1. Nghĩa vụ dân sự là gì?
Theo Điều 274 Bộ luật dân sự 2015:
Nghĩa vụ là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền).
Như vậy, thuật ngữ “nghĩa vụ” sử dụng trong các văn bản quy phạm pháp luật được hiểu là những xử sự bắt buộc mà một hoặc nhiều chủ thể phải làm. Cơ chế bảo đảm tối đa cho việc bắt buộc phải thực hiện là các biện pháp cưỡng chế của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
2. Nghĩa vụ riêng rẽ theo quy định của pháp luật
Theo quy định tại Điều 278 Bộ luật dân sự 2015 có quy định về thực hiện nghĩa vụ riêng rẽ như sau:
Điều 287. Thực hiện nghĩa vụ riêng rẽ
Khi nhiều người cùng thực hiện một nghĩa vụ, nhưng mỗi người có một phần nghĩa vụ nhất định và riêng rẽ thì mỗi người chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình.
Như vậy, có thể thấy khi thực hiện nghĩa vụ riêng rẽ có những đặc điểm sau:
– Có nhiều người cùng thực hiện một nghĩa vụ: Đây là loại nghĩa vụ được xác định là nhiều người. Theo đó có thể phát sinh các quan hệ giữa các chủ thể sau:
+ Nhiều người có nghĩa vụ với một người có quyền. Ví dụ: A, B, C thực hiện ký các hợp đồng tín dụng vay Ngân hàng X;
+ Nhiều người có nghĩa vụ với nhiều người có quyền. Ví dụ: M, N, H thực hiện ký các hợp đồng tín dụng vay Ngân hàng X, Y, Z.
Đặc điểm này của nghĩa vụ riêng rẽ giúp phân biệt với loại nghĩa vụ một người, nghĩa vụ hoàn lại, nghĩa vụ bổ sung…
– Mỗi người có một phần nghĩa vụ nhất định và riêng rẽ: về nguyên tắc, nếu pháp luật không có quy định khác hoặc các bên trong quan hệ nghĩa vụ không thỏa thuận khác mà phát sinh nghĩa vụ nhiều người thì mỗi người được xác định là có một phần nghĩa vụ nhất định và riêng rẽ nhau.
– Mỗi người chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình: Điểm khác biệt cơ bản giữa nghĩa vụ riêng rẽ và các loại nghĩa vụ khác ở chỗ, khi phát sinh loại nghĩa vụ này, mỗi chủ thể chỉ phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình mà không phải thực hiện nghĩa vụ thay cho người khác. Đặc điểm này của nghĩa vụ riêng rẽ lại một lần nữa khẳng định các chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự luôn độc lập về tổ chức và tài sản, bình đẳng với nhau về địa vị pháp lý. Khi chủ thể tham gia vào quan hệ nghĩa vụ qua đó làm phát sinh các quyền, lợi ích nhất định thì họ cũng phải chịu trách nhiệm bằng tài sản một cách tương xứng với những quyền và lợi ích đó. Khi pháp luật không quy định, các chủ thể không thỏa thuận khác, việc chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình tạo ra địa vị pháp lý cho chính họ.
3. Thế nào là nghĩa vụ liên đới?
Bộ luật dân sự 2015 có quy định về thực hiện nghĩa vụ liên đới tại Điều 288 như sau:
Điều 288. Thực hiện nghĩa vụ liên đới
1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
2. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.
3. Trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.
4. Trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.
Từ quy định trên thì nghĩa vụ liên đới được pháp luật quy định là loại nghĩa vụ nhiều người như nghĩa vụ riêng rẽ. Tuy nhiên, tính chất của nghĩa vụ liên đới được xác định có những điểm khác biệt căn bản so với nghĩa vụ riêng rẽ như sau:
– Bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ liên đới có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người mang nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của mình và những người khác. Ví dụ: Khi pháp luật quy định hoặc các bên chủ thể A, B, C thỏa thuận phát sinh nghĩa vụ liên đới với D thì D có quyền yêu cầu một trong số A, B, C thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Mặc dù, phần nghĩa vụ của mỗi người đều được xác định cụ thể nhưng đã phát sinh nghĩa vụ liên đới nên pháp luật cho phép D quyền được yêu cầu bất cứ ai thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
– Mặc dù là nghĩa vụ liên đới, chủ thể nào đó đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ nhưng nghĩa vụ của mỗi người trong quan hệ nghĩa vụ đó đều phải được xác định cụ thể. Theo đó, khi một chủ thể đã thực hiện nghĩa vụ thay cho những người khác, họ có quyền yêu cầu những người này phải hoàn trả lại cho mình phần nghĩa vụ mà đáng ra họ phải thực hiện với bên có quyền. Như ví dụ trên, Khi D yêu cầu A thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, A có quyền yêu cầu B, C hoàn trả lại cho mình giá trị phần nghĩa vụ mà A đã thực hiện thay B và C.
– Khi chủ thể mang quyền chỉ định người thực hiện toàn bộ nghĩa vụ sau đó lại miễn cho người này thì những người có nghĩa vụ còn lại cũng được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.
