>> Luật sư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191

Văn hóa cao, doanh nhân mới phát triển

– Thưa nhà văn Nguyễn Khắc Phục, ông nhìn nhận và đánh giá như nào về vai trò, vị thế của doanh nhân và sự thay đổi từ trước tới nay?

Ông Nguyễn Khắc Phục: Vai trò doanh nhân chưa bao giờ thay đổi. Chính chúng ta mới là người thay đổi cách nhìn về vị trí của họ.

Ví dụ, một ngày, ta thấy mặt trời mọc và lặn, nhưng thực tế đâu có phải vậy. Đó gọi là cái nhìn biểu kiến, xuất phát từ giới hạn vật lí trong mắt nhìn của con người!

Trong xã hội cũng vậy, chúng ta nhìn nhận doanh nhân qua những thành kiến của chính mình. Bởi vậy, trong lòng miền Bắc XHCN, khi tất cả làm việc thuộc nhà nước, mua bán có tem phiếu, phân phối… thì doanh nhân là vô nghĩa.

Nhưng ngay cả lúc đó, doanh nhân vẫn làm các công việc của họ một cách âm thầm. Vì tem phiếu cũng có cách để buôn bán. Có người ăn được gạo nhưng chỉ có tem phiếu bobo, có người ăn được bobo nhưng chỉ có tem phiếu gạo. Họ nghĩ ra cách đem tem phiếu từ nơi này tới nơi khác, trao đổi buôn bán với người có phiếu nhưng không có nhu cầu…

Như thế, vai trò của doanh nhân chưa bao giờ thay đổi. Chỉ có điều là có khi họ nổi lên hay chìm lắng, có khi họ được công nhận, nhưng có khi bị lăng mạ… cái chính là thái độ của chúng ta đối với họ như thế nào mà thôi.

Tóm lại, do cái nhìn biểu kiến của chúng ta mà nhiều khi chưa thấy hết được vai trò của người doanh nhân trong các giai đoạn.

Nền tảng văn hóa kém, doanh nhân khó thành đạt
Nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn Nguyễn Khắc Phục (ảnh Tất Đạt)

– Để giúp doanh nhân thể hiện đúng vai trò của mình trong việc phát triển văn hóa, đặc biệt là tài trợ văn hóa, có nhất thiết chúng ta cần phải xã hội hóa mạnh hơn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thưa ông?

Cái gọi là “xã hội hóa” là chữ. Chúng ta bứng một cái cây ở ngoài tự nhiên đem vào trong lồng kính. Nhưng cái cây đó héo mòn dần, người ta mới đem cây đó trả về chỗ cũ.

Cái cây đó có chất dinh dưỡng của đất, có ánh sáng để quang hợp đã đơm hoa kết trái… Và người ta gọi đó là “xã hội hóa”!!!

Người doanh nhân theo đúng nghĩa luôn cần một xã hội phát triển. Chỉ những người “buôn gian bán lận” – “con buôn” mới cần xã hội mờ mịt, hỗn loạn để dễ bề làm ăn.

Còn doanh nhân chân chính lại cần một xã hội phát triển với động lực chính là sự đi lên của văn hóa! Có thể hiểu văn hóa mà tôi nói đến là toàn bộ cách ứng xử của con người với bên ngoài và với chính mình.

Thế thì, doanh nhân tài trợ văn hóa – hay xã hội hóa văn hóa – thực chất họ đang góp phần vào động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Như thế, chính họ mới có cơ hội để thành công. Không có một doanh nhân chân chính nào có thể thành đạt được trên nền tảng văn hoá xã hội kém phát triển!

“Xã hội hóa” văn hoá đừng “đánh bùn sang ao”

– Thưa ông, từ hàng ngàn năm trước, trình độ xã hội hóa của chúng ta đã phát triển ở mức cao. Trong lễ hội, người dân cả làng, nam – phụ – lão – ấu không phân biệt đều tham gia. Nhưng ngày nay, dường như nhân dân trở thành khán giả trong khi những hoạt động truyền thống lại có những lực lượng chuyên hoặc bán chuyên được thuê về thay thế. Phải chăng ta đang xã hội hóa sai cách?
Đó không chỉ là xã hội hóa ở trình độ cao, mà đó chính là bản chất của nó. Ngày xưa, các lễ hội văn hoá, nghệ thuật phục vụ rất nhiều nhu cầu của con người, trong đó có việc giải phóng con người khỏi các khuân khổ hà khắc, giải phóng bức xúc tính dục, cân bằng xã hội do các luật lệ, thành kiến của phương thức châu Á vốn kìm nén con người. Ngoài ra, lễ hội xưa bổ khuyết cho các trật tự và sự khép kín của các làng.

