1. Vị trí, tính chất của Chủ tịch nước.

Điều 86 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt cho nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại”. Như vậy, cũng như một số bản Hiến pháp trước, Chủ tịch nước chỉ đóng vai trò nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu Nhà nước, thay mặt Nhà nước về đối nội, đối ngoại chứ không đứng đầu Chính phủ như chế định Chủ tịch nước trong Hiến pháp năm 1946.

Chức vụ Chủ tịch nước ở nước ta được hình thành bằng con đường bầu cử gián tiếp. Cử tri cả nước sẽ bầu ra các đại biểu Quốc hội, sau đó, Chủ tịch nước sẽ do Quốc hội bầu ra trong tổng số các đại biểu Quốc hội theo sự giới thiệu của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo 87 Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong tổng số các đại biểu Quốc hội, phải chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội, nhiệm kỳ của chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hộ hết nhiệm kỳ, Chủ tịch nước tiếp tục làm nhiệm vụ cho tới khi Quốc hội khoá mới bầu ra Chủ tịch nước tiếp theo.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước.

Theo Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước có nhiệm vụ, quyền hạn như sau: Công bố hiến pháp, luật, pháp lệnh; Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân và giữ chức vụ chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện trưởngViện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ; Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội hoặc của Ủy ban thường vụ Quốc hội, công bố quyết định tuyên bố tình trạng chiến tranh, công bố quyết định đại xá; Căn cứ vào nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, ra lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ; ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương; Đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về các vấn đề quy định tại điểm 8 và điểm 9, Điều 91 trong thời hạn mười ngày kể từ ngày pháp lệnh hoặc nghị quyết được thông qua; nếu pháp lệnh, nghị quyết đó vẫn được Ủy ban thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành mà Chủ tịch nước vẫn không nhất trí, thì Chủ tịch nước trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp gần nhất; Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao; Quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp cao trong các lực lượng vũ trang nhân dân, hàm, cấp ngoại giao và những hàm, cấp khác; quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương và danh hiệu vinh dự Nhà nước; Cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam; tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam với người đứng đầu nước khác; quyết định phê chuẩn hoặc tham gia điều ước quốc tế, trừ trường hợp cần trình Quốc hội quyết định; Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc tước quốc tịch Việt Nam; Quyết định đặc xá…

Nhiệm vụ, quyền hạn chi tiết được quy định tại Điều 88 Hiến pháp 2013.

3. Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Quốc hội.

Về việc tổ chức bộ máy nhà nước trong Hiến pháp 2013 đã khẳng định rằng: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để mỗi cơ quan có thể phát huy hiệu lực trong việc thi hành các chức năng nhiệm vụ và phối hợp với nhau tạo thành một hệ thống đồng bộ, chặt chẽ, tạo nên sức mạnh tổng hợp của quyền lực Nhà nước.

Theo quy định tại Điều 87 Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước do Quốc hội bầu ra trong số đại biểu Quốc hội, theo sự giới thiệu của Ủy ban thường vụ Quốc hội với nhiệm kì theo nhiệm kì của Quốc hội và phải chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Quốc hội.

 Ví dụ: Trong kì họp quốc hội khóa XII( 2007 – 2011), sau khi đắc cử Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng đã đọc tờ trình giới thiệu ông Nguyễn Minh Triết  vào chức danh Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã được 61/64 đoàn đại biểu Quốc hội đồng ý.

Trước đây, Chủ tịch nước nằm trong Quốc hội, là chủ tịch tập thể. Cho tới Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp 2013, Chủ tịch nước đã được quy định cho thiết chế riêng, tuy nhiên vẫn nghiêng về phía Quốc hội nhiều hơn là gắn bó với Chính phủ như trong Hiến pháp 1946 và 1959. Chủ tịch nước có quyền đề nghị Quốc hội bầu, bãi miễn Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tổ chức và hoạt động của Chủ tịch nước đề do Quốc hội quy định. Quốc hội còn có quyền bãi bỏ các văn bản của Chủ tịch nước nếu văn bản đó trái với Hiến pháp, nghị định của Quốc hội (Điều 70 Hiến pháp 2013). Chủ tịch nước có quyền trình các dự án luật ra trước Quốc hội, kiến nghị về luật thông qua việc kiến nghị ban hành luật mới hoặc sửa đổi, bổ sung luật hiện hành ( Điều 84 Hiến pháp 2013). Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội (Điều 60 Luật Tổ chức Quốc hội 2014 sửa đổi, bổ sung 2020); đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét lại các pháp lệnh, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội…. Xét về mối quan hệ giữa Chủ tịch nước và Quốc hội, qua đó ta có thể thấy mối quan hệ mật thiết, mang tính phát sinh và gắn bó với Quốc hội.

4. Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước và Chính phủ.

Từ chỗ là bộ phận của Chính phủ ( theo Hiến pháp năm 1946), Chủ tịch nước tách ra thành một cơ quan độc lập, với vai trò đại diện cho đại diện cho nhà nước về đối nội, đối ngoại. Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước và Chính phủ được quy định từ Hiến pháp năm 1992 ( sửa đổi bổ sung năm 2001) đến Hiến pháp năm 2013 và luật tổ chức Chính phủ hiện hành quy định như sau: Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch nước căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội hoặc Ủy ban thường vụ Quốc hội bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó thủ tướng, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ( Khoản 2 Điều 88 Hiến pháp năm 2013). Trong thời gian Quốc hội không họp, Chủ tịch nước có quyền quyết định tạm đình chỉ công tác của Phó thủ tướng, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Thủ tướng.

Chính phủ mời Chủ tịch nước tham dự phiên họp của Chính phủ và trình Chủ tịch nước quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chủ tịch nước. Thủ tướng chính phủ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quyết định của Chủ tịch nước. Các báo cáo của Chính phủ trước khi trình lên Chủ tịch nước phải được thảo luận, và biểu quyết theo đa số.

Việc xác định rõ mối quan hệ giữa hai cơ quan này là để tăng cường vai trò của Chủ tịch nước đối với bộ máy hành pháp và đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa Quốc hội, Chủ tịch nước và Chính phủ.

5. Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước và Tòa án nhân dân tối cao.

Mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Tòa án nhân dân tối cao là rất quan trọng. Từ Hiến pháp 1992 và hiện nay là Hiến pháp 2013 chế độ bầu cử Thẩm phán đã được thay bằng chế độ Thẩm phán bổ nhiệm, chỉ trừ đối với các chức vụ Chánh án tòa án nhân dân tối cao do Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm. Các chức vụ khác từ Phó chánh án tòa án Nhân dân tối cao đến Thẩm phán tòa án nhân dân cấp huyện, từ Chánh án Tòa án quân sự Trung ương đến Thẩm phán Tòa án quân sự khu vực đều do Chủ tịch nước bổ nhiệm. Hiện nay, theo Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014 thì việc bổ nhiệm một số chức danh như Chánh án Toà án nhân dân các cấp được giao về cho Chánh tòa án nhân dân tối cao thực hiện (Chánh án Toà án nhân dân tối cao có quyền bổ nhiệm một số chức danh không thuộc quyền hạn bộ nhiểm của Chủ tịch nước theo quy định tại Điều 27 Luật Tổ chức Toà án nhân dân 2014). Chủ tịch nước chỉ còn bổ nhiệm Phó Chánh án và Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương.

Trong thời gian Quốc hội không họp, Chánh tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Chánh tòa án nhân dân tối cao trình Chủ tịch nước ý kiến của mình về những trường hợp người bị kết án tử hình xin ân giảm.

