Trong thực tế công tác của mình trong việc liên kết đào tạo đại học, tôi nhận thấy một trong những điều các đối tác nước ngoài phàn nàn nhiều nhất là tình trạng đạo văn của sinh viên Việt Nam: Các em chép bài của nhau, copy từ sách, cắt dán từ internet một cách tràn lan. Trong các trường đại học Việt Nam, tình trạng đạo văn thậm chí còn phổ biến hơn nữa. Nhưng điều đáng nói nhất là các em đạo văn rất “vô tư”. Các em có thể không chép của nhau, nhưng lại chép – trực tiếp hoặc từ trí nhớ – hàng trang dài lấy từ những bài viết trên internet hoặc từ sách giáo khoa mà không có lấy một chữ về tác giả những bài viết ấy. Trong năm 2007, tôi được Khoa sáng tác và lý luận phê bình văn học – ĐH Văn hóa (tức trường Viết văn Nguyễn Du trước đây) mời  dạy một chuyên đề về lý luận văn học phương Tây. Trước khi bắt đầu và cả trong suốt thời gian dạy, tôi luôn luôn nhắc nhở các em về chuyện đạo văn. Phải nói là các em sinh viên khá thông minh mà cầu tiến. Thế nhưng khi chấm bài các em viết, tôi đã rất  khó xử khi hầu hết các em đều chép hoặc lấy “sát ý” từ các nguồn trên internet mà không hề có chú thích. Một trường hợp điển hình khác xảy ở Dự án điện ảnh do quỹ Ford tài trợ ở trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội. Một trong những sinh viên giỏi nhất đã lấy bài tiếng Anh trên mạng, dịch ra tiếng Việt và “hồn nhiên” nộp cho giáo viên. Cố vấn của dự án, một tiến sĩ Hoa Kỳ, đã rất phẫn nộ và kiên quyết yêu cầu dự án đuổi học sinh viên này. Em sinh viên đã viết một lá thư đầy nước mắt gửi lên ban chủ nhiệm dự án và các thầy cô giáo, giải thích rằng mục đích dịch bài tiểu luận chính là để thể hiện tinh thần ham học! Khi nghe tôi kể chuyện, một số bạn tôi, đều là các trí thức nổi tiếng, tỏ ý thông cảm với cô sinh viên, bởi “dịch đã là lao động rồi, còn hơn nhiều so với học vẹt”.

Tình trạng đạo văn không chỉ có ở sinh viên. Rất nhiều người được coi là học giả, giáo sư, nhà nghiên cứu…đã nêu những tấm gương xấu về đạo đức nghề nghiệp. Có những vụ đạo văn trắng trợn mà báo chí đã nêu, nhưng cũng có những cách đạo văn “tinh tế” hơn – như một vị phó giáo sư thuê người giỏi ngoại ngữ dịch sách rồi mượn cớ “hiệu đính” để đứng tên đồng dịch giả, hay lấy luận án của học trò đem sửa lại in thành sách của mình. Hoặc nữa, có những “học giả” nghiễm nhiên lấy ý tưởng của người khác viết thành công trình của mình. Ngoài ra, còn phải nói đến một “cách làm” khác rất đáng trách mà hiện nay chúng ta vẫn thấy bình thường, đó là “Việt hóa” các giáo trình của nước ngoài để làm giáo trình của mình. Nếu căn cứ vào những tiêu chí và thông lệ quốc tế, những cuốn giáo trình như thế về bản chất cũng là sản phẩm đạo văn.

Tại sao tình trạng đạo văn lại phổ biến ở Việt Nam? Tôi cho rằng ông bạn người Malaysia không phải hoàn toàn vô lý khi dùng từ “nền văn hóa”: mặc dù có nhiều nguyên nhân, nguyên nhân chính của tình trạng đạo văn có ngay trong truyền thống văn hóa, đặc biệt là truyền thống giáo dục áp đặt và giáo điều mà cho đến tận ngày hôm nay chúng ta vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu.

Nếu chúng ta để ý thì trong hàng ngàn năm lịch sử, vấn đề đạo văn rất ít khi được đặt ra ở Việt Nam hay Trung Quốc, mặc dù người ta nhắc đi nhắc lại hàng trăm, thật chí hàng ngàn lần những ý, những tích, những từ, những tứ của các tác giả tiền bối mà gần như không bao giờ phải nhắc đến tên các vị tiền bối ấy. Điều này không phải ngẫu nhiên. Như tôi đã viết trong tiểu luận “Giáo dục, trí thức và nửa đường còn lại[1]”, cơ sở của nó là sự thần thánh hoá và tuyệt đối hoá tư tưởng của một hay một số tác giả, biến những tư tưởng ấy thành những chân lý phổ quát. Những tác giả ấy được coi là “Thánh nhân” và vài cuốn sách của họ được coi là những “Kinh điển” mà mọi người đều phải học và làm theo, nhưng không bao giờ có thể học hết. Trí thức ngày xưa không phải là những người sáng tạo, mà là những người biết nhiều chữ, thuộc nhiều sách để lúc nào cũng có thể nói ra những câu na ná những câu của các bậc Thánh hiền. Kinh điển, như vậy, trở thành khuôn vàng thước ngọc đồng thời cũng là giới hạn, hay nói đúng hơn là nhà tù của trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo, còn giáo dục chỉ còn là một quá trình ám thị để buộc người học phải chấp nhận một cách vô điều kiện những khuôn vàng thước ngọc trong Kinh sách mà thôi.

Phương pháp giáo dục của chúng ta hiện nay vẫn không khác mấy về bản chất. Phổ biến trong các trường học của chúng ta, ở mọi cấp, vẫn là lối dạy và học mang tính giáo điều và áp đặt. Điều các thầy cô giáo truyền đạt cho học sinh những kiến thức và thông tin cụ thể rồi đòi hỏi các em phải nhớ. Các kỳ thi thường có xu hướng buộc sinh viên chép lại và áp dụng những gì thầy dạy. Những em nào thuộc lòng và chép lại chính xác bài giảng của thầy sẽ được điểm cao – một ví dụ là bài văn được điểm 10 trong kỳ thi tuyển sinh đại học năm 2006. Những bài viết không hoàn toàn giống với bài giảng của thầy sẽ được điểm thấp hơn. Rõ ràng, về bản chất, lối dạy như vậy chính là dạy đạo văn, và việc chấm bài cũng đề cao trình độ đạo văn: những bài đạo văn hoàn hảo sẽ được điểm cao nhất. Chính lối dạy này khiến cho các em nhầm tưởng rằng các kiến thức trong sách hay trên mạng đều là vô chủ, hoặc là sở hữu chung, và vì thế ai cũng có thể sử dụng mà không cần phải quan tâm đến tác giả của chúng.  

Dĩ nhiên, đạo văn không chỉ có ở Việt Nam. Sự phổ biến của mạng internet đang khiến cho việc đạo văn trên mạng có xu hướng gia tăng. Mark Edmundson, trong bài viết “How Teachers Can Stop Cheaters” (Thầy giáo làm sao để chống thầy lừa) đăng trên The New York Times, ngày 9 tháng Chín, 2003, cảnh báo tình trạng đạo văn trên mạng của sinh viên các trường đại học Hoa Kỳ. So với các hình thức đạo văn khác, đạo văn trên mạng vừa dễ dàng vừa rẻ tiền và cũng ít tốn công sức nhất: người ta chỉ cần đánh tên những tác giả hoặc tài liệu liên quan đến vấn đề cần nghiên cứu, nhấn phím “enter” là tức khắc nhận được vô số văn bản cần thiết. Nếu đăng ký và trả tiền cho một số website, người ta còn có thể tiếp cận hàng trăm ngàn tiểu luận và “công trình nghiên cứu chất lượng cao”. Công việc của các nghiên cứu sinh bây giờ chỉ còn là cắt dán và chắp nối những đoạn khác nhau để hoàn thành “công trình nghiên cứu” của mình. Ông Donald L. McCabe, giáo vụ trường Rutgers University, cho biết: “Nhiều sinh viên lớn lên trong thời đại Internet, họ nghĩ rằng mọi thứ họ tìm thấy trên Internet đều là tri thức chung và họ có quyền sử dụng mà không cần phải chú thích nguồn”

Làm sao để chống lại nạn đạo văn. Tôi đồng ý với Mark Edmundson rằng đã đến lúc chúng ta phải từ bỏ việc tiến hành các kỳ thi với nội dung giống hệt nhau năm này qua năm khác, nhiều khi trong hàng thập kỷ, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, vốn có vẫn dựa trên lối kiểm tra và viết luận văn truyền thống. Nhưng theo tôi, chúng ta phải đổi mới triệt để lối dạy và học trong nhà trường, phải triệt để loại bỏ lối học thuộc lòng. Bởi, như tôi đã nói ở trên, lối dạy và học đó chính là lối dạy và học đạo văn. Hơn thế nữa, chúng ta phải xem xét và đánh giá lại hành trang văn hóa của mình. Để minh họa, tôi xin đưa ra một ví dụ.

Đồng nghiệp cấp trên của tôi, một nhà giáo lâu năm, có cô con gái học rất giỏi. Tốt nghiệp phổ thông, cô bé làm đơn xin học bổng ở Hoa Kỳ. Trường đại học Hoa Kỳ đánh giá rất cao hồ sơ của cô, nhưng đề nghị cô viết một bài luận bằng tiếng Anh về một chủ đề tùy ý, với độ dài tối thiểu theo quy định. Vị đồng nghiệp của tôi gọi điện cho tôi, ngạc nhiên: “Nhỡ tôi viết hộ, hay nhờ ai viết hộ thì sao?” Tôi phải giải thích với ông rằng đơn giản là ở Mỹ người ta không làm như thế. Và nói chung ở hầu hết các nước người ta không làm như thế. Không ở nước nào bố mẹ lại dạy con lừa đảo hay ăn cắp. Mà viết hộ hoặc thuê người viết hộ, tức đạo văn, thì đích thực là lừa đảo và ăn cắp.

Rõ ràng, có những điều tưởng chừng bình thường, nhưng thật ra nó chỉ bình thường với chúng ta mà thôi.

N.T.L

Ngô Tự Lập
Khoa Quốc tê- ĐHQGHN

[1] Trong Minh triết của giới hạn, NXB Hội Nhà Văn, Hà Nôi, 2005.