1. Khái niệm thương mại quốc tế
Ban đầu, thương mại quốc tế được hiểu theo nghĩa hẹp, là hoạt động buôn bán, trao đổi hàng hóa hữu hình giữa các nước nhằm mục đích mang lại lợi ích mà hoạt động buôn bán, trao đổi trong nước không có hoặc không bằng. Cùng với sự phát triển của quan hệ kinh tế quốc tế, đặc biệt là trong những thập kỉ gần đây, thương mại quốc tế ngày càng được coi trọng và được hiểu theo nghĩa rộng hơn, không chỉ là buôn bán hàng hóa hữu hình mà còn bao gồm cả các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa vô hình, dịch vụ hay đầu tư vì mục đích sinh lợi…
Theo ủy ban của Liên hợp quốc về Luật thương mại quốc tế (UNCITRAL), thương mại quốc tế được hiểu theo nghĩa rất rộng, bao gồm các hoạt động kinh doanh trên thị trường quốc tế, theo đó bao gồm các hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế, từ mua bán hàng hóa hữu hình đến các dịch vụ như bảo hiểm, tài chính, tín dụng, chuyển giao công nghệ, thông tin, vận tải, du lịch…
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Thương mại Việt Nam năm 2005, hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác. Như vậy, nếu tiếp cận theo khái niệm này, thương mại quốc tế cũng sẽ được hiểu với nghĩa rất rộng. Theo nghĩa đó, thương mại quốc tế là hoạt động thương mại có yếu tó nước ngoài (hay là hoạt động thương mại vượt ra khỏi biên giới quốc gia hoặc lãnh thổ hải quan) sẽ bao gồm cả mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các nước, hoạt động đầu tư quốc tế, xúc tiến thương mại quốc tế và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác.
Mặc dù có nhiều khái niệm khác nhau về thương mại quốc tế, tuy nhiên, có thể hiểu:
Thương mại quốc tế là hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác diễn ra giữa các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ.
2. Đặc điểm về thương mại quốc tế
Sự phát triển của thương mại quốc tế tùy thuộc vào sự phát triển của các mối quan hệ thương mại phát sinh ở phạm vi quốc tế. Thương mại quốc tế, về quy mô, phát triển từ cấp độ song phương rồi đến cấp độ khu vực và sau cùng là ở quy mô toàn cầu. Về nội dung, thương mại quốc tế lúc mới hình thành chỉ bao gồm các giao dịch về thương mại hàng hóa. Cùng với sự phát triển của quan hệ thương mại quốc tế, nội dung của hoạt động thương mại quốc tế đã mở rộng sang cả lĩnh vực thương mại dịch vụ, đầu tư, tài chính, sở hữu trí tuệ,… Về mặt tính chất, hoạt động thương mại quốc tế, khi mới hình thành, mang tính ‘đóng’ do vì dựa chủ yếu trên nguyên tắc bảo hộ mậu dịch, và ở một số nhóm nước hay một số khu vực, hoạt động thương mại quốc tế bảo vệ các quan hệ dựa trên nguyên tắc độc quyền của Nhà nước về thương mại quốc tế nói chung và về ngoại thương nói riêng.
Thứ nhất, đối tượng của hoạt động thương mại quốc tế là các quan hệ phát sinh giữa các quốc gia khi tham gia vào thương mại quốc tế.
Đối tượng của hoạt động thương mại quốc tế là các quan hệ thương mại phát sinh giữa các quốc gia thực hiện ở phạm vi quốc tế hay nói một cách chính xác hơn là những mối quan hệ xã hội phát sinh từ hoặc liên quan đến hoạt động thương mại vượt ra khỏi phạm vi một nước, liên quan đến ít nhất hai quốc gia. Trong quan hệ quốc tế, các quốc gia, với tư cách là chủ thể của hoạt động thương mại quốc tế có chủ quyền quốc gia, có thể tham gia vào nhiều mối quan hệ xã hội phát sinh từ nhiều hoạt động, nhiều lĩnh vực khác nhau như lĩnh vực quốc phòng, lĩnh vực an ninh thế giới, các hoạt động chính trị liên quan đến bảo vệ lãnh thổ, nền độc lập chính trị, lĩnh vực kinh tế, các hoạt động thương mại…
Ở mỗi lĩnh vực hay hoạt động này, các quốc gia thường cùng nhau đàm phán để xây dựng những thỏa thuận quốc tế, những mối quan hệ trong từng lĩnh vực cụ thể. Do đặc điểm của từng lĩnh vực hoạt động, các hoạt động thương mại quốc tế về từng lĩnh vực cũng có nhiều điểm khác nhau. Chẳng hạn, những quan hệ quan hệ quân sự quốc tế khác với quan hệ chính trị hay quan hệ kinh tế.
