Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hình sự của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.0191

1. Khái quát về nguyên tắc giả định vô tội trong pháp luật chống rửa tiền của Indonesia

Một trong những khía cạnh quan trọng có thể cần được chú trọng là quá trình chứng minh trong tố tụng hình sự. Chế định pháp luật về chống rửa tiền ở Indonesia nằm trong Đạo luật số 8 năm 2010 về Phòng chống rửa tiền đã đảo ngược gánh nặng của việc chứng minh (nghĩa vụ chứng minh). Việc ban hành đạo luật này đã cho thấy cam kết của chính quyền Indonesia về sự nghiêm túc đáp ứng nhu cầu xóa bỏ hành vi rửa tiền. Theo pháp luật hiện hành, Chính phủ có thể đặt ra bất kì biện pháp nào để đấu tranh chống lại việc rửa tiền và việc thực hiện phải luôn theo một cơ chế tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.

Việc rửa tiền là một loại tội phạm phức tạp nhất cần phải giải quyết trong một vài năm trở lại đây và càng trở nên phức tạp, tinh vi. Các tội phạm thường dùng các phương tiện rửa tiền để che giấu những lợi ích bất hợp pháp mà họ đạt được. Thông qua hoạt động rửa tiền, bọn tội phạm có thể thay đổi và thao túng các nguồn tài sản bất hợp pháp thành các tài sản “có vẻ như là” hợp pháp. Thông qua hoạt động rửa tiền, mọi người không thể dễ dàng nhận ra được liệu tài sản có nguồn gốc từ tội phạm hay không.

Trong xét xử hình sự, có một nguyên tắc quan trọng được gọi là “Giả định vô tội” đã được thừa nhận ở phạm vi quốc tế nhằm bảo vệ các quyền con người. Về bản chất, pháp luật có chức năng bảo vệ tất cả mọi người, bao gồm cả những người đã thực hiện tội phạm. Trong bối cảnh của Indonesia, việc thực hiện đảo ngược nghĩa vụ chứng minh cũng gây ra tranh luận. Một số người cho rằng việc đảo ngược trách nhiệm chứng minh sẽ mâu thuẫn với nguyên tắc giả định vô tội, một hệ thống chứng minh phủ định (negatief wettelijke), không bị buộc phải nhận là mình có tội (non-self incrimination), nguyên tắc các bị cáo sẽ không có nghĩa vụ chứng minh (theo Điều 66 của Luật số 8 năm 1981 về Luật Tố tụng Hình sự) và quyền im lặng. Mặt khác, một số chuyên gia lại lập luận rằng đạo luật đó đã có sự cân bằng trong đảo ngược nghĩa vụ, chứ không phải là sự đảo ngược hoàn toàn về nghĩa vụ chứng minh. Là một tội phạm có tính nghiêm trọng nhưng vẫn cần thông qua “hành vi phạm tội nguồn” (predicate crime), hành vi rửa tiền cần phải được hiểu rõ. Với tư cách một trong các “hành vi phạm tội nguồn” trong Luật Chống rửa tiền, tham nhũng có một hệ thống chứng minh khác so với hoạt động rửa tiền.

Bài viết này sẽ tìm hiểu sự tồn tại của nguyên tắc Giả định vô tội hay Giả định có tội, tập trung phân tích trong Luật chống rửa tiền của Indonesia, và Luật số 20 năm 2001 của Indonesia, sửa đổi Luật số 31 năm 1999 về Phòng ngừa và Xóa bỏ Tham nhũng (cũng gọi là Luật chống tham nhũng).

2. Hệ thống chứng minh và chứng cứ theo Luật phòng chống rửa tiền của Indonesia

Từ năm 1981 Indonesia đã ban hành luật tố tụng hình sự. Quá trình kiểm tra trong phiên tòa bao gồm tất cả các hoạt động công bố về các sự kiện đã xảy ra liên quan đến tội phạm. Khi các sự kiện được ráp nối vói nhau, chúng có thể giúp mô tả sự thật đã xảy ra hoặc ít nhất là bám sát với sự thật khách quan để xác định xem liệu có phạm tội theo cáo buộc của công tố viên hay không. Vì vậy, quá trình tố tụng hình sự, thực chất là cố gắng để xác định được sự thật khách quan. Luật này là luật chung về tố tụng hình sự.

