1. Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Hiến pháp
Hiến pháp 2013 có quy định:
Điều 106.
Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã khẳng định: “Xây dựng cơ chế bảo đảm mọi bản án của Tòa án có hiệu lực pháp luật phải được thi hành”
Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược cải cách tư pháp. Trên cơ sở đó, Điều 106 Hiến pháp 2013 cũng đã quy định: “Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng; cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.” Nguyên tắc Hiến định này đã được BLTTHS quy định là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự; thể hiện sức mạnh, tính hiệu quả của pháp luật trên thực tế và có ý nghĩa lớn đối với việc nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm.
2. Nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án trong BLTTHS 2015
Nguyên tắc bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 được cụ thể hóa từ Điều 106 Hiến pháp.
Điều 28. Bảo đảm hiệu lực của bản án, quyết định của Tòa án
1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành.
2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
Việc xét xử của toà án nói chung, trong đó có việc xét xử các vụ án hình sự chỉ có ý nghĩa khi bản án, quyết định của toà án sau khi có hiệu lực pháp luật phải được thi hành trên thực tế. Nguyên tắc này không chỉ xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng mà còn xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và mọi cá nhân liên quan trong việc thi hành bản án và quyết định của toà án.
Bản án, quyết định của toà án là văn bản tố tụng do toà án ban hành trong quá trình giải quyết vụ án. Bản án của tòa án quyết định việc bị cáo có tội hay không có tội, hình phạt và các biện pháp tư pháp khác. Bản án, quyết định hoặc phần bản án, quyết định của toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết hạn kháng cáo, kháng nghị. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Quyết định của hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cá nhân, cơ quan và tổ chức hữu quan phải chấp hành bản án và quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật.
Bên cạnh việc cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, Điều 28 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 cũng quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Người có hành vi không thi hành bản án, không chấp hành án, cản trở việc thi hành án có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh tương ứng quy định tại các Điều 379 – quy định về tội không thi hành án, Điều 380 – Tội không chấp hành án, Điều 381 – quy định về tội cản trở việc thi hành án được quy định tại BLHS 2015.
Để góp phần bảo đảm hiệu lực của bản án và quyết định của Toà án, các cơ quan nhà nước, chính quyền xã, phường, thị trấn, tổ chức và công dân, trong phạm vi trách nhiệm được pháp luật quy định phải phối hợp với cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Toà án trong việc thi hành án. Đây là quy định mới được bổ sung vào Bộ luật tố tụng hình sự nhằm đề cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, chính quyền xã, phường, thị trấn, tổ chức và công dân trong việc phối hợp với các cơ quan có nhiệm vụ thi hành án trong việc thi hành án. Các cơ quan nhà nước, chính quyền xã, phường, thị trấn, theo quy định của pháp luật không có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành bản án, quyết định của Toà án thì có trách nhiệm tạo điều kiện và thực hiện yêu cầu của cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ thi hành bản án.
3. Tội không thi hành án
Điều 379 Bộ luật hình sự có quy định như sau:
Điều 379. Tội không thi hành án
1. Người nào có thẩm quyền mà cố ý không ra quyết định thi hành án hoặc không thi hành quyết định thi hành bản án, quyết định của Tòa án thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án bỏ trốn;
c) Dẫn đến hết thời hiệu thi hành án;
d) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;
c) Dẫn đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
a) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Dẫn đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 1.000.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Theo quy định trên: Không thi hành án, được hiểu là hành vi của người có thẩm quyền của cơ quan thi hành án đã không ký quyết định thi hành án hoặc không đưa ra thi hành bản án, quyết định của Tòa án một cách cố ý.
Thủ trưởng cơ quan thi hành án, chấp hành viên, cán bộ có nhiệm vụ thi hành án…có một trong các hành vi sau đây:
Có hành vi (cố ý) không ra quyết định thi hành án. Được hiểu là hành vi của người có thẩm quyền về thi hành án hình sự, thi hành án dân sự (như Chánh án Tòa án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án) đã không ký quyết định thi hành án đối với bản án, quyết định đã có đủ điều kiện đưa ra thi hành (mà không có lý do chính đáng nào để hoãn, đình chỉ hoặc tạm đình chỉ).
Có hành vi không thi hành quyết định thi hành án. Được hiểu là hành vi của chấp hành viên hoặc nhân viên tư pháp khác được giao trách nhiệm thi hành quyết định thi hành án nhưng đã không tiến hành các biện pháp nghiệp vụ để cho thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã có quyết định thi hành án (mà không có lý do chính đáng).
4. Tội không chấp hành án
Theo Điều 380 Bộ luật hình sự:
Điều 380. Tội không chấp hành án
1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Tẩu tán tài sản.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có nghĩa vụ được quy định trong bản án hoặc quyết định có hiệu lực thi hành của Tòa án.
Mặt khách quan của tội không chấp hành án thể hiện ở hành vi (không hành động) của người phải thi hành án đã không thực hiện các nghĩa vụ của mình được quy định trong bản án, quyết định định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật một cách cố ý mặc dù đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết.
Theo quy định của điều luật thì những bản án, quyết định của Tòa án phải là những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Điều này được hiểu là phần quyết định trong bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành như: bản án, quyết định phúc thẩm phần bản án quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị nhưng có hiệu lực thi hành ngay.
Điều luật có quy định dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này là “đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế”, như vậy người có hành vi không chấp hành án nhưng chưa bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết như kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản đã kê biên, trừ vào thu nhập của người phải thi hành án… thì không chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
5. Tội cản trở việc thi hành án
Điều 381 Bộ luật hình sự:
Điều 381. Tội cản trở việc thi hành án
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án bỏ trốn;
b) Dẫn đến hết thời hiệu thi hành án;
c) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Gây thiệt hại từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Dẫn đến người bị kết án, người phải chấp hành án tiếp tục thực hiện tội phạm;
c) Dẫn đến người bị kết án, người phải thi hành án, người có nghĩa vụ thi hành án tẩu tán tài sản và không thi hành được nghĩa vụ thi hành án với số tiền 200.000.000 đồng trở lên;
d) Gây thiệt hại 200.000.000 đồng trở lên.
3. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
+ Về hành vi
Có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây khó khăn, kéo dài việc thi hành án, quyết định của Tòa án hoặc làm cho bản án, quyết định đó không thể thi hành được (như gây sức ép đối với cán bộ thi hành án để làm chậm quá trình thi hành án, tạo điều kiện cho người phải thi hành án tẩu tán, chuyển dịch tài sản đã bị kê biên… không tổ chức phối hợp với cơ quan thi hành án làm cho việc cưỡng chế thi hành án khó khăn, chậm trễ…
+ Về hậu quả
Hành vi nêu trên phải gây hậu quả nghiêm trọng thì mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Trân trọng./.