Thứ hai, phạm vi của các quan hệ thương mại quốc tế rộng hay hẹp tùy thuộc vào cách hiểu về hoạt động thương mại ở phạm vi quốc gia cũng như ở phạm vi quốc tế qua từng thời kỳ.
Hoạt động thương mại quốc tế của một quốc gia được thực hiện dựa trên đường lối phát triển quan hệ đối ngoại của nước đó nói chung và dựa trên chính sách phát triển kinh tế đối ngoại, chính sách phát triển thương mại của nước đó trong từng kỳ nói riêng. Đường lối, chính sách phát triển thương mại của mỗi nước thường được cụ thể hóa trong các văn bản pháp luật về thương mại của nước đó. Vì vậy, để hiểu về hoạt động thương mại quốc tế, trước hết cần hiểu rõ các quy định của pháp luật trong nước của từng nước về chính sách phát triển thương mại, về những quy định liên quan đến khái niệm thương mại hay hoạt động thương mại.
Thứ ba, ngày nay hoạt động thương mại quốc tế được hiểu theo khái niệm hiện đại, khái niệm rộng và do đó đối tượng của hoạt động thương mại quốc tế ngày càng đa dạng và phức tạp.
Mặc dù luật của WTO, tức là các hiệp định của WTO, không đưa ra định nghĩa về hoạt động thương mại nhưng thực hiện hình thành và phát triển các quan hệ thương mại giữa các thành viên của WTO cho thấy thành phạm vi các mối quan hệ thương mại trong khuôn khổ của WTO được hiểu rất rộng, bao gồm các quan hệ thương mại phát sinh từ bốn lĩnh vực là: thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, thương mại liên quan đến đầu tư và thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Riêng trong lĩnh vực thương mại dịch vụ, WTO quy định các thành viên tham gia Hiệp định GATS phải cam kết mở cửa thị trường dịch vụ theo 12 ngành và 155 phân ngành dịch vụ. Đây là cách hiểu rộng, hiện đại về hoạt động thương mại cũng như các quan hệ thương mại thuộc phạm vi điều chỉnh trong luật chơi của WTO.
3. Luật Thương mại quốc tế là gì?
Luật thương mại quốc tế là chuyên ngành của luật kinh tế, cung cấp những kiến thức cơ bản về việc điều chỉnh các hoạt động mua bán hàng hóa, giao dịch thương mại và bảo hiểm quốc tế, tập trung vào việc đào tạo những cử nhân luật có nền tảng kiến thức vững chắc về các quy định, luật pháp liên quan đến giao dịch, hợp tác mua bán hàng hóa với các đối tác, khách hàng quốc tế.
Luật thương mại quốc tế là một hệ thống điều chỉnh các đối tượng kinh tế trong 2 trường hợp:
- Các mối quan hệ thương mại được phát sinh giữa các quốc gia
- Các mối quan hệ thương mại được phát sinh giữa các chủ thể ở 2 quốc gia khác nhau
Trong nền kinh tế đang hội nhập mạnh mẽ hiện nay, rất nhiều công ty, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia kí kết hợp đồng với nước ngoài và ngày càng được Nhà nước tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu. Chính vì lẽ đó, luật thương mại quốc tế có vai trò vô cùng quan trọng đối với quan hệ thương mại giữa các quốc gia, giúp các quốc gia đẩy mạnh và phát triển nền kinh tế thị trường, tăng tính đoàn kết và hợp tác công bằng với các quốc gia.
4. Luật thương mại quốc tế học về cái gì?
Sinh viên chuyên ngành Luật thương mại quốc tế sẽ được trang bị đầy đủ khối kiến thức giáo dục đại cương bao gồm các nhóm môn học về ngoại ngữ, toán, tin học, môn tư tưởng, các môn học nền tảng về luật.
Về khối kiến thức chuyên ngành, chuyên sâu phục vụ trực tiếp cho nghề nghiệp thực tiễn sau khi tốt nghiệp ra trường, bạn sẽ được học các môn học về pháp luật của hệ thống thương mại thế giới WTO; thiết chế thương mại khu vực; hiệp định hợp tác thương mại, pháp luật thương mại của các đối tác quan trọng của Việt Nam như: EU, Nhật Bản, Hoa kỳ…; pháp luật hợp đồng thương mại quốc tế và giải quyết tranh chấp trong thương mại quốc tế.