Một quá trình chứng minh có thể được xem như một giai đoạn quan trọng trong tiến trình lâu dài thực thi pháp luật hình sự. Trong giai đoạn này, số phận của bị cáo bị đe dọa bởi luật pháp và tòa án. Adami Chazawi (2005) giải thích rằng bằng chứng là tâm điểm mà các thẩm phán phải có trách nhiệm giải trình theo tất cả các khía cạnh. Mà qua đó, quá trình tố tụng sẽ phải xây dựng được biến cố đã xảy ra (tội phạm), vì thế quan trọng là bằng chứng phải có thật và việc sử dụng bằng chứng phải tuân theo các quy định.

Theo Adami Chazawi (2013), quá trình chứng minh cần phải đạt được ba điểm kết luận. Những điểm đó là: (i) Đã thực hiện hoặc không thực hiện tội hình sự mà công tố viên cáo buộc; (ii) Nếu có thực hiện tội phạm, thì mức độ lỗi của các bị cáo là gì. Điều này là căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự của các bị cáo tương ứng vởi hành vi tội phạm đã thực hiện; (iii) Nếu bị cáo không thực hiện tội phạm, phải tuyên án về việc thả các bị cáo.

Công tố viên sẽ định hướng phiên tòa bằng bản cáo trạng, để cung cấp bức tranh toàn cảnh về các sự kiện thực tế của tội phạm bị buộc tội (theo bản cáo trạng). Vì vậy, một công tố viên cần phải có bằng chứng để chứng minh rằng bị cáo có tội.

Về nguyên tắc, thủ tục tố tụng hình sự của Indonesia đang áp dụng lí thuyết “dựa trên sự nghi ngờ hợp lí” trong hệ thống chứng minh. Điều 183 của Luật Tố tụng hình sự quy định: “Một thẩm phán sẽ không áp dụng hình phạt đối với một người trừ khi có ít nhất hai phương tiện pháp lí làm căn cứ để kết án là một tội phạm đã thực sự xảy ra và người bị buộc tội đã thực hiện hành vi đó”. Ở đây cần tối thiểu 2 (hai) bằng chứng và bản án của các thẩm phán.

Điều 184 (1) của Luật tố tụng hình sự đề cập tới hệ thống các chứng cứ trong phiên tòa hình sự gồm:

1. Lời khai của nhân chứng

2. Lời khai của các chuyên gia

3. Một văn bản

4. Một chỉ định/hướng dẫn (An indication)

5. Lời khai của bị cáo

Tại khoản 2, quy định rằng: “các vấn đề đã là hiểu biết chung thì không cần phải chứng minh”. Trong trường hợp này, các vấn đề chung không cần phải chứng minh.

Liên quan đến chứng cứ, Jeremy Bentham, dẫn theo Reda Manthovani & R. Narendra Jatna (2011), cho rằng:

Chứng cứ là một danh từ chung được đặt cho bất kì sự thật nào, quá trình tư duy về chứng cứ trong nhận thức của một thẩm phán sẽ làm xuất hiện trong tâm trí của thẩm phán một niềm tin liên quan đến sự tồn tại của một số thực tế khác – giả sử là có tồn tại, một hiệu ứng nhất định sẽ tác động tới quyết định của thẩm phán đó.

Chứng cứ là một công cụ quan trọng phải được trình bày tại tòa án. Thẩm phán cần phải cân nhắc, đánh giá và xem xét các bằng chứng đáng tin cậy, và sử dụng các bằng chứng để thuyết phục Thẩm phán (đưa ra) quyết định. William Twining (2006) giải thích rằng:

Khi bằng chứng đã được xác định, hiệu ứng, khuynh hướng hoặc dấu hiệu của bằng chứng sẽ tạo ra trong tâm trí một sự thuyết phục, khẳng định hoặc phủ định sự tồn tại của một số vấn đề thực tế.

Lamintang (2010) cho rằng theo Điều 183 của Luật Tố tụng Hình sự, có thể thấy hệ thống chứng cứ ở Indonesia đặt ra một giới hạn tối thiểu trong việc đệ trình bằng chứng tại phiên tòa. Hệ thống này được gọi là hệ thống chứng cứ theo luật – một hệ thống phủ định (negatief wettelijke).

Rửa tiền như được biết đến ngày nay, đã phát triển thành một tội phạm phức tạp và tinh vi. Rất khó để bị xóa sổ. Rửa tiền không dễ dàng được chứng minh, về bản chất, đây là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, và rất khó khăn để xử lý. w. Clifton Holmes (2003), dẫn theo Mariano-Florentino Cuellar, đã giải thích rằng:

Rửa tiền xuyên quốc gia có thể làm phát sinh quyền tài phán quốc gia đối với khoản tiền thu được bất hợp pháp đã được tẩy rửa, tài phán đối với một hành vi phạm tội nguồn đã thực hiện, hoặc đối với các giao dịch tài chính tạo điều kiện cho hoạt động rửa tiền liên quan đến nhiều nền tài phán khác nhau.

Rửa tiền cũng được phân loại là tội phạm kinh tế hoặc tài chính. Với tư cách một tội phạm kinh tế, Indriyanto Seno Adji (2006) cho rằng về nguyên tắc, tội phạm kinh tế là tội phạm cổ cồn trắng (white-collar crime). Tội phạm này khó chứng minh, được phân loại là một tội phạm vô hình, đòi hỏi thủ tục khó khăn và phức tạp để chứng minh hành vi và tính chuyên nghiệp của người phạm tội. Khi coi đây là một tội phạm kinh tế, nó cần phải được xử lí cẩn trọng vì rủi ro rất cao, và có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế và tài chính của nhà nước. Do đó cần nhiều cách tiếp cận và cơ chế hơn để xóa bỏ rửa tiền. (Cách hiểu thứ nhất) Rửa tiền là một tội phạm (sui generis crime) và thường cần một hành vi phạm tội nguồn để tạo ra tiền hoặc tài sản. Cách tiếp cận này có vẻ khó hiểu, nhưng phải được hiểu theo cách đó. (Cách hiểu thứ hai) Rửa tiền có thể là một tội phạm độc lập được thực hiện bởi người rửa tiền. Do đó, cáo buộc liên quan đến rửa tiền có thể đưa ra với:

– Hành vi phạm tội nguồn và hành vi rửa tiền; hoặc

– Chỉ bản thân hành vi rửa tiền

Việc hình sự hóa hoạt động rửa tiền ở In-đô-nê-xi-a được quy định thành 2 (hai) loại tội phạm, được gọi là tội phạm rửa tiền (Điều 3,4,5) và các tội phạm khác liên quan đến rửa tiền (Điều 11 – 16). Yếu tố lỗi trong Điều 3, Điều 4 và Điều 5 của Luật chống rửa tiền là yếu tố quan trọng của tội phạm. Mỗi điều đó đều có nội dung hàm chứa khả năng “đã biết đến” và/hoặc “bị cáo buộc hợp lí”.

Như đã đề cập ở trên, Luật Tố tụng Hình sự là luật chung về tố tụng hình sự. Đối với hoạt động rửa tiền, có một phần quy định về chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh. Luật phòng chống rửa tiền quy định quá trình điều tra, truy tố và xét xử tại các điều 68 đến 82. Điều 68 của Luật chống rửa tiền thể hiện các thủ tục chung trong điều tra, truy tố và kiểm tra tại phiên tòa giống như quy định của pháp luật về Tố tụng hình sự, nhưng cũng thừa nhận một quy trình thủ tục khác theo quy định của Luật chống rửa tiền. Điều 68 của Luật chống rửa tiền quy định rằng:

Việc điều tra, truy tố và kiểm tra tại phiên tòa cũng như việc thi hành phán quyết của tòa án (có hiệu lực pháp lý vĩnh viễn chống lại hành động tội phạm), như được nêu ở đây, sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật trừ khi có quy định khác.

Rửa tiền là một tội phạm nghiêm trọng thể hiện ở Điều 69 như sau:

Để đủ điều kiện tiến hành điều tra, truy tố và kiểm tra trong phiên tòa xét xử hành vi phạm tội rửa tiền, trước đó không bắt buộc phải chứng minh nguồn gốc của tội phạm.

