>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191

Trao đổi với Doanh Nhân& Pháp Luật, chị cho biết: “Truyền thông thoạt nhìn người ta thấy hấp dẫn nhưng nghề không  dễ chút nào”.    

 – Chị đánh giá thế nào về nghề truyền thông ở Việt Nam?

– Nghề truyền thông ở nước ta đã qua thời kỳ non trẻ và đang chuyển tiếp đến giai đoạn phát triển về chất. Đây cũng là nghề có sự chắt lọc, đào thải dữ dội nhất. Truyền thông thoạt nhìn người ta thấy hấp dẫn nhưng nghề không dễ “thở” chút nào.

Việt Nam hiện có khoảng 20.000 công ty truyền thông (thực hiện quảng cáo, tổ chức sự kiện…) trong đó có khoảng 15 DN có thể cạnh trạnh được với DN nước ngoài và mức doanh thu đạt 700 -1.000 tỷ đồng /năm chỉ có 5 DN. Kinh phí quảng cáo (truyền thông) ở nước ta hiện nay 70% thị phần do  DN nước ngoài nắm giữ, 30% còn lại thuộc về DN trong nước. Nhiều lĩnh vực như sản xuất nông lâm sản, ô tô, xe máy… đều được Nhà nước bảo hộ, riêng ngành truyền thông thì hoàn toàn không và không có cả cơ chế nào có lợi cho DN Việt Nam.

DN truyền thông nước ngoài đầu tư vào Việt Nam được hưởng nhiều lợi thế từ chính sách ưu đãi theo Luật Đầu tư, trong khi DN trong nước thì “tự bơi”. Ðây là sự bất bình đẳng rất lớn mà phần thiệt thuộc về DN trong nước. Nghề truyền thông hiện tại chưa có một trường chuyên để đào tạo nhân lực, chủ yếu là do DN tự đào tạo và mọi người tự lớn lên từ môi trường thực tế. Ở mỗi công ty truyền thông, con người là tài sản của DN, vì thế những nhân tố giỏi bỗng dưng trở thành người của công ty khác là chuyện thường ngày trong ngành truyền thông.

– Có người nói rằng “PR  là sơn phết lên các sự kiện của DN những gam màu lấp lánh”, chị nghĩ sao?

– Tôi không nghĩ như vậy. Bản chất của truyền thông là “chiếc cầu nối” giúp DN gửi đến người tiêu dùng bằng một thông điệp đúng, đầy đủ thông tin khiến họ yêu mến sản phẩm và nhà sản xuất. PR không có nghĩa là “nói không thành có” mà chỉ là lối nói khéo về sản phẩm, sự kiện sao cho tinh tế, rõ nét để người tiếp nhận thông tin dễ nghe và thán phục. Tính chuẩn mực của khái niệm PR theo tôi phải hàm chứa tính chân thực, đây cũng là đạo đức của nghề này.

– Đã bao giờ chị từ chối hợp đồng của DN ?

– Khá nhiều hợp đồng chúng tôi không thực hiện. Đơn giản vì vấn đề của DN cần chúng tôi hợp tác không trung thực. Những hợp đồng dù giá trị cao nhưng đem đến cho người tiêu dùng, cho công chúng điều bất lợi chúng tôi đều từ chối, đây cũng là nguyên tắc kinh doanh của Tập đoàn Golden. Nguyên tắc của chúng tôi là làm việc rõ ràng, đúng đắn vì luôn mang tính bền vững.

– Gần đây nhiều DN truyền thông ra đời, trong đó có các tập đoàn truyền thông nước ngoài. Điều này tác động thế nào đến sự phát triển của các “DN truyền thông nội”? 

– Vài năm gần đây, hàng loạt công ty truyền thông được thành lập, dẫn đến cung nhiều hơn cầu. Có nhiều tập đoàn, tổng công ty lập nguyên cả một bộ máy truyền thông, thậm chỉ bỏ hàng trăm tỷ đồng làm hẳn một kênh truyền hình nhưng hiệu quả không cao do thiếu tính chuyên nghiệp. Lĩnh vực truyền thông hiện nay cạnh tranh nhau rất khốc liệt, trong đó có cả sự cạnh tranh không lành mạnh. 

Để tổ chức một sự kiện, các công ty truyền thông ký hợp đồng với DN trên dưới 15%, nhưng nhiều DN nhỏ chỉ thực hiện có 5-7%. Dù phá giá để được hợp đồng nhưng do chất lượng dịch vụ thấp, cách làm thiếu chuyên nghiệp, vô tình làm giảm giá trị dịch vụ, khiến hình ảnh của ngành truyền thông trong nước bị nhòe đi trong con mắt của DN, đặc biệt là DN nước ngoài.

