1. Giới thiệu vấn đề bản chất nền dân chủ Đông Á

Những nhà nước nòng cốt của Đông Á – Trung Quốc (bao gồm cả Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và Đài Loan), Nhật Bản, Hàn Quốc – đã phát triển những chế độ phong kiến tập quyền có tiếng trong lịch sử của họ và thống nhất được những bản sắc dân tộc tương đồng trên một phần của các quần thể dân tộc đồng nhất hàng thế kỷ, trước khi bất kỳ dân tộc nào trong số đó có khả năng phát triển những cơ quan luật pháp và giải trình đối kháng, có thể kiểm soát và cân bằng quyền lực nhà nước. Một nhà nước mà sự tuyển dụng vào làm việc diễn ra hoàn toàn khách quan, bộ máy quan lại thiết lập dựa trên sự tuyển chọn nhân tài, hệ thống hành chính đồng bộ và những điểm tương tự như thế – chính là Trung Quốc, quốc gia đã đạt được thành tựu này từ triều đại nhà Tần vào năm 221 trước công nguyên.

 

2. Nền Dân chủ tự do hiện đại

Dân chủ tự do hiện đại là sự tổng hoà của bộ ba tổ chức: bản thân Nhà nước; Pháp quyền, một hệ thống các quy tắc xã hội được xem như ràng buộc về hành động của các nhà cầm quyền thực tế; và Cơ chế trách nhiệm Giải trình, trong xã hội hiện đại thì đó là những cuộc bầu cử định kỳ đa đảng. Nhà nước tập trung và sử dụng quyền lực để thực thi ý muốn của nhà nước; trong khi trái lại, pháp quyền và các cơ chế trách nhiệm giải trình lại được sử dụng để hạn chế quyền lực của nhà nước. Thành công của chế độ dân chủ tự do phụ thuộc vào việc đạt được sự thăng bằng giữa hai bên, một bên là quyền lực mạnh mẽ của nhà nước, một bên là sự kiểm soát và cân bằng được tạo bởi các chế độ bầu cử và chế độ luật pháp. Xét từ bất cứ quan điểm nào thì quyền lực nhà nước không được kiểm soát đều là một việc nguy hiểm; đồng thời những nển dân chủ tự do yếu kém và tê liệt đều không thể đem lại kết quả tốt cho người dân.

Đối ngược với các nền văn minh khác trên thế giới, Trung Quốc chưa từng phát triển pháp quyền. Các bộ luật của triều đại nhà Tần, nhà Hán, nhà Tuỳ, nhà Đường và nhà Minh đều thuộc loại luật nhân định, mọi quyết định ban hành đều nằm trong tay Hoàng đế. Có lẽ cũng không cần phải nói thêm về việc Trung Quốc cũng thất bại trong việc thành lập những cơ quan trách nhiệm giải trình chính thức. Ở châu Âu, quyền lực nhà nước trước hết bị hạn chế bởi sự ra đời sớm của pháp luật và sau đó bởi khả năng của một số ‘nhân tố’ xã hội ngoại bang trong việc chống lại quyền lực nhà nước và trói buộc nhà nước vào một thoả hiệp hiến pháp. Việc sớm củng cố’ một nhà nước hiện đại cho phép chính phủ Trung Quốc qua nhiều thế kỷ đã ngăn chặn được sự xuất hiện tự phát của các nhân tố’ xã hội mới có thể gây ảnh hưởng tới quyền lực nhà nước, chẳng hạn như tầng lớp thuộc dòng dõi quý tộc, thị dân buôn bán, các thành phố độc lập, các tổ chức tôn giáo, hay giai cấp nông dân có tổ chức.

Chế độ quản lý này của Trung Quốc đã thiết lập một khuôn mẫu cho các quốc gia còn lại ở Đông Á. Nhật Bản, Hàn Quốc, và sau đó là các chính thể trong khu vực Đông Nam Á dưới sự ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc, kế thừa những truyền thống Nho giáo của nhà nước tập quyền và bộ máy quan lại trọng nhân tài. Toàn bộ các nhà nước truyền thống ở Đông Á đều bị phá vỡ, thay đổi và thay thế trong quá trình đối đầu với các nước phương Tây. Tuy vậy, trong nửa sau thế kỷ XX, một cơ quan hành pháp được thể chế hoá và đầy quyền lực đã xuất hiện trở lại tại hầu hết các quoc gia.

