Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TTXVN |
Quy định về hình thức tổ chức nghi lễ quốc tang được quy định tại Nghị định số 105/2012/NĐ-CP về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức. Nghị định gồm 6 Chương, 60 Điều quy định về việc tổ chức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc hoặc nghỉ hưu khi từ trần.
Lễ Quốc tang được áp dụng đối với cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ: Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội và một số cán bộ cấp cao khác có công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước, nhân dân, có uy tín lớn trong nước và quốc tế do Bộ Chính trị quyết định.
Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được tổ chức tại Hà Nội, Quảng Bình và thành phố Hồ Chí Minh, với những điểm tương đồng và khác biệt với các Quốc tang khác của những nhà lãnh đạo thế giới.
Trước lễ Quốc tang chính thức, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mở cửa căn nhà số 30, đường Hoàng Diệu, nơi Đại tướng đã sống những năm cuối đời, để nhân dân cả nước có dịp được thể hiện niềm tiếc thương đến vị tướng của nhân dân.
Lễ viếng và lễ truy điệu Đại tướng được ấn định vào hai ngày 12-13/10, tổ chức tại ba địa điểm: Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội; Trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình; Hội trường Thống nhất, thành phố Hồ Chí Minh.
Trên thế giới, việc tổ chức Quốc tang đồng thời tại ba địa điểm khác nhau là rất hiếm gặp. Tại Mỹ, thi hài của người đã khuất sẽ được đưa về thủ đô Washington tiến hành nghi lễ Quốc tang, chứ không đồng thời tổ chức tại quê hương hay một địa điểm thứ hai.
Trong 2 ngày diễn ra Quốc tang, các cơ quan công sở sẽ treo cờ rủ. Cờ có dải băng tang với kích thước bằng 1/10 chiều rộng và chiều dài bằng chiều dài lá cờ. Cờ chỉ được treo đến 2/3 của cột và có dải băng vải đen buộc để cờ không bay.
Theo nghi thức Quốc tang hiện hành trong nghị định số 105/2012, lễ đài trong Nhà tang lễ quốc gia sẽ được trang trí phông nền đen, trên treo Quốc kỳ có dải băng tang, di ảnh của người đã khuất và dòng chữ dòng chữ “Vô cùng thương tiếc …”.
Bàn thờ đặt chính giữa phòng, dưới lễ đài, có lư hương và gối Huân chương. Linh cữu phủ Quốc kỳ, đặt trên bệ ở chính giữa lễ đài, đầu hướng về bàn thờ.
Trong quá trình tiến hành lễ viếng có hai chiến sĩ tiêu binh đứng cửa phòng Lễ tang, 4 sĩ quan quân đội mặc lễ phục đứng túc trực 4 góc cách linh cữu 1,5 m và 6 chiến sĩ tiêu binh đứng bên ngoài cách sĩ quan túc trực 0,7 m. Khi lễ truy điệu diễn ra, lực lượng này còn có thêm 127 cán bộ chiến sĩ đại diện cho ba quân chủng.
Ban tổ chức sẽ chuẩn bị 6 vòng hoa, có băng vải đỏ chữ vàng của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình. Ngoài ra, Ban tổ chức cũng sẽ chuẩn bị vòng hoa cho các cơ quan, đoàn thể và cá nhân đến viếng.
Các đoàn vào viếng sẽ được bố trí theo đội hình quy định, với hai chiến sĩ khiêng vòng hoa đi đầu, tiếp theo là Trưởng đoàn, phía sau bên phải Trưởng đoàn là sĩ quan dẫn viếng, các thành viên khác đi theo hai hàng dọc. Sau khi viếng, Trưởng đoàn ghi sổ tang.
Các đoàn đại biểu, các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các cơ quan, cá nhân nước ngoài khác có nguyện vọng đến viếng cũng sẽ được bố trí đón vào dự lễ Quốc tang. Trong suốt quá trình viếng, Quân nhạc cử nhạc “Hồn tử sĩ”.
Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài sẽ tổ chức tiếp đón các tổ chức, cá nhân người Việt Nam, người nước ngoài đến viếng và ghi sổ tang tại cơ quan đại diện.
Trong Lễ truy điệu, gia đình Đại tướng đứng phía bên trái phòng lễ tang, theo hướng nhìn lên lễ đài. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đứng phía bên phải phòng lễ tang. Các đoàn đại biểu khác, lực lượng túc trực và đội quân nhạc đứng theo bố trí.
Lễ đưa tang và an táng
Thể theo di nguyện của Đại tướng và tâm nguyện của gia đình, thi hài ông sẽ được an táng tại quê hương Quảng Bình. Đại tướng cũng như rất nhiều vĩ nhân lịch sử trên thế giới, không lựa chọn khu mộ chuyên dụng cho lãnh đạo quốc gia mà về nơi chôn rau cắt rốn, an nghỉ ngàn năm.
Trong suốt hai ngày tang lễ của Đại tướng, sẽ có 60 sĩ quan cấp tướng túc trực bên linh cữu ông, một quan chức cấp cao của quân đội nhân dân Việt Nam cho biết.
Theo kế hoạch, sau lễ truy điệu, linh cữu Đại tướng sẽ được chuyển trên xe kéo pháo với sự hộ tống của đoàn tiêu binh ra sân bay Nội Bài đưa về Quảng Bình. Máy bay ATR72 của Vietnam Airlines được sử dụng để chở linh cữu, còn máy bay A321 được dùng để phục vụ cho gia đình và Ban lễ tang.
Sau khi máy bay hạ cánh tại sân bay Đồng Hới, Quảng Bình, linh cữu Đại tướng tiếp tục được chuyển trên xe kéo pháo được hộ tống bởi tiêu binh đến địa điểm an táng tại Vũng Chùa – đảo Yến (thuộc xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình).
Theo quy định về quốc tang của Việt Nam, linh cữu được phủ Quốc kỳ, đặt trong lồng kính, sẽ được chuyển từ nhà tang lễ lên xe tang và từ xe tang vào phần mộ, với một sĩ quan mang ảnh, một sĩ quan mang gối Huân chương và một sĩ quan quấn cờ mang cờ đi trước linh cữu.
Một đội công tác gồm một sĩ quan và 12 chiến sĩ chuyển linh cữu từ nhà tang lễ lên xe tang. Trưởng ban, Phó Trưởng ban Lễ tang Nhà nước cùng khiêng phía đầu linh cữu. Gia đình và các thành viên khác đi sau linh cữu.
Đoàn xe sẽ gồm có xe chỉ huy; một xe chở Quốc kỳ, ảnh, gối Huân chương; một xe chở Quân kỳ; 6 xe chở đội hình danh dự; một xe kéo xe tang với khẩu lựu pháo 122 ly phía cuối xe.
Sau khi đội công tác di chuyển linh cữu vào vị trí phần mộ, Trưởng ban Tổ chức Lễ tang tuyên bố hạ huyệt. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và gia đình bỏ nắm đất đầu tiên và đi quanh phần mộ để vĩnh biệt. Quân nhạc cử nhạc “Hành khúc tang lễ” trong suốt nghi lễ. Sau khi hạ huyệt và lấp mộ, Ban lễ tang sẽ dành một phút mặc niệm trong tiếng nhạc “Hồn tử sĩ”.
Tham khảo một số bài viết liên quan:
– Quy định về treo cở rủ trong ngày quốc tang
– Nghi thức quốc tang đại tướng Võ Nguyên Giáp
– Những hình ảnh đẹp về đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ảnh
Một số quy định của pháp luật Việt Nam về nghi thức quốc tang:
>> Tải văn bản: Thông tư số 01/2010/TT-BNG hướng dẫn sử dụng biểu tượng quốc gia và nghi thức nhà nước
>> Tải văn bản: Nghị định số 105/2012/NĐ-CP quy đinh về tổ chức tang lễ cán bộ, công chức, viên chức
Trân trọng./.
BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT – CÔNG TY LUẬT LVN GROUP
—————————————-
THAM KHẢO DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:
1. Tư vấn pháp luật lao động;
3.Tư vấn pháp luật lĩnh vực dân sự;
4. Tư vấn luật hành chính Việt Nam;
2. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;
5.Dịch vụ Luật sư của LVN Group tư vấn giải quyết tranh chấp tại tòa án.
6. Luật sư tư vấn giải quyết tranh chấp hôn nhân gia đình;