1. Khái niệm về người quản lý doanh nghiệp
Theo khoản 24 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020, quy định như sau: “Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.”
Như vậy, Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định rất rõ người quản lý doanh nghiệp là những người giữ chức vụ chính trong doanh nghiệp, nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty như: Chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
2. Người quản lý trong từng loại hình doanh nghiệp
Tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp, pháp luật quy định những chức danh quản lý khác nhau, theo đó chức danh người quản lý doanh nghiệp của các loại hình doanh nghiệp cụ thể sẽ là:
Đối với Doanh nghiệp tư nhân
Người quản lý Doanh nghiệp tư nhân là: Chủ doanh nghiệp tư nhân, Giám đốc quản lý doanh nghiệp và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.
Đối với Công ty hợp danh
Người quản lý công ty hợp danh bao gồm: Thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.
Đối với Công ty TNHH một thành viên
Người quản lý công ty TNHH một thành viên bao gồm các chức danh sau: Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.
Đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên
Người quản lý công ty TNHH hai thành viên trở lên bao gồm các chức danh quản lý sau: Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.
Đối với công ty Cổ phần
Người quản lý công ty cổ phần bao gồm: Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty.
2. Các nghĩa vụ của người quản lý công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020
Trong các người quản lý của công ty, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đặc biệt chú ý đến người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Theo quy định tại Điều 13, Luật Doanh nghiệp năm 2020, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất, nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
b) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Ngoài ra, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm trách nhiệm theo quy định trên.
Đối với những vị trí quản lý khác như: chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng quy định về trách nhiệm của người quản lý tương tự như đối với người đại diện tại các điều: Điều 71; Điều 83; Điều 97; Điều 107; Điều 165; Điều 173. Cụ thể gồm các nghĩa vụ sau:
Thứ nhất, thực hiện quyền và nghĩa vụ một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty. Mặc dù Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành không giải thích thế nào là trung thực, là cẩn trọng, nhưng có thể hiểu:
+ Nghĩa vụ trung thực đòi hỏi những người quản lý phải hành động một cách thẳng thắn, thành thực, không có sự gian dối trong mọi hoạt động của mình.
+ Nghĩa vụ cẩn trọng theo Hamilton (người Mỹ), có nghĩa khi thực hiện chức vụ của mình, người quản lý công ty cần phải: a, Có thiện chí; b, Thực hiện chức vụ như một người có thận trọng bình thường sẽ làm trong trường hợp tương tự; c, Với phương thức thích đáng, họ có lý do tin tưởng rằng đó là phương thức tốt nhất phù hợp với lợi ích công ty.
+ Nghĩa vụ thực hiện công việc một cách tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty cho thấy rằng, người quản lý phải suy đoán thận trọng các phương án và lựa chọn được các phương án tối ưu nhất khi thực hiện công việc của công ty.
Thứ hai, người quản lý có nghĩa vụ trung thành với lợi ích của công ty; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác. Lý thuyết về đại diện đã giải thích rất rõ trong quan hệ đại diện giữa người chủ và người quản lý rất dễ xảy ra vấn đề xung đột lợi ích. Trong trường hợp này, người quản lý có thể không lựa chọn hành động vì lợi ích của công ty, mà lại hành
động vì lợi ích cá nhân. Khi người quản lý trục lợi từ công ty thì họ đã vi phạm nghĩa vụ trung thành. Khác với những người lao động khác trong công ty, người quản lý là người nắm những vị trí, chức vụ quan trọng. Trong quá trình đó, người quản lý có cơ hội tiếp cận với những thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh và tài sản của công ty. Bởi vậy, nếu người quản lý không trung thành với lợi ích của công ty, lợi dụng địa vị, chức vụ của mình để sử dụng những thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản của công ty sai mục đích, nhằm trục lợi thì sẽ gây thiệt hại rất lớn cho công ty.
Thứ ba, người quản lý có nghĩa vụ thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho công ty về doanh nghiệp mà mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp và doanh nghiệp mà người có liên quan của mình làm chủ, cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần, phần vốn góp chi phối. Như vậy, việc xác định được người liên quan của công ty (hay cá nhân, tổ chức có quan hệ trực tiếp hoặc gián tiếp với công ty) là vô cùng quan trọng, nhằm kiểm soát những hành vi trục lợi của người quản lý có thể diễn ra.
Thứ tư, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng có quy định mở nhằm tạo điều kiện cho công ty tự chủ trong việc xác định các nghĩa vụ của người quản lý theo Điều lệ công ty. Theo quy định này, các doanh nghiệp có quyền xác định cụ thể hơn các nghĩa vụ đối với từng vị trí mà người quản lý đảm nhiệm. Bởi, mỗi công ty đều có cơ cấu tổ chức, hoạt động mang những đặc điểm đặc thù riêng, việc trao quyền cho các công ty xác định cụ thể các nghĩa vụ khác của người quản lý là vô cùng quan trọng, giúp cho công ty nâng cao trách nhiệm của người quản lý cũng như hoạt động quản trị của công ty.
