Căn cứ vào Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2019 thì người lao động và người sử dụng lao động được quyền thỏa thuận với nhau về phụ lục hợp đồng lao động. Trong đó, các bên cần chú ý đến những quy định sau đây:

Thứ nhất, phụ lục hợp đồng lao động là bộ phận của hợp đồng lao động và có hiệu lực như hợp đồng lao động.

Thứ hai, phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động nhưng không được sửa đổi thời hạn của hợp đồng lao động. Trưồng hợp phụ lục hợp đồng lao động quy định chi tiết một số điều, khoản của hợp đồng lao động mà dẫn đến cách hiểu khác với hợp đồng lao động thì thực hiện theo nội dung của hợp đồng lao động. Trường hợp phụ lục hợp đồng lao động sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của hợp đồng lao động thì phải ghi rõ nội dung điều, khoản sửa đổi, bổ sung và thời điểm có hiệu lực.

Như vậy, phụ lục hợp đồng lao động có tính chất bổ sung cho hợp đồng lao động. Các bên của hợp đồng lao động ký kết phụ lục hợp đồng lao động để giải thích, quy định chi tiết một số nội dung của hợp đồng lao động hoặc để sửa đổi, bổ sung các nội dung của hợp đồng lao động đã ký kết.

Thông thường, các nội dung được các bên quy định chi tiết bằng phụ lục khi ký kết hợp đồng lao động là mô tả rõ công việc phải làm; tiền lương và các khoản phụ cấp khác; quyền và trách nhiệm của hai bên liên quan đến việc đào tạo cho người lao động trong quá trình làm việc; thỏa thuận về bảo vệ bí mật kinh doanh, bảo vệ bí mật công nghệ; xác định một số quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm riêng biệt mang tính đặc thù nghề nghiệp hoặc vấn đề mà chỉ một số ít hợp đồng lao động mới có.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, có thể các bên có nhu cầu sửa đổi các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động, như là sửa đổi phần mô tả công việc, sửa đổi thời hạn của hợp đồng, sửa đổi mức lương thì khi đó các bên có thể sử dụng phụ lục hợp đồng lao động để giải quyết các nhu cầu này.