1. Khái niệm năng lực trách nhiệm pháp lý

Năng lực trách nhiệm pháp lý là khả năng của cá nhân hay tổ chức gánh chịu hậu quả bất lợi, biện pháp cưỡng chế của Nhà nước được quy định ở chế tài quy phạm pháp luật.

Có thể hiểu Trách nhiệm pháp lí: là một loại quan hệ đặc biệt giữa nhà nước (thông qua các cơ quan có thẩm quyền) và chủ thể vi phạm, trong đó nhà nước có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế có tính chất trừng phạt được quy định ở chế tài quy phạm pháp luật đối với chủ thể vị phạm pháp luật và chủ thể đó phải gánh chịu hậu quả bất lợi về vật chất, tinh thần do hành vi của mình gây ra.

Đối với tổ chức, năng lực trách nhiệm pháp lí xuất hiện từ khi có quyết định thành lập tổ chức và chấm dứt khi tổ chức đó giải thể. Đối với cá nhân, năng lực trách nhiệm pháp lí được pháp luật của Nhà nước ta quy định như sau: người từ đủ mười sáu tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, chịu trách nhiệm hành chính về mọi vì š phạm hành chính; người từ đủ mười bốn tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về những tội phạm nghiêm trọng do cố ý, phải chịu trách nhiệm hành chính do cố ý thực hiện vi phạm hành chính. Ngoài điều kiện về độ tuổi, người có năng lực chịu trách nhiệm pháp lí phải là người có trạng thái thần kinh bình thường, không mắc bệnh tâm thần hay căn bệnh khác mà không điều chỉnh được hành vi của mình.

Trách nhiệm pháp lý còn là việc cá nhân, tổ chức cần phải thực hiện nghĩa vụ của mình trước pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ hành vi gây ra cá nhân, tổ chức phải gánh chịu trách nhiệm hình sự, hành chính và bồi thường dân sự.

Ví dụ: Sinh viên A sử dụng tài liệu làm bài thi khi Quy chế thi không cho phép nên bị Giám thị B lập biên bản vi phạm và ra Quyết định đình chỉ thi, như vậy có nghĩa là sinh viên A đã phải gánh chịu trách nhiệm pháp lý.

 

2. Mấy loại trách nhiệm pháp lý

Trách nhiệm pháp lý được chia thành 04 loại theo đó:

– Trách nhiệm hình sự

Trách nhiệm pháp lý hình sự là trách nhiệm mà người phạm tội phải chịu hình phạt theo quy định và các biện pháp tư pháp được quy định trong bộ luật hình sự nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền và lợi ích của người phạm tội. Trách nhiệm này sẽ do tòa án áp dụng đối với những người có hành vi phạm tội theo quy định của Bộ luật hình sự.

Ví dụ: Nội dung bản án hình sự định tội và định hình phạt cho người phạm tội chỉ thể hiện ý chí đơn phương của Hội đồng xét xử mà không phụ thuộc vào ý chí của người phạm tội và có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với người phạm tội.

– Trách nhiệm dân sự

Trách nhiệm dân sự là trách nhiệm của người hoặc là của cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật dân sự và phải chịu các biện pháp nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu của các quyền dân sự bị vi phạm.

Cá nhân, tổ chức khi có hành vi vi phạm pháp luật dân sự thì sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành.

– Trách nhiệm hành chính

Là trách nhiệm của người hoặc là của cơ quan, tổ chức có hành vi vi phạm những nguyên tắc quản lí nhà nước và phải chịu các hình thức xử lí hành chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng.

– Trách nhiệm kỷ luật

Là trách nhiệm của người vi phạm kỉ luật phải chịu các hình thức xử lý kỉ luật do thủ trưởng cơ quan xí nghiệp, trường học áp dụng với cán bộ, công nhân viên, học sinh của cơ quan, tổ chức mình.Chủ thể áp dụng trách nhiệm kỷ luật là thủ trưởng, cơ quan đơn vị, xí nghiệp.

