>> Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191
Nguyên tắc tỷ lệ được hiểu là việc “đi tìm sự kết hợp giữa phương tiện và mục đích đạt được“[1]. Theo quan điểm đã được thừa nhận rộng rãi tại Hoa Kỳ và các nước EU, trong nhà nước pháp quyền, cơ quan nhà nước chỉ áp dụng các biện pháp thật sự cần thiết để duy trì và tái lập trật tự công cộng. Nhà nước không nên và không cần làm quá những gì cần thiết để đạt được mục đích của mình, đặc biệt là trong quá trình ra quyết định. Ví dụ thực tiễn ở EU: trong chừng mực có thể, về mặt hình thức, Uỷ ban Châu Âu luôn ưu tiên chọn các phương pháp hành động ít mang tính ràng buộc nhất đối với các nước thành viên, ví dụ như ban hành các Chỉ thị (directive) nhiều hơn là Nghị định (règlement), vì Chỉ thị ít mang tính ràng buộc hơn Nghị định (vốn được áp dụng trực tiếp, không cần nội luật hóa). Về mặt nội dung, EU xác định tránh ban hành những quy phạm quá chi tiết, nên dành một khoảng không gian để cho các cơ quan thực thi pháp luật vận dụng sáng tạo pháp luật phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn cụ thể.
Có 3 nguyên tắc chi phối nguyên tắc tỷ lệ.
Một là quy phạm khả năng (rules of capability): hiểu một cách đơn giản thì quy phạm khả năng dùng để chỉ một biện pháp bất kỳ do nhà nước tiến hành phải có khả năng thực tế đạt được mục đích mong muốn. Muốn vậy, trước khi ra quyết định, nhà nước cần có đánh giá mang tính dự báo về những hệ quả có thể phát sinh theo hướng tích cực hay tiêu cực. Ngoài những hệ quả có thể dự báo được, cũng cần phải đánh giá cả những hệ quả khách quan khác không nhìn thấy trước được (đánh giá rủi ro), để từ đó có cơ sở cân nhắc kỹ trước khi ra quyết định.
Hai là quy phạm cần thiết (rules of necesary): thông thường để đạt được mục đích nào đó, không chỉ có một, mà thường là nhiều biện pháp khác nhau. Vấn đề ở đây là Nhà nước cần chọn biện pháp nào gây thiệt hại ít nhất cho lợi ích tư, mà vẫn có thể đảm bảo được lợi ích công cộng. Ở đây cần lưu ý: nếu chiếu theo quy phạm khả năng như đã nói ở trên, mặc dù đã thoả mãn đầy đủ các yếu tố cấu thành nhưng cũng chưa đủ căn cứ để ra quyết định nếu có căn cứ khác chứng minh được rằng đang tồn tại một giải pháp khác vẫn cho phép đạt được mong muốn của nhà nước nhưng ít gây thiệt hại hơn cho lợi ích tư. Sự phân tích một cách có hệ thống giữa hai quy phạm trên trong hệ thống common law người ta gọi là học thuyết ready made(làm sẵn, may sẵn, bày sẵn để chọn lựa cái tối ưu).
Ba là quy phạm tỷ lệ (rules of proportion): đặt lên bàn cân để xem xét tính mối tương quan giữa nghiêm trọng của hệ quả do biện pháp dự định áp dụng gây ra cho các chủ thể tư và hệ quả có thể phát sinh nhìn từ góc độ lợi ích công cộng. Nói cách khác, cần phải trả lời câu hỏi: mức độ quan trọng của biện pháp dự kiến áp dụng như thế nào trong việc theo đuổi lợi ích công cộng? Như vậy, một biện pháp dù có thể thoả mãn cả hai điều kiện trên vẫn không nên chọn lựa để áp dụng nếu như không có một tỷ lệ hợp lý giữa kết quả dự kiến đạt được với mục đích đặt ra, hay nói cách khác là kết quả dự kiến đạt được hàm chứa những thiệt hại nghiêm trọng một cách thái quá. Quy phạm này giới hạn sự chọn lựa của các cơ quan hành chính nhà nước trước khi cân nhắc áp dụng các biện pháp trấn áp hoặc các chế tài hành chính.
Trong Luật Cạnh tranh, nguyên tắc tỷ lệ đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định sự cần thiết của việc áp dụng và mức phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật cạnh tranh. Về mặt lịch sử, học thuyết này xuất hiện đầu tiên ở Hoa Kỳ (đầu thế kỷ XX) và du nhập vào châu Âu vào khoảng năm 50-60 của thế kỷ XX.
