tục quảng cáo thực phẩm chức năng

Trước đây, trong quy định tại thông tư số 09/2015/TT-BYT có quy định việc quảng cáo thực phẩm  chức năng phải đáp ứng đủ điều kiện xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm theo quy định tại điều 7 của thông tư số 09/2015/TT-BYT, và thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo sẽ do cục an toàn thực phẩm cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng theo điểm b khoản 1 điều 12 của thông tư 09/2015/TT/BYT. Tuy nhiên, hiện tại 2 điều khoản này đã bị bãi bỏ theo danh mục văn bản quy phạm pháp luật bãi bỏ một phần tại thông tư số 25/2018/TT-BYT nên theo quan điểm của bản thân để quảng cáo thực phẩm chức năng cần đáp ứng những nội dung như sau :

Thứ nhất, về nội dung quảng cáo :

  • Phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về quảng cáo, không làm tiết lộ bí mật nhà nước, gây nguy hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, an ninh quốc phòng của đất nước
  • Thực phẩm chức năng khi đưa vào quảng cáo không được trái thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam;
  • Nội dung quảng cáo khônng làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị , trật tự an toàn xã hội;
  • Việc quảng cáo thực phẩm chức năng không được gây ảnh hưởng xấu  đến sự tôn nghiêm với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, Đảng kỳ, anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá, lãnh tự, lãnh đạo Đảng , Nhà nước.
  • Quảng cáo thực phẩm chức năng không được mang tính chất kỳ thị, phân biệt chủng tộc, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến về giới, về người khuyết tật;
  • Quảng cáo thực phẩm chức năng không được xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của tổ chức , cá nhân.
  • Quảng cáo thực phẩm chức năng không được sử dụng hình ảnh , lời nói, chữ viết của cá nhân, tổ chức khác khi chưa được sự đồng ý của họ, trừ trường hợp pháp luật cho phép ;
  • Quảng cáo thực phẩm chức năng phải đúng sự thật không được gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hoá của tổ chức cá nhân kinh doanh sản phẩm;
  • Quảng cáo thực phẩm chức năng không được sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp về giá cả , chất lượng, hiệu quả sử dụng sản phẩm, hàng hoá ;
  • Quảng cáo thực phẩm chức năng không được sử dụng các từ ngữ trong nội dung như:”nhất, duy nhất, tốt nhất, số một hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh ; 
  • Quảng cáo thực phẩm chức năng không được sử dụng nội dung cạnh tranh không lành mạnh theo quy định;
  • Quảng cáo thực phẩm chức năng không được xâm phạm về quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân, tổ chức khác;
  • Quảng cáo thực phẩm chức năng không được tạo cho trẻ em có những suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, an toàn cho sự phát triển bình thường của trẻ em;
  • Bên cạnh đó, việc quảng cáo thực phẩm chức năng không được mang tính chất ép buộc bất kỳ một cơ quan tổ chức nào thực hiện và không được treo, đặt, dán, vẽ sản phẩm thực phẩm chức năng để quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông, cây xanh nơi công cộng.

Thứ 2, khi quảng cáo thực phẩm chức năng thì tiếng nói, chữ viết, hình ảnh dùng trong quảng cáo thực phẩm chức năng phải đảm bảo ngắn gọn, thông dụng, đúng quy định , cỡ chữ nhỏ nhất trong nội dung quảng cáo phải đảm bảo tỷ lệ đủ lớn để có thể đọc được trong điều kiện bình thường và không được nhỏ hơn tỷ lệ 12 của cỡ chữ Times new Roman hoặc Vntime trên khổ a4.

Thứ 3, đó là nội dung được thể hiện khi quảng cáo thực phẩm chức năng bắt buộc phải có nội dung được thể hiện bằng chữ tiếng Việt trừ trường hợp nhãn hiệu hàng hoá, khẩu hiệu, thương hiệu, tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ đã được quốc tế hoá không thể thay thế được bằng tiếng việt (Ví dụ: Colagen.) hoặc sách báo , trang thông tin điện tử và các ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu sổ Việt Nam, tiếng nước ngoài, chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam, tiếng nước ngoài, hoặc khi quảng cáo thực phẩm chức năng mà phải dùng cả tiếng Việt và tiếng nước ngoài trong một sản phẩm thì khổ chữ nước ngoài không được quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt và phải đặt dưới chữ tiếng Việt đó, còn khi phát thanh trên truyền hình hoặc các phương tiện nghe nhìn thì cũng phải đọc tiếng việt trước tiếng nước ngoài.

 

4. Vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng có bị xử phạt hay không?

Như đã trình bày ở trên, thì thực phẩm chức năng là một loại hàng hoá dùng để kinh doanh có tác động trực tiếp đến sức khoẻ của người tiêu dùng nên sẽ chịu sự giám sát quản lý từ cơ quan nhà nước khi thực hiện hoạt động kinh doanh đối với sản phẩm này.

Hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng được hiều là hành vi vi phạm trái pháp luật, trái với quy tắc xử sự chung theo quy định của luật quảng cáo hoặc căc văn bản pháp luật khác có liên quan, gây ảnh hưởng đến xã hội, hay một đối tượng cụ thể ví đụ như là người tiêu dùng.Và mọi hành vi vi phạm pháp luật thì đều phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, và tuỳ theo tính chất mức độ vi phạm của hành vi mà cá nhân tổ chức vi phạm  có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành chính, dân sự, hình sự. Và đây sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để cơ quan chức năng thực hiện quản lý nhà nước về bảo vệ người tiêu dùng và cũng là thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước tới đời sống sức khoẻ của nhân dân.

Vì vậy, nếu cá nhân, tổ chức nào có kinh doanh thực phẩm chức năng khi thực hiện quảng cáo thì cần phải tôn trọng pháp luật, tôn trọng người tiêu dùng và thực hiện đúng và đầy đủ các quy định tại luật quảng cáo và các văn bản pháp luật có liên quan, nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định.

 

5. Mức xử phạt khi vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay ?

Khi cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm chức năng sẽ bị xử lý nghiêm khắc trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Về xử phạt hành chính: 

  • Nếu vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng do thực hiện hành vi quảng cáo thựuc phẩm bảo vệ sự khoẻ mà không có hoặc ghi không đúng hoặc không đọc rõ hoặc trong quảng cáo khuyến cáo không thể hiện nội dung:” Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000.
  • Nếu vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng do thực hiện hành vi quảng cáo thực phẩm chức  năng thiếu một trong các nội dung bắt buộc phải có như :” tên thực phẩm chức năng, khuyến cáo về nguy cơ của thực phẩm chức năng, nội dung cảnh báo đối tượng không được sử dụng thực phẩm chức năng theo một trong số các tài liệu quy định đối với thực phẩm chức năng, thiếu tên và địa chỉ của tổ chức , cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường ” thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
  • Nếu vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng do thực hiện hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu lầm có người tiêu dùng là nó có tác dụng như thuốc chữa bệnh sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng và ngoài việc bị phạt tiền với 3 mức phạt nêu trên thì cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi này còn bị áp dụng hình phạt bổ sung kèm theo hình phạt tiền đó là sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 03 tháng đến 03 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 20 tháng đến 24 tháng trong vòng 06 tháng nếu thực hiện hành vi vi phạm này từ 2 lần trở lên nếu có và buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là phải cải chính thông tin gây hiểu lầm đó, tháo dỡ; tháo gỡ; sản phẩm quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in , tạp chí in quảng cáo đối với thực phẩm chức năng được quảng cáo sai quy định .

Cơ sở pháp lý: Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hoá và quảng cáo, Điểm a,b khoản 15 điều 4; điểm Nghị định 129/2021/NĐ-CP.

Về trách nhiệm hình sự :

  • Nếu cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo đối với thực phẩm chức năng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này rồi hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn tiếp tục vi phạm có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối theo quy định tại điều 197 bộ luật hình sự 2015. Và hình phạt cho tội này nhẹ thì sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 (phạt tiền có án tích) hoặc nặng sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Và còn có thể bị phạt thêm tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là bài viết tham khảo của luật LVN Group về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng. Nếu quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này vui lòng liên hệ tới bộ phận tư vấn pháp luật miễn phí của công ty luật LVN Group qua số tổng đài 1900.0191 để được giải đáp. Xin chân thành cảm ơn.