Như vậy đối với mỗi loại hành vi vi phạm khác nhau tùy thuộc vào hành vi đó là gì, hậu quả do hành vi đó gây ra là như thế nào sẽ là cơ sở để xem xét người thực hiện hành vi phải chịu trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự hay là trách nhiệm hành chính, xử lý kỷ luật theo quy định.

Các loại trách nhiệm pháp lý này đều do đều do các chủ thể có thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân hoặc tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật để nhằm mục đích giáo dục, trừng trị những người có hành vi vi phạm pháp luật đồng thời giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật đối với những cá nhân, những tổ chức khác từ đó sẽ hạn chế được những hành vi vi phạm pháp luật.

Ví dụ: Trường Đại học Luật Hà Nội chỉ có quyền truy cứu trách nhiệm kỷ luật đối với cán bộ, giảng viên, sinh viên và học viên của Trường khi họ vi phạm kỷ luật lao động hoặc học tập của Trường.

Ví dụ: Để quyết định một hình thức kỷ luật cụ thể đối với sinh viên vi phạm kỷ luật, nhà trường phải căn cứ vào hành vi vi phạm cụ thể của sinh viên để lựa chọn và áp dụng một hình thức kỷ luật cụ thể là khiển trách, cảnh cáo hay buộc thôi học.

Trách nhiệm pháp lý của quốc gia trong quan hệ quốc tế:

Quốc gia cũng có thể phải chịu trách nhiệm pháp lý quốc tế trong quan hệ quốc tế. Trách nhiệm này có thể phát sinh từ hành vi vi phạm luật quốc tế của quốc gia. Ví dụ, quốc gia không thực hiện các cam kết quốc tế mà mình đã công nhận (CEDAW) hoặc ban hành luật trái với luật quốc tế, không ngăn chặn kịp thời các hành vi cực đoan tấn công cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài của những người biểu tình… Trách nhiệm này cũng có thể phát sinh khi có hành vi mà luật quốc tế không cấm. Ví dụ, Quốc gia sử dụng tên lửa vũ trụ, tàu năng lượng hạt nhân, nhà máy điện nguyên tử … gây ra thiệt hại cho vật chất cho các chủ thể khác của luật quốc tế.

Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật mà cá nhân, tổ chức vi phạm phải gánh chịu những loại trách nhiệm pháp lý khác nhau như trách nhiệm hình sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm bồi thường dân sự nặng.

 

3. Đặc điểm của trách nhiệm pháp lý

Đặc điểm của trách nhiệm pháp lý gồm:

– Trách nhiệm pháp lý là loại trách nhiệm do pháp luật quy định, đây là quy định khác biệt so với các loại trách nhiệm như trách nhiệm tôn giáo, trách nhiệm đạo đức…

– Trách nhiệm pháp lý luôn gắn với các biện pháp cưỡng chế của nhà nước. quy định rõ ràng trong phần chế tài của các quy phạm pháp luật. Đây cũng được coi là 1 điểm khác biệt lớn giữa trách nhiệm pháp lý và các biện pháp cưỡng chế khác của Nhà nước như: bắt buộc chữa bệnh, giải phóng mặt bằng…

Truy cứu trách nhiệm pháp lý là việc cá biệt hoá các biện pháp cưỡng chế nhà nước được quy định trong bộ phận chế tài của các quy phạm pháp luật đối với chủ thể vi phạm pháp luật, tức là áp dụng một biện pháp cưỡng chế nhà nước cụ thể được quy định trong phần chế tài của quy phạm pháp luật đối với chủ thể vi phạm pháp luật tuỳ theo mức độ vi phạm của họ.