Bộ luật Thương mại của Pháp (Điều L.464-2) đã pháp điển hoá nguyên tắc này thành một quy phạm như sau:
“Các chế tài phạt tiền phải tỷ lệ với mức độ nghiêm trọng của các hành vi vi phạm, với mức độ nghiêm trọng của các thiệt hại gây ra cho nền kinh tế, với tình trạng của chủ thể vi phạm. Chế tài phải được cá thể hoá cho từng chủ thể vi phạm theo đúng hành vi vi phạm đã gây ra”.
Một số quy phạm thực định có liên quan trong Bộ luật Thương mại của Pháp:
Nhìn chung, các quy phạm về cạnh tranh trong Bộ luật Thương mại của Pháp đều thể hiện nguyên tắc này một cách xuyên suốt. Có thể lấy một số ví dụ như sau:
– Các trường hợp miễn trừ đối với thoả thuận hạn chế cạnh tranh và lạm dụng vị trí thống lĩnh;
– Việc cân nhắc sự cần thiết và mức phạt đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
– Việc xác định các yếu tố cấu thành “điều khoản cấm cạnh tranh”;
– Điều khoản khoan hồng (clause de clémence)-phần này đã đề cập trong diễn đàn lần trước.
Một số án lệ
* Án lệ ngày 05/02/2008 của Toà Tư pháp EU:
Một hiệp hội các nhà sản xuất và xuấn bản băng đĩa âm nhạc và các sản phẩm nghe nhìn của Tây Ban Nha đã kiện đến toà án Tây Ban Nha đề nghị toà án yêu cầu một nhà cung cấp dịch vụ internet ngừng việc tiết lộ thông tin địa chỉ IP của các thành viên của hiệp hội cho công chúng biết. Theo luật của Tây Ban Nha, luật pháp chỉ cho phép công bố các thông tin này trong khuôn khổ điều tra hình sự và phục vụ lợi ích công cộng, an ninh quốc gia. Vấn đề đặt ra là luật của EU có cho phép hành vi này không.
Toà án tư pháp EU viện dẫn điều 5 Chỉ thị về “đời sống tư và truyền thông điện tử” của Liên minh châu Âu trong đó yêu cầu các nước thành viên phải có các biện pháp phù hợp để bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Tiếp theo đó, Toà Tư pháp EU viện dẫn điều 15 Chỉ thị này quy định một số ngoại lệ của nguyên tắc trên, theo đó, các nước thành viên có thể cho phép áp dụng ngoại lệ nguyên tắc bảo vệ dữ liệu cá nhân trong trường hợp nó thực sự cần thiết để bảo vệ quyền và tự do của người khác. Tuy nhiên, muốn được hưởng ngoại lệ này, đương sự phải thông qua một thủ tục tố tụng dân sự. Theo đó, Toà Tư pháp EU đã khẳng định cần có sự kết hợp giữa các quyền cơ bản, ví dụ như giữa quyền tôn trọng bí mật đời tư và bảo vệ quyền sở hữu. Trong án lệ này, Toà đã viện dẫn nguyên tắc tỷ lệ, tức là cần có tỷ lệ hợp lý và cân đối giữa các quyền cơ bản của công dân trong lĩnh vực cạnh tranh thương mại. Nói cách khác, nếu các nước thành viên cho phép các nhà cung cấp dịch vụ internet khai thác và công bố các dữ liệu cá nhân, thì sự cho phép này cũng chỉ giới hạn trong khuôn khổ “bảo vệ lợi ích hợp pháp của người khác”. Và như vậy, Toà yêu cầu sau khi nhà cung cấp internet của Tây Ban Nha chứng minh được yếu tố này thì hành vi của họ có thể coi là hợp pháp và không bị cấm, theo đúng nguyên tắc tỷ lệ.