Để con người được sống thì người ta tổ chức ít nhất một hai ngày như vậy trong năm và người dân dều tham gia vào thảo mãn các mục đích của mình. Đó chính là biểu hiện của sinh hoạt dân chủ trong xã hội cổ đại nguyên thủy của Việt Nam.

Ngày nay, chúng ta lại biến lễ hội thành dịch vụ, mà chỉ có lợi cho một số người.

Ví dụ một công ty truyền thông nhận làm một lễ hội, các nhà tài trợ nhảy vào… Tôi không nói chuyện tốt xấu, đơn giản, mục đích của nó đã không liên quan tới những nguyên nhân, mục đích của lễ hội truyền thống rồi.

Cho nên, cái gọi là “xã hội hóa” thực chất là “đánh bùn sang ao”. Các vai trò, vị trí vẫn luôn ở đó, tại chúng ta thay đổi, cưỡng bức nó khác đi, phải theo ý mình. Như đem cây vào trồng trong tủ kính, không thấy nó nở hoa kết trái thì lại phải trả nó về với tự nhiên.

Nghĩa là, chúng ta đã phản tự nhiên và buộc lòng phải trả lại cho tự nhiên và gọi đó là “xã hội hóa”!

Nhưng thưa nhà văn, năm qua chúng ta đưa ra con số hơn 8.000 lễ hội văn hóa, nghệ thuật trong cả nước. Như thế, có thể nói văn hóa, nghệ thuật được tài trợ bởi doanh nhân đã phát triển rất mạnh đấy chứ?

Trong 8.000 lễ hội dư luận vừa phản ánh, rất nhiều trong số đó xây dựng dưới dạng dịch vụ của nhà nước, nơi mà người dân bị gạt ra thành khán giả, do đó không có lợi cho dân và càng không có lợi cho doanh nghiệp. Tức là không làm phát triển văn hóa mà đó chỉ là dịch vụ hóa văn hóa thôi! Điều này chỉ có hại, không có lợi.

Trong văn hóa nghệ thuật cần dịch vụ, như dịch vụ bán vé, đĩa… nhưng tuyệt đối không được dịch vụ hóa văn hóa vì như thế là biến văn hóa thành các thương vụ tầm thường nhất.

Nền tảng văn hóa kém, doanh nhân khó thành đạt
Một bức tranh của nhà văn Nguyễn Khắc Phục

-Vậy làm sao để đưa vai trò của doanh nhân trong sự phát triển văn hóa trở về với quy luật đúng của nó?

Đơn giản là trả lại cho họ môi trường của chính mình. Trong xã hội luôn tồn tại luật. Luật bất thành văn và luật thành văn như hiến pháp, pháp luật… Dưới luật còn có lệ. Lệ này là kết quả của việc ứng xử theo thói quen, gọi là tập quán pháp – pháp luật tạo dựng bởi tập quán chứ không dựa trên những suy tính kĩ lưỡng, đúng đắn.

Thậm chí, ngày nay ở Việt Nam, chúng ta vẫn hành xử theo lối đó, bất chấp lệ hay tập quán pháp đó chưa chắc đã đúng. Thế thì, ngày nào vẫn còn tập quán pháp thì ngày đó doanh nhân chưa khá lên được.

– Tức là ta phải đưa tài trợ văn hóa cũng như các nghĩa vụ phát triển văn hóa của doanh nhân vào thành luật cụ thể?

Không cần thiết. Nhà nước chớ can thiệp quá mức vào cuộc sống mà vốn nó như thế. Hãy để cho nó như nó vốn sống thế. Các doanh nhân, họ cần lễ hội cũng như cần sự phát triển văn hóa, nghệ thuật  – động lực phát triển xã hội – để họ có thể thành đạt được.

Cần có tầm nhìn sâu hơn trong phát triển văn hóa

– Có một thực tế là doanh nhân thường hướng tới lợi nhuận, trong khi các nhà văn hóa,  nghệ thuật lại hướng tới các mục đích khác. Ông suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Với doanh nhân, có hai kiểu lợi nhuận. Lợi nhuận trông thấy ngay sau các buổi tài trợ và lợi nhuận lâu dài. Có những doanh nhân họ tài trợ theo cách thứ hai. Họ có tầm nhìn và hiểu rằng phải hỗ trợ làm sao để những nơi nghèo khó như Hương Khê, Vụ Quang (Hà Tĩnh), người dân sống được đã, rồi 5, 10, 20 năm sau xã hội phát triển sẽ sinh ra các dịch vụ rồi họ mới hưởng lợi trên nền tảng phát triển của khu vực…

Các doanh nhân cũng cần phân biệt được các lợi ích ngắn hạn và các lợi ích dài hạn. Mà hai loại lợi ích này phụ thuộc phản ứng văn hóa của họ với các diễn biến của đời sống.

