Căn cứ vào khoản 2 Điều 21 Bộ luật Lao động năm 2019, khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp vi phạm.

Như vậy, với quy định nêu trên sẽ giúp người sử dụng lao động có cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ; cụ thể, người lao động buộc phảituân thủ cam kết về bảo mật nêu trên, nếu vi phạm thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định.

Hiện nay, một số người sử dụng lao động trước khi giao kết hợp đồng lao động có yêu cầu người lao động làm cam kết “Người lao động có trách nhiệm bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ của công ty. Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày kết thúc hợp đồng lao động với công ty thì người lao động không được làm việc cho công ty đối thủ. Nếu người lao động vi phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại cho công ty và chịu mọi trách nhiệm trước pháp luật”. Tuy nhiên, cam kết này chỉ có hiệu lực một phần và một phần bị vô hiệu. Cụ thể như sau:

* Phần có hiệu lực là người lao động có trách nhiệm bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ của công ty. Dù người lao động có còn làm việc cho công ty hay không, có làm cho công ty đối thủ hay không thì cũng phải có trách nhiệm bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ của công ty cũ theo đúng cam kết; nếu vi phạm sẽ phải bồi thường thiệt hại cho người sử dụng lao động và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ của công ty không chỉ là thực hiện đúng cam kết, đúng pháp luật mà nó còn là lương tâm, trách nhiệm, đạo đức của người lao động với người sử dụng lao động.

* Phần bị vô hiệu là trong thời hạn 03 năm kể từ ngày kết thúc hợp đồng lao động với công ty thì người lao động không được làm việc cho công ty đối thủ. Trong cam kết nêu trên, về thời hạn 03 năm kể từ ngày hợp đồng laođộng chấm dứt chỉ có nghĩa vụ của người lao động mà không có nghĩa vụ gì của người sử dụng lao động; rõ ràng, đây là cam kết không bình đẳng quyền và lợi ích của các bên. Lẽ ra, tương ứng với nghĩa vụ trong thời hạn 03 năm kể từ ngày kết thúc hợp đồng lao động, người lao động không được làm việc cho công ty đối thủ thì người sử dụng lao động cần phải đặt ra nghĩa vụ cho mình là phải trả lương cho người lao động trong vòng 03 năm dù không làm việc (hoặc nghĩa vụ khác tương xứng). Có như vậy, quyền và nghĩa vụ của các bên là tương xứng, lợi ích được cân bằng; người lao động không làm việc cho công ty đôi thủ nhưng vẫn có thu nhập để trang trải cho cuộc sống của mình và gia đình; đổi lại, người sử dụng lao động đạt được mong muốh là người lao động không làm việc cho công ty đối thủ trong vòng 03 năm kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.

Trường hợp chỉ có người lao động phải thực hiện nghĩa vụ trong vòng 03 năm kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động là không được làm việc cho công ty đối thủ, người sử dụng lao động không có bất kỳ nghĩa vụ gì thì rõ ràng nội dung này vi phạm quyền tự do lựa chọn việc làm của người lao động. Việc tự do lựa chọn việc làm của người lao động để có thu nhập trang trải cho cuộc sống của người lao động và gia đình họ là quyền bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Mặt khác, tại Điều 19 Bộ luật Lao động năm 2019 cũng cho phép người lao động cùng lúc được giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động, miễn sao người lao động bảo đảm thực hiện đầyđủ các nội dung đã giao kết với người sử dụng lao động là được nên không có lý do gì cấm người lao động làm việc cho công ty đối thủ. Như vậy, trong trường hợp này, người lao động được quyền làm việc cho công ty đối thủ mà không bị giói hạn về mặt thời gian theo cam kết, miễn sao người lao động bảo vệ tốt bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ của công ty cũ là được.