* Án lệ ngày 12/9/2000 của Toà Tư pháp EU:
Luật của cộng đồng châu Âu không chống lại việc một quốc gia sử dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ ngôn ngữ của quốc gia mình trong lĩnh vực thương mại. Tuy nhiên, việc bảo tồn giá trị văn hoá này không được làm ảnh hưởng đến nguyên tắc trụ cột trong EU là tự do lưu thông hàng hoá và dịch vụ. Nói cách khác, quốc gia thành viên phải chứng minh được nguyên tắc tỷ lệ trong trường hợp này. Theo đó, một công ty nước khoáng của Bỉ đã thắng kiện khi chống lại một đạo luật của Bỉ trong đó quy định cấm bán các loại nước khoáng nếu thông tin về thành phần của nước khoáng đó không được viết bằng ngôn ngữ của người tiêu dùng nơi hàng hoà được lưu thông. Toà đã viện dẫn điều 14 Chỉ thị số 79-112 của Hội đồng Châu Âu ngày 18/12/1978 về nhãn hiệu, tên gọi của các loại hàng hoá là lương thực, thực phẩm, trong đó có quy định nguyên tắc không được quy định các rào cản về ngôn ngữ trên sản phẩm để hạn chế nguyên tắc tự do lưu thông hàng hoá, dịch vụ.
Quan điểm của Hội đồng cạnh tranh Pháp về việc áp dụng nguyên tắc tỷ lệ
Sau nhiều năm áp dụng nguyên tắc tỷ lệ trong quá trình ra phán quyết, ngày 7 tháng 10 năm Hội đồng cạnh tranh Pháp đã chính thức ban hành một tài liệu mang tên “Chế tài phạt tiền đối với các doanh nghiệp trong luật cạnh tranh, nguyên tắc để đạt đến một sự hài hoà”(“Les sanctions pécuniaires des entreprises en droit de la concurrence, Principes pour une convergence”)[2].Nội dung của tài liệu này thể hiện rất rõ ràng quan điểm về việc áp dụng nguyên tắc tỷ lệ trước khi quyết định chế tài phạt tiền đối với các doanh nghiệp khi có hành vi vi phạm luật cạnh tranh. Tài liệu này trên thực tế bắt nguồn từ ý tưởng chung của ECA (European competition authorities – Cơ quan cạnh tranh của Châu Âu-mạng lưới không chính thức tập hợp các cơ quan quản lý cạnh tranh của Châu Âu được thành lập từ năm 2001, bao gồm cơ quan cạnh tranh của các nước trong liên minh Châu Âu và cả các nước tham gia Hiệp hội tự do lưu thông trong Châu Âu). Tinh thần chủ đạo xuyên suốt tài liệu này là chế tài phạt tiền chỉ nên áp dụng theo đúng mục đích đã đề ra và không còn biện pháp nào tỏ ra hiệu quả hơn. Mục đích chính của chế tài này là răn đe (dissuasion) chứ không phải là trừng phạt. Chế tài áp dụng đối với doanh nghiệp đã bị kết luận là tham gia vào một vụ việc phản cạnh tranh phải đáp ứng được đồng thời 3 chức năng: trừng phạt chủ thể vi phạm, làm nản chí mọi hành vi tái phạm và điều quan trọng nhất là răn đe mọi chủ thể khác đang có ý định vi phạm Luật Cạnh tranh. Hội đồng cạnh tranh đã nhấn mạnh “mục đích của chế tài phạt tiền không phải là khiến cho hàng trăm người bị trở thành thất nghiệp, mà cần phải cân nhắc kỹ trên cơ sở nguyên tắc tỷ lệ: chế tài phạt tiền không được vượt quá sự cần thiết để đảm bảo một sự trừng phạt có hiệu quả và một mức độ đủ để răn đe“. Để làm được điều này, điều quan trọng là Luật Cạnh tranh cần phải đề ra một phương pháp luận tính toán mức phạt sao cho không bị cứng nhắc, mà nên có một khoảng trống cho người áp dụng pháp luật được quyền sáng tạo khi áp dụng. Cách làm này sẽ ngăn cản việc doanh nghiệp có thể tự tính toán được rủi ro tài chính một cách chính xác đối với mỗi hành vi vi phạm luật cạnh tranh của họ. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để cơ quan cạnh tranh có thể ấn định được mức phạt một cách chính xác? Câu trả lời đã được tìm thấy trong chính tài liệu này, trong đó có một số điểm đáng chú ý như sau:
– Thứ nhất, để đảm bảo đạt được nguyên tắc răn đe, mức tiền phạt phải cao hơn lợi nhuận có thể thu được theo mong đợi của chủ thể vi phạm khi thực hiện hành vi phản cạnh tranh.
– Thứ hai, việc tính toán mức tiền phạt nên dựa theo tiêu chí doanh thu do doanh nghiệp vi phạm thực hiện, vì như vậy việc trừng phạt mới phù hợp với hành vi gây hại cho quy luật cạnh tranh và người áp dụng pháp luật mới có một cơ sở mang tính khách quan để tính toán mức phạt;
– Thứ ba, trong trường hợp đồng phạm, thì cần phải tính toán kỹ kết quả của mỗi chủ thể vi phạm. Bản chất của hành vi có lỗi phải được xem xét kỹ cũng như giá trị của thiệt hại mà các nạn nhân đã phải hứng chịu (người tiêu dùng, doanh nghiệp bị loại khỏi thị trường một cách bất công, tác động xấu đến môi trường kinh tế).
– Thứ tư, cần xem xét kỹ các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ. Trước hết đối với tình tiết tăng nặng, tài liệu này đã chỉ rõ một số loại hành vi sau: chủ mưu vi phạm; ép buộc các doanh nghiệp khác tham gia hành vi vi phạm; không hợp tác với cơ quan quản lý cạnh tranh trong quá trình điều tra; tái phạm. Về tình tiết giảm nhẹ: bị ép buộc phải tham gia vào một thoả thuận hạn chế cạnh tranh; hợp tác tốt trong quá trình điều tra. Vận dụng nguyên tắc “người xuất hiện đầu tiên ở cửa sổ” bắt nguồn từ Hoa Kỳ, Hội đồng cạnh tranh Pháp cũng như cơ quan quản lý cạnh tranh của hầu hết các nước Châu âu đều áp dụng nguyên tắc miễn áp dụng mọi chế tài phạt cho chủ thể trong một vụ đồng phạm đến tự thú sớm nhất. Những chủ thể tự thú muộn hơn được xem xét giảm nhẹ mức phạt.
Cuối cùng, trước khi quyết định mức phạt còn phải xem xét kỹ tình hình thực tế của doanh nghiệp. Nếu chủ thể vi phạm là một doanh nghiệp lớn, nếu mức doanh thu có liên quan đến hành vi vi phạm – cơ sở của việc ấn định mức phạt – chiếm một phần quá nhỏ so với tổng doanh thu của doanh nghiệp, thì cơ quan cạnh tranh cần phải tăng mức phạt lên để đảm bảo đạt được mục đích “răn đe”. Ngược lại, đối với doanh nghiệp nhỏ, cơ quan cạnh tranh cần cân nhắc kỹ “khả năng đóng góp”của họ để ấn định mức phạt và điều quan trọng là không được tạo ra một cuộc “khủng hoảng kinh tế” cho doanh nghiệp đó hoặc cho địa phương đó. Trường hợp chủ thể vi phạm là một chi nhánh hoặc công ty con, thì cần xem xét kỹ mối liên hệ giữa nó với công ty mẹ và ấn định mức phạt một cách tỷ lệ giữa công ty con và công ty mẹ; trường hợp cần thiết có thể yêu cầu công ty mẹ chịu phạt thay để cứu công ty con khỏi tình trạng phá sản.
Kết luận lại, quan điểm của Hội đồng cạnh tranh Pháp cũng như hầu hết các cơ quan cạnh tranh của các nước châu âu là trong lĩnh vực luật cạnh tranh, không có công thức chung để tính toán mức phạt trong mọi trường hợp, mà cần phải dựa vào từng trường hợp, từng bối cảnh cụ thể để quyết định mức phạt sao cho hợp lý nhất, luôn tính đến hiệu quả kinh tế xã hội. Đó chính là điểm cốt lõi của nguyên tắc tỷ lệ.
Điều khoản cấm cạnh tranh trong luật của Pháp
Theo Luật Cạnh tranh và Luật Lao động của Pháp, chủ sử dụng lao động có thể yêu cầu người sử dụng lao động ký một điều khoản về cấm cạnh tranh, tức là trong quá trình làm việc cho công ty hoặc sau khi đã thôi việc, người lao động không được thành lập doanh nghiệp hoặc làm cho một doanh nghiệp khác đang hoạt động trong ngành nghề cạnh tranh với công ty. Trước đây, những điều khoản kiểu này bị coi là bất hợp pháp vì nó vi phạm quyền tự do lao động. Tuy nhiên, gần đây, với việc áp dụng nguyên tắc tỷ lệ, Pháp cũng như nhiều nước EU đã chấp nhận điều khoản này, với hai ràng buộc:
– Thứ nhất, việc cấm cạnh tranh như trên phải có giới hạn cụ thể về không gian và thời gian (nếu cấm tuyệt đối thì không được phép);
– Thứ hai, phải có một sự đền bù vật chất (theo hình thức thanh toán một lần hoặc trả hàng tháng như lương).