Bài viết này nêu ra một thách thức đối với hiệu quả của công tác xóa bỏ rửa tiền. Việc này giống như hai mặt của đồng xu. Một mặt, điều tra viên và công tố viên không có nghĩa vụ chứng minh nguồn gốc tội phạm, như vậy sẽ mang lại sự dễ dàng (cho công tố viên) để chứng minh hoạt động rửa tiền. Mặt khác, điều tra viên và công tố viên cũng phải đảm bảo rằng người phạm tội có được các tài sản bắt nguồn từ hành vi phạm tội nguồn có liên quan như bị buộc tội trong cáo trạng. Cũng có một thách thức khác để hiểu đầy đủ rằng việc thực hiện Điều 69 của Luật chống rửa tiền không mâu thuẫn vói nguyên tắc Giả định vô tội.

Thêm vào đó, Đạo luật chống rửa tiền quy định ở Điều 73 rằng chứng cứ về rửa tiền bao gồm:

– Danh sách các bằng chứng như được đề cập trong Luật Tố tụng hình sự liên quan đến pháp luật tố tụng hình sự (như Điều 184 đã giải thích ở trên), và/hoặc

– Bằng chứng khác dưới dạng thông tin được nói, truyền, nhận hoặc lưu trữ điện tử vối một thiết bị nghe nhìn (optic device) hoặc tương đương và Tài liệu.

Luật chống rửa tiền cũng đã quy định trong hệ thống chứng cứ. Hệ thống chứng cứ về việc rửa tiền đã gây ra tranh luận về việc hệ thống này có chống lại nguyên tắc Giả định vô tội hay không.

3. Giả định vô tội và nghĩa vụ chứng minh

Giả định Vô tội là một nguyên tắc chung cần được thực hiện trong mọi giai đoạn của quy trình thực thi pháp luật. Nurhasan (2017) chỉ ra mối liên hệ giữa nguyên tắc Giả định vô tội và quyền con người, trong trường hợp này là quyền con người của nghi phạm hoặc bị cáo trong quá trình tố tụng hình sự. Hơn nữa, Nurhasan cũng chỉ ra ít nhất có tám điểm cho thấy nguyên tắc Giả định vô tội:

– Vị thế bình đẳng của tất cả mọi người trước tòa án;

– Một phiên tòa công bằng, công khai với một thẩm phán độc lập;

– Giả định vô tội;

– Trao quyền cho các nghi phạm hoặc bị cáo;

– Phiên tòa đặc biệt dành cho nghi phạm hoặc bị cáo chưa thành niên;

– Quyền được xem xét tư pháp;

– Khả năng được bồi thường và khôi phục tình trạng ban đầu;

– Nguyên tắc không bị xét xử hai lần về cùng một hành vi (Ne Bis In Idem principle).

Khuôn khổ của giả định vô tội là bảo vệ quyền con người. Trong bối cảnh này, sự tồn tại của nhận thức về nhân quyền sẽ đảm bảo sự bảo vệ cho công dân trong mọi tình huống. Điều 8 (1) của Luật số 48 năm 2009 về quyền lực tư pháp quy định rằng: “Bất cứ ai bị nghi ngờ, bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố hoặc đưa ra trước một phiên tòa phải được coi là vô tội trước khi phán quyết của tòa án tuyên bố có tội và có hiệu lực pháp lý”

Điều này sau đó được giải thích trong Bình giải chung 3 (c) của Luật Tố tụng hình sự: “Bất cứ ai bị nghi ngờ, bị bắt, bị giam giữ, bị truy tố hoặc đưa ra trước tòa án, phải được coi là vô tội cho đến khi có phán quyết cuối cùng có hiệu lực của tòa án tuyên bố tội lỗi của người đó.”

Điều 66 của Luật Tố tụng hình sự cũng được đề cập đến Giả định vô tội. Theo đó, một nghi phạm hoặc một bị cáo sẽ không phải chịu nghĩa vụ chứng minh. Việc làm sáng tỏ Điều 66 cho thấy Điều này phản ánh Nguyên tắc Giả định vô tội.

Một số loại hệ thống chứng cứ được sử dụng trong thực tiễn xét xử ngoại trừ hệ thống chứng cứ bình thường được thực hiện bởi Công tố viên. Xét về khía cạnh văn bản, có một sự chuyển dịch của nghĩa vụ chứng minh, sự đảo ngược nghĩa vụ chứng minh và niềm tin hợp lí (Intime Conviction). Indriyanto Seno Adji (2006) giải thích sự dịch chuyển của nghĩa vụ chứng minh và đảo ngược nghĩa vụ chứng minh trong trường hợp của tham nhũng. Việc thay đổi nghĩa vụ chứng minh đã được thể hiện trong Luật số 3 năm 1971 liên quan đến Xóa bỏ tham nhũng (đây là luật cũ đã được thay thế bằng luật mới). Việc chuyển dịch nghĩa vụ chứng minh có ý nghĩa thay đổi nghĩa vụ của Công tố viên để chứng minh lỗi của bị cáo. Việc thay đổi nghĩa vụ chứng minh vẫn chưa phải là một sự đảo ngược nghĩa vụ này vì việc đảo ngược nghĩa vụ chứng minh có khả năng mâu thuẫn và vi phạm các nguyên tắc nhân quyền, đặc biệt liên quan đến việc bảo vệ và tôn trọng các quyền của bị cáo. Việc chuyển dịch nghĩa vụ chứng minh thực chất là vẫn đặt nghĩa vụ này trên vai công tố viên. Hoàn toàn đảo ngược nghĩa vụ chứng minh là điều không thể được thực hiện, do đó thuật ngữ nên được sử dụng là sự đảo ngược có giới hạn hoặc cân bằng về nghĩa vụ chứng minh. Hệ thống chứng cứ khác được gọi là niềm tin hợp lí (Intime Conviction) được sử dụng vào tháng 10 năm 1789 tại Tòa án Hiến pháp của Pháp. Reda Manthovani và Narendra Jatna (2011), dẫn theo Jean Marie Fayol-Noireterre, giải thích rằng hệ thống chứng cứ niềm tin hợp lí được cấu thành như một hệ thống các kĩ thuật chứng cứ trong một phiên tòa xét xử và việc xem xét sử dụng tất cả các sự kiện và bằng chứng được đưa ra bởi Công tố viên vẫn cho phép Thẩm phán đánh giá tất cả các loại bằng chứng ví dụ bằng chứng dựa trên lời khai, kiến thức và yếu tố tâm lí. Reda Manthovani và R, Narendra Jatna đề nghị Luật tố tụng của In-đô-nê-xi-a có thể xem xét sử dụng (nguyên tắc) niềm tin hợp lí trong tương lai như một nỗ lực tôn trọng quyền con người để tìm kiếm bằng chứng. Do đó, nó sẽ không bị ảnh hưởng bởi việc hủy bỏ bằng chứng nếu phương thức thu thập là bất hợp pháp.

Luật chống rửa tiền đang thực hiện đảo ngược nghĩa vụ chứng minh (Điều 77). vấn đề là liệu Luật chống rửa tiền sẽ dựa theo nguyên tắc Giả định có tội hay Giả định vô tội. Yudi Kristiana (2015) giải thích rằng bằng chứng kĩ thuật về rửa tiền có liên quan đến bản cáo trạng được biên soạn dưới hình thức kết hợp giữa hành vi phạm tội nguồn và tội phạm rửa tiền. Trong phiên tòa, quá trình chứng minh sẽ được thực hiện bởi Bị cáo và Công tố viên.

Theo Điều 77 của Luật chống rửa tiền, các bị cáo có nghĩa vụ chứng minh rằng tài sản của mình không phải là kết quả của hành vi phạm tội. Điều 78 của Luật chống rửa tiền là việc thực thi nghĩa vụ đó như được nêu trong Điều 77. Lệnh của Thẩm phán chứng minh rằng tài sản của bị cáo liên quan đến vụ án không bắt nguồn từ hành vi phạm tội được đưa ra dựa trên việc nộp chứng cứ hợp pháp. Điều đó có nghĩa là bị cáo có nghĩa vụ chứng minh rằng tài sản của mình bị Công tố viên cáo buộc rửa tiền là không đúng sự thật vì nó không có nguồn gốc hoặc liên quan đến tội phạm. Điều 78 của Luật chống rửa tiền quy định rằng:

“Khi kiểm tra tại phiên tòa được thực hiện theo Điều 77 ở trên, thẩm phán yêu cầu các bị cáo chứng minh rằng tài sản của mình không hình thành hoặc không liên quan đến hành vi tội phạm như được nêu trong Điều 2 đoạn (1)

Bị cáo chứng minh rằng tài sản của mình không bắt nguồn từ hoặc không liên quan đến hành vi tội phạm như được nêu trong Điều 2 đoạn (1) bằng cách đệ trình đủ các bằng chứng”

Theo Điều 77 và Điều 78 của Luật chống rửa tiền, có thể hiểu rằng:

– Bị đơn có nghĩa vụ;

– Thẩm phán yêu cầu các bị cáo chứng minh;

– Bị cáo chứng minh bằng hồ sơ đầy đủ.

Một khi các bị cáo không trình được bằng chứng pháp lí, thì bản cáo trạng của Công tố viên được chứng minh.

4. Nguyên tắc Giả định vô tội và việc đảo ngược nghĩa vụ chứng minh trong pháp luật chống rửa tiền

Sự đảo ngược nghĩa vụ chứng minh đã được xây dựng giống như trong Luật Chống tham nhũng, nhưng đó là sự đảo ngược nghĩa vụ chứng minh một cách hạn chế. Việc này sẽ không được áp dụng cho tất cả các hành vi tội phạm, mà chỉ đối với hành vi nhận hối lộ. Việc đảo ngược nghĩa vụ chứng minh cũng được thực hiện trong Điều 37 Đoạn (1) và Điều 38 đoạn (1) của Luật số 20 năm 2001 sửa đổi Luật số 31 năm 1999 về phòng ngừa và xóa bỏ tham nhũng. Điều 37 đoạn 2, liên quan đến làm giàu bất hợp pháp, nêu rõ:

Bị cáo sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin về toàn bộ tài sản của mình và của cải của vợ hoặc của con cái cũng như của cải của bất kì cá nhân hay tập đoàn nào, có liên quan đến vụ án mà (bị cáo) bị cáo buộc.

Trong trường hợp bị cáo không chứng minh được rằng tài sản của mình tương xứng với thu nhập, kết quả sẽ được sử dụng để củng cố bằng chứng rằng bị cáo đã phạm tội tham nhũng (điều 37 khoản (2)).

Điều 38 B đoạn (1) của Luật số 20 năm 2001, sửa đổi Luật số 31 năm 1999 về phòng ngừa và xóa bỏ tham nhũng quy định rằng:

Mỗi người bị cáo buộc phạm một trong các tội tham nhũng được nêu tại Điều 2, Điều 3, Điều 4, Điều 13, Điều 14, Điều 15, Điều 16 của Luật số 31 năm 1999 về Xóa bỏ tham nhũng và Điều 5 đến Điều 12 của Luật này, sẽ chứng minh sự giàu có của mình mà anh ta / cô ta chưa bị truy tố nhưng được cho là có nguồn gốc từ tội phạm tham nhũng.

Quy định này có liên quan đến việc tịch thu tài sản chưa bị truy tố. Tác động là nếu bị cáo không thể chứng minh rằng tài sản của mình tương xứng với mức thu nhập của họ hoặc bất kì thu nhập bổ sung nào từ tài sản của họ, thông tin sẽ được sử dụng để củng cố tài liệu chứng cứ hiện có về việc bị cáo đã thực hiện một tội tham nhũng (Điều 38 B đoạn 2). Pháp luật yêu cầu Công tố viên nộp đơn yêu cầu (file a request) tịch thu tài sản tại thời điểm chính thức công bố cáo trạng của vụ án. Do đó, bị cáo cũng sẽ nộp đơn yêu cầu xác thực rằng tài sản của mình không bắt nguồn từ hành vi phạm tội tham nhũng tại thời điểm người đó đọc bản bào chữa của mình trong vụ án. Do đó, bị cáo có thể lặp lại điều này trong kháng cáo tới cấp phúc thẩm và/hoặc Tòa án Tối cao (Điều 38 B đoạn 3 và 4). Trong phần này, Indriyanto Seno Adji (2006) cho rằng nghĩa vụ chứng minh được đặt cho Công tố viên là một quyền tuyệt đối để buộc tội là một (biểu hiện của) nguyên tắc giả định vô tội và đó cũng là sự hiện thực hóa việc chấp nhận nguyên tắc không ai bị buộc phải nhận là mình có tội.

