Trong Bộ luật dân sự năm 2015, cụm từ “Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” được xuất hiện 22 lần, ghi nhận trong 15 Điều luật, gồm: Điều 23, Điều 25, Điều 33, Điều 46, Điều 47, Điều 54, Điều 57, Điều 58, Điều 59, Điều 125, Điều 132, Điều 136, Điều 156, Điều 586, Điều 632. Nội dung chủ yếu xoay quanh các vấn đề sau: làm rõ nội hàm khái niệm; giám hộ- (quyền và nghĩa vụ người giám hộ, phạm vi giám hộ); đại diện; giao dịch dân sự do chủ thể này xác lập; Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
1. Tại sao Bộ luật dân sự 2015 lại bổ sung thêm người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi?
Trước đây theo Bộ luật dân sự cũ 2005, căn cứ vào khả năng nhận thức và làm chủ hành vi mà được phân ra nhiều mức độ khác nhau. Cá nhân khi đủ độ tuổi và không thuộc trường hợp mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì họ là những người có năng lực pháp luật đầy đủ, là người tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự bằng hành vi của họ và tự chịu trách nhiệm, tự thực hiện nghĩa vụ dân sự bằng hành vi của họ. Điều này không phù hợp và không đảm bảo yếu tố công bằng về quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể trong các quan hệ dân sự. Bởi trong trường hợp nếu cá nhân bị khuyết thiếu mà ảnh hưởng đến nhận thức và làm chủ hành vi của họ (ví dụ người già, người tàn tật có khả năng nhận thức không sáng suốt dẫn tới không làm chủ và thực hiện được hành vi) nhưng không thuộc trường hợp mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự mà phải thực hiện và chịu trách nhiệm như một người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì rất bất hợp lý. Vì trên thực tế không phải mức độ năng lực hành vi dân sự của cá nhân lúc nào cũng chỉ trong hai thái cực: hoàn toàn đầy đủ hoặc mất mà có rất nhiều người tuy khả năng nhận thức và làm chủ không đầy đủ nhưng chưa đến mức mất hoàn toàn năng lực hành vi dân sự nên việc bổ sung thêm đối tượng người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi là một điều cần thiết.
Sự bổ sung này hoàn toàn phù hợp với nhiệm vụ mà Hiến pháp 2013 cũng như Bộ luật dân sự 2015 là bảo vệ tối đa quyền con người, quyền công dân.
2. Quy định mới về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
2.1 Thế nào là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi?
Căn cứ Điều 23 Bộ luật dân sự 2015, để xác định một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có đủ các điều kiện:
– Về khả năng nhận thức và điều kiển hành vi: người thành niên trong tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự;
– Có yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan;
– Có kết luận giám định pháp y tâm thần;
– Có quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Như vậy, người thành niên do tình trạng thể chất hoặc tinh thần mà không đủ khả năng nhận thức, làm chủ hành vi nhưng chưa đến mức mất năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của người này, người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở kết luận giám định pháp y tâm thần, Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi và chỉ định người giám hộ, xác định quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Khi không còn căn cứ tuyên bố một người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
2.2. Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi- họ là ai?
Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thường tập trung vào nhóm người cao tuổi chủ yếu liên quan đến lý do về tinh thần và người khuyết tật do tình trạng thể chất. Theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2009 thì người cao tuổi là người từ đủ 60 tuổi trở lên. Hầu hết người cao tuổi do hệ thần kinh trung ương bị lão hóa dần dần nên làm cho trí nhớ kém, hay quên, cá biệt mắc một số bệnh như Parkinson hoặc bệnh Alzheimer. Tuy nhiên, không phải tất cả người cao tuổi đều gặp tình trạng có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi. Ngược lại, có những người rất cao tuổi nhưng họ lại rất sáng suốt, minh mẫn. Nên việc kết luận một cá nhân là người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải dựa trên kết luận của tổ chức y tế có thẩm quyền.
2.3. Cơ chế bảo vệ nào dành cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi?
Mặc dù không phải là đối tượng mất năng lực hành vi dân sự, tuy nhiên cũng không giống với người có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi cũng gặp nhiều “hạn chế” trong việc thực hiện quyền của mình. Vì vậy, trong Bộ luật dân sự 2015, đã ghi nhận thêm người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thuộc diện được giám hộ- Đây được coi là điểm mới có giá trị, thể hiện được tính bao quát các trường hợp người được giám hộ, góp phần bảo vệ tốt hơn các chủ thể là người yếu thế trong các giao dịch dân sự.
Khác với người chưa thành niên chưa đủ 15 tuổi và người mất năng lực hành vi dân sự phải bắt buộc có người giám hộ. Thì người chưa thành niên theo quy định từ đủ 15 tuổi nhưng dưới 18 tuổi và người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi không bắt buộc phải có giám hộ. Đối với đối tượng là người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi thì họ được quyền chọn người giám hộ cho mình. Đây là quy định thể hiện rõ nét sự tôn trọng ý chí của người được giám hộ trong điều kiện họ vẫn làm chủ được hành vi của mình. Quy định này thể hiện rõ nét sự tiến bộ trong tư duy lập pháp với mong muốn thể hiện ý chí của chủ thể tham gia vào quan hệ dân sự “trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu”.
3. Ý nghĩa của quy định về người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Việc bổ sung nhóm “người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” sẽ đảm bảo tối đa quyền lợi cuả những người vốn khi sinh ra hoặc vì một lý do nào đó họ không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình giống những người xung quay cùng độ tuổi và môi trường sống, khả năng tự bảo vệ của họ trước các tác động bên ngoài hạn chế hơn những người khác- bảo vệ tốt hơn các chủ thể yếu thế trong quan hệ dân sự.
4. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi
Giao dịch dân sự của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi đươc thực hiện thông qua người giám hộ, bởi những đối tượng này bị hạn chế trong việc thực hiện giao dịch. Theo quy định tại khoản 4 điều 54 Bộ luật dân sự 2015 thì người được chỉ định làm người giám hộ của người có khó khăn về nhận thức và làm chủ hành vi bao gồm:
– Trường hợp vợ là người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi thì vợ là người giám hộ.
– Trường hợp cha và mẹ đều có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi hoặc một người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi, còn người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ.
– Trường hợp người thành niên có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Khoản 2 Điều 25 Bộ luât dân sự 2015 cũng có quy định về quyền nhân thân của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi như sau:
Điều 25. Quyền nhân thân
1. Quyền nhân thân được quy định trong Bộ luật này là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
2. Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi phải được người đại diện theo pháp luật của người này đồng ý theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan hoặc theo quyết định của Tòa án.
Việc xác lập, thực hiện quan hệ dân sự liên quan đến quyền nhân thân của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của vợ, chồng hoặc con thành niên của người đó; trường hợp không có những người này thì phải được sự đồng ý của cha, mẹ của người bị tuyên bố mất tích, người đã chết, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Giao dịch dân sự với người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có thể bị tuyên vô hiệu theo quy định sau:
Điều 125. Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện
1. Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Giao dịch dân sự của người quy định tại khoản 1 Điều này không bị vô hiệu trong trường hợp sau đây:
a) Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;
b) Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;
c) Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự.
Trên đây là tư vấn của Luật LVN Group về vấn đề này. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến số: 1900.0191 để được giải đáp.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.
Bộ phận tư vấn Pháp luật Dân sự – Công ty Luật LVN Group