– Cách nào để triệt tiêu những cuộc cạnh tranh không lành mạnh như thế?

– Một công ty truyền thông cần có tiềm lực về chuyên môn, con người và cách quản lý khoa học. Các công ty truyền thông hiện nay thường được sinh ra từ mối quan hệ gia đình, bạn bè nên ít người quan tâm đến tính chuyên nghiệp trong quản lý, nên sức sống không khỏe khoắn. Để loại trừ những cuộc cạnh tranh không lành mạnh, theo tôi ngành truyền thông hiện nay cần một hành lang pháp lý để ràng buộc. Một khi tất cả các DN làm ăn đều thực thi theo tôn chỉ thượng tôn pháp luật thì mọi vấn đề sẽ được khai thông.

– Gần đây người ta đề cập nhiều đến trách nhiệm của doanh nhân với cộng đồng và khái niệm văn hóa công ty, chuyện này ở Golden chắc có đủ dữ liệu để gọi tên cho một khái niệm?

– Văn hóa ở Golden thể hiện rất rõ ở mỗi cá nhân qua cách ứng xử và trên từng công việc. Chiến lược của chúng tôi là thực hiện dịch vụ mang tầm quốc tế, luôn  sáng tạo và tận tâm, hiểu biết rõ  văn hóa, con người và môi trường kinh doanh Việt Nam. Chúng tôi thích sự cạnh tranh bình đẳng.

– Nhiều tập đoàn, tổng công ty chọn Golden Group làm đối tác để truyền thông là do “cái duyên” của CEO Minh Hương hay “sức mạnh” của tập đoàn?

– Tập đoàn Golden là một tập thể. DN đến với chúng  tôi ngày một nhiều  vì họ hài lòng cách mà chúng tôi phục vụ. Chúng  tôi không dùng  mối quan hệ cá nhân để xây dựng hình ảnh và chiến lược phát triển DN mà cấu trúc trên mô hình: làm việc chuyên nghiệp – tận tâm – sáng tạo. Làm truyền thông tìm khách hàng mới khá  dễ  nhưng giữ chân họ thì thật khó. Rất nhiều DN của Golden ban đầu chỉ là khách hàng, chuyển qua đối tác rồi thành bạn bè. Chính mối quan hệ này đã góp công làm cho Golden ngày một lớn mạnh.   

– Giữa một “dân biểu” Minh Hương và một CEO Minh Hương có gì khác biệt?

– Sáu năm làm đại biểu hội đồng nhân dân, trách nhiệm của tôi với cử tri về những bức xúc của đời sống là rất lớn. Đại biểu là cầu nối nói lên tiếng nói của dân, đấu tranh cho dân để những khúc mắc sớm được giải tỏa.

Ở DN, trách nhiệm của cá nhân tôi là phải xây dựng được một DN mạnh và tốt. Trong đầu tôi luôn âm ỉ làm cách gì để tập đoàn phát triển, giữ gìn sự đoàn kết của các công ty thành viên, đưa tập đoàn thành một tổ chức kinh tế đủ mạnh để  cạnh tranh  với các đối thủ của mình. Hiện tại Việt Nam chưa có DN truyền thông nào đủ sức lên sàn chứng khoán, Golden phấn đấu 2 năm nữa sẽ thực hiện điều này.

– Theo chị, để cạnh tranh với nước ngoài, ngành truyền thông trong nước cần chiến lược gì?

– Trong ngành truyền thông ở Việt Nam đang có một nghịch lý, nhiều DN nhà nước chọn các công  ty truyền thông nước ngoài để quảng bá thương hiệu, quảng cáo  sản phẩm, trong khi một số tập đoàn lớn như Unilever, FrieslandCampina, Nokia… lại chọn DN truyền thông trong nước làm đối tác. Điều này chứng minh DN truyền thông Việt Nam đủ sức thực hiện. Để ngành truyền thông phát triển, đi đúng hướng Nhà nước cần khuyến khích các tập đoàn DN  Việt Nam nên hợp tác với DN truyền thông trong nước, đây chính là sự tiếp sức cho ngành truyền thông vượt qua tình trạng tự bơi.

Thế Vĩnh (thực hiện)
Nguồn:
www.phapluatvn.vn

 (LVN GROUP FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)