Trong đạo luật chống rửa tiền, qua thảo luận như trên về Điều 77, cho thấy rằng pháp luật đã đòi hỏi nghĩa vụ của bị cáo phải chứng minh tài sản của mình không bắt nguồn từ hành vi phạm tội. Tuy vậy, trong trường hợp của cáo buộc rửa tiền, không thể nói rằng nghĩa vụ đó mâu thuẫn với nguyên tắc Giả định vô tội. Bởi lẽ cần quan sát (nghĩa vụ này) trong mối liên quan với Điều 68 của Luật chống rửa tiền, các thủ tục chứng minh phải được tuân theo các quy định chung của Luật Tố tụng hình sự. Điều đó có nghĩa là, công tố viên phải chứng minh cáo trạng đã được xây dựng theo đúng các quy định của Luật Tố tụng hình sự, đồng thời có một nghĩa vụ mới cho bị cáo phải chứng minh về tài sản mà mình có. Các bị cáo phải trình bày bằng chứng pháp lý để thực hiện nghĩa vụ mà pháp luật yêu cầu trong khi buộc tội bị cáo buộc rửa tiền bị buộc tội, công tố viên cũng phải có bằng chứng pháp lý tương ứng với cáo buộc.

Một lần nữa, hành vi rửa tiền hiện được quy định là một tội phạm nhưng phải có hành vi phạm tội nguồn. Sau đó, hệ thống chứng cứ được lựa chọn bởi pháp luật phải phù hợp và có thể xác nhận chéo. Điều phối viên M. Salman (và các tác giả khác) từ trung tâm Báo cáo và Phân tích Giao dịch Tài chính Indonesia (2017) đã phân tích vụ án Sita Erny thể hiện trong Quyết định của Tòa án Tối cao số 2315 K/ Pid.Sus / 2014, đã đưa ra phân tích quan trọng về việc đảo ngược nghĩa vụ chứng minh. Phân tích bắt đầu bằng nhận xét rằng việc đảo ngược nghĩa vụ chứng minh là trái với quy định của pháp luật về chứng cứ, và các quy định của luật tố tụng hình sự cần được thi hành theo một hệ thống khác biệt nếu xét cụ thể trong trường hợp xử lý rửa tiền. Sự đảo ngược của nghĩa vụ chứng minh được điều chỉnh trong Luật chống rửa tiền là một sự đảo ngược hạn chế và cân bằng. Nó có nghĩa là bị cáo và công tố viên đều có nghĩa vụ phải chứng minh liệu bị cáo có lỗi hay không. Hệ quả là, việc đảo ngược nghĩa vụ chứng minh không thể được áp dụng để tìm kiếm khía cạnh lỗi của bị cáo.Việc đảo ngược nghĩa vụ chứng minh sẽ được áp dụng cho những bằng chứng liên quan đến tài sản, trong khi việc chứng minh yếu tố lỗi “đã biết” và/hoặc “bị cáo buộc hợp lý”, sẽ được thực hiện bởi Công tố viên, về vấn đề này, việc đảo ngược nghĩa vụ chứng minh sẽ không trái với nguyên tắc Giả định vô tội, và nó cũng không được xác định là giả định có tội.

5. Kết luận

Nguyên tắc Giả định vô tội đã liên tục được thông qua trong tố tụng hình sự của In-đô-nê- xi-a. Khung pháp lí của nguyên tắc này đã được bảo đảm bởi Đạo luật về Quyền lực Tư pháp và Luật về Tố tụng Hình sự. Nó cũng được thực hiện trong Luật chống rửa tiền và luật chống tham nhũng. Giả định vô tội được phản ánh phần nào thông qua việc đảo ngược nghĩa vụ chứng minh đã được cả hai luật áp dụng, nhưng đó là một sự đảo ngược hạn chế và cân bằng. Theo Điều 77 của Luật chống rửa tiền, việc thực hiện đảo ngược nghĩa vụ chứng minh không thể được xem như là là vi phạm các quyền con ngưòỉ hoặc mâu thuẫn vóỉ nguyên tắc Giả định vô tội và nguyên tắc không ai bị buộc phải nhận tội. Việc đảo ngược nghĩa vụ chứng minh sẽ được sử dụng trong trường họp cần xác minh các tài sản là tài sản họp pháp hay bất họp pháp, và không hướng đến chứng minh yếu tố lỗi của các bị cáo. Thật không may, việc đảo ngược nghĩa vụ chứng minh như vậy đã không thực sự được Tòa án thực hiện.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung “Hiện trạng của nguyên tắc giả định vô tội trong pháp luật chống rửa tiền của Indonesia”. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập