1. Nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra
Điều tra trong tố tụng hình sự là giai đoạn thứ có vai trò rất quan trọng trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự. Điều này không chỉ có ý nghĩa lớn đối với những người bị oan, sai mà còn ảnh hưởng lớn tới tâm lý của tất cả mọi người, tạo cho người dân yên tâm, tin tưởng hơn nữa vào chính sách pháp luật của Nhà nước ta. Chính vì vậy mà pháp luật tố tụng hình sự đã quy định rất chặt chẽ về các biện pháp điều tra. Đặc biệt Điều 19 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định về nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra như sau:
Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải tuân thủ pháp luật khi tiến hành hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật này.
Mọi hoạt động điều tra phải tôn trọng sự thật, tiến hành khách quan, toàn diện và đầy đủ; phát hiện nhanh chóng, chính xác mọi hành vi phạm tội, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.
Liên quan đến vấn đề này, tại Điều 3 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự cũng đã quy định nguyên tắc tổ chức điều tra hình sự như sau:
1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.
2. Bảo đảm sự chỉ đạo, chỉ huy thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phân công, phân cấp rành mạch, chuyên sâu, tránh chồng chéo và được kiểm soát chặt chẽ; điều tra kịp thời, nhanh chóng, chính xác, khách quan, toàn diện, đầy đủ, không để lọt tội phạm, và không làm oan người vô tội.
3. Cơ quan Điều tra cấp dưới chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của Cơ quan Điều tra cấp trên; cá nhân chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.
4. Chỉ cơ quan, người có thẩm quyền quy định trong Luật này mới được tiến hành hoạt động điều tra hình sự.
2. Sự cần thiết phải tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật trong hoạt động điều tra
Điều tra vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng hình sự thứ hai mà trong đó cơ quan Điều tra căn cứ vào các quy định của pháp luật tố tụng hình sự và dưới sự kiểm sát của Viện kiểm sát tiến hành các biện pháp cần thiết nhằm thu thập và củng cố các chứng cứ, nghiên cứu các tình tiết của vụ án hình sự, phát hiện nhanh chóng và đầy đủ tội phạm, cũng như người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm tội để truy cứu trách nhiệm hình sự, đồng thời bảo đảm cho việc bồi thường thiệt hại về vật chất do tội phạm gây nên và trên cơ sở đó quyết định: Đình chỉ điều tra vụ án hình sự hoặc là; Chuyển toàn bộ các tài liệu của vụ án đó cho Viện kiểm sát kèm theo kết luận điều tra và đề nghị truy tố bị can.
Điều tra là hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền Điều tra như cơ quan Điều tra, các cơ quan có thẩm quyền thực hiện hoạt động điều tra áp dụng mọi biện pháp luật định để xác định sự thật của vụ án. Với ý nghĩa như vậy, hoạt động điều tra đòi hỏi phải được tiến hành trên cơ sở tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật trong đó có các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và pháp luật nói chung. Nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong hoạt động Điều tra là nguyên tắc mới được bổ sung trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
3. Tuân thủ pháp luật khi tiến hành hoạt động điều tra
– Hoạt động điều tra phải tuân thủ pháp luật thể hiện trước hết ở việc các cơ quan có thẩm quyền điều tra chỉ được áp dụng các biện pháp điều tra mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Ngoài các biện pháp điều tra được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự thì tất cả các biện pháp điều tra khác đều là bất hợp pháp.
Để thu thập chứng cứ, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ theo quy định của Bộ luật hình sự; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.
Một số biện pháp điều tra được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như: Hỏi cung bỏ can; Lấy lời khai người làm chứng; Lấy lời khai của bị hại, đương sự; Đối chất; Nhận dạng; Nhận biết giọng nói; Khám xét người, chỗ ở, nơi làm việc địa điểm, phương tiện, đồ vật, thư tín,…; Khám nghiệm hiện trường; Khám nghiệm tử thi; Xem xét dấu vết trên thân thể….
– Tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra còn thể hiện hoạt động này phải được thực hiện đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục, thời hạn điều tra mà Bộ luật Tố tụng hình sự quy định. Nếu vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra thì hậu quả pháp lý là kết quả của các hoạt động điều tra như chứng cứ thu thập được, kết luận về các tình tiết của vụ án đều không có giá trị.
+ Thẩm quyền điều tra:
Cơ quan điều tra của Công an nhân dân điều tra tất cả các tội phạm, trừ những tội phạm thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân và Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân điều tra các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự.
Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ quy định tại Chương XXIII và Chương XXIV của Bộ luật hình sự xảy ra trong hoạt động tư pháp mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.