Bên cạnh các môn học luật khô khan, sinh viên khi theo học ngành luật thương mại quốc tế sẽ được trau dồi rất nhiều những kĩ năng mềm cần thiết cho công việc. Cụ thể như kĩ năng giao tiếp, ngoại ngữ, đàm phán, giải quyết vấn đề, tự tin làm chủ bản thân và khả năng thích nghi hội nhập quốc tế… các kĩ năng quý giá khác như phương pháp viết luận tốt, suy nghĩ nghiêm túc, xử lí thông tin tốc độ cao, khả năng đánh giá rủi ro…
Vậy học luật thương mại quốc tế ra làm gì với những kiến thức và kỹ năng đã được trang bị trên ghế giảng đường? Hãy tiếp tục tìm hiểu nhé!
5. Học luật thương mại quốc tế ra trường làm gì?
Hội nhập kinh tế quốc tế đã được thúc đẩy và phát triển rất nhanh kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Số lượng các doanh nghiệp trong nước muốn hợp tác làm ăn với đối tác nước ngoài, mở rộng thị trường bán sản phẩm và dịch vụ, v.v. tăng lên nhanh chóng. Do đó, nhu cầu với những chuyên gia có bằng cấp, kiến thức và khả năng xử lý các công việc liên quan đến luật thương mại quốc tế cũng gia tăng.
Học luật thương mại quốc tế ra trường, bạn sẽ có các cơ hội việc làm:
- Chuyên viên pháp lý/chuyên viên pháp chế làm việc trong các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp phát triển ở thị trường nước ngoài.
- Tư vấn luật và cung cấp dịch vụ pháp lý ở các văn phòng luật, công ty luật tư nhân hoặc cơ quan nhà nước, giải quyết những vấn đề tranh chấp phát sinh trong hợp đồng thương mại quốc tế.
- Nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu về Nhà nước và Pháp luật, Viện Kinh tế.
- Giảng dạy luật thương mại quốc tế, luật kinh tế tại các trường đào tạo ngành luật.
Ngoài ra, nhiều cử nhân luật thương mại quốc tế có thể lựa chọn hướng làm kinh doanh xuất nhập khẩu hoặc làm chuyên viên pháp lý ở các công ty hợp tác, liên doanh với doanh nghiệp nước ngoài rồi thăng tiến lên các vị trí thiên về quản lý, kinh doanh nhiều hơn. Với kiến thức nền về luật thương mại quốc tế và đầu tư, cơ hội thành công trong các vai trò này cũng rất lớn.
6. Những trường đào tạo luật thương mại quốc tế tốt nhất hiện nay
Khi làm trong các vai trò chuyên về pháp lý, tư vấn luật thì cử nhân luật thương mại quốc tế sẽ đảm nhiệm các công việc liên quan đến tư vấn đầu tư tại thị trường nước ngoài, cung cấp thông tin chính xác về luật pháp của quốc gia đó và những lưu ý khác để mở rộng thị trường, đại diện cho doanh nghiệp hoặc các thể nhân xử lý các vụ kiện cáo, tranh chấp pháp lý, v.v.
Bằng cử nhân trở lên là yêu cầu bắt buộc với những ai theo nghề này. Học tại những môi trường tốt cũng sẽ giúp bạn trang bị đầy đủ kiến thức và dễ xin việc hơn sau này. Những trường đào tạo luật thương mại quốc tế tốt nhất hiện nay là:
- Đại học Ngoại Thương.
- Đại học Luật Hà Nội.
- Đại học Khoa học Thái Nguyên.
- Khoa Luật – ĐHQGHN.
- Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TP.HCM.
- Đại học Luật TP.HCM.
Bên cạnh đó, các trường như Đại học Công nghệ TP.HCM, Học viện Ngoại giao, v.v. có đào tạo các chuyên ngành Luật kinh tế, Luật kinh doanh quốc tế nên nếu đang phân vân thì bạn cũng có thể tìm hiểu thêm để có thêm lựa chọn.
Luật thương mại quốc tế là một ngành năng động, nhiều cơ hội, ra trường dễ xin việc mà mức lương cao nên được nhiều bạn trẻ chọn làm mục tiêu nghề nghiệp. Nếu có thể thi được vào những môi trường tốt, chăm chỉ, nỗ lực và kiên định thì ngành luật thương mại quốc tế sẽ là một lựa chọn lý tưởng, đáng để bạn theo đuổi.