Căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ ngày 30 ngày 12 năm 2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Quy định cụ thể như sau:

Hành vi nói trên bị xử phạt theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP: Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới:

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe;

c) Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5, điểm c khoản 7 Điều này (Có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia).

Luật LVN Group phân tích chi tiết quy định pháp luật về vấn đề này như sau:

 

1. Khi điều khiển phương tiện thì cần mang theo giấy tờ gì?

Theo quy định tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, khi người tham gia giao thông điều khiển phương tiện (xe mô tô và các loại xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe gắn máy) cần mang theo những loại giấy tờ sau:

(1) Giấy đăng ký xe: là loại giấy tờ nhằm xác nhận quyền sở hữu của chủ xe.

(2) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển cơ giới (được gọi là bằng lái xe): muốn nhận loại giấy tờ này thì cần tham gia kỳ thi sát hạch và có đủ điều kiện.

  • + Hạng A1: cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi – lanh từ 50 cm³ đến dưới 175 cm³, người khuyết tất điều khiển xe mô tô ba bánh dùng cho người khuyết tật.
  • + Hạng A2: cấp cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi – lanh từ 175 cm³ trở lên và các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1.
  • + Hạng A3: cấp cho người lái xe mô tô ba bánh, các loại xe quy định cho giấy phép lái xe hạng A1 và các xe tương tự.

(3) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới: là loại giấy do doanh nghiệp bảo hiểm tự thiết kế. Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới theo điều kiện, mức phí bảo hiểm, mức trách nhiệm bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm.

Như vậy, khi tham gia giao thông thì người điều khiển xe mô tô hay các loại xe tương tự xe mô tô cần mang những giấy tờ gồm: Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe, Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới. Trường hợp người tham gia giao thông điều khiển xe gắn máy hoặc các loại xe tương tự xe gắn máy thì cần mang Giấy đăng ký xe và Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe.

Còn xe máy điện thì phải mang theo những giấy tờ gì khi tham gia giao thông?. Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần hiểu xe máy điện là loại xe như thế nào. Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 3 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, xe máy điện là loại xe gắn máy được dẫn động bằng động cơ điện có công suất lớn nhất không lớn hơn 4kW và có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h.  Xe máy điện là một trong những loại xe gắn máy mà xe gắn máy không nằm trong trường hợp phải có Giấy phép lái xe được quy định tại Điều 59 Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Do đó, người điều khiển xe máy điện khi tham gia giao thông thì sẽ mang những loại giấy tờ sau: Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe.

 

2. Điểm khác nhau giữa xe mô tô và xe gắn máy

Căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT ban hành kèm theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT thì đưa ra khái niệm như sau:

+ Xe mô tô là xe cơ giới có hai hoặc ba bánh và các loại xe tương tự, di chuyển bằng động cơ có dung tích xi lanh từ 50 cm³ trở lên, trọng tải bản thân xe không quá 400 kg.

+ Xe gắn máy là phương tiện chạy bằng động cơ, có hai bánh hoặc ba bánh và vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 50 km/h. Nếu dẫn động là động cơ nhiệt thì dung tích làm việc hoặc dung tích tương đương dưới 50 cm³.

 

3. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi không mang Giấy đăng ký xe

Mức xử phạt hành chính người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy đối với hành vi có liên quan đến Giấy đăng ký xe như sau:

+ Hành vi không mang Giấy đăng ký xe thì bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (điểm b khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

+ Hành vi không có Giấy đăng ký xe thì bị phạt tiền thì bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng (điểm a khoản 2 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 10 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP). Ngoài việc bị phạt tiền mà người điều khiển xe không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của phương tiện (không có giấy tờ, chứng từ chuyển quyền sở hữu xe hoặc giấy tờ, chứng từ nguồn gốc xe hợp pháp) thì bị tịch thu phương tiện.

Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô kể cả xe gắn máy và các loại xe tương tự xe gắn máy khi tham gia giao thông mà không mang Giấy đăng ký xe đều bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

 

4. Mức xử phạt hành chính đối với hành vi không mang Giấy phép lái xe

Mức xử phạt hành chính người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy đối với những hành vi có liên quan đến Giấy phép lái xe như sau:

+ Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang Giấy phép lái xe thì bị phạt từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. (điểm c khoản 2 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

Người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm³ và các loại xe tương tự xe mô tô mà có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. (điểm b khoản 5 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

Người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh từ 175 cm³ trở lên, xe mô tô ba bánh mà có Giấy phép lái xe quốc tế do các nước tham gia Công ước về Giao thông đường bộ năm 1968 cấp (trừ Giấy phép lái xe quốc tế do Việt Nam cấp) nhưng không mang theo Giấy phép lái xe quốc gia thì bị phạt từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. (điểm c khoản 7 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

+ Người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm³ và các loại xe tương tự xe mô tô không có Giấy phép lái xe thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng. (điểm a khoản 5 Điều 21 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bới khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP)

Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô khi tham gia giao thông không mang Giấy phép lái xe thì bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Còn điều khiển xe gắn máy và các loại xe tương tự xe gắn máy thì không bị phạt đối với hành vi vi phạm này. 

Ngoài ra, xác định độ tuổi xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe mô tô, các loại xe tương tự xe mô tô, xe gắn máy hay các loại xe tương tự xe gắn máy hành vi không mang Giấy đăng ký xe, không mang Giấy phép lái xe: (1) Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thì bị phạt cảnh cáo, (2) Người từ đủ 16 tuổi sử dụng xe gắn máy có dung tích xi – lanh dưới 50 cm³ khi tham gia giao thông vi phạm giao thông, (3) Người từ đủ 18 tuổi sử dụng xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi – lanh từ 50 cm³ trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự vi phạm giao thông.

Nếu bạn đọc có bất kỳ vướng mắc nào liên quan đến vấn đề này hay vấn đề khác thì vui lòng liên hệ tới bộ phận tư vấn pháp luật giao thông trực tuyến của Luật LVN Group qua số tổng đài 1900.0191 để được hỗ trợ kịp thời. Xin chân thành cảm ơn!.