Ví dụ: Quyết định kỷ luật sinh viên A với hình thức cảnh cáo của Nhà trường là sự cá biệt hóa quy định về các hình thức kỷ luật đối với sinh viên trong Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

– Chủ thể có hành vi vi phạm pháp luật phải gánh chịu hậu quả, chịu trách nhiệm pháp lý trước pháp luật. Chủ thể phải chịu những thiệt hại nhất định về tài sản, về tự do… theo đúng như quy định của Nhà nước khi họ vi phạm pháp luật,

– Trách nhiệm pháp lý là hậu quả bắt buộc chủ thể phải gánh chịu như thiệt hại về tài sản, về nhân thân…mà trong phần chế tài của quy phạm pháp luật quy định.

– Khi có thiệt hại xảy ra mà được pháp luật quy định thì phát sinh trách nhiệm pháp lý.

Trách nhiệm pháp lý là loại trách nhiệm do pháp luật quy định. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa trách nhiệm pháp lý với các loại trách nhiệm xã hội khác như trách nhiệm đạo đức, trách nhiệm tôn giáo, trách nhiệm chính trị…Trách nhiệm pháp lý luôn gắn liền với các biện pháp cưỡng chế nhà nước được quy định trong phần chế tài của các quy phạm pháp luật. Đây là điểm khác biệt giữa trách nhiệm pháp lý với các biện pháp cưỡng chế khác của nhà nước như bắt buộc chữa bệnh, giải phóng mặt bằng…Trách nhiệm pháp lý luôn là hậu quả pháp lý bất lợi đối với chủ thể phải gánh chịu thể hiện qua việc chủ thể phải chịu những sự thiệt hại nhất định về tài sản, về nhân thân, về tự do… mà phần chế tài của các quy phạm pháp luật đã quy định.Trách nhiệm pháp lý phát sinh khi có vi phạm pháp luật hoặc có thiệt hại xảy ra do những nguyên nhân khác được pháp luật quy định.

 

4. Ý nghĩa của trách nhiệm pháp lý

Trách nhiệm pháp lý giúp ngăn ngừa, giáo dục và cải tạo những hành vi vi phạm pháp luật, chủ thể phải chịu hậu quả về trách nhiệm hình sự, trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỉ luật trước pháp luật.

Trách nhiệm pháp lý sẽ giáo dục mọi người có ý thức tôn trọng, chấp hành đúng theo quy định pháp luật.

Từ những quy định của pháp luật về trách nhiệm pháp lý , mọi người dân có lòng tin và tin tưởng pháp luật.

 

5. Truy cứu trách nhiệm pháp lý

Truy cứu trách nhiệm pháp lý là một hoạt động thể hiện tính quyền lực của nhà nước do cơ quan nhà nước hay nhà chức trách có thẩm quyền tiến hành nhằm cá biệt hoá bộ phận chế tài của quy phạm pháp luật đối với các chủ thể vi phạm pháp luật.

Đây là hoạt động có trình tự, thủ tục hết sức chặt chẽ do pháp luật quy định để có thể bảo đảm được tính nghiêm minh của pháp luật, tính chính xác của hoạt động truy cứu trách nhiệm pháp lý, hạn chế đến mức thấp nhất những sai lầm có thể xảy ra, tránh hiện tượng oan sai, bỏ lọt vi phạm.

Do vậy khi thực hiện việc truy cứu trách nhiệm pháp lý thì các cơ quan nhà nước, các nhà chức trách có thẩm quyền phải tiến hành thu thập và xử lí thông tin một cách đầy đủ, chính xác, xem xét một cách toàn diện và kĩ lưỡng. Từ đó xác định sự thật khách quan của vụ việc, tiến hành so sánh, đối chiếu với các quy định của pháp luật, lựa chọn quy phạm pháp luật phù hợp để áp dụng sao cho đúng chủ thể, đúng tính chất, mức độ vi phạm.

Việc truy cứu trách nhiệm pháp lý sẽ dựa trên hành vi vi phạm, căn cứ vào hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi vi phạm gây ra, căn cứ vào lỗi của chủ thể, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hội cho xã hội do hành vi đó gây ra,…

Luật LVN Group (sưu tầm & biên tập)