Người mua được quyền để từ chối thanh toán nếu chứng minh được sản phẩm chưa đủ chất lượng
(ảnh mang tính minh họa)

Trong trường hợp sau khi người bán giao hàng cho người mua, người mua phát hiện có những hàng hóa bị hư hỏng, không đủ khối lượng, không đảm bảo chất lượng như đã thỏa thuận, người mua hàng sẽ có quyền từ chối thanh toán số hàng đó với giá theo thỏa thuận ban đầu (Điều 50 CISG). Song để đảm bảo được hưởng quyền trên, người mua cũng có nghĩa vụ phải thông báo cho người bán về những sự việc này trong một thời gian hợp lý để hạn chế đến mức tối thiểu các thiệt hại có thể xảy ra (Điều 39 (1) CISG).

>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi: 1900.0191

Diễn biến tranh chấp

Một hợp đồng mua bán khoai tây được ký kết giữa người bán Cộng hòa Czech và người mua Slovak.  Vào ngày 11/6/2004 người bán giao 12.000 kg hàng cho người mua. Cùng ngày, trong lúc chuyển giao hàng hóa, công nhân của người mua phát hiện có 144 kg khoai tây không đạt chất lượng như đã cam kết. Song, để chắc chắn về việc này, người mua đã kiểm tra cẩn thận, thì, vào ngày 14/6 người mua lại phát hiện có 3.680 kg khoai tây kém chất lượng. Do đó, cùng ngày, người mua đã thông báo cho người bán về việc khoai tây không đạt tiêu chuẩn theo thỏa thuận cùng với ý định hồi trả lượng hàng hóa. Và, để giảm thiểu thiệt hại, người bán đề nghị được rửa lượng khoai tây của mình tại cơ sở của người bán; người bán đồng ý. Sau đó, các bên đã đồng ý rằng người mua được bồi thường chi phí phát sinh và những thiệt hại do việc hàng hóa không đạt chất lượng như cam kết gây ra. Do đó, người mua sẽ được giảm giá mua hàng. Cuối cùng, người bán yêu cầu được thanh toán đối với mẻ hàng khác đã được giao tới người mua, và đơn phương khấu trừ khoản nợ đó với số tiền tương ứng với khoản thiệt hại do việc hàng hóa không đạt chất lượng như đã cam kết gây ra. Tuy nhiên sau đó, người bán đã khởi kiện người mua về giá thanh toán.

Phán quyết của Tòa án

Tòa án sơ thẩm đã đứng về phía người mua bằng cách áp dụng Luật Slovak và yêu cầu người bán phải hoàn trả chi phí của vụ kiện cho người mua. Người bán đã kháng cáo.

Tòa phúc thẩm  đã hoàn trả hồ sơ này cho toà án cấp dưới và yêu cầu điều tra thêm vì theo họ. cả hai bên của hợp đồng đều có địa điểm kinh doanh thuộc các quốc gia tham gia Công ước Viên về mua bán hàng hóa (CISG), và điều (Điều 1(1)(a) CISG) đã không được áp dụng khi Tòa cấp dưới xét xử vụ việc.

Sau khi xem xét lại các bằng chứng do các bên cung cấp, Tòa án đã đi đến kết luận rằng thông báo của người mua về việc hàng hóa không đạt chất lượng đã tuân thủ yêu cầu được đặt ra tại Điều 39 CISG. Thực vậy, người bán đã thông báo cho người mua về việc hàng hóa không đáp ứng được chất lượng như đã thỏa thuận vào ngày làm việc tiếp theo sau ngày kiểm tra kỹ. Kết quả, Tòa án đã tuyên bố người mua được quyền từ chối thanh toán theo giá gốc đã được thỏa thuận trước và bác bỏ yêu cầu bồi thường của người bán.

Bài học kinh nghiệm

Bên mua nên thiện chí thông báo cho bên bán trong một thời hạn hợp lý  trong trường hợp bên mua nhận được hàng hóa từ  bên bán không đúng như thỏa thuận ban đầu để bên mua vừa có thể hưởng được quyền giảm giá  thanh toán vừa giảm thiểu được thiệt hại có thể xảy ra. đồng thời việc thông báo này có thể là tiên đề để các bên có thể tiếp tục mối quan hệ làm ăn lâu dài.

Trường hợp, bên bán thấy rõ được bên mua sẽ vi phạm nghiêm trọng các điều khoản của Hợp đồng trong quá trình thực hiện hợp đồng, bên bán sẽ có quyền chấm dứt việc thực hiện hợp đồng và yêu cầu bên mua bồi thường thiệt hại. Điều 53, 71 và 75 của CISG quy định rõ trường hợp này sẽ được giải quyết như thế nào.
Nguyễn Trung Nam
Cty Luật EP Legal