1. Quan điểm, học thuyết về nguồn gốc của nhà nước
Có nhiều quan điểm, học thuyết khác nhau về nguyên nhân, điều kiện dẫn đến sự ra đời của nhà nước như: Học thuyết bạo lực cho rằng chiến tranh giữa các bộ lạc, sự chính phục của bộ lạc này đối với bộ lạc khác chính là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của Nhà nước; Học thuyết tôn giáo (Thiên Chữa giáo, Nho giáo, Hồi giáo…) giải thích nguồn gốc siêu nhiên của nhà nước. Họ cho rằng Nhà nước ra đời là do ý muốn của thượng đế. Người làm vua của một nước là người do thượng đế lựa chọn, là người “thế thiên hành đạo, trị quốc an bang”; Học thuyết gia trưởng cho rằng nhà nước ra đời là do sự hình thành và phát triển của gia đình. Mỗi gia đình có một người đứng đầu – người đó là gia trưởng, mỗi dòng tộc có một người đứng đầu – người đó là tộc trưởng. Nhà nước cũng như gia đình, dòng tộc cần có một người đứng đầu để lãnh đạo, cai quản – người đó là hoàng đế; Học thuyết “Khế ước xã hội” của Ruxô (Jean Jacques Rousseau) thì xem Nhà nước là sản phẩm của sự thoả thuận của các thành viên trong xã hội về việc thành lập một tổ chức điều hòa các mối quan hệ xã hội vì lợi ích của tất cả cộng đồng. Học thuyết “Khế ước xã hội” có những hạt nhân hợp lí và là học thuyết phổ biến ở các nhà nước tư sản về nguồn gốc nhà nước. Các học thuyết trên đây hoặc là sai lầm hoặc là xem xét chưa thật đầy đủ, toàn diện nguyên nhân, điều kiện ra đời của Nhà nước.
Học thuyết Mác – Lênin xem xét nguồn gốc ra đời của nhà nước gắn liền với sự phát triển của kinh tế, xã hội. Trong xã hội cộng sản nguyên thủy, do công cụ lao động thô sơ, năng suất lao động thất nên con người không tạo ra được của cải dư thừa không có sở hữu tư nhân. Khi con người biết chế tạo ra các công cụ lao động bằng đồng, bằng sắt, năng suất lao động cao hơn, xuất hiện của cải dư thừa, sở hữu tư nhân xuất hiện. Dần dần có sự phân công lao động trong xã hội, xuất hiện giai cấp và đấu tranh giai cấp, xuất hiện người bóc lột và người bị bóc lột. Các xung đột trong xã hội ngày càng gay gắt và quyết liệt hơn. Tổ chức thị tộc, bộ lạc không còn phù hợp để quản lí xã hội. Xã hội cần có một tổ chức quyền lực đặc biệt đủ sức mạnh để điều hòa các mối quan hệ trong xã hội. Tổ chức đó ra đời chính là nhà nước. Như vậy, nhà nước ra đời do hai nguyên nhân:
1) Nguyên nhân kinh tế là sự xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất; và
2) Nguyên nhân xã hội là sự ra đời các giai cấp đối kháng cũng như sự mâu thuẫn giữa chúng phát triển đến mức không thể điều hoà được một cách tự nhiên mà cần có một bộ máy đặc biệt có sức mạnh cưỡng chế, bộ máy đó chính là Nhà nước.
2. Nguồn gốc hình thành nhà nước ?
Nguồn gốc nhà nước là vấn đề cơ bản của Lí luận chung về nhà nước và pháp luật. Muốn giải thích đúng đắn bản chất, chức năng, vai trò của nhà nước… đều phải xuất phát từ vấn đề nguồn gốc của nhà nước. Mặc dù đã được nghiên cứu từ thời cổ đại, tuy nhiên, cho đến ngày nay, vấn đề nguồn gốc nhà nước vẫn còn không ít tranh luận. Xuất phát từ quan niệm khác nhau về nhà nước, dẫn đến các cách giải thích khác nhau về nguồn gốc nhà nước.
Các nhà tư tưởng theo thuyết thần học cho rằng, nhà nước là do thượng đế sáng tạo ra. Thượng đế sáng tạo ra con người, sáng tạo ra thế giới, đồng thời sáng tạo ra nhà nước để cai quản con người. Quyền lực nhà nước là do thượng đế ban cho, nhà vua là thiên tử, là sứ giả của thần linh, là cái bóng của thượng đế, nhận quyền lực từ thượng đế, để “thế thiên hành đạo ”, thay mặt cho thượng đế cai quản xã hội. Người đề xướng thuyết này là Agustin, nhà thần học thời trung cổ người Anh. Ở phương Đông, mặc dù không có một học thuyết hoàn chỉnh về nguồn gốc thần thánh của nhà nước, nhưng qua thực tế tổ chức và hoạt động của nhà nước đều phản ánh rõ nét tư tưởng nhà nước bắt nguồn từ thượng đế.
Các nhà tư tưởng theo thuyết gia trưởng mà tiêu biểu là Platon, Aristote và Philmơ coi nhà nước là kết quả của sự phát triển tự nhiên của gia đình, nhà nước có trong mọi xã hội. Các tác giả theo trường phái này quan niệm, xã hội như một gia đình mở rộng, “nhà chỉnh là cáỉ nước nhỏ, nước tức là cái nhà to” Trong mỗi gia đình đều có người gia trưởng đứng đầu làm nhiệm vụ cai quản gia đình, nhà nước được xem như người đứng đầu xã hội, thực hiện việc cai quản xã hội. Quyền lực nhà nước là sự phát triển tiếp tục quyền lực của người gia trưởng và về bản chất cũng giống như quyền lực của người gia trưởng.
Thuyết khế ước xã hội giải thích nguồn gốc nhà nước bắt đầu từ xã hội. Các nhà tư tưởng của thuyết này mà đại biểu là G. Grotius, B. Sponoza, Thomas Hober, J. Loke, J. J. Rousseau, A. Radisep… cho rằng xã hội vốn trong trạng thái không có nhà nước, ở đó con người là hoàn toàn tự do, ai cũng có các quyền tự nhiên của mình như quyền sống, quyền tự do, quyền sở hữu tài sản…, mọi người tự bảo vệ lấy các quyền tự do của minh. Tuy nhiên, vì khả năng cũng như cách thức bảo vệ của mỗi người là khác nhau nên khi mỗi người đều tự bảo vệ lấy các quyền tự do của mình thì có thể dẫn xã hội đến trạng thái hỗn loạn. Trong điều kiện đó, cộng đồng xã hội đã họp nhau lại, soạn thảo một khế ước chung, trong đó thoả thuận thành lập nên nhà nựớc, trao cho nhà nước các quyền vốn là của mọi người để nó thay mặt mọi người bảo vệ các quyền, tự do của họ. Một khi nhà nước không hoàn thành sứ mệnh được giao phó, các quyền tự nhiên của con người bị vi phạm, xã hội có thể hủy bỏ khế ước cũ, soạn thảo khế ước mới để thành lập nhà nước mới.
Thuyết bạo lực mà đại diện là Gumplovic, E. During giải thích nhà nước là sản phẩm cuộc chiến tranh giữa các thị tộc. Trong thời đại nguyên thủy, các thị tộc thường gây chiến với nhau nhằm mở rộng địa bàn cư trú, tìm kiếm thức ăn, nguồn nước… Ket quả của các cuộc chiến đó là thị tộc chiến thắng cần có công cụ để nô dịch kẻ bại trận, vì vậy họ đã thiết lập ra hệ thống cơ quan bạo lực đặc biệt, đó chính là nhà nước.
Bằng phương pháp duy vật biện chứng, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lênin đã xây dựng luận thuyết mới về nguồn gốc của nhà nước. Nội dung của luận thuyết này được trình bày một cách toàn diện, sâu sắc và có hệ thống trong tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước”ỵ của Ph. Àngghen và tác phẩm “Nhà nước và cách mạng’’của V. I. Lênin. Trong các công trình nghiên cứu của mình, Ph. Ăngghen và V. I. Lênin khẳng định rằng, nhà nước là một hiện tượng xã hội mang tính lịch sử, nó xuất hiện một cách khách quan, là sản phẩm của đời sống xã hội khi xã hội đã phát triển đến một giai đoạn nhất định, trong xã hội xuất hiện chế độ tư hữu và phân chia thành các giai cấp đối kháng.
Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, chế độ cộng sản nguyên thủy là thời kì chưa có nhà nước. Khi mới thoát thai khỏi động vật, con người tụ tập thành từng bầy gọi là bầy người nguyên thủy. Trải qua quá trình phát triển lâu dài, dưới tác động của nhiều yếu tố, con người dần dần liên kết thành tổ chức thị tộc, bộ lạc… Thị tộc bao gồm những người cùng huyết thống, cùng sinh sống ở một nơi, trong thị tộc duy trì chế độ sở hữu chung, lao động chung và phân phối bình quân. Trong thị tộc không có kẻ giàu, người nghèo, quan hệ giữa người với người là bình đẳng, tự do. Quyền lực công cộng trong thị tộc thuộc về toàn thể thị tộc, bảo vệ lợi ích chung của cả cộng đồng. Để thực thi quyền lực, thị tộc không có bộ máy chuyên nghiệp mà dựa trên sức mạnh của hội đồng thị tộc kết họp với uy tín của người đứng đầu thị tộc. Tù trưởng, tộc trưởng, thủ lĩnh quân sự là người đứng đâu thị tộc, do hội đồng thị tộc bầu, bãi miễn, họ không có đặc quyền, đặc lợi gì, cùng chung sống, lao động và hưởng thụ như mọi thành viên khác trong thị tộc. Nhiều thị tộc có quan hệ dòng máu xa gần hợp thành một bộ lạc, mỗi bộ lạc có tên gọi, nơi ở, rừng, ruộng đất… riêng. Các thành viên của bộ lạc cùng nói một ngôn ngữ, cùng theo một tín ngưỡng và thực hiện những nghi thức tôn giáo riêng. Cách thức tổ chức quyền lực trong bộ lạc tương tự như trong thị tộc nhưng bước đàu đã thể hiện sự tập trung cao hơn.
Tổ chức thị tộc, bộ lạc tồn tại trong một thời kì lịch sử nhất định, dần dần, do tác động của nhiều yếu tố, nó thoái hoá và tan rã dần từng bước, nhường chỗ cho một hình thức tổ chức mới, đó là nhà nước. Theo Ăngghen, có hai nguyên nhân cơ bản làm cho tổ chức thị tộc, bộ lạc tan rã, nhà nước xuất hiện đó là nguyên nhân kinh tế và nguyên nhân xã hội.
Sự phát triển của công cụ lao động làm cho năng suất lao động ngày càng được nâng cao, dần dần đủ cho tiêu dùng và có dư thừa, chính nhu cầu quản lí số của cải dư thừa đã làm nảy sinh mâm mống của chế độ tư hữu. Mặt khác, sự phát triển của lực lượng sản xuất đã dẫn đến các cuộc phân công lao động trên quy mô lớn, chăn nuôi, thủ công nghiệp, thương nghiệp dần dần tách ra khỏi trồng trọt, trở thành những ngành kinh tế độc lập. Khi sản xuất được chuyên môn hoá thì nó lại càng có điều kiện phát triển hơn trước, của cải làm ra ngày càng nhiều càng góp phần củng cố tư tưởng tư hữu. Cũng do sự phát triển của công cụ lao động đã làm cho sản xuất có thể tiến hành riêng mà không cần phải tiên hành chung theo cả cộng đồng. Do vậy, tư liệu sản xuất của cộng đồng dần dần được chia nhỏ để tiến hành sản xuất riêng theo mỗi gia đình, mới đầu chỉ là tạm chia, người ta vẫn định kì chia lại. Tuy nhiên, một khi sản xuất được tiến hành riêng thì đồng thời sự khác biệt giàu nghèo cũng từng bước xuất hiện, làm cho con người ý thức ngày một sâu sắc hơn về tư hữu. Việc định kì chia lại tư liệu sản xuất vì vậy mà trở nên thưa dần và cuối cùng thì mất hẳn. Tư liệu sản xuất thuộc sở hữu chung của cả cộng đồng dần dần trở thành sở hữu riêng trong các gia đình, họ có thể đem bán, trao đổi hay để lại cho con cháu kế thừa.
Sản xuất phát triển dẫn đến nhu cầu sức lao động ngày càng tăng, tù binh trong các cuộc xung đột giữa các thị tộc trước kia thường bị giết, giờ đây được giữ lại làm nô lệ. Mới đầu số nô lệ còn lẻ tẻ, địa vị của họ chưa đến mức quá thấp kém. về sau, số lượng nô lệ ngày một đông đảo, nô lệ trở thành sở hữu trong các gia đình như các loại tài sản khác. Khi phân hoá giàu nghèo trở nên rõ nét, sự tương trợ giữa các gia đình mất dần, thay vào đó là cho vay nặng lãi và cầm cố tài sản… Tất cả những yếu tố đó làm cho của cải ngày càng tích tụ và tập trung vào trong tay một số ít người, đồng thời thúc đẩy sự bần cùng hoá cùa số đông người khác. Xã hội thị tộc dần dần bị phân hoá thành các giai cấp, tầng lớp khác nhau, những người giàu có hợp thành tầng lớp quý tộc, chiếm hữu nhiều ruộng đất, của cải…, những người nghèo khổ chiếm số đông trong xã hội do mất dần của cải và tư liệu sản xuất, cuối cùng rơi vào tình trạng bị lệ thuộc tầng lớp ứên và bị tầng lớp này áp bức, bóc lột nặng nề. Mâu thuẫn giai cấp, đấu tranh giai cấp vì thế đã xuất hiện và ngày càng trở nên sâu sắc. Khi sự phân hoá giàu nghèo ngày càng rõ nét thì quan hệ huyết tộc trở nên phai nhạt, lỏng lẻo, nó không còn đủ sức để ràng buộc những người cùng huyết tộc phải làm ăn sinh sống ở một nơi. Người nghèo vì thế có thể tìm đến nơi có điều kiện thuận lợi hơn để sinh sống. Mặt khác, do hoạt động thương nghiệp, do sự thay đổi nghề nghiệp đòi hỏi phải di động và thay đổi chỗ ở. Tình trạng đó dẫn đến trên một địa vực vốn là lãnh thổ của một thị tộc, bộ lạc và chỉ những người thuộc thị tộc, bộ lạc đó sinh sống thì nay đã gồm những người thuộc các thị tộc khác nhau cùng làm ăn sinh sống, mất đi điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại của chế độ thị tộc.
Sự phân hoá xã hội làm cho cơ quan quyền lực chung của thị tộc, bộ lạc dần chuyển thành cơ quan riêng của tầng lớp quý tộc. Chức vụ thủ lĩnh vốn không có đặc quyền dần dần mất hết ý nghĩa ban đầu của nó, lợi dụng uy tín và địa vị, họ tìm cách thâu tóm quyền lực vào trong tay mình. Càng ngày, chức vụ đó càng không còn đại biểu cho lợi ích của tất cả các thành viên, nó không còn được bầu ra từ những người có uy tín mà được chọn trong giới quý tộc, hoặc từ tập quán bầu những người trong một gia đình dần dần trở thành quyền thế tập đương nhiên của những gia đình ấy, trở thành chức vụ chuyên môn quản lí điều hành công việc hàng ngày của xã hội. Mâu thuẫn xã hội ngày càng gia tăng, đấu tranh giai cấp ngày càng gay gắt, tổ chức thị tộc, bộ lạc ngày càng trở nên bất lực, không thể đảm nhiệm vai trò tổ chức và quản lý các công việc chung của cộng đồng. Trong khi đó, một hình thức tổ chức mới với những cơ quan mới hoàn toàn xa lạ với tổ chức thị tộc, bộ lạc đang từng bước hình thành, tổ chức đó được gọi là nhà nước. Nhà nước xuất hiện để tổ chức và quản lý các công việc chung của đời sống cộng đồng, những công việc mà trước đây tổ chức thị tộc, bộ lạc phải đảm nhiệm. Đồng thời, nhà nước xuất hiện còn để làm dịu bớt sự xung đột giai cấp, giữ cho sự xung đột đó trong vòng “trật tự”, làm cho “những giai cấp có quyền lợi đối lập nhau đó không đi đến chỗ tiêu diệt lẫn nhau và tiêu diệt luôn cả xã hội”. Nhà nước xuất hiện bởi nhu cầu khách quan của đời sống xã hội, nhu cầu tổ chức đời sống chung, đảm bảo trật tự chung. Tuy nhiên, “nhà nước ra đời từ yêu cầu phải kiềm chế những đoi kháng giai cấp, nhưng vì nhà nước đồng thời cũng ra đời giữa cuộc xung đột giữa các giai cẩp ẩy, cho nên theo lệ thường, nó là nhà nước của giai cấp có thế lực nhất, của giai cấp thống trị về kỉnh tế và giai cấp này nhờ có nhà nước, mà trở thành giai cấp thong trị về mặt chỉnh trị và do đó có thêm những thủ đoạn mới để trấn áp và bóc lột giai cẩp bị áp bức”.
3. Các hình thức xuất hiện điển hình của nhà nước
Theo Ăngghen, có ba hình thức (dạng) xuất hiện điển hình của nhà nước đó là:
– Hình thức xuất hiện nhà nước Athen. Đây là hình thức thuần túy và cổ điển nhất. Nhà nước Athen nảy sinh chủ yếu và trực tiếp từ sự đối lập giai cấp phát triển ngay trong nội bộ xã hội thị tộc.
– Hình thức xuất hiện nhà nước Roma. So với Athen, sự xuất hiện nhà nước Roma có nhiều điểm khác, nhà nước Roma ra đời dựa trên thắng lợi của giới bình dân chống lại giới quý tộc thị tộc Roma.
– Hình thức xuất hiện nhà nước của người Giecman. Các nhà nước của người Giecman xuất hiện dựa trên kết quả chinh phục của các tộc người Giecman đối với đế chế Roma khi đế chế này đang trong quá trình tan rã.
Có thể nói, cho đến nay, tác phẩm “Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước ” của Ăngghen vẫn là công trình nghiên cứu có giá trị lớn về nguồn gốc của nhà nước. Tuy nhiên, do phạm vi nghiên cứu chưa bao quát hết các khu vực trên thế giới, cùng với những hạn chế của thời đại…, bởi vậy, những luận điểm của Ăngghen cần phải được bổ sung, hoàn thiện thêm. Sau này, nhờ thành tựu của nhiều ngành khoa học như sử học, khảo cổ học, dân tộc học…, các nhà khoa học maxit đã bổ sung, làm phong phú và sâu sắc hơn các quan điểm của Ăngghen, góp phần hoàn thiện hệ thống quan điểm khoa học của chủ nghĩa Mác – Lênin về nguồn gốc nhà nước.
Xuất phát từ quan niệm nhà nước là tổ chức quyền lực chung của toàn xã hội, có sứ mệnh tổ chức và quản lý các mặt trong đời sống chung của cộng đồng, các nhà khoa học ngày nay cho rằng, nhà nước có thể xuất hiện do sự tác động của nhiều nguyên nhân khác nhau, đó có thể là những nhân tố nội tại, nảy sinh trong lòng xã hội, cũng có thể là sự tác động bởi những yếu tố bên ngoài như thiên tai, ngoại xâm… Thực tiễn lịch sử cho thấy, các nhà nước ở phương Đông ra đời tương đối sớm, trong điều kiện chế độ tư hữu phát triển rất chậm chạp và yếu ớt, sự phân hoá xã hội diễn ra chưa thật sâu sắc. Đặc điểm chung của các nước phương Đông là hầu hết các nhà nước đều hình thành trên lưu vực các con sông lớn. Tuy nhiên, “điểu kiện thiên nhiên đã chứa đựng sẵn trong đó hai mặt đối lập: ưu đãi và thử thách”. Chính vì vậy, đối với các cộng đồng dân cư ở khu vực này, trị thủy và tự vệ là những vấn đề có tầm quan trọng sống còn. Những công việc đó đòi hỏi phải có sự phối hợp của nhiều người và phải có sự tổ chức, chỉ huy tốt. Tình hình đó buộc các thị tộc phải sớm liên kết với nhau thành bộ lạc, liên minh bộ lạc, thiết lập ra một cơ quan quản lí chung thay cho cơ quan quản lí mỗi bộ lạc. Do tính chất thường xuyên của hoạt động trị thuỷ cũng như chống giặc ngoại xâm, cơ quan quyền lực chung của cộng đồng dần trở thành cơ quan thường trực, chuyên đảm nhiệm chức năng tổ chức và quản lí các mặt của đời sống xã hội. Nó ngày càng có xu hướng thoát ly, tách dần khỏi hoạt động sản xuất trực tiếp, trở thành những cơ quan chỉ chuyên thực thi quyền lực, nhà nước như vậy là từng bước được hình thành.
Như vậy, nhà nước xuất hiện một cách khách quan, là sản phẩm của sự phát triển tự nhiên của đời sống xã hội, khi tổ chức thị tộc, bộ lạc tỏ ra bất lực, không đáp ứng được những yêu cầu, đòi hỏi của cuộc sống. Có thể nói, trên phạm vi toàn thế giới, cho dù xuất hiện bởi nguyên nhân nào thì sự tồn tại của nhà nước cũng là nhằm giải quyết những vấn đề chung của đời sống xã hội, giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tổ chức đời sống chung, quản lí, điều hành các hoạt động chung của cộng đồng…
Sự xuất hiện nhà nước là cả một quá trình lâu dài, gắn liền sự biến đổi mọi mặt của đời sống xã hội, trong quá trình đó, những yếu tố của tổ chức thị tộc, bộ lạc dần dần mất đi, đồng thời từng bước hình thành những yếu tố của một tổ chức mới mà chúng ta gọi là nhà nước. Đúng như Ăngghen nói “xã hội mỗi ngày một vượt quá phạm vi của chế độ thị tộc”, “trong lúc đó thì nhà nước phát triển một cách lặng lẽ”. Giữa xã hội không có nhà nước và xã hội có nhà nước không có một ranh giới rõ rệt, một mốc thời gian xác định cụ thể mà là cả một thời kì, thời kì quá độ chuyển từ xã hội này sang xã hội khác. Thời kì quá độ lâu hay chóng, dài hay ngắn là phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng khu vực.
Luật LVN Group (sưu tầm & biên tập trên internet)