Việc thực hiện công việc cho người khác không phải là nghĩa vụ của người thực hiện công việc. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi họ chưa thực hiện công việc, nếu họ đã bắt đầu thực hiện công việc của người khác thì bản thân họ sẽ phải tuân thủ các quy định của pháp luật, tức là việc thực hiện công việc lúc đó sẽ trở thành nghĩa vụ bắt buộc của người thực hiện công việc. Theo quy định, người đã bắt đầu thực hiện công việc không có ủy quyền sẽ có các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 575 Bộ luật dân sự 2015:

Điều 575. Nghĩa vụ thực hiện công việc không có ủy quyền

1. Người thực hiện công việc không có ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc phù hợp với khả năng, điều kiện của mình.

2. Người thực hiện công việc không có ủy quyền phải thực hiện công việc như công việc của chính mình; nếu biết hoặc đoán biết được ý định của người có công việc thì phải thực hiện công việc phù hợp với ý định đó.

3. Người thực hiện công việc không có ủy quyền phải báo cho người có công việc được thực hiện về quá trình, kết quả thực hiện công việc nếu có yêu cầu, trừ trường hợp người có công việc đã biết hoặc người thực hiện công việc không có ủy quyền không biết nơi cư trú hoặc trụ sở của người đó.

4. Trường hợp người có công việc được thực hiện chết, nếu là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại, nếu là pháp nhân thì người thực hiện công việc không có ủy quyền phải tiếp tục thực hiện công việc cho đến khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện đã tiếp nhận.

5. Trường hợp có lý do chính đáng mà người thực hiện công việc không có ủy quyền không thể tiếp tục đảm nhận công việc thì phải báo cho người có công việc được thực hiện, người đại diện hoặc người thân thích của người này hoặc có thể nhờ người khác thay mình đảm nhận việc thực hiện công việc.

1. Người thực hiện công việc có nghĩa vụ thực hiện công việc phù hợp với khả năng, điều kiện của mình.

Khoản 1 Điều 575: “Người thực hiện công việc không có ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc phù hợp với khả năng, điều kiện của mình”

Điểu này có nghĩa là người thực hiện công việc phải biết được khả năng, điều kiện của mình có thể thực hiện công việc đến mức độ nào. Thực tế, tại thời điểm bắt đầu thực hiện công việc, người thực hiện công việc thường có thể nhận thấy trước được khả năng, điều kiện của mình có đủ để thực hiện công việc hay không. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp người thực hiện công việc không thể nhận thức được khả năng, điều kiện của mình tại thời điểm bắt đầu thực hiện công việc mà phải bước vào thực hiện công việc thì người đó mới nhận thức được. Nếu đang thực hiện công việc mà nhận thấy khả năng không thể tiếp tục thực hiện công việc, hoặc không đủ điều kiện để tiếp tục thực hiện công việc, thì người thực hiện công việc phải tạm ngừng thực hiện công việc để tránh gây thiệt hại cho người có công việc. Việc tạm ngừng có thể diễn ra cho đến khi họ tiếp tục thực hiện công việc hoặc cho đến khi đã thông báo và chuyển giao việc thực hiện công việc cho người có công việc.

2. Người thực hiện công việc không có ủy quyền phải thực hiện công việc như công việc của chính mình

Khoản 2 Điều 575 Bộ luật dân sự 2015: “Người thực hiện công việc không có ủy quyền phải thực hiện công việc như công việc của chính mình; nếu biết hoặc đoán biết được ý định của người có công việc thì phải thực hiện công việc phù hợp với ý định đó.”

Trong thực hiện công việc theo ủy quyền, người được ủy quyền phải thực hiện công việc với tư cách của người ủy quyền, và người được ủy quyền sẽ biết trước được ý định của người ủy quyền, nên việc thực hiện công việc sẽ có định hướng rõ ràng. Tuy nhiên, không giống như thực hiện công việc theo ủy quyền, người thực hiện công việc không có ủy quyền thường khó có thể đoán biết được ý định của người có công việc nên để đảm bảo việc thực hiện công việc một cách hiệu quả nhất, vì lợi ích của người có công việc, Bộ luật dân sự quy định người thực hiện công việc không có ủy quyền phải thực hiện công việc như công việc của chính mình. Yêu cầu này là hợp lý, bởi vì chỉ khi coi đó là công việc của mình thì người thực hiện công việc mới có thể thực hiện công việc một cách tận tâm nhất, hoàn thành công việc một cách tốt nhất.

Ví dụ: A đi du lịch nước ngoài 2 tháng. Trong vườn nhà A có vài cây ăn quả đã đến mùa thu hoạch. Trước khi đi A có nhờ B giữ nhà hộ A. Nếu không tiến hành thu hoạch thì A sẽ bị thiệt hại một số tiền đáng kể. Do đó, B đã thuê vài người hàng xóm cùng nhau hái và đem bán số quả đó hộ A.

Khi thực hiện công việc hộ A thì B phải thực hiện đó như công việc của mình nhằm đem lại lợi ích cao nhất cho A.

3. Người thực hiện công việc phải báo về quá trình, kết quả thực hiện công việc khi nào?

Khoản 3 Điều 575 Bộ luật dân sự 2015 “người thực hiện công việc không có ủy quyền phải báo cho người có công việc được thực hiện về quả trĩnh, kết quả thực hiện công việc nếu có yêu cãu, trừ trường hợp người có công việc đã biết hoặc người thực hiện công việc không có ủy quyền không biết nơi cư trú hoặc trụ sở của người đó”.

Bởi vì bản thân người thực hiện công việc không có ủy quyền khó có thể biết được ý định của người có công việc, nên nhiều trường hợp có thể thực hiện công việc không phù hợp với ý định ban đầu của người có công việc. Điều này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của việc thực hiện công việc, gây thiệt hại cho chính người có công việc. Để ngăn chặn sự ảnh hưởng này, người thực hiện công việc phải thực hiện nghĩa vụ thông báo cho người có công việc về quá trình, kết quả thực hiện công việc. Việc thông báo kịp thời có thể giúp cho người có công việc biết được việc thực hiện công việc có phù hợp với ý định của mình hay không, qua đó có cách thức xử lý kịp thời. Song, việc thông báo này chỉ có thể thực hiện được nếu người thực hiện công việc Siết được nơi cư trú hoặc trụ sở cho người có công việc, hoặc có thể liên lạc với người có công việc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngoài ra, nếu người có công việc đã biết về việc thực hiện công việc thì người thực hiện công việc không phải thực hiện nghĩa vụ thông báo này.

Quy định tại khoản 3 Điều này có sự bổ sung so với quy định tại khoản 3 Điều 595 Bộ luật dân sự trước đây. Cụ thể đó là đã bổ sung cụm từ “hoặc trụ sở” sau cụm từ “nơi cư trú”. Sự bổ sung này là phù hợp, bởi vì thực tế cho thấy, người có công việc có thể là cá nhân hoặc pháp nhân, nên phải sử dụng cụm từ trụ sở để phù hợp với thực tế này.

4. Người có công việc được thực hiện chết thì sao?

“Trường hợp người có công việc được thực hiện chết, nếu là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại, nếu là pháp nhân thì người thực hiện công việc không có ủy quyền phải tiếp tục thực hiện công việc cho đến khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc được thực hiện đã tiếp nhận” (khoản 4 Điều 575 Bộ luật dân sự 2015).

Theo quy định này, nếu người có công việc chết hoặc chấm dứt tồn tại thì người thực hiện công việc sẽ không tiếp tục thực hiện công việc khi người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc đã tiếp nhận công việc. Điều này có nghĩa rằng, công việc đó có thể chưa được hoàn thành. Quy định này có một điểm bất hợp lý ở chỗ coi việc người có công việc chết hoặc chấm dứt tồn tại là căn cứ để chấm dứt việc thực hiện công việc. Theo cách quy định tại khoản 4 Điều 575, nếu người có công việc chết hoặc chấm dứt tồn tại thì công việc đó sẽ chuyển giao cho người thừa kế hoặc người đại diện của người có công việc, vấn đề đặt ra là nếu người thực hiện công việc vẫn có thể tiếp tục thực hiện công việc cho đến khi công việc được hoàn thành thì không cần thiết phải chuyển giao công việc khi công việc chưa được hoàn thành.

Quy định tại khoản 4 Điều 575 đã bổ sung cụm từ “nếu là cá nhân hoặc chấm dứt tồn tại, nếu là pháp nhân” so với khoản 4 Điều 595. Sự bổ sung này là hợp lý bởi vì người có công việc có thể là cá nhân hoặc pháp nhân, nên nếu chỉ sử dụng cụm từ “người có công việc chết” thì chưa phản ánh được hết các trường hợp xảy ra trên thực tế.

5. Người thực hiện công việc không có ủy quyền không thể tiếp tục thực hiện công việc thì sao?

“Trường hợp có lý do chính đảng mà người thực hiện công việc không có ủy quyền không thế tiếp tục đảm nhận công việc thì phải báo cho người có công việc được thực hiện, người đại diện hoặc người thân thích của người này hoặc có thể nhờ người khác thay mình đảm nhận việc thực hiện công việc”. (Khoản 5 Điều 575 Bộ luật dân sự 2015)

Mặc dù nghĩa vụ của người có công việc là phải thực hiện công việc như công việc của chính mình và về nguyên tắc, người thực hiện công việc phải thực hiện công việc cho đến khi công việc được hoàn thành. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 5 trên, người thực hiện công việc có thể chấm dứt việc thực hiện công việc khi không thể tiếp tục thực hiện công việc vì lý do chính đáng. Bộ luật dân sự không quy định cụ thể lý do chính đáng để người thực hiện công việc được chấm dứt việc thực hiện công việc là gì. Song, có thể thấy rằng, những lý do liên quan đến sức khỏe, thay đổi nơi cư trú, trụ sở, thay đổi nơi làm việc hoặc các lý do tương tự có thể được coi là chính đáng khiến cho người thực hiện công việc không có đủ điều kiện để hoàn thành công việc.

Trong trường hợp này, người thực hiện công việc phải thông báo cho người có công việc hoặc người đại diện cũng như người thân thích của người có công việc biết, và việc thực hiện công việc chỉ chấm dứt khi những chủ thế này đã tiếp nhận công việc hoặc có một chủ thể khác thay mình đảm nhận việc thực hiện công việc. Nếu người thực hiện công việc không thực hiện việc thông báo mà gây thiệt hại cho người có công việc thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 577 Bộ luật dân sự và các quy định khác có liên quan.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Trân trọng./.