Hiến pháp của nhiều nước không có quy định về chế độ kinh tế. Không quy định như vậy chính lại là tốt, bởi lẽ mọi mô hình kinh tế đều có ưu và nhược điểm riêng của nó, và một nền kinh tế năng động tự nó tìm ra mô hình tốt nhất tùy vào từng thời điểm. Hiến pháp Việt Nam có lẽ cũng cần tạo cho những nhà hoạch định chính sách cơ hội để có thể linh hoạt và uyển chuyển tìm ra hướng đi cho nền kinh tế quốc dân. Sự đan xen giữa công hữu, tư hữu, giữa điều tiết bằng kế hoạch và điều tiết bằng thị trường, giữa khuyến khích lợi nhuận và các chính sách an sinh xã hội đã trở nên phổ biến.

Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một minh chứng cho cách làm này. Bản Hiến pháp đã không mô phỏng chương Chế độ kinh tế của Hiến pháp Liên Xô đương thời, không xác định một mô hình kinh tế cứng nhắc, mà tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế phát triển, trong đó mọi công dân đều có quyền “tham gia kiến quốc tùy theo tài năng và đức hạnh của mình”. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, sự định hướng tốt nhất của nhà nước không phải là nhà nước tự chiếm giữ đa phần sở hữu và tham gia trực tiếp kinh doanh. Nhà nước nên cầm lái, chứ không nên cầm chèo.

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoạigọi:   1900.0191

Nếu các nhà lập hiến Việt Nam muốn giữ chương II Hiến pháp 1992, thì phải tìm ra nguyên tắc và đặc trưng riêng của “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Điều này không đơn giản. Nếu theo quan điểm giữ nguyên, thì có thể chấp nhận rằng các điều khoản hiện hành không cần sửa đổi gì căn bản mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của thời đại ngày nay. Song để khuyến khích khu vực dân doanh phát triển, cần xem xét và làm rõ ba vấn đề sau.

Thứ nhất, gốc rễ của nền kinh tế thị trường là chế độ sở hữu. Chế độ đa sở hữu không phải là đặc trưng riêng của nền kinh tế Việt Nam, mà của tất cả các nước, không phân biệt chế độ chính trị. Hiến pháp 1992 ghi nhận rất nhiều loại sở hữu và phân biệt chế độ đối xử của Nhà nước với từng loại sở hữu đó: kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tập thể được khuyến khích, kinh tế tư nhân được bảo hộ. Trong Bộ luật Dân sự, các luật về doanh nghiệp cũng theo đó mà xây dựng các chế độ pháp lý riêng cho từng loại sở hữu. Cứ theo một tư duy như vậy thì sự ưu ái với doanh nghiệp nhà nước và sự phân biệt đối xử (bất bình đẳng) đối với khu vực dân doanh là hợp pháp và đương nhiên. Trong khi đó, với bên ngoài, Việt Nam đã cam kết thực hiện nguyên tắc đối xử quốc gia trong các hiệp định thương mại song phương. Như vậy, đã đến lúc cần phải chấm dứt cái nhìn thiên vị với doanh nghiệp trong nước thuộc các thành phần sở hữu khác nhau. Chỉ có vậy thì người dân mới yên tâm đầu tư kinh doanh và không lo sợ bị đối xử như doanh nghiệp hạng hai hay hạng ba.

Thêm nữa, thay vì ưu đãi, doanh nghiệp nhà nước đáng ra cần phải được giám sát chặt chẽ hơn thì nay lại đang tồn tại sự nhập nhằng trong chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh. Được Nhà nước đầu tư vốn, đất đai, nhà xưởng, do bộ ngành làm cơ quan chủ quản, doanh nghiệp nhà nước đương nhiên có ưu thế hơn trong kinh doanh. Sự nhập nhằng đã tạo điều kiện cho tham nhũng, độc quyền, lãng phí tài sản công, thiếu trách nhiệm trong điều hành doanh nghiệp và những tệ nạn khác. Vì vậy, thay vì liệt kê (không thể đầy đủ) các loại hình sở hữu, nên quay trở lại quy định của Điều 12 Hiến pháp 1946, chỉ cần sự bảo hộ của Nhà nước với tài sản của công dân là đủ.

Thứ hai, bên cạnh quyền sở hữu thì tự do kinh doanh, tự do lựa chọn nghề nghiệp và mưu cầu hạnh phúc là những quyền con người rất cơ bản đảm bảo cho nền kinh tế thị trường phát triển. Cách quy định của Điều 57 Hiến pháp năm 1992 đã làm cho việc thực hiện tự do kinh doanh của người dân phụ thuộc vào ý chí của cơ quan công quyền. Trong hơn 10 năm qua, muốn kinh doanh về sao chụp (photocopy), về truyền thần hay đánh máy chữ… người dân đều phải cần đến nhiều loại giấy phép khác nhau. Chức năng của Hiến pháp có lẽ không phải chủ yếu là hạn chế tự do của công dân, mà ngược lại, phải hạn chế sự can thiệp của cơ quan công quyền vào nền tự do đó. Nói cách khác, không chỉ “công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật”, mà ngược lại “công quyền chỉ có quyền hạn chế tự do kinh doanh nếu được ủy quyền bởi các đạo luật do Quốc hội ban hành”. Nó thể hiện một phần nguyên tắc pháp lý: người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm.

Thứ ba, tự do nào cũng có khuôn khổ. Tự do sở hữu bị giới hạn bởi các dịch quyền, được quy định tại Điều 178 Bộ luật Dân sự. Theo đó tự do không được xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cộng đồng, của xã hội và Nhà nước. Khuôn khổ này cần được nâng lên thành một nguyên tắc hiến định.

Năm 2006, thời điểm hoàn thành AFTA đang tiến lại rất gần. Người dân Việt Nam cần tự tin, vững mạnh và linh hoạt hơn trong những cuộc tranh đua ngày càng khốc liệt vì sự thịnh vượng và tiến bộ của dân tộc mình. Điều đó chỉ có được, nếu họ ngày càng tự do hơn. Hy vọng những sửa đổi nhỏ của Hiến pháp 1992 sẽ mang lại những ảnh hưởng to lớn đó.

* Tác giả viết bài này vào thời điểm năm 2001

SOURCE: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN – TS. PHẠM DUY NGHĨA * – Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Trích dẫn từ: http://vnexpress.net