Thứ năm, ngoài các nghĩa vụ trên của người quản lý, Luật Doanh nghiệp năm 2020 cũng quy định rất rõ trách nhiệm của người quản lý trong công ty cổ phần khi họ vi phạm nghĩa vụ của người quản lý. Theo đó, “thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba”. Đây cũng là một trong những điểm mới quan trọng của Luật Doanh nghiệp năm 2020 so với Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Như vậy, về cơ bản, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã có những sửa đổi, bổ sung nhằm nhận diện chính xác, đầy đủ hơn về người quản lý trong công ty, cũng như các nghĩa vụ của người quản lý. Tuy nhiên, so với các Luật Doanh nghiệp trước, Luật Doanh nghiệp năm 2020 đã không mở rộng phạm vi người quản lý trong công ty. Đặc biệt, một số vị trí, chức vụ rất quan trọng trong công ty như: Kế toán trưởng, Phó Giám đốc/Phó tổng Giám đốc; Trưởng văn phòng đại diện; Trưởng chi nhánh không được Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định là người quản lý.
Luật Doanh nghiệp cũng quy định mở dành cho Điều lệ công ty xác định các người quản lý khác của công ty. Bởi vậy, khi nhận diện người quản lý trong công ty, Điều lệ công ty cần lưu ý quy định cụ thể hơn đối với các vị trí, chức danh người quản lý của công ty. Ngoài ra, trong hoạt động quản trị công ty, cần lưu ý đến các nghĩa vụ cụ thể đối với từng vị trí quản lý để mô tả công việc và quy định trách nhiệm của người quản lý rõ ràng hơn.
4. Vai trò của người quản lý doanh nghiệp
Như đã phân tích, người quản lý doanh nghiệp là những người mang rõ chức danh trong từng công ty được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 và trong Điều lệ công ty.
Luật Doanh nghiệp 2020 và các văn bản pháp luật liên quan đã quy định rõ quyền và nghĩa vụ của từng chức danh cụ thể: Ví dụ: Chủ tịch công ty TNHH 1 thành viên (Điều 99), Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần (Điều 156)…
Người quản lý doanh nghiệp có thể được sắp xếp theo cấp bậc, những người quản lý chung và chịu trách nhiệm đối với các vấn đề quan trọng được coi là những người quản lý cấp cao: Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty TNHH 2 thành viên trở lên, Chủ tịch công ty TNHH 1 thành viên…
Người quản lý cấp cơ sở (cấp dưới) có thể là Giám đốc hoặc các trưởng phòng/ban chuyên môn.
Tuy nhiên vai trò của người quản lý doanh nghiệp cho dù ở vị trí nào cũng gần như nhau, một số vai trò nổi bật như:
– Đại diện về mặt pháp lý cho công ty: Đại diện cho doanh nghiệp để ký kết hợp đồng với đối tác, đại diện tham gia, giải quyết các vụ việc tranh chấp, các thủ tục hành chính…
– Xây dựng cơ cấu tổ chức, bổ nhiệm các chức danh trong doanh nghiệp
– Quyết định và điều chỉnh các vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hằng ngày của công ty
– Thực hiện việc phân công, quản lý, kiểm tra công việc của cấp dưới quyền;
– Chịu trách nhiệm đối với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
5. Trách nhiệm của người quản lý công ty trong mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn
5.1. Những người có trách nhiệm quản lý trong mô hình công ty này bao gồm:
Chủ tịch hội đồng thành viên (đối với công ty có hội đồng thành viên);
Chủ tịch công ty (đối với công ty không có hội đồng thành viên);
Giám đốc/ Tổng giám đốc;
Cá nhân giữ chức vụ quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty giao kết hợp đồng hoặc giao dịch theo quy định của điều lệ công ty.
5.2. Trách nhiệm của người quản lý công ty
– Chủ tịch Hội đồng thành viên
+ Chuẩn bị chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng thành viên;
+ Chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu họp Hội đồng thành viên hoặc để lấy ý kiến các thành viên;
+ Triệu tập, chủ trì và làm chủ tọa cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên;
+ Giám sát hoặc tổ chức giám sát việc thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên;
+ Thay mặt Hội đồng thành viên ký nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên;
+ Quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều lệ công ty.
– Giám đốc, Tồng giám đốc
+ Tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên;
+ Quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty;
+ Tổ chức thực hiện kế hoạch kinh doanh và phương án đầu tư của công ty;
+ Ban hành quy chế quản lý nội bộ của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác;
+ Bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm người quản lýtrongcông ty, trừ chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên;
+ Ký kết hợp đồng nhân danh công ty, trừtrường hợpthuộc thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thành viên;
+ Kiến nghị phương án cơ cấu tổ chức công ty;
+ Trình báo cáo tài chính hằng năm lên Hội đồng thành viên;
+ Kiến nghị phương án sử dụng và phân chia lợi nhuận hoặc xử lý lỗ trong kinh doanh;
+ Tuyển dụng lao động;
+ Quyền và nghĩa vụ khác được quy định tại Điều lệ công ty, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên, hợp đồng lao động.
– Trách nhiệm khác
+ Tuân thủ pháp luật, Điều lệ công ty, quyết định của chủ sở hữu công ty trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao.
+ Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp tối đa của công ty và chủ sở hữu công ty.
+ Trung thành với lợi ích của công ty và chủ sở hữu công ty; không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
+ Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho chủ sở hữu công ty về doanh nghiệp mà mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối và doanh nghiệp mà người có liên quan của mình làm chủ, cùng sở hữu hoặc sở hữu riêng cổ phần, phần vốn góp chi phối. Thông báo phải được lưu giữ tại trụ sở chính của công ty.
+ Trách nhiệm khác theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.