Căn cứ vào Điều 177 Bộ luật Lao động năm 2019, nghĩa vụ của người sử dụng lao động đối với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được quy định như sau:

Một là, không được cản trở, gây khó khăn khi người lao động tiến hành các hoạt động hợp pháp nhằm thành lập, gia nhập và tham gia các hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Hai là, công nhận và tôn trọng các quyền của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đã được thành lập hợp pháp.

Ba là, phải thỏa thuận bằng văn bản với Ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác, kỷ luật sa thải đối với người lao động là thành viên Ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan chuyên môn về lao động thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Sau 30 ngày kể từ ngày báo cho cơ quan chuyên môn về lao động thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định. Trường hợp không nhất trí với quyết định của người sửdụng lao động thì người lao động, Ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.

Bốn là, phải gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ cho người lao động là thành viên Ban lãnh đạo của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đang trong nhiệm kỳ mà hết hạn hợp đồng lao động.

Năm là, các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Như vậy, chỉ khi nào người sử dụng lao động thực hiện các nghĩa vụ nêu trên đối với tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở thì tổ chức đại diện người lao động mới có “sức sống” thực sự và trở thành tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động; ngược lại nó sẽ bị vô hiệu hóa và không có ý nghĩa với người lao động.

Bởi vậy, Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định rõ nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp này nhằm giúp tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở hoạt động một cách hiệu quả.