Cơ quan điều tra có thẩm quyền điều tra những vụ án hình sự mà tội phạm xảy ra trên địa phận của mình. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được địa điểm xảy ra tội phạm thì việc điều tra thuộc thẩm quyền của Cơ quan điều tra nơi phát hiện tội phạm, nơi bị can cư trú hoặc bị bắt.
+ Thời hạn điều tra:
Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra.
Trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì chậm nhất là 10 ngày trước khi hết thời hạn điều tra, Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát gia hạn điều tra. Việc gia hạn điều tra được quy định như sau:
a) Đối với tội phạm ít nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra một lần không quá 02 tháng;
b) Đối với tội phạm nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, lần thứ nhất không quá 03 tháng và lần thứ hai không quá 02 tháng;
c) Đối với tội phạm rất nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra hai lần, mỗi lần không quá 04 tháng;
d) Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có thể được gia hạn điều tra ba lần, mỗi lần không quá 04 tháng.
Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà thời hạn gia hạn điều tra đã hết nhưng do tính chất rất phức tạp của vụ án mà chưa thể kết thúc việc điều tra thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.
Đối với tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền gia hạn thêm một lần không quá 04 tháng.
4. Tôn trọng sự thật khi tiến hành hoạt động điều tra
Nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra cũng đòi hỏi hoạt động điều tra phải có nhiệm vụ phải được tiến hành trên cơ sở tôn trọng sự thật. Không được bóp méo, xuyên tạc sự thật của vụ án.
Hoạt động điều tra phải đảm bảo khách quan, toàn diện và đầy đủ, phát hiện nhanh chóng, chính xác mọi hành vi phạm tội, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án.
5. Ý nghĩa của nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong hoạt động điều tra
Quy định mới này trong BLTTHS năm 2015 nhằm nâng cao trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong quá trình điều tra phải luôn đảm bảo tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật tránh làm oan, sai người vô tội. Đồng thời, cũng nâng cao trách nhiệm của cơ quan Viện kiểm sát phải giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra nhằm bảo đảm cho hoạt động điều tra của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tuân thủ các quy định của BLTTHS; phải phát hiện kịp thời và yêu cầu, kiến nghị CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra; truy tố đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.
6. Tìm hiểu về giai đoạn điều tra
Với tính chất là một giai đoạn độc lập của tố tụng hình sự, giai đoạn điều tra vụ án hình sự có chức năng thực hiện các nhiệm vụ cụ thể nhằm áp dụng các biện pháp cần thiết do luật định để chứng minh việc thực hiện tội phạm và người phạm tội, xác định rõ những nguyên nhân và điều kiện phạm tội, đồng thời kiến nghị các cơ quan và tổ chức hữu quan áp dụng đầy đủ các biện pháp khắc phục và phòng ngừa tội phạm; Thời điểm của giai đoạn này được bắt đầu từ khi cơ quan (người) tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và kết thúc bằng bản kết luận điều tra và quyết định của Cơ quan Điều tra về việc đề nghị Viện kiểm sát truy tố bị can trước Tòa án hoặc đình chỉ vụ án hình sự tương ứng.
– Một mặt, điều tra vụ án hình sự là chức năng quan trọng trong hoạt động tư pháp hình sự của cơ quan (người) tiến hành có thẩm quyền đối với mỗi hành vi phạm tội nhằm trực tiếp chứng minh hành vi phạm tội và người có lỗi trong việc thực hiện tội phạm thông qua các chứng cứ đã thu thập được, đồng thời cũng là một trong những phương tiện cơ bản để thực hiện tốt nguyên tắc không tránh khỏi trách nhiệm trong thực tiễn áp dụng pháp luật tố tụng hình sự, tránh bỏ lọt tội phạm;
– Mặt khác, điều tra vụ án hình sự cũng góp phần loại trừ một thái cực khác trong hoạt động tư pháp hình sự, ngăn chặn kịp thời việc thông qua quyết định khởi tố bị can một cách không thận trọng, thiếu chính xác và do vậy, có thể sẽ kéo một loạt hậu quả tiêu cực tiếp theo xảy ra trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự ở các giai đoạn tố tụng hình sự (như: Truy tố của Viện kiểm sát hoặc xét xử của Tòa án không khách quan, vô căn cứ và trái pháp luật, làm oan những người vô tội);
– Và cuối cùng, điều tra vụ án hình sự là một giai đoạn tố tụng hình sự cơ bản và quan trọng để tăng cường pháp chế, bảo vệ các quyền và tự do của công dân trong các giai đoạn trước khi khởi tố của Viện kiểm sát và xét xử của Tòa án, cùng với các giai đoạn tố tụng hình sự khác góp phần có hiệu quả vào cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm trong toàn xã hội.
LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm & Biên tập)