 

3. Phân tích hệ quả mẫu hình lịch sử

Không giống như nhiều nền dân chủ mới ở các khu vực khác trên thế giới, nơi mà nhà nước thể hiện sự yếu kém và thiếu năng lực trong việc thiết lập pháp quyền và các cơ quan trách nhiệm giải trình, các nền dân chủ ở Đông Á có thể giả định sự tồn tại của một nhà nước mạnh mẽ và thống nhất. Vấn đề của sự phát triển dân chủ phần nhiều thuộc về xã hội. Đa phần các xã hội Đông Á thiếu những nhóm xã hội đã được thể chế hoá và hoạt động mạnh mẽ để có thể hạn chế quyền lực nhà nước một cách hiệu quả, cũng như một nền văn hoá chính trị hợp pháp hoá những cuộc biểu tình xã hội và những quan điểm chính trị đối kháng. Với sự ra đời của quá trình công nghiệp hoá, những nhân tố xã hội mới như giai cấp tư sản, các tổ chức công đoàn và học sinh sinh viên bắt đầu xuất hiện; và ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, nhà nước còn được kiểm soát bởi hệ thống quốc tế (dưới sự bảo hộ của quân đội Mỹ). Điều này đã cho phép sự phát triển theo thời gian của những chê’ độ dân chủ trong đó các nhân tố xã hội bản địa tiếp tục phát triển và có khả năng tự cân bằng nhà nước.

Một loạt các hệ quả quan trọng dẫn tới sự phát triển đương đại bắt nguồn từ trình tự thể chế đặc biệt này. Đầu tiên và quan trọng nhất, hầu như tất cả những tấm gương gần đây về một nhóm các nước chuyên chế tiến hành hiện đại hoá thành công đều ở Đông Á chứ không phải các khu vực khác trên thế giới. Hong Kong (dưới sự cai trị của Anh), Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Thailand và tất nhiên – Trung Quốc, tất cả đều phát triển nhanh chóng trong nửa cuối thế kỷ XX (với riêng trường hợp của Nhật Bản, quá trình này đã bắt đầu sớm hơn một thế kỷ), dưới sự quản lý của chính phủ độc tài ràng buộc lỏng lẻo bởi trách nhiệm giải trình dân chủ. Đối lập với những nhà nước bóc lột xuất hiện ở Trung Đông, Nam Á, Mỹ Latin và đặc biệt là vùng cận Sahara châu Phi, rất nhiều nhà cầm quyền độc tài ở Đông Á đã bảo toàn sự tập trung phát triển, thứ đã tạo ra nền tảng bền vững cho chế độ dân chủ sau này. Đa số những tranh luận ủng hộ chuỗi tăng trưởng kinh tế và luật pháp trước khi mở cửa dân chủ đều dựa trên mô hình của các quốc gia Đông Á.

Một hệ quả thứ hai của mô hình phát triển này là rất nhiều nhà nước Đông Á đã có thể thiết lập những chính sách công nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế – những chính sách mà nếu rơi vào tay của một nhà nước năng lực kém hơn, sẽ gây ra một mớ hỗn độn chỉ nhằm tìm kiếm đặc lợi và lũng đoạn nhà nước.

Hệ quả cuối cùng đó là chất lượng của nền dân chủ tự do của Đông Á khác với châu Âu, Bắc Mỹ và các khu vực khác ở phương Tây. Nhật Bản là xã hội châu Á đầu tiên thử nghiệm chế độ dân chủ, ban đầu là trong suốt thời kỳ Taisho vào những năm 1920 và sau đó thành công hơn dưới sự giám hộ của Mỹ sau năm 1951. Nhà xã hội học chính trị Barrington Moore đã từng cho rằng Nhật Bản có thể tiến hành dân chủ hoá thành công bởi cấu trúc xã hội của quốc gia này khác với Trung Quốc và các xã hội nông nghiệp châu Á khác. Giống như ở phương Tây, quyền lực trong suốt thời kỳ Tokugawa (1603-1868) được lan truyền trong tầng lớp quý tộc phong kiến, các cộng đồng làng xã thì sở hữu một mức độ tập thể và tự tổ chức nhất định, điều này ở Trung Quốc không hề có[2].