– Trong trường hợp chưa chỉ định ai đó thực hiện toàn bộ nghĩa vụ mà người mang quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một chủ thể nào đó thì các chủ thể còn lại vẫn phải thực hiện nghĩa vụ liên đới với người mang quyền. Ví dụ như trên, khi D miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho A thì B và C vẫn phải liên đới thực hiện nghĩa vụ của mình trước bên có quyền là D.
– Căn cứ làm phát sinh nghĩa vụ liên đới bao gồm:
+ Theo thỏa thuận giữa các bên có nghĩa vụ với bên có quyền;
+ Theo quy định của pháp luật. Ví dụ: Khoản 4 Điều 142 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
“Trường hợp người không có quyền đại diện và người đã giao dịch cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại”
Hay tại Điều 338 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định:
“Khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập; bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.”
Điều 587 Bộ luật dân sự năm 2015:
“Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.”
4. Phân biệt nghĩa vụ riêng rẽ và nghĩa vụ liên đới
Có thể phân biệt nghĩa vụ riêng rẽ và nghĩa vụ liên đới dựa vào một sô các tiêu chí sau đây:
– Căn cứ pháp lý: Điều 287 và Điều 288 Bộ luật dân sự 2015.
– Định nghĩa:
+ Nghĩa vụ dân sự riêng rẽ là nghĩa vụ có nhiều người tham gia, trong đó các chủ thể cùng thực hiện quyền hoặc cùng thực hiện nghĩa vụ, nhưng phần quyền hoặc nghĩa vụ của mỗi chủ thể là độc lập và riêng biệt với nhau.
+ Nghĩa vụ dân sự liên đới là nghĩa vụ có nhiều người tham gia, trong đó mỗi người có quyền đều được yêu cầu người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ ; hoặc mỗi người có nghĩa vụ đều có thể bị người có quyền yêu cầu phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
– Quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ:
+ Nghĩa vụ riêng rẽ: Vì mỗi người có một phần nghĩa vụ nhất định và riêng rẽ nên người có quyền chỉ có thể yêu cầu mỗi người thực hiện phần nghĩa vụ của mình.
+ Nghĩa vụ liên đới: Bên có quyền trong quan hệ nghĩa vụ liên đới có thể yêu cầu bất cứ ai trong so những người mang nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của mình và những người khác. Khi một chủ thể đã thực hiện nghĩa vụ thay cho những người khác, họ có quyền yêu cầu những người này phải hoàn trả lại cho mình phần nghĩa vụ mà đáng ra họ phải thực hiện với bên có quyền.
– Miễn thực hiện nghĩa vụ:
+ Đối với nghĩa vụ riêng rẽ thì người có quyền miễn nghĩa vụ cho người nào thì người đó sẽ không phải thực hiện nghĩa vụ.
+ Trong nghĩa vụ liên đới nếu chủ thể mang quyền chỉ định người thực hiện toàn bộ nghĩa vụ sau đó lại miễn cho người này thì những người có nghĩa vụ còn lại cũng được miễn việc thực hiện nghĩa vụ.
5. Thế nào là nghĩa vụ đối với nhiều người có quyền liên đới
Nghĩa vụ đối với nhiều người có quyền liên đới là quan hệ nghĩa vụ phát sinh giữa một người có nghĩa vụ với nhiều người có quyền liên đới. Theo quy định tại Điều 289 Bộ luật dân sự 2015 thì:
Điều 289. Thực hiện nghĩa vụ đối với nhiều người có quyền liên đới
1. Nghĩa vụ đối với nhiều người có quyền liên đới là nghĩa vụ mà theo đó mỗi người trong số những người có quyền đều có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
2. Bên có nghĩa vụ có thể thực hiện nghĩa vụ của mình đối với bất cứ ai trong số những người có quyền liên đới.
3. Trường hợp một trong số những người có quyền liên đới miễn cho bên có nghĩa vụ không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người có quyền liên đới khác.
Như vậy, theo quy đinh trên thì việc thực hiện nghĩa vụ như sau:
– Một trong số những người có quyền liên đới có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ thực hiện toàn bộ nghĩa vụ đối với mình. Ví dụ: A, B cho C vay một khoản tiền 200 triệu. Trong đó, phần của A, B cho C vay là khác nhau nhưng thỏa thuận khi đến hạn, một trong số A, B có quyền yêu cầu C trả cả 200 triệu. Sau đó, A, B tự thanh toán với nhau.
– Khi phát sinh quan hệ loại này, bên có nghĩa vụ được pháp luật cho phép có thể thực hiện toàn bộ nghĩa vụ của mình trước bất kỳ một bên có quyền nào nếu chưa phát sinh quyền yêu cầu từ một chủ thể nào đó.
– Trường hợp một trong số những người có quyền liên đới miễn cho bên có nghĩa vụ không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên có nghĩa vụ vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người có quyền liên đới khác.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc gửi qua Email : Tư vấn pháp luật qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Trân trọng./.