Ở đây xuất hiện nguyên tắc tỷ lệ giữa một bên là bảo vệ quyền tự do lao động với một bên là bảo vệ quyền hợp pháp của doanh nghiệp. Bởi lẽ doanh nghiệp cũng có nhu cầu bảo vệ bí mật kinh doanh, bí quyết công nghệ, chiến lược thương mại của mình. Thật là nguy hiểm nếu như người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao, lại đem áp dụng những công nghệ của doanh nghiệp này sang một doanh nghiệp khác cạnh tranh trên thị trường liên quan. Bù lại, doanh nghiệp muốn bảo vệ lợi ích này cũng phải có đền bù vật chất tương xứng. Nguyên tắc tỷ lệ đã được thể hiện rõ ở đây khi có sự đánh giá/so sánh lợi ích công và tư.
Pháp luật Việt Nam
Thật ra Bộ luật Hình sự VN cũng đã quy định nguyên tắc này đối với thẩm phán trước khi quyết định hình phạt (cân nhắc toàn diện tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, nhân thân bị cáo…để ra bản án hợp lý nhất). Trong Luật Cạnh tranh, có thể tìm thấy nguyên tắc tỷ lệ rải rác trong các điều khoản về miễn trừ (xin không liệt kê). Tuy nhiên, qua nghiên cứu, chúng tôi thấy có một số bất cập sau:
– Các trường hợp miễn trừ không theo chuẩn mực quốc tế. Trước hết, về các trường hợp được hưởng miễn trừ, nghiên cứu Điều 9 Luật Cạnh tranh có thể thấy việc cho phép hưởng miễn trừ đối với các thoả thuận đen (thoả thuận về giá, thoả thuận phân chia thị trường tiêu thụ, nguồn cung cấp hàng hoá, dịch vụ…) là một “đặc thù”của Việt Nam. Thông lệ quốc tế hầu như không có nước nào cho phép hưởng miễn trừ đối với các loại thoả thuận này, vì tính chất nguy hiểm của nó đối với sự vận hành của các quy luật kinh tế;
– Các tiêu chí miễn trừ chưa rõ ràng, đôi chỗ mâu thuẫn. Nghiên cứu các quy định về miễn trừ trong Luật Cạnh tranh tại Điều 10 và các điều từ Điều 25 đến Điều 38 cho thấy, một số tiêu chí miễn trừ nếu nghiên cứu kỹ sẽ rất mâu thuẫn, chẳng hạn tiêu chí “tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ”(điểm đ, khoản 1 Điều 10) và tiêu chí “tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp VN trên trường quốc tế” (điểm e, khoản 1 Điều 10). Muốn tăng cường sức cạnh tranh của doanh nghiệp VN trên trường quốc tế, chắc chắn cần phải thành lập các tập đoàn kinh tế lớn (chủ trương này đã được ghi rõ từ Nghị quyết Hội nghị giữa nhiệm kỳ BCHTWĐ Khoá IX), mà đã ưu tiên phát triển các tập đoàn kinh tế lớn thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến “tăng cường sức cạnh tranh của các DN vừa và nhỏ”. Hoặc Điều 10 cho phép miễn trừ thoả thuận về giá, trong khi đó điểm d khoản 1 Điều 10 lại quy định điều kiện “thống nhất các điều kiện kinh doanh, giao hàng, thanh toán nhưng không liên quan đến giá và các yếu tố của giá”( ?).
– Chưa có quy định về việc cơ quan quản lý cạnh tranh, toà án và các cơ quan có thẩm quyền khác phải cân nhắc yếu tố tỷ lệ trước khi quyết định phạt hay không phạt. Mặc dù chưa có án lệ nào về lĩnh vực này ở VN, song với “truyền thống”áp dụng máy móc pháp luật của các cơ quan nhà nước của VN, không loại trừ khả năng chế tài phạt sẽ được áp dụng mà không có sự cân nhắc kỹ lưỡng nguyên tắc tỷ lệ, vì không có quy phạm pháp luật nào (trong Luật CT và các VBPL khác) cản trở điều này.