Tuy nhiên, chế độ dân chủ ở Nhật Bản, qua cả quan sát thông thường và cảm nhận, đều có sự khác biệt với chế độ dân chủ ở châu Âu, hay cụ thể hơn là Hoa Kỳ. Đầu tiên và quan trọng nhất chính là sự thống lĩnh của hệ thống chính trị của Nhà nước Nhật Bản. Có ý kiến đã lưu ý rằng chính các công chức đã liên minh với cộng đồng doanh nghiệp, những người đã chiếm lấy vai trò quyết định chính sách mà đáng lý ra thuộc về nghị viện, cơ quan đứng đầu trong việc đưa ra quyết định. (Sự thống lĩnh này đã mờ nhạt dần kể từ khi thời kỳ tăng trưởng cao của Nhật Bản chấm dứt vào thời kỳ đầu những năm 1990, giai đoạn phần nào phản ánh sự suy giảm trong thẩm quyền của bộ máy quan liêu). Thứ hai, đảng lãnh đạo (Đảng Dân chủ Tự do) đã nắm quyền ở Nhật Bản trong suốt giai đoạn 1955 – 2009 mà không có bất cứ gián đoạn nào; ngay cả hiện tại, khi đất nước này được dẫn dắt bởi Đảng Dân chủ, khó có thể nói rằng Nhật Bản đã thực hiện quá trình chuyển đổi sang hệ thống hai đảng cầm quyền ổn định với sự thay đổi luân phiên định kỳ giữa chính phủ và phe đối lập. Và cuối cùng, Nhật Bản chưa từng phát triển một nền văn hoá chính trị đối kháng kiểu phương Tây, trong đó những bất mãn xã hội và nhu cầu giải trình trách nhiệm nhanh chóng chuyển thành các động thái chính trị. Những bất mãn trầm trọng trong dân chúng về trận động đất Tohoku vào hồi tháng 3 năm 2011, về sóng thần, các thảm hoạ hạt nhân, lại có tác động nhỏ một cách bất ngờ tới sự thay đổi trong chính trị.

Tuy nhiên, những nền dân chủ mới hơn ở Đông Á thực ra đều “Tây” hơn ở Nhật Bản: Hàn Quốc, Đài Loan, và Thailand đã trải qua những cuộc chuyển dịch quyền lực dứt khoát, kiên quyết hơn từ chính phủ sang phe đối lập và có một nền văn hoá chính trị đậm chất đối kháng hơn. Dù vậy thì ở Hàn Quốc và Đài Loan, đã có những làn sóng ủng hộ mạnh mẽ hệ thống đơn đảng kiểu Nhật và ở cả hai quốc gia này thì bộ máy quan liêu trung ương đều phát triển rất mạnh mẽ.

 

4. Phân tích chính phủ độc tài ở Đông Á

Xét từ nhiều khía cạnh, tính hợp pháp và sức lôi cuốn của các nền dân chủ ở Đông Á sẽ phụ thuộc không chỉ vào việc các quốc gia dân chủ trong khu vực này phát triển như thế nào so với quy mô toàn cầu, mà còn nhìn sự phát triển đó trong tương quan với quốc gia độc tài có tầm ảnh hưởng lớn trong khu vực – Trung Quốc. Giống như Singapore trước đây, Trung Quốc là một thách thức to lớn bởi nước này đã có những thành công về mặt kinh tế. Không riêng các quốc gia trong khu vực mà cả những quốc gia khác đều rất muốn sao chép một phần nào đó mô hình của Trung Quốc. Nhưng trước khi chúng ta phê bình và đánh giá về mô hình này, chúng ta cần phải hiểu được nó. Tuy nhiên, ở đây chúng ta lại phải đối mặt với một khoảng trống lớn về mặt quan niệm.

Lĩnh vực chính trị so sánh đã phát triển một hệ thống từ vựng phong phú để phân loại và phân tích các chế độ cộng hoà dân chủ, phân biệt các đặc điểm thể chế và liên hệ chúng tới các tác động kinh tế và chính trị. Những phân tích về hệ thống phi dân chủ lại không giống như vậy. Một vài nỗ lực gần đây của Steven Levitsky, Lucan Way và Andreas Schedler nhằm thiết lập các nguyên tắc phân loại chế độ, mở rộng từ dân chủ toàn bộ cho tới độc tài toàn bộ. Những đóng góp chủ yếu của tài liệu này là để lập ra những hạng mục phân loại, chẳng hạn như “độc tài cạnh tranh” hay “độc tài tuyển cử” nhằm mô tả các chế độ có tổ chức bầu cử, nhưng về cơ bản vẫn dưới sự kiểm soát của một nhà lãnh đạo độc tài, chẳng hạn như tổng thống Nga Vladimir Putin hay tổng thống Venezuela Hugo Chávez.

Các tiêu chí được sử dụng để thiết lập hệ thống phân loại đều dựa vào thực tiễn dân chủ tốt nhất, với những độ chênh lệch khác nhau của chế độ độc tài xét từ mức chuẩn này. Quả thực, một trong những kết luận của Levitsky và Way là các tổ chức như Freedom House đã quá hào phóng trong việc xếp hạng các quốc gia là quốc gia dân chủ. Những tiêu chí này chỉ đo lường nguyên chất lượng của các cơ quan liên quan tới pháp quyền và giải trình trách nhiệm. Tuy nhiên, chúng lại không bao gồm những biện pháp đo lường độc lập về chất lượng của nhà nước. Lĩnh vực này tồn tại một sự thiếu hụt lớn các hạng mục phân tích. Xét trong phạm vi chúng ta đang phân chia từ vựng, hãy trở lại với những thuật ngữ đặt ra bởi Max Weber như “patrimonial” (thân hữu), “prebendal” (xuất phát từ thuật ngữ Prebendalism, được hiểu là chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi), “sultanistic” (thuật ngữ sultanism được nhà xã hội học Max Weber đề xuất, mô tả hình thức cực đoan của nhà nước, trong đó sự cai trị truyền thống tuy có phát triển bộ máy hành pháp và quân đội hiện đại, nhưng lại sử dụng chúng một cách hoàn toàn tùy tiện, chỉ phụ thuộc vào ý thích người đứng đầu), và một số thuật ngữ tương tự; ngoài ra, có một tài liệu mở rộng sự phân biệt giữa độc tài và chuyên chế[6]. Nhiều chỉ số tương tự như WGIs (Worldwide Governance Indicators) – phát triển bởi Viện Ngân hàng thế giới (World Bank Institute, WBI), được đưa ra nhằm đo lường chất lượng của nhà nước theo các chỉ tiêu “hiệu quả chính phủ”, “chất lượng quản lý” và “kiểm soát tham nhũng”. Những chỉ số này, tuy nhiên, lại không phải là những khái niệm được nghiên cứu kĩ lưỡng dựa trên lý thuyết “Nhà nước nên hoạt động như thế nào”; mà thay vào đó, chúng lại là những giỏ tiện lợi mà các nhà nghiên cứu của WBI đã tổng hợp các chỉ số đo lường quản trị định lượng hiện có. (Điều này là không rõ ràng, ví dụ, tại sao “chất lượng quản lý” không phải là phạm trù con của “hiệu quả chính phủ” mà lại là một chỉ tiêu đo lường độc lập). Cũng không có sự phân chia rành mạch giữa các chỉ số của WBI và hệ thống từ vựng cổ của Weber. Các biện pháp đo lường tham nhũng hiện thời không có sự phân biệt giữa các mối quan hệ bảo trợ (patronclient relationship) trong phạm vi bộ máy quan liêu và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, nơi mà chính quyền chỉ đơn thuần chiếm đoạt các tài nguyên công cho mục đích cá nhân mà không hề có bất kỳ một nghĩa vụ chăm lo nào đối với công dân. Chúng ta cũng không có những biện pháp đo lường mức độ để xem rằng chế độ tuyển dụng trong bộ máy nhà nước quan liêu là dựa trên phẩm chất của người đó, hay chỉ là dựa vào quan hệ thân hữu.

Hệ thống phân loại khái niệm của chúng ta không tính đến những khác biệt quan trọng giữa các chế độ phi dân chủ. Trong chính trị học, Aristotle đã đưa ra một hệ thống phân loại các chế độ dựa trên hai chỉ tiêu:

– Thứ nhất, chế độ này dựa trên nguyên tắc của một, một vài hay nhiều người; và

– Thứ hai, nguyên tắc này dựa trên lợi ích của riêng nhóm cầm quyền hay dựa trên lợi ích chung. Sắp xếp các khía cạnh này lại với nhau đã làm nên hệ thống phân loại chế độ sáu lớp, cho phép Aristotle phân biệt vương quyền – trong đó quy tắc của một người là để phục vụ lợi ích chung, và chuyên chế – nơi quy tắc để ra chỉ để phục vụ lợi ích cá nhân của bạo chúa.

Theo lẽ thường, đa phần mọi người sẽ tính đến khả năng tồn tại của chế độ độc tài nhân từ. Ví dụ, có sự phân biệt đạo đức rõ ràng giữa Singapore dưới thời cựu thủ tướng Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew) và nguyên tắc bóc lột của Mobutu Sese Seko ở Zaire (nay là Cộng hoà Dân chủ Congo) hay Kim Jong-II ở Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, chính trị học so sánh đương đại lại mất đi một phần lớn sự phân biệt của Aristotle giữa vương quyền và chuyên chế và cũng không có một phương pháp tốt để phân loại các chế độ phi dân chủ dù cho việc đó sẽ phục vụ cho lợi ích công một cách rộng rãi hơn. Có một điều mà chúng ta phải chấp nhận, đó là việc thừa nhận rằng có một số nhà nước độc tài “có đầu óc phát triển” hay nói cách khác, họ tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Và quan điểm cho rằng một chế độ phi dân chủ có thể thúc đẩy những lợi ích chung chắc chắn sẽ vượt ra ngoài phạm vi của kinh tế học.

 

5. Kết thúc vấn đề

Mặc dù các triều đại Trung Hoa chưa bao giờ phát triển pháp quyền hay cơ chế trách nhiệm giải trình chính thức để hạn chế sự tự do hành pháp, nhưng trách nhiệm giải trình có nội dung và sắc thái đạo đức vẫn là yếu tố trung tâm đối với sự vận hành của toàn hệ thống. Đó chính là cốt lõi của đạo Khổng, của Nho giáo: học thuyết đạo đức được để ra để dung hoà hành vi của giai cấp thông trị và hướng họ hành động theo lợi ích của giai cấp bị trị. Hệ thống đạo đức này đã được thể chế hoá trong một bộ máy quan lại phức tạp với những nội quy hạn chế nghiêm ngặt mức độ hành động của các hoàng đế, những người mà về mặt lý thuyết là có thẩm quyển vô biên. Một trong số những chức năng quan trọng của bộ máy quan lại đó là dạy học cho các hoàng tử và đảm bảo rằng bất cứ ai được chọn lên nắm ngôi sẽ phải hiểu rõ rằng luật lệ không đơn giản là vấn đề của cá nhân mà đó là việc hoàn thành những trách nhiệm muôn đời của tổ tiên.

Tất nhiên là có rất nhiều lý do để việc giải trình trách nhiệm theo đúng thủ tục được ưa thích hơn là việc giải trình trách nhiệm mang nội dung và sắc thái đạo đức. Vấn đề cơ bản với hình thức giải trình thứ hai liên quan tới việc nắm giữ thông tin. Ngay cả khi hoàng đế nắm quyền là một người anh minh, trong trường hợp vắng đi sự tự do báo chí và những thủ tục chính thức như bầu cử chẳng hạn, thì làm sao ông ta có thể biết được đâu là lợi ích chung? Hơn nữa, nếu không có giải trình trách nhiệm theo đúng thủ tục, làm thế nào để một người có thể đảm bảo vị hoàng đế anh minh sẽ tiếp tục giải trình? Trong triều đại Trung Hoa, điều này đã được biết đến với cái tên “Ngụy vương”: Thi thoảng, một ngụy vương xuất hiện và phá bỏ những ranh giới của phong tục tập quán cũng như những đạo lý được chấp nhận, và gây ra những thiệt hại to lớn cho toàn xã hội.

 

(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật LVN Group đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng!

Luật LVN Group (Sưu tầm và biên tập).