Hiệp hội Kế toán Mỹ định nghĩa kế toán, là “quá trình nhận diện, đo lường và truyền đạt thông tin cho phép những người sử dụng thông tin đưa ra những đánh giá và quyết định có hiểu biết”. Ai cũng biết xã hội loài người đang tiến sang xã hội thông tin. Thiếu hệ thống đo lường thông tin thì không có xã hội hiện đại, văn minh. Như thế có thể thấy vai trò của kế toán quan trọng như thế nào đối với sự vận hành của xã hội. Rất đáng tiếc chương trình giáo dục của chúng ta chưa hề chú ý đến giáo dục những kiến thức kế toán cơ bản.
Kế toán tài chính là một bộ phận quan trọng của kế toán nói chung. Một trong 7 nguyên tắc cơ bản của kế toán tài chính là nguyên tắc không bù trừ: phải trình bày đầy đủ chi tiết thông tin tài chính và không tìm cách bù trừ một tài sản nợ với một tài sản có, một khoản thu với một khoản chi… Rất tiếc Luật Kế toán Việt Nam, Điều 7, chỉ quy định 6 nguyên tắc kế toán và thiếu hẳn nguyên tắc này. Sau đây chỉ luận bàn về hệ lụy khả dĩ của việc không tuân thủ nguyên tắc kế toán này đến các chính sách xã hội.
>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi: 1900.0191
Có thể thấy vô vàn dẫn chứng trong luật, quy định, chính sách hiện hành về sự không tuân thủ nguyên tắc “không bù trừ” (lẫn lộn hay không rạch ròi giữa bên thu và bên chi ngân sách; giữa bán và mua tài sản nhà nước; giữa các khoản ưu đãi, miễn giảm cho các đối tượng này, cho các loại thu nhập kia và các khoản thuế phải nộp…). Tư duy không rạch ròi này có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường, gây ra những rắc rối, hiểu lầm, tạo điều kiện và cơ hội, hay mách bảo, bày vẽ cách cho việc “hợp lý hoá” những việc làm sai trái, gây tổn thất tài sản nhà nước và kích thích tham nhũng.
Hãy ngó lại việc bán nhà sở hữu nhà nước (đây là tư nhân hoá 100%). Nếu thấm nhuần nguyên tắc kế toán đó, tức là không lẫn lộn việc bán và mua, thu và chi, ưu đãi, trợ cấp và giá bán, thì đã bớt được bao nhiêu bức xúc xã hội như chúng ta đã thấy trong thời gian qua.
Nếu rạch ròi, bán đúng giá, ai cũng có quyền mua nếu trả đủ, tức là thu ra thu cho ngân sách nhà nước, còn ngân sách công khai chi cho người được ưu đãi khoản mà họ được hưởng và họ có thể dùng khoản tiền này và tiền thêm của mình để mua, thì chắc nhiều vị “tai to mặt lớn” sẽ không dám nhận khoản tiền ưu đãi ấy vì nó lớn quá, nhân dân đã đỡ bức xúc về sự bất công bằng, Nhà nước đã bớt bị rút ruột.
Hoặc hãy xét việc bán một phần (tư nhân hoá một phần mà người ta cứ né gọi là cổ phần hoá), hay bán toàn bộ (tư nhân hoá 100%) doanh nghiệp nhà nước. Nếu bán công khai theo giá thị trường và không có ưu ái cho bất cứ ai (kể cả “cấp trên”, cán bộ lãnh đạo, nhân viên, hay “đối tác chiến lược”); còn những người được ưu ái, nếu có, thì chi công khai từ ngân sách cho họ bằng tiền khoản ưu đãi hay hỗ trợ đó để họ mua (hay không mua tuỳ họ quyết định).
Nếu rạch ròi như vậy thì bao nhiêu mắc mớ, rắc rối, sự “lòng vòng”, mờ ám liên quan đến cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước đã bớt nhiều, báo chí cũng đã đỡ tốn bút mực mổ xẻ những việc làm sai trái, nhân dân đã đỡ bức xúc vì những việc chướng tai gai mắt (tức là có sức khoẻ tốt hơn, đỡ chi phí thuốc men, làm ra nhiều của cải hơn), Nhà nước đỡ mất tài sản, và như thế xã hội văn minh hơn, vị thế cạnh tranh của đất nước được cải thiện hơn.
Hoặc hãy xem Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân và các luật thuế khác. Các khoản ưu đãi, miễn giảm cho các đối tượng này, cho các loại thu nhập kia…, là các khoản “trợ cấp” được lén đưa qua thuế, hay các khoản “thuế âm”. Các khoản trợ cấp xã hội nên được tách bạch và công khai ở “bên chi” của ngân sách, không nên lẫn lộn với “bên thu”. Sự trợ cấp “ngầm này” chỉ làm cho luật thuế phức tạp, rắm rối, chi phí xã hội cho việc đóng và thu thuế tăng lên.
Trợ cấp là trợ cấp, thuế là thuế, hãy tách bạch hai thứ này. Tuân thủ nguyên tắc không bù trừ làm cho thuế mang tính trung lập và làm cho hệ thống thuế đơn giản, nhất quán, dễ thực thi, không gây méo mó cho hệ thống giá; nó cũng làm cho người dân hiểu đúng về thuế về trợ cấp. Nhiều nước phát triển cũng không tuân thủ nguyên tắc này và hãy đừng mù quáng đi học cái dở của họ!
Tất nhiên chính sách xã hội còn phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác, song nếu chú ý đến các nguyên tắc kế toán chắc chắn chính sách sẽ tốt hơn. Tư duy rạch ròi thật là quan trọng.
TS. Nguyễn Quang A
Nguồn: Lao Động cuối tuần