Luật sư tư vấn:

1. Điều kiện để công nhận liệt sĩ?

– Liệt sĩ là danh hiệu vinh dự do cấp có thẩm quyền của Nhà nước xác định theo những điều kiện được xác định trong các văn bản quy phạm pháp luật cho những người đã dũng cảm hi sinh hoặc chết do vết thương cũ tái phát vì làm nhiệm vụ cách mạng, bảo vệ tổ quốc, tài sản xã hội chủ nghĩa, tính mạng và tài sản của nhân dân.

– Theo khoản 1 Điều 14 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2020 số 02/2020/UBTVQH14 thì có liệt kê các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền xem xét công nhận là liệt sĩ đối với người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của Nhân dân như sau:

+ Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia;

+ Làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trong địa bàn địch chiếm đóng, địa bàn có chiến sự, địa bàn tiếp giáp vùng địch chiếm đóng;

+ Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch;

+ Hoạt động hoặc tham gia hoạt động cách mạng, kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh;

+ Làm nghĩa vụ quốc tế;

+ Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh;

+ Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, diễn tập hoặc làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm;

+ Do ốm đau, tai nạn không thể cứu chữa kịp thời khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo có điều kiện đặc biệt khó khăn theo danh mục do Chính phủ quy định;

+ Trực tiếp làm nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm;

+ Đặc biệt dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của Nhân dân hoặc ngăn chặn, bắt giữ người có hành vi phạm tội, là tấm gương có ý nghĩa tôn vinh, giáo dục, lan rộng rãi trong xã hội;

+ Do vết thương tái phát là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật mà có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên, có bệnh án điều trị vết thương tái phát của bệnh viện tuyến huyện trở lên và biên bản kiểm thảo tử vong;

+ Cuối cùng là mất tích theo các nội dung trên và được cơ quan có thẩm quyền kết luận không phản bội, đầu hàng, chiêu hồi, đào ngũ.

Như vậy chỉ cần đáp ứng một trong các trường hợp nêu trên thì sẽ là điều kiện để cấp có thẩm quyền công nhận là liệt sĩ. Điều kiện, tiêu chuẩn công nhận liệt sĩ chi tiết được quy định tại Điều 14 của Nghị định 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành pháp lệnh ưu đã người có công với cách mạng.

– Các chế độ đối với liệt sĩ gồm có:

+ Tổ chức báo tử, truy điệu, an táng và ghi danh tại công trình ghi công liệt sĩ;

+ Truy tặng bằng Tổ quốc ghi công theo quy định của Chính phủ;

+ Hài cốt liệt sĩ được tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính và an táng;

+ Liệt sĩ không còn thân nhân hưỡng trợ cấp tuất hằng tháng thì người được giao, ủy quyền thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp thờ cũng liệt sĩ.

 

2. Người thờ cúng liệt sĩ là ai?

– Để xác định ai là người có quyền được thờ cúng liệt sĩ thì chúng ta phải đi vào quy định về thân nhân của người có công với cách mạng bao gồm cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con (con đẻ, con nuôi), người có công nuôi liệt sĩ (căn cứ khoản 2 Điều 3 của Pháp lệnh người có công với cách mạng năm 2020). Trong đó người có công nuôi liệt sĩ được xác định là người đã nuôi dưỡng khi liệt sĩ chưa đủ 18 tuổi và thời gian nuôi dưỡng từ 10 năm trở lên.

– Tại quy định của khoản 4 Điều 15 của Pháp lệnh người có công với cách mạng năm 2020 thì người được hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ cũng chính là người có quyền thờ cúng liệt sĩ là thân nhân liệt sĩ nếu liệt sĩ không còn thân nhân thì người được giao, ủy quyền thờ cúng liệt sĩ được hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ. Như vậy theo quy định trên có thể hiểu người được thờ cúng liệt sĩ chính là thân nhân liệt sĩ hoặc người được giao, ủy quyền thời cúng liệt sĩ (nếu liệt sĩ không có thân nhân) và người thời cúng liệt sĩ sẽ được hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ. 

– Mặt khác theo quy định tại Điều 28 của Nghị định số 131/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng có quy định về giải quyết chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ như sau:

+ Trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng thì những người được ủy quyền thờ cúng liệt si hoặc cơ quan, đơn vị được giao thờ cũng liệt sĩ được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.

+ Trường hợp người hưởng trợ cấp thờ cũng liệt sĩ chết hoặc không có điều kiện tiếp tục thờ cúng liệt sĩ thì cá nhân khác được ủy quyền thời cúng liệt sĩ thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật để nhận trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.

+ Trường hợp liệt sĩ còn thân nhân thì người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ là người được các thân nhân liệt sĩ ủy quyền bằng văn bản đảm nhiệm việc thờ cúng liệt sĩ và nhận trợ cấp thờ cúng liệt sĩ theo quy định của pháp luật.

+ Trường hợp thân nhân liệt sĩ chỉ còn con, nếu liệt sĩ có nhiều con thì người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ là người được những người con còn lại ủy quyền, nếu liệt sĩ chỉ có một con hoặc chỉ còn một con còn sống thì không phải làm văn bản ủy quyền. Trường hợp con liệt sĩ giao người khác thực hiện thờ cúng liệt sĩ thì người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ là người được con liệt sĩ thống nhất ủy quyền.

+ Trường hợp liệt sĩ không còn thân nhân hoặc chỉ còn một thân nhân duy nhất nhưng người đó bị hạn chế năng lực hành vi, mất năng lực hành vi, cư trú ở nước ngoài hoặc không xác định được nơi cư trú thì người hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ là người được những người thuộc hàng thừa kế thứ hai ủy quyền. Trường hợp những người này không còn thì được những người thuộc hàng thừa kế thứ ba ủy quyền.

+ Trường hợp không xác định được người ủy quyền thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành quyết định trợ cấp thờ cúng liệt sĩ đối với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi liệt sĩ cư trú trước khi tham gia hoạt động cách mạng. Nếu không xác định được xã nơi liệt sĩ cư trú trước khi tham gia hoạt động cách mạng thì giao cơ quan, đơn vị cấp giấy chứng nhận hi sinh để thực hiện nghi thức dâng hương liệt sĩ theo phong tục địa phương.

Dựa vào các quy định trên có thể thấy pháp luật không có quy định cụ thể về việc ai là người có quyền được thờ cúng liệt sĩ. Nhưng có thể hiểu những người nhận trợ cấp thờ cúng liệt sĩ thì sẽ là người thờ cũng liệt sĩ đó chính là nhân thân của liệt sĩ hoặc những người được ủy quyền nhận trợ cấp thờ cũng liệt sĩ. Nếu liệt sĩ không còn thân nhân thì những người trong gia đình theo hàng thừa kế của liệt sĩ sẽ thỏa thuận với nhau về cử ra một người đại diện để thờ cúng liệt sĩ và được nhận trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.

Trên đây là bài tư vấn của Luật LVN Group, mọi thắc mắc quý khách hàng vui lòng liên hệ số Hotline 1900.0191 để được Luật sư tư vấn, giải đáp. Xin chân thành cảm ơn!