NỘI DUNG YÊU CẦU

Kính thưa Luật sư!

Công ty tôi đang thực hiện chế độ nghỉ phép năm 2022 (đối với người LĐ đã làm đủ 12 tháng liên tục trở lên) như sau: Cứ 01 tháng làm việc thì có 1 ngày phép. VD. Nếu người LĐ nghỉ phép trong tháng 2/2022 chỉ được 02 ngày phép ( với điều kiện tháng 1/2022 chưa nghỉ ngày nào). Tôi đã hỏi phòng HCNS công ty tôi, và được trả lời là: Luật 2022 năm nay sửa đổi như thế. Tôi xin quý Ban tư vấn có Biên bản trích dẫn về việc nghỉ phép năm 2022. Về việc ” Cứ 01 tháng làm việc thì có 1 ngày phép đối với người LĐ làm việc trên 12 tháng, tương ứng năm 2021 đã làm đủ 12 tháng trong năm). Tôi xin chân thành cảm ơn!

Công ty Luật TNHH LVN GROUP xin gửi tới quý khách hàng lời chào trân trọng và cảm ơn quý khách đã tin tưởng vào dịch vụ do chúng tôi cung cấp. Chúng tôi nhận được yêu cầu của quý khách liên quan đến nội dung cụ thể như sau:

CƠ SỞ PHÁP LÝ

  • Bộ luật lao động 2019;
  • Nghị định 145/2020/NĐ-CP;
  • Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

NỘI DUNG TƯ VẤN

1. Quy định về ngày nghỉ phép năm của người lao động

1.1 Có phải làm đủ 12 tháng mới được nghỉ phép năm không?

Tại Điều 113 Bộ luật lao động 2019 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 quy định về Nghỉ hằng năm như sau:

“Điều 113. Nghỉ hằng năm

1. Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật, người làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

2. Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

3. Trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm thì được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

4. Người sử dụng lao động có trách nhiệm quy định lịch nghỉ hằng năm sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết. Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần.

5. Khi nghỉ hằng năm mà chưa đến kỳ trả lương, người lao động được tạm ứng tiền lương theo quy định tại khoản 3 Điều 101 của Bộ luật này.

6. Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.

7. Chính phủ quy định chi tiết điều này.

Theo đó thì Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động là 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường.

Người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Nội dung này được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 66 Nghị định 145/2020/NĐ-CP:

“1. Số ngày nghỉ hằng năm của người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 113 của Bộ luật Lao động được tính như sau: lấy số ngày nghỉ hằng năm cộng với số ngày được nghỉ tăng thêm theo thâm niên (nếu có), chia cho 12 tháng, nhân với số tháng làm việc thực tế trong năm để tính thành số ngày được nghỉ hằng năm.”

Như vậy theo quy định trên thì có thể hiểu việc tính ngày nghỉ hàng năm sẽ được người lao động quy định theo trọn năm dương lịch (12 tháng). Nếu người lao động xin nghỉ hằng năm tại thời điểm người lao động làm việc chưa đủ 12 tháng trong năm thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỷ lệ tương ứng với số tháng làm việc thực tế trong năm.

Hiện tại, quy định của pháp luật lao động về ngày nghỉ hàng năm không diễn đạt cụ thể theo nội dung “Cứ 01 tháng làm việc thì có 1 ngày phép đối với người LĐ làm việc trên 12 tháng”. Việc quy định lịch nghỉ hàng năm thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động sau khi tham khảo ý kiến của người lao động và phải thông báo trước cho người lao động biết căn cứ trên các quy định của pháp luật lao động.

Người lao động có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động  để nghỉ hằng năm thành nhiều lần hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần hoặc xin được ứng trước ngày nghỉ hàng năm nếu người sử dụng lao động đồng ý.

1.2. Thời gian được coi là thời gian làm việc để tính số ngày nghỉ phép năm

– Thời gian học nghề, tập nghề theo quy định tại Điều 61 Bộ luật Lao động 2019 nếu sau khi hết thời gian học nghề, tập nghề mà người lao động làm việc cho người sử dụng lao động.