Một vấn đề khác cũng đang đặt ra là cần nghiên cứu khả năng áp dụng chương trình khoan hồng trong chính sách cạnh tranh của VN trong thời gian tới, vì mấy lý do sau đây:
Thứ nhất, xuất phát từ nguyên tắc tỷ lệ, việc khuyến khích: hành vi “tự thú” nhiều khi còn đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội cao hơn cả việc áp dụng chế tài xử phạt, vì cơ quan cạnh tranh phát hiện vi phạm sớm hơn, từ đó có điều kiện ngăn chặn kịp thời các hậu quả tiêu cực đến sự vận hành của các quy luật kinh tế; đồng thời bản thân việc chủ thể vi phạm tự ý chấm dứt việc vi phạm cũng đã có hiệu quả tích cực trong việc khắc phục hậu quả (điều này gần giống chế định “tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” trong Bộ luật Hình sự;
Thứ hai, xét về chi phí xã hội, chi phí phục vụ một cuộc điều tra về cạnh tranh thường rất lớn và công việc tiến hành thường không đơn giản do doanh nghiệp là loại chủ thể vi phạm rất tinh vi trong việc che giấu hành vi (tội phạm cổ cồn trắng); do đó hành vi tự thú của DN đồng nghĩa với việc nhà nước không phải bỏ ra thời gian, tiền bạc để điều tra – những chi phí mà tiền phạt cũng không thể bù đắp được;
Thứ ba, chương trình khoan hồng là thông lệ quốc tế, nếu trong lần sửa đổi LCT lần tới nội dung này được đưa vào LCT tức là chúng ta đang tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực cạnh tranh.
Một số kiến nghị của tác giả
Để nguyên tắc tỷ lệ được thừa nhận và áp dụng một cách có hiệu quả vào thực tiễn VN trong thời gian tới, chúng tôi xin có một số kiến nghị sau:
– Ở cấp vĩ mô: đã đến lúc cần coi đánh giá dự báo tác động pháp luật là một khâu bắt buộc trong quá trình chuẩn bị dự thảo VBQPPL. Cách làm cũng nên tránh kiểu hình thức. Ở các nước phát triển, nhà nước thường thuê tư vấn độc lập tiến hành khâu này để đảm bảo tính khách quan và khoa học. Mặt khác, cần tham khảo ý kiến của đông đảo nhân dân, các tổ chức xã hội dân sự trước khi ban hành chính sách, pháp luật để tránh xu hướng quan liêu, chế tài trong luật đề ra không sát thực tế, không phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.
– Trong luật cạnh tranh, nếu có chương trình sửa đổi, cần rà soát thật kỹ các trường hợp miễn trừ để tránh chống chéo, mâu thuẫn hoặc không phù hợp với chuẩn mực quốc tế; bổ sung nguyên tắc tỷ lệ trong quá trình “lượng hình” của cơ quan quản lý cạnh tranh cũng như các cơ quan có thẩm quyền khác áp dụng LCT, tránh lối áp dụng máy móc pháp luật mà không cân nhắc kỹ cái lợi và cái hại, đặc biệt là hiệu quả kinh tế xã hội;
– Ở khâu thực thi pháp luật: Cục Quản lý cạnh tranh cần chứng tỏ hình ảnh và thương hiệu của mình thông qua việc xử lý một số vụ việc cụ thể, trong đó cần thể hiện rõ nguyên tắc tỷ lệ được áp dụng trong xử lý các vụ việc vi phạm Luật Cạnh tranh.
– Về khoa học pháp lý: đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh cần có một nghiên cứu tổng thể về chủ đề này, tham khảo đầy đủ kinh nghiệm của các nước trên thế giới và trong khu vực, so sánh tổng thể các ngành luật để làm cơ sở đề xuất nội dung sửa đổi, hoàn thiện luật cạnh tranh cũng như tạo điều kiện thực thi Luật Cạnh tranh một cách có hiệu quả nhất, trên tinh thần luật phải phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, hài hoà các quyền và lợi ích trong xã hội./.
TS. Nguyễn Hữu Huyên, Vụ HTQT – Bộ Tư pháp
[1] Theo từ điển Lexique juridique của Pháp.
[2] Nguồn: http://www.autoritedelaconcurrence.fr/user/standard.php?id_rub=255&id_article=977
http://moj.gov.vn