1. Quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự
Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị năm 1966 khẳng định, bất cứ người nào trở thành nạn nhân của việc bị bắt hoặc bị giam cầm bất hợp pháp đều có quyền yêu cầu được bồi thường (Điều 9, Điều 14). Trên thế giới, ngày càng nhiều quốc gia ghi nhận quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự phù hợp với các chuẩn mực pháp lý quốc tế và tiến bộ xã hội. Việt Nam đã và đang triển khai đồng loạt các biện pháp hiệu quả nhất để thực thi tốt nhất các cam kết quốc tế bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự trong tố tụng hình sự.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Hiến pháp 2013 thì:
Người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự. Người vi phạm pháp luật trong việc bắt, giam, giữ, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án gây thiệt hại cho người khác phải bị xử lý theo pháp luật.
Như vậy, quyền được bồi thường khi bị bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án trái pháp luật là một quyền hiến định.
2. Nội dung nguyên tắc
Theo Điều 31 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:
Điều 31. Bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự
1. Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.
Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra.
2. Người khác bị thiệt hại do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra có quyền được Nhà nước bồi thường thiệt hại.
3. Phân tích nguyên tắc
– Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật có quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.
Người bị oan, bị xử lí trái pháp luật là người bị giữ, bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, người bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác định người đó không thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi của họ không cấu thành tội phạm hoặc họ đã bị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định xử lí trái pháp luật.
Những hoạt động và quyết định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã gây ra những hậu quả bất lợi đối với họ, các quyền con người, quyền công dân cơ bản của họ bị vi phạm, nên họ có quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự.
– Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra.
Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định rõ ràng, cụ thể những trường hợp Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại; những trường hợp Nhà nước không có trách nhiệm bồi thường thiệt hại; chủ thể có trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp cụ thể… Việc bồi thường được tiến hành trên cơ sở thương lượng hoặc toà án giải quyết.
Người khác bị thiệt hại do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra có quyền được Nhà nước bồi thường thiệt hại.
Ngoài người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án oan, trái pháp luật, những người khác bị thiệt hại do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra cũng có quyền được Nhà nước bồi thường thiệt hại.
– Nguyên tắc này có ý nghĩa bảo đảm khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra; nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền trong các hoạt động tố tụng, giúp cho việc giải quyết vụ án đúng đắn và hợp pháp.
Nguyên tắc này thể hiện sự kiên quyết của Đảng và Nhà nước ta trong việc khắc phục các trường hợp làm oan, sai đối với người tham gia tố tụng và xử lí những người có trách nhiệm, bảo đảm quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, qua đó nâng cao uy tín của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Để thực hiện nguyên tắc này cần phải có những quy định pháp luật đầy đủ, cụ thể và hợp lí làm cơ sở cho việc giải quyết bồi thường, khôi phục danh dự cho người bị thiệt hại do cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây ra.
Có cơ chế phù hợp, có hiệu quả để thực hiện; nâng cao trình độ nhận thức của công dân để họ biết và thực hiện tốt quyền được yêu cầu khôi phục danh dự và bồi thường thiệt hại.
4. Ví dụ về bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự
Vụ việc thứ nhất:
Các ông Trần Ngọc Chinh (79 tuổi), Trần Trung Thám (sinh năm 1942, đã mất, em trai ông Chinh) và Khổng Văn Đệ được giải oan về tội “giết người” vào năm 1982, nhưng đến ngày 9.10.2019 chính quyền mới tổ chức xin lỗi oan sai công khai. Từ đó, các ông và người nhà có đơn đề nghị Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc bồi thường trong thời gian bị tạm giam và 38 năm chịu oan ngoài xã hội. Cụ thể, ông Trần Ngọc Chinh yêu cầu bồi thường 12,87 tỉ đồng, vợ ông Trần Trung Thám yêu cầu bồi thường khoảng 25 tỉ đồng, gia đình ông Khổng Văn Đệ yêu cầu được bồi thường 10 tỉ đồng.
Về các yêu cầu bồi thường trên, ngày 26/6/2020, Viện KSND tỉnh Vĩnh Phúc có văn bản trả lời đang thụ lý hồ sơ.
Việc bồi thường, theo quy định hiện hành, là phải căn cứ luật trách nhiệm bồi tường của nhà nước để tính toán mức bồi thường. Trong vụ oan sai xảy ra ở Tây Ninh, 8 người cùng một “đại gia đình” bị bắt oan trong vụ cướp ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, H.Trảng Bàng năm 1979 yêu cầu bồi thường cả chục tỉ đồng mỗi người cho hàng chục năm chịu án oan. Sau nhiều lần tính toán, thỏa thuận, số tiền người nhận được cao nhất khoảng 1 tỉ đồng, thấp nhất là 615 triệu đồng.
Vụ việc thứ ba:
Các đồng nguyên đơn là gia đình ông Bùi Duy Hải (năm 1989 ông Hải được tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên không phạm tội về 3 tội danh do TAND tỉnh Bạc Liêu kết án ông; đến năm 1999 ông mất) kiện yêu cầu TAND tỉnh Bạc Liêu bồi thường oan sai cho ông Hải hơn 9 tỉ đồng. Sau 3 năm khởi kiện, tháng 5./2020, TAND cấp cao tại TP.HCM y án sơ thẩm, buộc TAND tỉnh Bạc Liêu bồi thường hơn 1,1 tỉ đồng cho gia đình ông Hải. Số tiền còn lại, theo HĐXX, các đồng nguyên đơn không cung cấp được chứng cứ phù hợp, các yêu cầu liên quan không nằm trong luật định hoặc vượt quá quy định… nên không được chấp nhận.
5. Phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự
Theo Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây:
– Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp mà không có căn cứ theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
– Người bị bắt, người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự quyết định trả tự do, hủy bỏ quyết định tạm giữ, không phê chuẩn lệnh bắt, quyết định gia hạn tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
– Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm;
– Người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm;
– Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm;
– Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án, đã chấp hành hình phạt tù mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt chung sau khi tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành;
– Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án và bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm tội bị kết án tử hình và hình phạt chung sau khi tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam vượt quá so với mức hình phạt chung của những tội mà người đó phải chấp hành;
– Người bị xét xử bằng nhiều bản án, Tòa án đã tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đó mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành;
– Pháp nhân thương mại bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội hoặc hành vi của pháp nhân không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được pháp nhân đã thực hiện tội phạm và pháp nhân đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.
Trân trọng./.