6. Mối quan hệ với Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân hiện hành quy định như sau: Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước, nhiệm kì theo nhiệm kì của Quốc hội. Viện kiểm sát quân sự trung ương do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức với nhiệm kì là 5 năm. Các viện trưởng, phó viện trưởng và kiểm sát viện Viện kiểm sát nhân dân các địa phương và viện kiểm sát quân sự ( trừ viện kiểm sát quan sự trung ương) do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, điều động, miễn nhiệm, cách chức với nhiệm kì là 5 năm. Trong thời gian Quốc hội không họp, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo công tác với Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Chủ tịch nước ý kiến của mình về những trường hợp người bị kết án tử hình xin ân giảm.

7. Đánh giá mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan nhà nước ở trung ương.

Từ sự phân tích trên, có thể thấy Chủ tịch nước nước ta hiện nay phần lớn nghiêng về phía các cơ quan lập pháp bởi: Chủ tịch nước do Quốc hội bầu ra trong tổng số các đại biểu Quốc hội, nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của Quốc hội, báo cáo hoạt động trước Quốc hội và chính thúc hóa nhiều hoạt động của Quốc hội. Điều này có nghĩa là nhiều thẩm quyền được giao cho ngành lập pháp còn Chủ tịch nước có vai trò thông qua một số văn bản để các quyết định của ngành lập pháp được đi vào hoạt động. Ví dụ: căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội để công bố tình trạng chiến tranh, căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội để ra lệnh tổng động viên cục bộ, công bố tình trạng khẩn cấp…. Như vậy, Chủ tịch nước theo pháp luật hiện hành trong mối quan hệ với các cơ quan nhà nươc ở trong ương hiện đang nghiêng hẳn về Quốc hội, gắn bó mật thiết với Quốc hội. Là một thiết chế riêng, độc lập nhưng đã phát huy khá tốt vai trò của mình trong hoạt động của bộ máy nhà nước và trong việc thực hiện chức năng của nhà nước không giống như Chủ tịch nước ( nguyên thủ quốc gia, vua…) ở các nước theo chế độ quân chủ hay ở các nước tư bản.

Chủ tịch nước và các cơ quan nhà nước theo Hiến pháp năm 2013 có mối quan hệ rất chặt chẽ, cùng hỗ trợ nhau trong việc thực hiện chức năng nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình, hoạt động, vẫn còn một số hạn chế nhỏ nảy sinh giữa các quan này trong các vấn lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và một số lĩnh vực khác. Các mối quan hệ này chưa thực sự phát huy cách tối đa hiệu quả nhất. Để khắc phục tình trạng này, Đảng và nhà nước cần củng cố sâu hơn nữa, bền chặt, hiệu quả hơn nữa mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau và đặc biệt là với Chủ tịch nước. Muốn làm được điều đó, trước hết cần xách định đúng vị trí, chức năng và vai trò của Chủ tịch nước trong bộ máy nhà nước. Cần mở rộng, tăng cường vị trí và quyền hạn của Chủ tịch nước trong các hoạt động đối nội và đối ngoại. Trong các phiên họp của Chính phủ, Chủ tịch nước có thể tham gia song vẫn chỉ mang tính hình thức. Bình thường, mọi việc của Chính phủ đều do Thủ tướng Chính phủ điều hành nhưng khi có những vấn đề phát sinh cần sự có mặt của Chủ tịch nước thì các cuộc họp đó nên để Chủ tịch nước điều hành….

Như vậy, mối quan hệ giữa Chủ tịch nước và các cơ quan nhà nước trong bộ máy nhà nước là mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời. Vì vậy, để củng cố bộ máy nhà nước và đạt hiệu quả cao trong hoạt động quản lý nhà nước cần phải thiết lập chặt chẽ hơn nữa mối quan hệ trên và cần phải làm cho Chủ tịch nước ngày càng phát huy tốt hơn nữa vai trò, chức năng và nhiệm vụ của mình trong bộ máy nhà nước và trong xã hội, giúp đất nước phát triển hơn.

Luật LVN Group sưu tầm và biên tập.