Căn cứ vào khoản 2 Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019, quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và cồng bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Như vậy, với quy định nêu trên sẽ giúp người lao động biết được điều kiện để mình được thưởng, từ đó tăng động lực làm việc. Trường hợp, người lao động thỏa thuận được điều kiện thưởng tại quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định thì người sử dụng lao động buộc phải thưởng cho người lao động theo đúng quy định.

Thực tế, một số người sử dụng lao động công bố quy chế thưởng Tết Nguyên đán một cách công khai từ đầu năm để người lao động có động lực làm việc tốt, cố gắng hết sức mình nhằm cuối năm được thưởng cao. Tuy nhiên, giữa năm người sử dụng lao động nhận thấy với tình hình thực tế thì người lao động sẽ dễ dàng đạt được chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm, nên họ quyết định tăng chỉ tiêu được thưởng Tết Nguyên đán để người lao động khó đạt thưởng hơn, người sử dụng lao động giảm chi phí thưởng. Rõ ràng đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự thiếu tử tế, thất hứa của người sử dụng lao động. Trong trường hợp này, người lao động tự mình hoặc thông qua tổ chức đại diện người lao động có ý kiến rõ với người sử dụng lao động để họ thực hiện đúng lời hứa từ đầu năm.

Lưu ý, trường hợp người sử dụng lao động sửa đổi tiêu chí để người lao động được thưởng theo hướng hạ chỉ tiêu để được thưởng (người lao động dễ được thưởng hơn) hoặc tăng số tiền thưởng cho người lao động sẽ được Nhà nước khuyến khích, pháp luật bảo vệ.

Thời gian qua, một số người sử dụng lao động đã hành xử kém tử tế; cụ thể, vào dịp cuối năm đã gây áp lực để người lao động viết đơn xin thôi việc nhằm không phải chi khoản tiền trả thưởng Tết Nguyên đán (theo quy chế thưởng tết do người sử dụng lao động công bố từ đầu năm). Lưu ý, trong thời gian này, người lao động cần phải hoàn thành tốt công việc được giao, tránh mắc phải vi phạm để không bị xử lý kỷ luật, sa thải thì người sử dụng lao động sẽ không có cách nào chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động (nếu đó là hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn và thời hạn của hợp đồng còn hiệu lực). Người lao động tuyệt đối không được viết đơn xin thôi việc trong lúc này, bởi một khi viết đơn thôi việc là đồng nghĩa với việc chấm dứt hợp đồng lao động, tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động không trả tiền thưởng tết (số tiền lẽ ra mình được hưởng); nếu người sử dụng lao động gây áp lực, tạo ra khó khăn với người lao động trong quá trình làm việc thì người lao động cần ý kiến với tổ chức đại diện người lao động, cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho mình.