Chiến thắng đơn giả nhưng mới mẻ tại Việt Nam

Giữa tháng 10-2009, kể từ ngày liên hệ, gửi văn bản, tới nay (23-11-2009) đã có 14/15 đơn vị kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ đồng ý trả tiền cho ca sĩ Mỹ Tâm với tư cách là “người biểu diễn”.

Duy nhất một công ty còn lại hiện hai bên vẫn chưa đạt được sự đồng ý về mức giá phải trả. Phía Mỹ Tâm đã ấn định thời hạn cho công ty này đến 24-11-2009, nếu quá thời điểm này mà chưa được trả tiền, phía Mỹ Tâm sẽ gửi đơn kiện ra tòa. Và nếu vậy, đây cũng là một vụ án đầu tiên tại Việt Nam về vấn đề này.

Được biết, mức giá mà phía Mỹ Tâm đưa ra để yêu cầu các đơn vị kinh doanh nhạc mạng thanh toán cho mình dựa trên khung giá Viettel ấn định cho các đối tác cung cấp của mình. Cụ thể là 1.000đ/lượt tải/bài hát đối với các ca khúc mà Mỹ Tâm có quyền sở hữu, quyền tác giả, quyền biểu diễn và 500đ/lượt tải/bài hát đối với các ca khúc mà Mỹ Tâm chỉ là “người biểu diễn”.

Với mức phí trên, số tiền phía Mỹ Tâm thu được sẽ không hề nhỏ, vì mỗi bài hát bị đều có số lần tải về không dưới vài ngàn lượt. Nhưng quan trọng nhất là điều này đã tạo một tiền lệ tốt đẹp và mới mẻ đối với nền công nghiệp ghi âm, cũng như vấn đề tác quyền tại Việt Nam, vốn lâu nay vẫn ít được quan tâm đúng mức.

>> Luật sư tư vấn Luật sở hữu Trí tuệ qua điện thoại (24/7) gọi số: 1900.0191

Youtube video

Luật sư tư vấn đăng ký bảo hộ độc quyền sở hữu trí tuệ Gọi:  1900.0191

Quyền lợi của ca sĩ chưa được bảo đảm đầy đủ

Hiện nay, ngoài Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) đứng ra đại diện và bảo vệ quyền của các nhà sản xuất, ghi âm và Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) bảo vệ quyền tác giả của người sáng tác, hiện vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra bảo vệ tác quyền của ca sĩ.

Còn nhớ vừa qua, khi công ty của Mỹ Tâm gửi văn bản đến các đơn vị khai thác nhạc chuông, nhạc chờ đề nghị không sử dụng những bài hát do Mỹ Tâm biểu diễn, chính RIAV thay vì cùng lên tiếng giúp Mỹ Tâm thì lại gửi công văn đề nghị Mỹ Tâm “ngưng và thu hồi ngay các văn bản thông báo đã gửi đến các khách hàng của RIAV” (theo báo Đất Việt).

Theo bà Trương Thị Thu Dung, Phó chủ tịch thường trực của RIAV, “Phía Mỹ Tâm đòi tiền các nhà kinh doanh nhạc mạng, đối tác của RIAV, là không đúng, khiến RIAV tổn thất về uy tín và làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các nhà sản xuất (các hãng băng đĩa, đơn vị sản xuất ghi âm, ghi hình)”.

Ban đầu, phía các nhà kinh doanh nhạc mạng cũng cho rằng mình không sai, vì khi sử dụng các bài hát này, họ đã trả tiền đầy đủ cho RIAV, một đơn vị độc lập mà các NSX ủy thác. Tuy nhiên, phía Mỹ Tâm đã không chấp nhận.

Theo Luật sư của LVN Group Lê Quang Vy, đại diện cho Mỹ Tâm, hiện có rất nhiều đơn vị kinh doanh nhạc mạng sử dụng bài hát do Mỹ Tâm biểu diễn, nhưng không thông qua Mỹ Tâm và không trả phí. “Chúng tôi không đòi tiền các đơn vị sản xuất hay các hãng băng đĩa, vì họ đã trả tiền biểu diễn cho chúng tôi khi sản xuất chương trình ấy, nhưng điều đó không có nghĩa là Mỹ Tâm mất đi các quyền liên quan của mình. Vì thế, khi có một ai đó khác sử dụng các sản phẩm đó để kinh doanh thì phải chi trả cho người sở hữu quyền liên quan, cụ thể trong trường hợp này là quyền biểu diễn của Mỹ Tâm”.

Quyền của người biểu diễn được pháp luật bảo hộ

Để hiểu biết về vấn đề này, chúng ta nên biết qua một số khái niệm về quyền sở hữu trí tuệ.

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với “tài sản trí tuệ”. Quyền sở hữu trí tuệ bao gồm nhiều loại:Quyền tác giả, Quyền liên quan đến quyền tác giả, Quyền sở hữu công nghiệp và Quyền đối với giống cây trồng.

Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả là tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học. Ví dụ : nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là người sáng tác ra ca khúc Hạ Trắng. Như vậy Trịnh Công Sơn có “quyền tác giả” đối với ca khúc này.

