1/ Cơ sở pháp lý:

– Luật doanh nghiệp năm 2014;

– Luật tổ chức tín dụng năm 2010;

2/ Luật sư tư vấn:

Các hình thức người nước ngoài được kinh doanh hoạt động ngân hàng tại Việt Nam

Để người bạn có thể góp vốn và thực hiện hoạt động kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam thì bạn phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam nói chung và Luật doanh nghiệp năm 2014, luật Tổ chức tín dụng năm 2010 nói riêng.

Dựa theo thông tin bạn đưa ra thì bạn không vi phạm các quy định về quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp theo điều 18 Luật doanh nghiệp năm 2014 và điểm b khoản 2 điều 20 luật TCTD năm 2010 về chủ sở hữu tổ chức tín dụng . Do vậy bạn hoàn toàn có khả năng tham gia hoạt động kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam. Và các hình thức mà bạn có thể tham gia hoạt động kinh doanh ngân hàng là:

+ Tổ chức tín dụng cổ phần. (có thể là công ty tài chính cổ phần, ngân hàng thương mại cổ phần,…)

Tổ chức tín dụng cổ phần là loại hình tổ chức tín dụng được thành lập dựa trên cơ sở vốn góp của các cổ đông. Cổ đông có thể là cá nhân, pháp nhân,…

Bạn là cá nhân hoàn toàn có thể góp vốn để trở thành cổ đông của loại hình tổ chức tín dụng này.

+ Tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Luật tổ chức tín dụng 2010 không có quy định về chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm một thành viên là cá nhân hay tổ chức, pháp nhân.

+ Tổ chức tín dụng là hợp tác xã.

Trong TH này bạn là cá nhân nên chỉ có thể tham gia trở thành thành viên của quỹ tín dụng nhân dân theo quy định tại khoản 2 điều 74 Luật tổ chức tín dụng năm 2010 về thành lập tổ chức tín dụng là hợp tác xã “Thành viên của quỹ tín dụng nhân dân là cá nhân, hộ gia đình, các pháp nhân góp vốn khác”.

Tuy nhiên dựa vào thông tin bạn đưa ra chúng tôi xét thấy có các vấn đề như sau:

Vấn đề về chức vụ:

Theo thông tin bạn đưa ra bạn đang là nhân viên của ngân hàng có tiếng tại Mỹ. Bạn không nói rõ chức vụ trong công ty của bạn như thế nào nên chúng tôi xin được đưa ra hai trường hợp như sau:

Trường hợp 1: Giả sử bạn chỉ là nhân viên bình thường mà không phải là thành viên Hội Đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của ngân hàng tại Mỹ.

Bạn hoàn toàn có thể đảm nhiệm chức vụ quản lý tại công ty hoạt động kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam.

Trường hợp 2: Giả sử bạn là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, hoặc thành viên Ban kiểm soát ở ngân hàng làm việc tại Mỹ.

Trong trường hợp này thì bạn không thể đảm nhiệm các chức vụ quản lý trong công ty hoạt động kinh doanh ngân hàng ở Việt Nam. Do vi phạm điểm c khoản 1 điều 33 Luật TCTD 2010 về các trường hợp không được đảm nhiệm chức vụ.

Vấn đề về nơi cư trú:

Bạn là Việt kiều tại Mỹ, và đang là một nhân viên một ngân hàng có tiếng tại Mỹ nên bạn đang sinh sống, làm việc tại Mỹ, điều đó có nghĩa bạn đang không cư trú tại Việt Nam. Do vậy, có hai TH có thể xảy ra:

– Trường hợp 1: Bạn vẫn làm việc, sinh sống tại Mỹ.

Trong TH này thì bạn không được phép làm người đại diện theo pháp luật của công ty. Do vi phạm quy định về người đại diện phải cư trú tại Việt Nam trong điều 13 Luật doanh nghiệp năm 2014. Theo phương án đề xuất của chúng tôi thì bạn nếu trong TH là chủ sở hữu công ty thì có thể thuê người quản lý công ty để đảm nhiệm chức vụ và là người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt nam.

– Trường hợp 2: Bạn trở về Việt Nam cư trú để thực hiện hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Trong trường hợp này thì bạn hoàn toàn có thể trở thành người đại diện theo pháp luật của công ty thực hiện hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật – Luật LVN Group biên tập