>> Luật sư tư vấn pháp luật dân sự về giám hộ, gọi: 1900.0191

 

Luật sư tư vấn:

1. Quy định về việc giám hộ

Giám hộ được hiểu là việc cá nhân, pháp nhân được luật quy định, được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hay là do người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình (gọi chung là người giám hộ) để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (người được giám hộ)

Trường hợp giám hộ cho người khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu.

Việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch; 

Ngoài ra, người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ;

 

1.1 Người giám hộ

Người giám hộ có thể là cá nhân, pháp nhân. Và một cá nhân, pháp nhân có thể giám hộ cho nhiều người

– Trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý và việc lựa chọn người giám hộ phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

– Người giám hộ là cá nhân cần có điều kiện:

+ Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

+ Có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ;

+ Không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;

+ Không phải là người đang bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

– Người giám hộ là pháp nhân cần có điều kiện sau:

+ Có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ;

+ Có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ;

– Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên

Được xác định theo thứ tự: Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả là người giám hộ; nếu anh cả hoặc chị cả không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ;

Trường hợp không có người giám hộ như trên thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ.

Nếu không có người giám hộ quy định trong 2 trường hợp trên thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.

– Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự

Trường hợp không có người giám hộ theo quy định do người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn cho mình trước khi ở tình trạng cần được giám hộ thì người giám hộ đương nhiên được xác định như sau:

+ Trường hợp vợ là người mất năng lực hành vi dân sự thì chồng là người giám hộ; nếu chồng là người mất năng lực hành vi dân sự thì vợ là người giám hộ;

+ Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự, còn người  kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ; nếu người con cả không có điều kiện làm người giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện làm người giám hộ là người giám hộ;

+ Trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.

 

1.2 Người được giám hộ

Bao gồm:

+ Người chưa thành niên không còn cha, mẹ hoặc không xác định được cha, mẹ;

+ Người chưa thành niên có cha, mẹ nhưng cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, cha, mẹ đều có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; cha, mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, cha, mẹ đều bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con; cha, mẹ đều không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ;

+ Người mất năng lực hành vi dân sự;

+ Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

 

1.3 Người giám sát việc giám hộ

Người giám sát việc giám hộ phải là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nếu là cá nhân, nếu là pháp nhân thì cần có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám sát nếu là pháp nhân. Và có điều kiện cần thiết để thực hiện việc giám sát.

Người thân thích của người được giám hộ thỏa thuận cử người giám sát việc giám hộ trong số những người thân thích hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát việc giám hộ.

Việc cử, chọn người giám sát việc giám hộ phải được sự đồng ý của người đó. Trường hợp giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ thì người giám sát phải đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ.

Người thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người được giám hộ.

Nếu không có người thân thích của người được giám hộ hoặc không cử, chọn được người giám sát việc giám hộ theo quy định ở trên thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người giám hộ cử cá nhân hoặc pháp nhân giám sát việc giám hộ. Trường hợp có tranh chấp về việc cử, chọn người giám sát việc giám hộ thì Tòa án quyết định.

– Quyền và nghĩa vụ của người giám sát việc giám hộ

+ Theo dõi, kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ;

+ Xem xét, có ý kiến kịp thời bằng văn bản vè việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự quy định về quản lý tài sản của người giám hộ

+ Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giám hộ xem xét thay đổi hoặc chấm dứt việc giám hộ, giám sát việc giám hộ.

>> Xem thêm: Quản lý tài sản của người được giám hộ ? và  Quyền và nghĩa vụ của người giám hộ đương nhiên và giám hộ cử có giống nhau?

 

2. Thủ tục đăng ký người giám hộ

Thẩm quyền đăng ký giám hộ, chấm dứt giám hộ

Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ hoặc người giám hộ thực hiện đăng ký giám hộ. Và cơ quan có thẩm quyền đăng ký chấm dứt giám hộ là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký giám hộ.

Hồ sơ gồm một số giấy tờ sau:

+ Tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu quy định trong phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 04/2020/TT-BTP

+ Văn bản cử người giám hộ của Ủy ban nhân dân cấp xã; Quyết định của Tòa án chỉ định; Văn bản lựa chọn người giám hộ có công chứng, chứng thực của người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình trước khi bị ở tình trạng cần được giám hộ.

+ Trường hợp người giám hộ đương nhiên thì cần giấy tờ chứng minh điều kiện giám hộ đương nhiên. Nếu có nhiều người cùng đủ điều kiện thì cần thêm văn bản thỏa thuận về việc cử một người làm giám hộ đương nhiên.

Thời gian giải quyết

Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ được nêu ở trên nếu thấy đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch và cùng người đi đăng ký và Sổ hộ tịch, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

 

3. Người giám hộ có được mua tài sản của người được giám hộ không ?

Quyền của người giám hộ

– Người giám hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có các quyền:

+ Sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dùng cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ;

+ Được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ;

+ Đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự và thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

– Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi có quyền theo quyết định của Tòa án trong số các quyền được nên ở trên.

Chế độ quản lý tài sản của người được giám hộ

Căn cứ theo Bộ luật Dân sự 2015 thì người giam hộ của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình, được thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi được quản lý tài sản của người được giám hộ theo quyết định của Tòa án trong phạm vi được quy định ở trên.

Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ;

Lưu ý: Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Ngoài ra thì các giao dịch dân sự giữa người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người được giám hộ đều vô hiệu (trừ trường hợp giao dịch được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ)

Như vậy có thể kết luận là giao dịch mua tài sản (giao dịch dân sự) giữa người giám hộ và người được giám hộ sẽ vô hiệu nếu giao dịch đó thực hiện không vì lợi ích của người được giam hộ và sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ

Trên đây là phân tích, hướng dẫn hiệu lực về giao dịch giữa người giám hộ và người được giám hộ của Luật LVN Group. Hi vọng những thông tin mà chúng tôi phân tích, đưa ra trên đây sẽ giúp ích cho quý khách trong quá trình làm việc.

Trong trường hợp quý bạn đọc có điều chưa rõ về bài viết hay có bất cứ khúc mắc về pháp luật vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến theo số Hotline: 1900.0191 để được hỗ trợ giải đáp một cách nhanh, hiệu quả nhất. Rất mong nhận được sự hợp tác và tin tưởng của quý khách, Luật LVN Group xin trân trọng cảm ơn !