Quyền liên quan đến quyền tác giả (gọi tắt là “quyền liên quan”) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng …. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền liên quan gồm : Diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm – gọi chung là “người biểu diễn”. Ví dụ: ca sĩ Mỹ Tâm tham gia vào một đêm ca nhạc và tại chương trình này cô thể hiện bài hát Cây đàn sinh viên. Trong trường hợp này, cô là “người biểu diễn”, có “quyền liên quan đến quyền tác giả”.

Luật qui định quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Ví dụ : nhạc sĩ Trịnh Công Sơn khi sáng tác ca khúc Hạ Trắng đã viết tay vào một tờ giấy. Như vậy, thời điểm Trịnh Công Sơn viết nhạc chính là thời điểm phát sinh quyền tác giả của ông.

Còn quyền của người biểu diễn thì phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá được định hình hoặc thực hiện.

Ngoài ra, để hiểu thêm vì sao các công ty kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ đồng ý trả tiền cho Mỹ Tâm, chúng ta nên biết thêm về hai khái niệm “sao chép” và “phát sóng”. Theo qui định tại Luật sở hữu trí tuệ thì:

Sao chép là việc tạo ra một hoặc nhiều bản sao của tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, bao gồm cả việc lưu trữ thường xuyên hoặc tạm thời tác phẩm dưới hình thức điện tử.

Phát sóng là việc truyền âm thanh hoặc hình ảnh hoặc cả âm thanh và hình ảnh của tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đến công chúng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc truyền qua vệ tinh để công chúng có thể tiếp nhận được tại địa điểm và thời gian do chính họ lựa chọn.

Như vậy, có thể thấy nếu doanh nghiệp nào kinh doanh nhạc chuông, nhạc chờ có sử dụng ca khúc do Mỹ Tâm trình bày chính là đã nằm một hoặc trong cả hai trường hợp trên : sao chép và/hoặc phát sóng.

Luật sở hữu trí tuệ qui định cá nhân hoặc tổ chức khai thác, sử dụng dưới dạng sao chép và phát sóng nhằm mục đích thương mại thì phải trả tiền thù lao cho người biểu diễn “theo quy định của pháp luật” hoặc “theo thoả thuận”.

Với qui định như vậy, rõ ràng “chiến thắng” của Mỹ Tâm là hợp lý và không có gì bất ngờ.

Ngoài ra, với qui định về thời hạn bảo hộ quyền của người biểu diễn là 50 năm, có thể thấy Mỹ Tâm còn có khả năng thu tiền dài dài, chừng nào vẫn còn người thích nghe giọng hát của cô ca sĩ người Đà Nẵng này.

————

Qui định của pháp luật :

Quyền của người biểu diễn
1. Người biểu diễn đồng thời là chủ đầu tư thì có các quyền nhân thân và các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn; trong trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ đầu tư thì người biểu diễn có các quyền nhân thân và chủ đầu tư có các quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn.
2. Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:
a) Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn;
b) Bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
3. Quyền tài sản bao gồm độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:
a) Định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên bản ghi âm, ghi hình;
b) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình;
c) Phát sóng hoặc truyền theo cách khác đến công chúng cuộc biểu diễn của mình chưa được định hình mà công chúng có thể tiếp cận được, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng;
d) Phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao cuộc biểu diễn của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
4. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng các quyền quy định tại khoản 3 Điều này phải trả tiền thù lao cho người biểu diễn theo quy định của pháp luật hoặc theo thoả thuận trong trường hợp pháp luật không quy định.

Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình
1. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:
a) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình;
b) Phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
2. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được hưởng quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của mình được phân phối đến công chúng.

Quyền của tổ chức phát sóng
1. Tổ chức phát sóng có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau đây:
a) Phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng của mình;
b) Phân phối đến công chúng chương trình phát sóng của mình;
c) Định hình chương trình phát sóng của mình;
d) Sao chép bản định hình chương trình phát sóng của mình.
2. Tổ chức phát sóng được hưởng quyền lợi vật chất khi chương trình phát sóng của mình được ghi âm, ghi hình, phân phối đến công chúng.
Hành vi xâm phạm các quyền liên quan
1. Chiếm đoạt quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
2. Mạo danh người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
3. Công bố, sản xuất và phân phối cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
4. Sửa chữa, cắt xén, xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào đối với cuộc biểu diễn gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
5. Sao chép, trích ghép đối với cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không được phép của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
6. Dỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.
7. Cố ý huỷ bỏ hoặc làm vô hiệu các biện pháp kỹ thuật do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền liên quan của mình.
8. Phát sóng, phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng cuộc biểu diễn, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền dưới hình thức điện tử đã bị dỡ bỏ hoặc đã bị thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan.
9. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, bán hoặc cho thuê thiết bị khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị đó giải mã trái phép một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá.
10. Cố ý thu hoặc tiếp tục phân phối một tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá khi tín hiệu đã được giải mã mà không được phép của người phân phối hợp pháp.

( Theo các điều 29,30,31 và 35 Luật sở hữu trí tuệ 2005)

CÁT HIỆP (Nguồn: Ecolaw.vn)

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích nghiên cứu, giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo và có thể một số thông tin pháp lý đã hết hiệu lực tại thời điểm  hiện tại vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)