Căn cứ vào khoản 3 Điều 17 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động không được quyền bắt buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.
Như vậy, so với Bộ luật Lao động năm 2012 thì đây là quy định mới tại Bộ luật Lao động năm 2019.
Việc bổ sung quy định mới này nhằm bảo đảm phù hợp với nguyên tắc giao kết hợp đồng lao động là tự nguyện,bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực; tự do giao kết hợp đồng lao động nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội.
Luật LVN Group phân tích chi tiết quy định pháp lý trên như sau:
1. Khái niệm về người sử dụng lao động, người lao động.
– Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.
– Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận; trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân thì có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
2. Các trường hợp công ty được phép trừ lương nhân viên
Căn cứ Điều 102, Điều 129 Bộ luật Lao động 2019, công ty chỉ được phép khấu trừ lương nhân viên được quy định như sau:
– Người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động.Người lao động có quyền được biết lý do khấu trừ tiền lương của mình. Mức khấu trừ tiền lương hằng thàng không được vượt quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân.
– Người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất với giá trị không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố áp dụng tại nơi người lao động làm việc thì người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương và bị khấu trừ hằng tháng vào tháng lương.
– Người lao động làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép thì bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo giá thị trường hoặc nội quy lao động; trường hợp có hợp đồng trách nhiệm thì phải bồi thường theo hợp đồng trách nhiệm; trường hợp do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa , sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì không phải bồi thường.
Như vậy, công ty chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động nếu thuộc trường hợp nêu trên.
3. Trừ lương trái quy định pháp luật, công ty sẽ bị xử lý như thế nào?
Căn cứ khoản 3 Điều 19 Nghị định 12/2022/NĐ-CP có quy định phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hình vi dùng hình thức phạt tiền hoặc cắt lương thay việc xử lý lao động.
Mức phạt tiền quy định đối với các hành vi vi phạm áp dụng với cá nhân. Mức phạt tiền đối với với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Như vậy, trong trường hợp người sử dụng lao động là doanh nghiệp thì hành vi cố ý trừ lương thay cho việc xử lý kỷ luật lao động có thể áp dụng mức phạt lên đến 80 triệu đồng.
4. Người sử dụng lao động có được bắt người lao động làm việc cho mình để trừ nợ hay không?
Theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động chỉ được khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ,thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động. Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không quá 30% tiền lương thực trả hằng tháng của người lao động sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Từ quy định này có thể thấy rằng người sử dụng không được bắt người lao động làm việc cho mình để trừ lương.
Như vậy, khoản nợ của người lao động phải được xác định là khoản nợ này xuất phát từ đâu. Nợ do vay công ty hay làm thất thoát hàng hàng, gây thiệt hại tài sản, thiết bị…. của doanh nghiệp.Người sử dụng có thể thỏa thuận với người lao động về việc trả nợ nhưng không được yêu cầu người lao động đi làm để trả nợ dần.
Trường hợp quá thời hạn thỏa thuận về trả nợ nếu người lao động chưa trả thì người sử dụng lao động có thể khởi kiện người lao động ra Tòa án giải quyết buộc người lao động phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
5. Quy định về quyền và nghĩa vụ người lao động
* Người lao động có quyền sau đây:
– Làm việc, tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
– Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sơ thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể.
– Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động.
– Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tình mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc.
– Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
– Đình công.
– Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
* Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:
– Thực hiện hợp đồng lao động, nội quy lao động, tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.
– Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
6. Quy định các hành vi nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động
Các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động gồm:
– Phân biệt đối xử trong lao động.
– Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.
– Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
– Lợi dụng danh nghĩa dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật.
– Sử dụng lao động chưa qua đào tạo hoặc chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ hành nghề quốc gia.
– Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đich mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.
– Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.