Có những doanh nhân nhìn thấy ngay cái lợi trong các tình huống. Nhưng có doanh nhân khác lại nhìn vào chiều sâu và dài lâu hơn. Đó là doanh nhân có tầm nhìn xa. Họ tự thấy cần phải hướng tới cái nghệ thuật truyền thống, bản sắc văn hóa truyền thống. Vì tất cả đều vận động theo hình xoắn ốc.

Thế kỉ qua chứng kiến cuộc cách mạng tình dục ở phương Tây và gần đây là châu Á với lối sống hết sức thoáng. Nhưng từ xa xưa, như tôi nói đã có những lễ hội Giã La, rồi có các hội mà người ta tắt đèn, để đổi vợ, để những người có cơ hội tìm lại nhân tình cũ… Khi chúng ta đi mãi sau về ông cha, thì chúng ta sẽ tìm thấy nhân loại.

Một doanh nhân có tầm nhìn xa phải biết kích thích và khởi động trình tự dân tộc từ văn hóa, nghệ thuật cổ truyền. Tôi chắc chắn một người thích các loại hình nghệ thuật cổ truyền sẽ thích mua hàng Việt Nam hơn là mua sắm hàng hóa nước ngoài.

Thêm vào đó, phú quý sinh lễ nghĩa, khi chúng ta giàu mạnh lên thì tự chúng ta sẽ sản sinh ra những văn hóa, nghệ thuật…

Dàn xếp hợp lí trong phát triển văn hóa

– Nhưng thưa ông, phân công lao động xã hội đã chỉ rõ người doanh nhân làm kinh tế, người lao động nghệ thuật thì phải sáng tạo nghệ thuật. Nhưng có thể thấy, các họat động văn hóa nghệ thuật thường thành công khi có sự tham gia của ít nhất hai lực lượng này. Vậy làm sao để kết hợp được hai lực lượng đó trong công cuộc phát triển văn hóa xã hội?

Có câu: “con phượng thì múa, con nghê thì chầu”, tức là mỗi người có nghề riêng và nó khẳng định rằng phải có sự hài hòa trong xã hội.

Chúng ta cần dàn xếp văn hóa hợp lí. Không phải là dàn xếp trong một sự vụ đơn giản mà là “điệu múa của Vũ Trụ” (một kiểu dàn xếp hài hoà trong triết học Ấn Độ – pv): hài hòa trong Tam Tài giữa Thiên – Địa – Nhân. Trong đó Thiên là vũ trụ, địa là hoàn cảnh cụ thể, nhân là những con người với vai trò cụ thể

– Thưa nhà văn, rõ ràng sự kết hợp là “hết sức cần thiết và đương nhiên” như ông vừa nói, nhưng chúng ta cũng nhìn thấy được sự rời rạc giữa các lực lượng này trong quá trình phát triển văn hóa. Làm sao để thúc đẩy họ đến gần nhau và đóng góp vào công cuộc xây dựng văn hóa chung?

Một cá nhân thì nhìn nhận như vậy, nhưng những người lãnh đạo phải nhìn nhận khác. Người cầm quyền của các nước hiểu rằng nếu một lĩnh vực phát triển quá thì chẳng còn chỗ nào cho lĩnh vực khác phát triển cả.

Như vậy, triết lí cao nhất là cần ban lãnh đạo có tầm vóc, kiên định và có khả năng tổ chức thực hiện!

Và với doanh nhân khi tài trợ văn hóa, họ cần hiểu rằng: có cái lợi ngắn hạn, cái lợi lâu dài; cái lợi trông thấy ngay và cái lợi chưa thể lập tức trông thấy. Như thế, ta không thể đòi hỏi họ phải đầu tư 10-15 năm cho văn hóa, mà cần khuyến khích họ làm ngay những gì họ có thể làm trong khuôn khổ, tầm vóc của họ…

Theo Vnr500

(LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

2. Dịch vụ tư vấn cơ cấu lại doanh nghiệp;

3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp tại Hà Nội;

4. Tư vấn xây dựng quy chế hoạt động cho doanh nghiệp;

5. Luật sư tư vấn vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại;

6. Luật sư tư vấn và giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp.