Nghĩa vụ cung cấp chứng cứ trong tố tụng dân sự là nghĩa vụ tố tụng của đương sự, cá nhân, cơ quan nhà nước, tổ chức phải xuất trình cho Toà án các chứng cứ.

Nghĩa vụ cung cấp chứng cứ là một nội dung của nghĩa vụ chứng minh.

Trước đây, điều 6 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 (văn bản đã hết hiệu lực chỉ có giá trị tham khảo, nghiên cứu) quy định các đương sự có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ cho Toà án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì có quyền và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự. Điều 7 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2004 quy định cá nhân, cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyển hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ cho đương sự, Toà án chứng cứ trong vụ án mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đó đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự, Toà án; trong trường hợp không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự, Toà án biết và nêu rõ lý do của việc không cung cấp được chứng cứ.

Việc cung cấp chứng cứ cho Toà án của các chủ thể có thể được tiến hành trước phiên toà hoặc tại phiên toà. Nếu chứng cứ thể hiện dưới dạng các giấy tờ tài liệu thì họ phải xuất trình bản chính cho Toà án đối chiếu với bản sao. Trong việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ các chủ thể bình đẳng. Toà án có nghĩa vụ tiếp nhận tất cả các chứng cứ do các chủ thể cung cấp lưu vào hồ sơ vụ án, xem xét và sử dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự.

Luật LVN Group phân tích chi tiết quy định pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam hiện nay về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ trong tố tụng dân sự như sau:

 

1. Chứng cứ là gì?

Dù là trong hình sự hay là trong dân sự thì chứng cứ cũng đóng vai trò quan trọng trong mỗi vụ việc. Mọi hoạt động trong quá trình chứng minh chủ yếu là xoay quanh vấn đề về chứng cứ, và mọi giai đoạn của tố tụng dân sự mở ra, kết thúc và kết quả của nó như thế nào thì đều phụ thuộc rất lớn vào chứng cứ có được. 

Theo điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.

Như vậy thì dựa vào chứng cứ mà các đương sự có cơ sở xác đáng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và các cơ quan tiến hành tố tụng cũng xem xét được tính đúng đắn của sự việc để bảo vệ lợi ích của người dân và bảo vệ pháp luật. 

 

2. Nghĩa vụ cung cấp chứng cứ trong tố tụng dân sự.

Quy định về cung cấp chứng cứ trong tố tụng dân sự thì từ Bộ luật tố tụng dân sự 2004 cũng đã quy định rất rõ về nghĩa vụ cung cấp chứng cứ. Tiếp đến với Bộ luật  tố tụng dân sự 2015 thì cũng đã quy định tại điều 6 và điều 7. Cụ thể như sau: 

Tại điều 6 Bộ luật Tố tụng dân sự thì cung cấp chứng cứ và chứng minh trong tố tụng dân sự được quy định rằng các đương sự  có quyền và nghĩa vụ chủ động thu thập, giao nộp chứng cứ cho Tòa án và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện, yêu cầu để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền và nghĩa vụ thu thập, cung cấp chứng cứ, chứng minh như đương sự. Và phía bên tòa án có trách nhiệm hỗ trợ đương sự trong việc thu thập chứng cứ và chỉ tiến hành thu thập, xác minh chứng cứ trong những trường hợp mà bộ luật tố tụng dân sự có quy định.

Trách nhiệm cung cấp tài liệu chứng cứ cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ và đúng hạn cho đương sự, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân tài liệu, chứng cứ mà mình đang lưu giữ, quản lý khi có yêu cầu của đương sự Tòa án, Viện kiểm sát theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ đó. Trường hợp mà không cung cấp được thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho đương sự, tòa án, viện kiểm sát. 

Việc cung cấp chứng cứ cho tòa án của các chủ thể được tiến hành trước phiên tòa hoặc là tại phiên tòa. Nếu chứng cứ thể hiện dưới dạng các giấy tờ, tài liệu thì họ phải xuất trình bản chính hoặc là bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc là do cơ quan tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận. Trong việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp chứng cứ thì các chủ thể bình đẳng với nhau, Tòa án có nghĩa vụ tiếp nhận tất cả các chứng cứ do các chủ thể cung cấp lưu vào hồ sơ vụ án, xem xét và sử dụng trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự. 

 

3. Hướng dẫn cách xác định chứng cứ

Căn cứ điều 95 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, thì:

Những căn cứ để xác định chứng cứ đã được quy định rất rõ tại điều 95 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Theo đó thì Bộ luật tố tụng dân sự 2015 đã đưa ra những căn cứ cụ thể như sau: 

Đầu tiên là tài liệu đọc được coi là chứng cứ nếu tài liệu đọc được nội dung được coi là chứng cứ nếu là bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hợp pháp hoặc do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cung cấp, xác nhận.

Thứ hai, là tài liệu nghe được, nhìn được được coi là chứng cứ nếu được xuất trình kèm theo văn bản trình bày của người có tài liệu đó về xuất xứ của tài liệu nếu họ tự thu âm, thu hình hoặc văn bản có xác nhận của người đã cung cấp cho người xuất trình về xuất xứ của tài liệu đó hoặc văn bản về sự việc liên quan tới việc thu âm, thu hình đó.

Thứ ba, thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. 

Thứ tư, vật chứng là chứng cứ phải là hiện vật gốc liên quan đến vụ việc

Thứ năm là lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng được coi là chứng cứ nếu được ghi bằng văn bản, băng ghi âm, đĩa ghi âm, băng ghi hình, đĩa ghi hình, thiết bị khác chứa âm thanh, hình ảnh theo quy định tại khoản 2 Điều này hoặc khai bằng lời tại phiên tòa.

Thứ sáu: kết luận giám định cũng được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định

Thứ bảy: Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc thẩm định được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định

Thứ tám: Kết quả định giá tài sản, kết quả thẩm định giá tài sản được coi là chứng cứ nếu việc định giá, thẩm định giá được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

Thứ chín: Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được coi là chứng cứ nếu việc lập văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

Thứ mười: Văn bản công chứng, chứng thực được coi là chứng cứ nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định

Ngoài ra thì các nguồn khác mà pháp luật có quy định được xác định là chứng cứ theo điều kiện, thủ tục mà pháp luật quy định. 

Trong quá trình tòa án giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền và nghĩa vụ giao nộp tài liệu chứng cứ cho tòa án. Trong trường hợp mà tài liệu, chứng cứ đã được giao nộp chưa bảo đảm đủ cơ sở để giải quyết vụ việc thì thẩm phán yêu cầu đương sự giao nộp bổ sung tài liệu, chứng cứ. Nếu đương sự không giao nộp hoặc giao nộp không đầy đủ tài liệu, chứng cứ do tòa án yêu cầu mà không có lý do chính đáng thì tòa án căn cứ vào tài liệu, chứng cứ mà đương sự đã giao nộp và tòa án đã thu thập theo quy định tại điều 97 của Bộ luật tố tụng dân sự để tiến hành giải quyết vụ việc dân sự. 

Việc mà đương sự giao nộp các tài liệu và chứng cứ cho Tòa án thì phải được lập biên bản. Trong biên bản phải ghi rõ tên gọi, hình thức, nội dung, đặc điểm của tài liệu, chứng cứ; số bản, số trang của chứng cứ và thời gian nhận; chữ ký hoặc điểm chỉ của người giao nộp, chữ ký của người nhận và dấu của Tòa án. Biên bản phải lập thành hai bản, một bản lưu vào hồ sơ vụ việc dân sự và một bản giao cho đương sự nộp chứng cứ.

Khi đương sự giao nộp cho tòa án tài liệu chứng cứ bằng tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài thì phải kèm theo bản dịch sang tiếng việt, được công chứng, chứng thực hợp pháp. 

Về thời hạn giao nộp tài liệu chứng cứ thì thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc ấn định nhưng không được vượt quá thời hạn chuẩn bị xét xử theo thủ tục sơ thẩm, thời hạn chuẩn bị giải quyết việc dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 . Trong trường hợp sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự, đương sự mới cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ mà Tòa án đã yêu cầu giao nộp nhưng đương sự không giao nộp được vì có lý do chính đáng thì đương sự phải chứng minh lý do của việc chậm giao nộp tài liệu, chứng cứ đó. Đối với tài liệu, chứng cứ mà trước đó Tòa án không yêu cầu đương sự giao nộp hoặc tài liệu, chứng cứ mà đương sự không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ việc theo thủ tục sơ thẩm thì đương sự có quyền giao nộp, trình bày tại phiên tòa sơ thẩm, phiên họp giải quyết việc dân sự hoặc các giai đoạn tố tụng tiếp theo của việc giải quyết vụ việc dân sự.

Khi đương sự giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án thì họ phải sao gửi tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác; đối với tài liệu, chứng cứ quy định tại khoản 2 Điều 109 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 hoặc tài liệu, chứng cứ không thể sao gửi được thì phải thông báo bằng văn bản cho đương sự khác hoặc người đại diện hợp pháp của đương sự khác.

Trên đây là toàn bộ những thông tin mà chúng tôi muốn cung cấp cho các bạn có liên quan đến nghĩa vụ cung cấp tài liệu chứng cứ trong tố tụng dân sự. Nếu các bạn còn có những câu hỏi thắc mắc có liên quan đến việc chứng minh và chứng cứ trong tố tụng dân sự thì có thể tiến hành liên hệ trực tiếp với chúng tôi thông qua số điện thoại của tổng đài 1900.0191 để được Luật sư tư vấn hỗ trợ một cách nhanh chóng nhất.