– Thời gian thử việc nếu người lao động tiếp tục làm việc cho người sử dụng lao động sau khi hết thời gian thử việc.

– Thời gian nghỉ việc riêng có hưởng lương theo khoản 1 Điều 115 Bộ luật Lao động 2019.

– Thời gian nghỉ việc không hưởng lương nếu được người sử dụng lao động đồng ý nhưng cộng dồn không quá 01 tháng trong một năm.

– Thời gian nghỉ do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp nhưng cộng dồn không quá 6 tháng.

– Thời gian nghỉ do ốm đau nhưng cộng dồn không quá 02 tháng trong một năm.

– Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

– Thời gian thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở mà được tính là thời gian làm việc theo quy định của pháp luật.

– Thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động.

– Thời gian nghỉ vì bị tạm đình chỉ công việc nhưng sau đó được kết luận là không vi phạm hoặc không bị xử lý kỷ luật lao động.

2. Công ty không cho người lao động nghỉ phép năm sẽ bị xử lý như thế nào?

Theo quy định này, người lao động phải quy định lịch nghỉ hằng năm nhưng trước đó buộc phải tham khảo ý kiến của người lao động. Căn cứ vào lịch nghỉ hằng năm mà người sử dụng lao động thông báo, người lao động sẽ thu xếp công việc để tận dụng quyền nghỉ phép của mình.

Trường hợp không cho người lao động nghỉ phép năm theo quy định, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP với mức phạt từ 10 – 20 triệu đồng.

3. Trường hợp công ty không trả phép năm đúng quy định thì xử lý như thế nào?

Trường hợp xin nghỉ phép nhưng không được chấp thuận, người lao động có thể bảo vệ quyền lợi của mình nhờ các cách sau:

3.1 Cách 1. Khiếu nại

Căn cứ Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động phải thực hiện khiếu nại lần lượt như sau:

Thủ tục khiếu nại

Theo Nghị định 24/2018/NĐ-CP, khi nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sử dụng lao động là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì trong vòng 180 ngày, người lao động được quyền khiếu nại tới người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Nếu người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết (30 ngày) thì có quyền khiếu nại lần hai tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Nếu không được giải quyết đúng hạn hoặc không đồng ý với việc giải quyết của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, người lao động có thể khởi kiện tới Tòa án.

3.2 Cách 2. Tố cáo

Người lao động có thể tố cáo vi phạm của công ty đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Theo Điều 37 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, người lao động có thể gửi đơn tố cáo hoặc tố cáo trực tiếp với Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, kèm theo đó là các bằng chứng vi phạm của công ty.

Thời hạn giải quyết: Không quá 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo (Điều 30 Luật Tố cáo 2018).

Trong quá trình Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xử lý khiếu nại, tố cáo mà xác minh có hành vi vi phạm, người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định, đồng thời còn phải giải quyết quyền lợi chính đáng cho người lao động.

3.3 Mẫu Đơn khiếu nại 

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——***——

ĐƠN KHIẾU NẠI

Kính gửi (1): …………………………………………………

Họ và tên (2): ………………………………………………………………………………….

Địa chỉ: ………………………………………………………………………………………….

Số CMND:…………………. Ngày cấp:…………….. Nơi cấp:……………..

Số điện thoại:……………………………………………………………………

Bộ phận:…………………………………… Chức vụ:…………………………

Nay tôi làm đơn này khiếu nại về (3):………………………………………….

Nội dung khiếu nại (4):

……………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………

Lý do khiếu nại (5) (tài liệu, chứng cứ kèm theo nếu có):

……………………………………………………………………………………

……………………………………………………………………………………

Tôi đề nghị (6):

– Xem xét, xác minh lại hành vi/quyết định;

– Giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và chính sách đã đề ra, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng.

Tôi xin cam đoan mọi thông tin trên là đúng sự thật và xin chịu trách nhiệm về nội dung đã khiếu nại.

Mong quý cơ quan sớm xem xét và giải quyết.

Tôi xin chân thành cảm ơn!

…….., ngày…. tháng …. năm…..

 

Người khiếu nại

(Ký, ghi rõ họ tên)

MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)

Trên đây là nội dung Luật LVN Group đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.