Căn cứ pháp lý:

Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC;

Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

1. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

– Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.

– Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.

– Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.

– Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.

– Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.

Ví dụ: Nếu tố giác sai sự thật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Tuy nhiên để xem xét một người có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này hay không, cũng cần căn cứ vào độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 12 BLHS. Theo đó, người từ đủ 16 tuổi trở lên phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống

2. Nguyên tắc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

Thứ nhất, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

Nếu tố giác, báo tin về tội phạm không đúng, cơ quan tiếp nhân, giải quyết tố giác, báo tin về tội phạm không xác minh chính xác có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như oan, sai, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị xâm phạm.

Thứ hai, mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời theo trình tự, thủ tục của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và quy định tại Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC.

Thứ ba, chỉ những cơ quan và người có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố mới được tiến hành giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm: Cơ quan điều tra; Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Viện kiểm sát các cấp; Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp… 

Nguyên tắc này được ghi nhận nhằm xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể cũng như trách tình trạnh nhiều cơ quan không có thẩm quyền nhưng vẫn giải quyết dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

Thứ tư, trong quá trình tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, người có thẩm quyền phải nghiêm chỉnh thực hiện quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về hành vi, quyết định của mình. Người làm trái pháp luật trong tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nguyên tắc này nhằm nâng cao hiệu quả của công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. 

Thứ năm, Cơ quan tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức đã tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố về việc giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa.

Người tố giác, báo tin về tội phạm thường sợ bị trả thù và thực tế có nhiều trường hợp người tố giác đã bị trả thù. Chính vì vậy, việc quy định nguyên tắc này nhằm khuyến khích người dân tham gia vào quá trình phòng, chống tội phạm.

3. Trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm​ 

– Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm:

+ Cơ quan điều tra;

Hệ thống cơ quan điều tra: Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân; Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân; Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân: 

  • Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an; Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh).
  • Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh); Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện).

Cơ quan Điều tra của Quân đội nhân dân:

  • Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng; Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương.
  • Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng; Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương; Cơ quan điều tra hình sự khu vực.

+ Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

 Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm: Các cơ quan của Bộ đội biên phòng; Các cơ quan của Hải quan; Các cơ quan của Kiểm lâm; Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển; Các cơ quan của Kiểm ngư; Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

+ Viện kiểm sát các cấp;

Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân

  • Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
  • Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.
  • Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh).
  • Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện).
  • Viện kiểm sát quân sự các cấp.

+ Các cơ quan, tổ chức quy định tại điểm b khoản 2 Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 gồm: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

– Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

+ Các cơ quan quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này, trừ Đội An ninh ở Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết gọn là Đội An ninh Công an cấp huyện) có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình.

+ Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhận văn bản yêu cầu mà không được khắc phục.

4. Trách nhiệm tiếp nhận, thẩm quyền giải quyết kiến nghị khởi tố

– Cơ quan điều tra có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình.

– Viện kiểm sát có trách nhiệm tiếp nhận mọi kiến nghị khởi tố và chuyển ngay đến Cơ quan điều tra có thẩm quyền để giải quyết.

Viện kiểm sát giải quyết kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng sau 15 ngày kể từ ngày cơ quan đang thụ lý, giải quyết kiến nghị khởi tố nhận văn bản yêu cầu mà không được khắc phục.

5. Thời hạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

– Quyết định khởi tố vụ án hình sự;

– Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

– Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.

Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ email: [email protected] để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group.

Trân trọng./.