1. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm người tiến hành tố tụng và người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

– Người tiến hành tố tụng: Theo Khoản 2 Điều 34 Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Người tiến hành tố tụng gồm:

a) Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Cán bộ điều tra;

b) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên;

c) Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên.

– Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra: Theo khoản 2 Điều 35 Bộ luật tố tụng hình sự 2015

Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm:

a) Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Bộ đội biên phòng gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục trinh sát biên phòng; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống ma túy và tội phạm; Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Đồn trưởng, Phó Đồn trưởng Đồn biên phòng; Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Biên phòng Cửa khẩu cảng;

b) Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Hải quan gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục điều tra chống buôn lậu; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu;

c) Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Kiểm lâm gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Hạt trưởng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm;

d) Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của lực lượng Cảnh sát biển gồm Tư lệnh, Phó Tư lệnh Cảnh sát biển; Tư lệnh vùng, Phó Tư lệnh vùng Cảnh sát biển; Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ và pháp luật; Đoàn trưởng, Phó Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn trưởng, Phó Hải đoàn trưởng; Hải đội trưởng, Phó Hải đội trưởng; Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội nghiệp vụ Cảnh sát biển;

đ) Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Kiểm ngư gồm Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư; Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm ngư vùng;

e) Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của các cơ quan khác trong Công an nhân dân gồm Giám đốc, Phó giám đốc Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; Cục trưởng, Phó Cục trưởng, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của Công an nhân dân, Giám thị, Phó Giám thị Trại giam theo quy định của Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự;

g) Người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra của các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân gồm Giám thị, Phó Giám thị Trại giam; Thủ trưởng đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương.

h) Cán bộ điều tra thuộc các cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này.

2. Người tham gia tố tụng

Theo điều 55 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, người tham gia tố tụng gồm: Người tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố; Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố; Người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; Người bị bắt; Người bị tạm giữ; Bị can; Bị cáo; Bị hại; Nguyên đơn dân sự; Bị đơn dân sự; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; Người làm chứng; Người chứng kiến; Người giám định; Người định giá tài sản; Người phiên dịch, người dịch thuật; Người bào chữa; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự; Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố; Người đại diện theo pháp luật của pháp nhân phạm tội, người đại diện khác theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

3. Nguyên tắc bảo đảm sự vô tư của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng

Điều 21 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 có quy định:

Điều 21. Bảo đảm sự vô tư của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng

Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản, người chứng kiến không được tham gia tố tụng nếu có lý do cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Sự vô tư của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là đòi hỏi tất yếu để đảm bảo việc giải quyết vụ án hình sự khách quan, công bằng, là nền tảng của công lý pháp quyền.

Nguyên tắc, bảo đảm sự vô tư của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng trong luật tố tụng hình sự là một trong những nguyên tắc nền tảng của hoạt động tư pháp hình sự. Đến nay, nguyên tắc này đã được thừa nhận trong tuyệt đại đa số pháp luật các quốc gia, được ghi nhận trong hầu hết các văn kiện pháp lý quốc tế về quyền con người. 

Để hoạt động tố tụng hình sự đạt được các mục đích đã được đặt ra, một trong những đòi hỏi quan trọng được đặt ra là bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng. Chính vì vậy, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành hoặc người tham gia tố tụng là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự.

Thời cổ đại người ta đã có nguyên tắc “Nemo iudex in causa sua” hay “Nemo iudex in propria causa” (không ai có thể là quan tòa cho vụ việc của chính mình). Sự vô tư của những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là đòi hỏi tất yếu để đảm bảo việc giải quyết vụ án hình sự khách quan, công bằng, là nền tảng của công lý pháp quyền. Sự vô tư của những người tiến hành tố tụng được được hiểu là trong hoạt động tố tụng, những người này không bị chi phối, tác động bởi các định kiến chủ quan và các lợi ích cũng như các mối quan hệ khác làm cho kết luận, phán quyết của họ không đảm bảo khách quan.

Bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành hoặc người tham gia tố tụng. Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát, Kiểm sát viên. Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án không được tiến hành tố tụng hoặc người phiên dịch, người giám định không được tham gia tố tụng, nếu có lý do xác đáng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

Để đảm bảo sự vô tư của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng Bộ luật Tố tụng hình sự quy định những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng hoặc những trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người giám định, người phiên dịch.

4. Thay đổi người tiến hành tố tụng do họ không vô tư

 Điều 49 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định:

Điều 49. Các trường hợp phải từ chối hoặc thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng

Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

1. Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

2. Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó;

3. Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Khoản 1 Điều 49 không cho phép một người cùng một lúc vừa thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người tiến hành tố tụng (Cán bộ điều tra, Điều tra viên, Kiểm tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án), vừa tham gia tố tụng với tư cách là bị hại, đương sự; là người đại, diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo.

Những người thân thích của những người tiến hành tố tụng hoặc của bị can, bị cáo là những người có quan hệ họ hàng gần với những người đó như: ông, bà nội, ngoại; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi; vợ, chồng; anh, chị em, ruột; anh, chị, em nuôi; anh chị em vợ hoặc chồng; cô, dì, chú, bác, cậu; con, cháu của cô, dì, chú, bác, cậu.

Theo khoản 2 Điều 49, những người tiến hành tố tụng phải từ chối hoặc bị thay đổi nếu họ đã tham gia trong tố tụng hình sự với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật trong vụ án đó.

Khoản 3 Điều 49 quy định những trường hợp khác phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng.

Đó là có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng những người tiến hành tố tụng có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ. Những căn cứ rõ ràng đó có thể là: người tiến hành tố tụng có mối quan hệ mật thiết về công vụ, về kinh tế, về gia đình với người có lợi ích được giải quyết trong vụ án hoặc cố mâu thuẫn nghiêm trọng với người đó…

5. Thay đổi kiểm sát Viên, Điều tra viên

Theo Điều 52 Bộ luật tố tụng hình sự 2015:

Điều 52. Thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên

1. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp:

a) Trường hợp quy định tại Điều 49 của Bộ luật này;

b) Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Thẩm phán, Hội thẩm, Thẩm tra viên hoặc Thư ký Tòa án.

2. Việc thay đổi Kiểm sát viên trước khi mở phiên tòa do Viện trưởng hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp được phân công giải quyết vụ án quyết định.

Kiểm sát viên bị thay đổi là Viện trưởng Viện kiểm sát thì do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp quyết định.

Trường hợp phải thay đổi Kiểm sát viên tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử ra quyết định hoãn phiên tòa.

Điều 52 BLTTHS 2015 bổ sung việc thay đổi Kiểm tra viên. Vì BLTTHS 2015 bổ sung quy định Kiểm tra viên là người tiến hành tố tụng nên việc bổ sung quy định thay đổi Kiểm tra viên là cần thiết nhằm đảm bảo họ vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Về quy định Kiểm sát viên, Kiểm tra viên phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi, so với BLTTHS cũ, BLTTHS 2015 (Điều 52) có bổ sung các trường hợp họ đã tiến hành tố tụng vụ án đó với tư cách Cán bộ điều tra, Thẩm tra viên. Sự bổ sung này xuất phát từ việc BLTTHS 2015 quy định Cán bộ điều tra, Thẩm tra viên là người tiến hành tố tụng.

Về việc thay đổi Kiểm sát viên và Kiểm tra viên trước khi mở phiên tòa, tại khoản 2 Điều 52 BLTTHS 2015 bổ sung cho Phó Viện trưởng được phân công giải quyết vụ án thẩm quyền này. Trước đây, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự không có thẩm quyền quyết định phân công hoặc thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, mà quyền hạn này thuộc về Viện trưởng Viện kiểm sát.

LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)