1. Rêne Đềcáctơ
Ông René Descartes (1596–1650) là triết gia, nhà khoa học, nhà toán học người Pháp, được một số người xem là cha đẻ của triết học hiện đại. Ông sinh ngày 31 tháng 3 năm 1596 La Haye-en-Touraine, ngày nay là vùng Descartes. Ông được rửa tội ngày 3 tháng 4 năm 1596, mất ngày 11 tháng 2 năm 1650 tại Stockholm, Thuỵ Điển.
Rêne Đềcáctơ (Rene Descartes) là nhà triết học, nhà bách khoa toàn thư vĩ đại người Pháp. Có thể nói, cùng với Bêcơn, “Đềcáctơ đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lịch sử tư tưởng triết học” Tây Âu cận đại.
Đềcáctơ sinh năm 1596 trong một gia đình quý tộc miền Nam nước Pháp. Mồ côi mẹ từ nhỏ, ông được bố cho đi học ở một trường phổ thông nổi tiếng ở Liaphlét (Liaflet). Bất mãn với chương trình học thời đó, ông tuyên bố rằng, kết quả duy nhất trong thời gian học phổ thông là “làm ông dốt thêm” Từ đó ông đặc biệt say mê nghiên cứu các vấn đề triết học và khoa học tự nhiên, ông để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng như Các quy tắc chỉ đạo lý tính (1630), Thế giới (1633), và nhất là Các nguyên lý của triết học ( 1644 ), Suy diễn về phương pháp ( 1637 – 1638)…
Đối với triết học, Descartes muốn áp dụng phương pháp diễn dịch toán học, vào triết học. Trước đó, triết học bị chi phối bởi phương pháp của phái Kinh viện, vốn hoàn toàn dựa theo sự so sánh và đối chiếu với quan điểm của nhà cầm quyền. Bác bỏ phương pháp này, Descartes cho rằng “Trong khi tìm kiếm con đường thẳng đi đến chân lý, chúng ta không cần phải quan tâm tới những gì mà chúng ta không thể thấu đáo một cách chắc chắn như việc chứng minh bằng đại số và hình học”. Qua đó ông chỉ ra rằng “không điều gì được xem là đúng cho đến khi nền tảng để tin rằng nó đúng được thiết lập”. Sự chắc chắn duy nhất làm điểm xuất phát cho các nghiên cứu của ông được ông bày tỏ bằng câu nói nổi tiếng “Cogito, ergo sum”, (tiếng Latinh, “Tôi tư duy, vậy tôi tồn tại”). Từ tiên đề cho rằng ý thức rõ ràng về tư duy của ông chứng minh rằng ông tồn tại, Descartes kết luận là Chúa tồn tại. Chúa, theo triết học Descartes, đã tạo ra hai loại chất để tạo nên toàn bộ vạn vật. Loại thứ nhất là chất suy nghĩ, tức tinh thần, loại thứ hai là các chất mở rộng, tức thân thể.
2. Quan niệm của Đềcáctơ về bản chất và vai trò của triết học
Bản chất và vai trò của triết học được coi là điểm xuất phát của của triết học Đềcáctơ
Nhà triết gia Đềcáctơ đặc biệt đề cao vai trò của triết học đối với đời sống con người. Theo ông, trình độ phát triển tư duy triết học là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá mức độ văn minh của con người và sự ưu việt của dân tộc này so với các dân tộc khác, bởi vì, Đềcáctơ nhấn mạnh: “chỉ có triết học là phân biệt chúng ta khác với bọn thổ dân và bọn man rợ, và dân tộc nào văn minh hơn, có học thức hơn thì dân tộc đó triết lý tốt hơn”‘. Sở dĩ như vậy, vì “triết học là sự thể hiện cơ bản nhất sự thông thái của con người không chỉ trong lĩnh vực nhận thức mà là trong các công việc khác”.
Trong quan niệm của Đềcáctơ,triết học, theo nghĩa rộng, là tổng thể tri thức của con người về nhiều lĩnh vực; theo nghĩa hẹp là siêu hình học được coi như nền tảng của hệ thống thế giới quan. Cũng như Bêcơn, Đềcáctơ nhấn mạnh tính thống nhất hữu cơ của mọi khoa học, vì đối tượng chung của chúng là Thượng đế, thế giới hiện thực và con người như một chỉnh thể thống nhất Mục đích chung của chúng là khám phá ra chân lý. Toàn bộ thế giới quan khoa học của con người ”tương tự như một cái cây, mà bộ rễ của nó là siêu hình học, thân cây là vật lý học, còn toàn bộ các khoa học khác có thể quy thành y học, cơ học và đạo đức học thì như những chiếc cành mọc ra từ thân cây đó”.
Nhiệm vụ của triết học là, thứ nhất, xây dựng những nguyên lý, phương pháp luận cơ bản làm cơ sở cho các khoa học khám phá ra chân lý, đồng thời hoàn thiện và phát triển chúng. Thứ hai, giúp con người thống trị và làm chủ được giới tự nhiên trên cơ sở nhận thức các quy luật của nó. Vì thế, Đềcáctơ nhấn mạnh “cần phải thay thế thứ triết học tư biện bằng một triết học thực tiễn, theo đó nhận biết được sức mạnh… tất cả các sự vật xung quanh chúng ta cũng rõ ràng như chúng ta biết các nghề thủ công khác nhau của những người thợ lành nghề. Từ đó chúng ta có thể ngang tầm với họ, sử dụng những lực lượng đó trong tất cả mọi lĩnh vực, và như vậy trở thành những người chủ nhân và chúa tể giới tự nhiên”. Triết học, nếu hiểu theo nghĩa rộng, có thể đem lại lợi ích thiết thực và trực tiếp cho đời sống con người. Còn nếu hiểu theo nghĩa hẹp, thì nó phục vụ chúng ta chủ yếu thông qua các khoa học khác một cách gián tiếp, bởi vì như Đềcáctơ nói, người ta thường trồng cây để thưởng thức hoa, quả của nó. Nhưng nếu cây không có bộ rễ thì không thể tồn tại và ra hoa kết trái được.
Xuất phát từ quan niệm về bản chất và vai trò của triết học. Đềcáctơ đặt nhiệm vụ phải xây dựng một hệ thống triết học mới, khác hoàn toàn so với triết học trước đó. Ông bắt đầu từ việc phê phán mạnh mẽ các tư tưởng của giáo hội và kinh viện, đặt tất cả mọi tri thức mà con người đã đạt được từ trước tới giờ dưới sự phê phán của lý tính. Đềcáctơ cho rằng phải coi lý tính, trí tuệ con người là tòa án thẩm định và đánh giá mọi tri thức, quan niệm mà nhân loại đã đạt được, nghi ngờ mọi cái mà thường ngày ta vẫn cho là đúng. Nhưng, ông nhấn mạnh, nghi ngờ là để tìm ra chân lý, đó chỉ là tiền đề, chứ không phải là kết luận.
Nhưng có một điều mà tôi, Đềcáctơ nhấn mạnh, không thể nghi ngờ được là chính bản thân chủ thể đang nghi ngờ, đó là chính “Tôi. Tôi đang hoài nghi sự tồn tại của tất cả, nhưng tôi không thể hoài nghi được sự tồn tại của chính mình, vì tôi đang nghi ngờ. Nếu tôi không tồn tại thì làm sao tôi lại có thể đang nghi ngờ được. Nhưng mặt khác, chính vì tôi đang nghi ngờ thì tôi mới biết rằng mình đang tồn tại. Bởi vậy, tôi đang tồn tại là nhờ việc tôi nghi ngờ. Mà nghi ngờ thì cũng là suy nghĩ, là tư duy. Do đó, “Tôi suy nghĩ, vậy tôi tồn tại” (Cogito, ergo sum) là mệnh đề đúng đắn đầu tiên mà không ai có thể nghi ngờ và bác bỏ được. Vì vậy “Cogito, ergo sum” là điểm xuất phát của triết học Đềcáctơ. Từ đó ông xây dựng toàn bộ tòa nhà thế giới quan của mình như một chỉnh thể.
=> Ta thấy Đềcáctơ sai lầm khi chứng minh sự tồn tại của con người thông qua tư duy. Từ mệnh đề trên, ông chứng minh sự tồn tại của mọi sự vật khác thông qua ý niệm về chúng trong ý thức con người. Chẳng hạn, theo ông, lửa là một vật có thực, bởi vì nêu lửa không có thực thì tại sao ai cũng có một ý tưởng nhất định về nó? Tương tự như thế, ông chứng minh sự tồn tại của mọi vật khác. Cũng cần nhận thấy rằng, Đềcáctơ không hề coi toàn bộ thế giới chỉ là sản phẩm tư duy của ông, cũng như không có ý định chứng minh tính ý niệm của toàn bộ thế giới hiện thực. Cogito (Tôi suy nghĩ) chỉ là phương tiện để thông qua đó Đềcáctơ kết luận vật này hay vật khác là có thực hay không, còn bản thân ông vẫn khẳng định sự tồn tại khách quan của chúng bên ngoài chúng ta.
3. Quan điểm của Đềcáctơ về siêu hình học và phương pháp luận
Nhiệm vụ của siêu hình học, xét về phương diện bản thể luận, là xây dựng một bức tranh khái quát về Thượng đế, giới tự nhiên và chính bản thân con ngừơi tạo tiền đề cho các khoa học khác hoàn chỉnh và cụ thể hóa bức tranh đó. Còn xét về phương diện nhận thức luận, thì nó được giao trọng trách xây dựng những nguyên lý cơ bản của nhận thức, các quy tắc chủ yếu để hoàn thiện và sử dụng các khả năng nhận thức của con người.
Từ phường thức chứng minh tồn tại của các sự vật theo tinh thần của Cogito, Đềcáctơ đi đến lập luận về sự tồn tại của Thượng đế. Theo ông, Thượng đế là có thực, bởi vì mọi người mọi dân tộc dưới dạng này hay dạng khác đều có ý tưởng về Ngài. Chỉ có nhờ Thượng đế thì mọi vật mới tồn tại và phát triển như chúng hiện có. “Sự bảo toàn” thế giới bởi Thượng đế, trong cách hiểu của Đềcáctơ, chính là quá trình liên tục sản sinh ra các sự vật.
Khẳng định sự tồn tại của Thượng đế, Đềcáctơ đặc biệt nhấn mạnh tính trí tuệ của khái niệm này, mặc dù không phủ nhận sự thần bí hóa của nó. Theo ông, “không nên đặt ra cho trí tuệ con người bất kỳ một giới hạn nào cả”. Khát vọng của con người là vô biên, vì vậy, cần phải có Thượng đế tượng trưng cho sự hoàn hảo và tối cao tuyệt đối. Khái niệm Thượng đế có tác dụng định hướng và niềm tin cho nhận thức cũng như mọi ước vọng của con người.
=> Từ cách chứng minh sự tồn tại thực của Thượng đế trên đây, Đềcáctơ đi đến khẳng định sự tồn tại của các sự vật, suy ra từ ý tửơng của con người về chúng. Ông kết luận thế giới khách quan là tồn tại thực sự. Cách chứng minh trên không có nghĩa là ý tưởng của con người về sự vật có trước bản thân sự vật. Nó cũng tương tự như cách chứng minh sự có thực của con người đang soi gương thông qua hình ảnh của anh ta trong gương mà thời. Nói chung cách chứng minh trên mang nhiều yếu tố hợp lý.
– Trên thực tế, để xác định được sự tồn tại và bản chất của các sự vật của thế giới, con người chỉ có thể dựa trên sự hiểu biết của mình về chúng. Mọi tư tưởng, ý niệm đều chỉ là hình ảnh về các sự vật khách quan trong tư duy và ý thức con người. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần chứng minh theo cách trên một cách máy móc thì “hiểu khi chúng ta sẽ mắc phải sai lầm nghiêm trọng, vì tư tưởng con người không phải là sự phản ánh thụ động, mà là sự phản ánh có tính sáng tạo về sự vật. Sai lầm đó cũng dễ đưa người ta tới một thái cực khác là thừa nhận có một số ý tưởng, quan niệm chỉ thuộc riêng lý tính con người chứ không phản ánh các sự vật có thật trong thế giới.
Vì thế để hiểu tại sao Đềcáctơ lại thừa nhận mọi tư tưởng của con người xuất phát từ ba nguồn gốc chính, đó là:
– Một số thì xuất phát từ thế giới bên ngoài. Chúng là kết quả tác động của các sự vật lên các giác quan của chúng ta như lửa, nước…;
– Một số tư tưởng khác thì đơn thuần do hoạt động trí tuệ của con người tạo ra, chẳng hạn như cái đẹp, xấu, tốt, thiện ác, …;
– Ngoài ra còn một số tư tưởng bẩm sinh trong con người.
=> Tính rõ ràng và xác thực của nó rất hiển nhiên và dễ dàng được mọi người thừa nhận, chẳng hạn như các tiên đề toán học, các mệnh đề lôgíc: “Quan niệm của Đềcáctơ thừa nhận tồn tại các tư tưởng bẩm sinh trên đây về sau bị nhiều nhà duy vật Anh, nhất là Lốccri phê phán mạnh mẽ. Chúng là kết quà của việc đẩy đến cực đoan lập trường duy lý của nhà triết học Pháp.”
Lập trường duy lý cực đoan trên, cùng với việc đồng nhất hoàn toàn vật chất với quảng tính, đã đưa Đềcáctơ đi đến khẳng định “sự khác nhau cơ bản nhất giữa các sự vật do Thượng để sáng tạo ra là ở chỗ: một số các sự vật là những trí tuệ, hay nói cách khác, nhưng thực thể tư duy, một số các vật khác – là những vật thể”.
Lập trường nhị nguyên luận trên đây của Đềcáctơ có cơ sở ngay trong “Cogito, ergo sum” của ông. Bản thân mệnh đề “Tôi suy nghĩ, vậy tôi tồn tại” không chỉ ra mối quan hệ gì giữa con người với thế giới hiện thực, thậm chí còn tách rời giữa tư duy (tức linh hồn con người) với cơ thể con người. Khi nói đến cái tôi”, Đềcáctơ ám chỉ mỗi tư duy và ý thức con người mà không đề cập đến con người cả về thể lực lẫn trí lực như một chỉnh thể, thậm chí ông còn coi “Cogito, ergo sum” “là phương pháp tối ưu là chúng ta có được để nhận thức linh hồn và phân biệt nó với thể xác”. Từ đây, ông phải nhờ cậy đến “bàn tay của Thượng đế” trong việc lý giải nguồn gốc của tư duy con ngưòi cũng như của cả toàn bộ con người nói chung.
Theo Đềcáctơ tìm cách xây dựng một hệ thống phương pháp luận mới làm nền tảng cho sự phát triển các khoa học thời đó. Ông nhấn mạnh, “cần phải học lôgíc, nhưng không phải thứ lôgíc mà người ta đang học ở các nhà trường. Nó chỉ là một dạng phép biện chứng làm phương tiện truyền đạt cho người khác những điều đã rõ,… hơn nữa nó còn làm xuyên tạc nhiều hơn là bổ ích đối với lẽ phải thông thường. Không, ở đây ý nói đến một lôgíc dạy cách vận dụng lý tính một cách tốt nhất nhằm nhận thức những chân lý mà ta chưa biết” .
Ông Đềcáctơ lại đặc biệt để cao vai trò của lý tính, đòi hỏi con người phải đi xa hơn nhận thức cảm tính, bởi vì “hạn chế lý tính trong khuôn khổ những gì tai nghe mắt thấy, tức là đem lại cho nó một tổn thất lớn”. Phương pháp luận của Đềcáctơ hướng tới hoàn thiện và phát triển khả năng trí tuệ coi con người, đặc biệt là lumen naturale.
Nhận thức tầm quan trọng đặc biệt của các vấn đề phương pháp luận như vậy, Đềcáctơ đưa ra một số quy tắc cơ bản như sau:
– Thứ nhất: “chỉ coi là chân lý đúng đắn những gì được cảm nhận rất rõ ràng và rành mạch, không gợi lên một chút nghi ngờ gì cả, tức là những điều hiển nhiêu”.
Ở đây chúng ta thấy ông coi trực giác. Khác với nhiều nhà triết học trước đây, ông hiểu thuật ngữ trực giác”theo tinh thần duy lý. Đó là trực giác lý tính được hiểu như khả năng linh cảm của lý tính. Tự nó có thể suy xét đúug hay sai của tri thức, xác định tính chân lý của nhận thức con người mà không cần đến bất kỳ một sự nỗ lực nào. Khả năng trí tuệ này, theo Đềcáctơ, hoàn toàn đúng đắn và công minh, là tòa án để phân định mọi cái, đánh giá mọi tri thức cũng như mọi hành vi hoạt động của con người. Trực giác “là một khái niệm vững chắc và biểu hiện của một trí tuệ rõ ràng, do ánh sáng tự nhiên của lý tính sinh ra, do tính đơn giản của mình, nó còn xác thực hôn cả bản thân diễn dịch”. Trực giác là sự tự ý thức chân lý “đang hiện lên” trong lý tính. Với tư cách là khả năng trí tuệ cao nhất của con người, nó cũng không phải là “trực cảm Thượng đế”thần bí, nhưng cũng không giống với sự “sinh động cảm tính” như Bêcơn hiểu thuật ngữ này. Coi trực giác là linh cảm của lý tính, Đềcáctơ khẳng định mọi sai lầm của con người đều do người ta hành động không tuân theo lý tính của mình. Còn bản thân hoạt động trực giác của lý tính thì bao giờ cũng đúng. Nó là đơn vị lôgic của phép diễn dịch có thể quy thành trực giác, nếu như nó được thực hiện mà không cần đến trí nhớ.
Việc Đềcáctơ coi trực giác lý tính như là thước đo để đánh giá mọi cái, là tiêu chuẩn của chân lý rõ ràng còn nhiều mặt hạn chế.
+ Nó không giúp con người tránh khỏi tính chủ quan, duy ý chí trong nhận thức.
+ Không phải điều gì ta suy diễn hợp với lôgíc thì đều là chân lý, vì chân lý còn mang tính lịch sử – cụ thể nữa.
+ Bản thân trực giác với tư cách là khả năng trí tuệ cao nhất của con người luôn luôn bị hạn chế lịch sử của thời đại mà người ấy đang sống, đồng thời bị giới hạn bởi chính khả năng cá nhân của anh ta nữa. Tuy nhiên, quan niệm trên của Đềcáctơ mang tính tích cực nhất định. Trong nhiều trường hợp sự linh cảm của chúng ta cùng với sự suy diễn lôgíc cho phép đánh giá nhiều điều khá chính xác. Vấn đề là không nên cường điệu hóa mặt hợp lý này của nó.
– Thứ hai là “chia mỗi sự vật phức tạp, trong chừng mực có thể làm được, thành các bộ phận cấu thành nó để tiện lợi nhất trong việc nghiên cứu chúng”. Như vậy, cũng như Bêcơn, ông đề cao vai trò của phương pháp phân tích trong nhận thức. Song, nếu như Bêcơn chia các sự vật thành “hình dạng” và các “tự nhiên”, thì Đềcáctơ lại chú ý đến việc phân chia vấn đề lớn thành những vấn đề nhỏ. Trên thực tế nhiều khi để tiện lợi cho việc nghiên cứu một sự vật, hay vấn đề phức tạp, chúng ta vẫn thường dùng phương pháp này của Đềcáctơ. Nhưng cần nhận thấy sự phân chia trên có nghĩa tương đối, bởi vì một sự vật phức tạp không đơn thuần là tổng số của các bộ phận đơn giản cấu thành nó.
– Thứ ba quy định rằng, trong quá trình nhận thức, chúng ta cần phải xuất phát từ những điều đơn giản và sơ đẳng nhất, dần dần đi đến những điều phức tạp hơn.
Tư tưởng này của Đềcáctơ có điều hợp lý. Theo nhận xét của một số nhà nghiên cứu, nó là khởi nguyên của phương pháp đi từ trừu tượng tới cụ thể mà C.Mác vận dụng trong khi nghiên cứu chế độ xã hội tư bản chủ nghĩa.
– Thứ tư yêu cầu chúng ta phải xem xét đầy đủ mọi dữ kiện, không được bỏ sót một tư liệu nào trong quá trình nhận thức sự vật.
=> Như vậy, khác với Bêcơn thiên về phương pháp quy nạp loại trừ, Đềcáctơ lại đòi hỏi phải nghiên cứu sự vật một cách đầy đủ, trọn vẹn trong chừng mực có thể làm được.
Xuất phát từ lập trường duy lý, Đềcáctơ đặc biệt để cao vai trò của phương pháp diễn dịch, mặc dù không hoàn toàn phủ nhận vị trí của phương pháp quy nạp, cũng như nhận thức cảm tính. Theo cách hiểu của ông, diễn dịch là một quá trình suy diễn lôgíc có sự tham gia trực giác dựa trên các tư liệu về sự vật mà chúng ta lưu lại được nhờ trí nhớ. Đềcáctơ tìm cách xây dựng một ngôn ngữ toán học vạn năng cho toàn bộ các khoa học. Ý đồ này về sau được Lépnít ủng hộ và phát triển.
=> Kết luận: Nhìn ở gốc độ chung, phương pháp luận của Đềcáctơ, mặc dù có nhiều hạn chế như trên đã chỉ ra, nhưng có nhiều tích cực và cách mạng. Cũng như Bêcơn, ông đã nhận thấy những hạn chế của các phương pháp kinh viện truyền thống, và tìm cách xây dựng một phương pháp luận mới đáp ứng với sự phát triển như vũ bão của khoa học sau thời trung cổ. Nhà triết học Pháp đã hiểu được vai trò đặc biệt của trí tuệ con người, của tư duy lý luận trong việc giải quyết mọi vấn đề. Những tư tưởng phương pháp luận của ông có ảnh hưởng to lớn đối với sự phát triển khoa học và kỹ thuật sau này.
4. Quan điểm của Đềcáctơ về vật lý học và vũ trụ học
Mặc dù bản thân Đềcáctơ coi siêu hình học là cơ sở và nền tảng của mọi khoa học khác, trong đó có vật lý học, nhưng trên thực tế trong vật lý học, về cơ bản Đềcáctơ thể hiện như một nhà duy vật. Ở đây, quan niệm Thượng đế cũng như lập trường nhị nguyên luận của nhà triết học Pháp không nặng nề như ở trong siêu hình học.
Đềcáctơ khẳng định tất cả mọi sự vật trong thể giới chúng ta, kể cả các hành tinh đều được cấu tạo từ vật chất. Vật chất là nguồn gốc chung của tất thảy mọi vật, nhưng điều đó không làm giảm tính đa dạng và phong phú của thế giới. Tiếp thu các phát kiến của Galilê về mặt trăng và một số hành tinh khác, nhà tư tưởng Pháp chứng minh mọi hành tinh đều đuợc cấu tạo từ các dạng vật chất như trên trái đất. Nhưng cũng như Galilê, ông chủ yếu đề cập đến thế giới xét về phương diện lượng, dưới con mắt của một nhà khoa học tự nhiên chịu ảnh hưởng của các quan niệm cơ học và máy móc về thế giới. Điều đó thể hiện rõ nhất trong quan niệm về vận động. Ông hiểu “vận động theo nghĩa thông thường của danh từ không là cái gì khác ngoài sự hoạt động, mà thông qua đó một vật chuyển vị tri từ chỗ này sang chỗ khác. Vận động theo đúng nghĩa của danh từ là sự xê dịch của mọi phần vật chất, hay một sự vật… đến bên cạnh những sự vật khác”.
Quy toàn bộ các dạng vận động thành các dạng vận động cơ học đơn thuần, quan niệm về vận động của Đềcáctơ trên thực tế chỉ là sự cụ thể hóa các định luật cơ học của Niutơn về vận động, ông không coi vận động là thuộc tính cố hữu của vật chất, mà chỉ xem là biểu hiện cá biệt của các sự vật một cách bề ngoài. Giữa vận động và đứng yên hầu như chẳng có mối liên hệ gì với nhau. Chính xuất phát từ quan niệm hạn chế trên đây về vận động, ông đã đi đến thừa nhận “cái hích đầu tiên” của Thượng đế. Tuy vậy, ông là người đầu tiên đưa ra tư tưởng về sự bao hàm của vận động, tạo tiền đề cho việc phát minh ra quy luật bảo toàn và biến hóa năng lượng của các nhà khoa học sau này. Hơn nữa, bác bỏ quan niệm duy tâm khẳng định tính hữu hạn của thế giới vì còn nhường chỗ cho Thượng đế, Đềcáctơ khẳng định tính vô cùng tận của thế giới. Việc ông đồng nhất vật chất với quảng tính, mặc dù có hạn chế là chưa phân biệt sự khác nhau nhất định giữa hai phạm trú này, dẫn đến lập trường nhị nguyên luận trong siêu hình học, nhưng nó khẳng định sự gắn bó hữu cơ giữa vật chất với không gian và thời gian, chống lại quan niệm duy tâm thừa nhận “không gian tuyệt đối” và “thời gian tuyệt đối” phi vật chất của Niutơn. Ông còn là người khám phá ra tính chất sóng của ánh sáng.
Đềcáctơ là tác giả của thuyết “gió xoáy”, một trong những thuyết đầu tiên về sự hình thành của vũ trụ và các hành tinh của thế giới chúng ta. Theo thuyết này, ban đầu thế giới chúng ta chỉ là một thế giới của các hạt vật chất chuyển động hỗn độn khắp không gian vũ trụ. Trong quá trình tương tác, chúng dần dần tụ thành các đám mây xoáy tròn làm tụ lại các hạt vũ trụ mà ông gọi là ête đã tạo nên các dạng vật chất khác nhau, tùy thuộc vào mức độ đậm đặc của chúng.
Thực chất, các tên gọi của Đềcáctơ “chất lửa”, “chất khí”, “chất đất” ám chỉ các thể vật chất tương ứng là thể khí, thể lỏng và thể rắn. Khoa học tự nhiên thế kỷ XVII chưa biết đến trạng thái trường điện từ của vật chất.
=> Thuyết “gió xoáy” đánh dấu một bước tiến bộ rất lớn so với các quan niệm vũ trụ học thời cổ, cả về quy mô, lẫn tầm vóc tư duy của nó. Xét trong bối cảnh sự phát triển khoa học tự nhiên thế kỷ XVII thì thuyết “gió xoáy” của Đềcáctơ là cả một cuộc cách mạng. Đó là một sự phê phán tư tưởng siêu hình khẳng định tính bất biến của giới tự nhiên cho rằng một khi thế giới chúng ta đã tồn tại, thì nó vẫn mãi mãi như thế từ xưa đến nay, còn mọi quá trình vận động đều là vận động cơ học, cho nên không tác động gì tới quá trình phát triển của thế giới. Với quan niệm phát triển cho rằng, “có thể nhận thức được một cách rõ ràng và nhẹ nhàng hơn nhiều, nếu như chúng ta nhìn các sự vật như một sự hình thành dần dần hơn là nếu xem chúng như là đã hoàn thiện”. Đềcáctơ thực sự đã đặt nền móng cho quan niệm biện chứng về sự phát triển của giới tự nhiên. Bởi vậy, như Ph.Ăngghen nhận xét, thuyết “gió xoáy” của nhà triết học Pháp có được một uy quyền trong mọi lĩnh vực của tri thức.
5. Sinh lý học và nhân bản học theo Đềcáctơ
Vận dụng tư tưởng về sự phát triển trên đây trong việc phân tích các vấn đề sinh lý học và nhân bản học. Đềcáctơ khẳng định các loại thực vật và động vật cũng đang nằm trong quá trình tiến hóa lâu dài. Sự phát triển cả trong thế giới vô cơ lẫn hữu cơ đều không cần đến sự can thiệp của Thượng đế. Phê phán các quan niệm vật hoạt luận duy tâm thừa nhận mọi sự vật đều do “linh hồn”. Đềcáctơ khẳng định sự sống có những đặc tính riêng của nó mà các vật vô cơ không có được. Dựa trên một số thành tựu của sinh lý học thời đó, nhất là việc phát hiện ra sự tuần hòan của máu ở Gavrê năm 1628, Đềcáctơ lần đầu tiên đã khám phá ra cơ chế phản xạ của các cơ thể động vật đáp lại những tác động từ môi trường xung quanh, đồng thời khẳng định sự tuần hoàn của máu gắn liến với các quá trình tiêu hóa, hô hấp, với mạch đập của con tim và động mạch, ông ví trái tim như một nhà máy tạo nên trung tâm sống động của cơ thể động vật.
Chịu ảnh hưởng của các quan niệm máy móc và cơ học về thế giới và vận động đang thống trị thời đó, Đềcáctơ coi các cơ thế động vật như những cỗ máy. Đó chính là một hệ thống trong đó mọi cơ quan cấu kết chặt chẽ với nhau tựa như các bộ phận trong chiếc đồng hồ cơ học vậy. Trong cơ thể động vật và thực vật đã ‘lắp sẵn” dưới dạng tiềm tàng tất cả mọi phản xạ, mọi phản ứng lại của chúng với những tác động từ môi trường, cũng như mọi cử chỉ của các loại sinh vật này.
Theo Đềcáctơ, “linh hồn” thực vật và động vật (ông vẫn chịu ảnh hưởng quan niệm của Arixtốt thừa nhận ba dạng linh hồn: linh hồn thực vật, linh hồn động vật và lý tính con người) là những chất liệu rất mảnh và năng động có tính vật thể, tựa như những “ngọn lửa không sáng”.
Có sự mâu thuẫn giữa siêu hình học với vật lý học và sinh lý học của Đềcáctơ càng thể hiện rõ trong quan niệm về con người. Theo quan niệm truyền thống, ông khẳng định con người được cấu thành từ linh hồn và thể xác. Trên cơ sở nhị nguyên luận trong siêu hình học, ông hoàn toàn tách biệt linh hồn với thể xác, coi chúng xuất phát từ hai thực thể tư duy và quảng tính hoàn toàn tách biệt, ở đây, ông là một đại biểu điển hình của cái gọi là “vấn đề tâm – vật lý”đặc biệt thịnh hành thời trung cổ, coi linh hồn con người là một thực thể mà toàn bộ bản chất hay bản tính của nó tư duy, mà để tồn tại không cần đến và không phụ thuộc vào bất kỳ một sự vật vật chất nào. Như vậy, cái “tôi” của tôi, linh hồn của tôi, cái mà làm cho tôi như tôi đang có, hoàn toàn khác thể xác, và nhận thức nó nhẹ nhàng hơn so với thể xác”. Vì thế, linh hồn là bất diệt, nó không bị phân hủy khi con người chết. Con người có được là do Thượng đế “ghép” linh hồn vào thể xác. Cơ thể con người chỉ là chỗ trú chân tạm thời của linh hồn trong thời gian anh ta sống.
Ở mặt khác, bản thân Đềcáctơ cũng nhận thấy sự bất lực của lập trường nhị nguyên luận trên đây trong việc lý giải nhiều hiện tượng nhân bản học, chẳng hạn tại sao tinh thần con người lại buồn phiền khi cơ thể anh ta đau đớn, tại sao khi đói ta lại hay bực bội, vì lẽ gì con người lại chết … Tất cả những hiện tượng đó buộc Đềcáctơ phải xét lại lập trường trên đây của mình, đi đến khẳng định sự liên hệ hữu cơ giữa linh hồn và thể xác trong con người. Và đây chính là điều ông khác với những đại biểu của cái gọi là “vấn đề tâm – vật lý”.
Đi xa hơn nữa theo quan niệm đúng đắn này, Đềcáctơ cho rằng, sở dĩ con người có khả năng tư duy là do cấu trúc vật chất trong cơ thể anh ta phức tạp và hoàn thiện hơn so với động vật và mọi vật khác. Cơ thể con người không phải là một cỗ máy như ở động vật, mà là cỗ “máy – hệ thống” đã chứa sẵn mọi cơ chế phản đáp lại các tác động từ môi trường bên ngoài. Hơn thế nữa, chỉ riêng con ngưòi là có trí tuệ, “lý tính là một vũ khi vạn năng có thể sử dụng trong mọi tình huống ở bất kỳ dạng nào”‘.
=> Kết Luận: Trong nhân bản học của Đềcáctơ thể hiện rất rõ khuynh hướng tư tưởng của ông từ lập trường nhị nguyên luận duy tâm trong Cogito, ergo sum và siêu hình học, đến lập trường nhất nguyên duy vật trong vật lý học và sinh lý học. Tuy nhiên, chúng ta không nên hiểu sự vận động trên diễn ra một cách hoàn toàn dễ dàng. Cũng không nên nhìn nhận siêu hình học của Đêcáctơ là hoàn toàn duy tâm, còn vật lý học và sinh lý học là duy vật triệt để. Điều đó cho thấy sự bế tắc của lập trường nhị nguyên trong việc giải quyết hàng loạt các vấn đề triết học và khoa học. Nó thể hiện sự trăn trở của nhà tư tưởng Pháp vĩ đại muốn xây dựng một hệ thống triết học và khoa học thật sự trong bối cảnh ảnh hưởng của các thế lực tôn giáo trong xã hội vẫn còn rất mạnh. Vì vậy, công lao vĩ đại của Đềcáctơ là đã đặt ra hàng lọat vấn đề lý luận đối với sự phát triển triết học và khoa học sau này. Và một trong những nhà tư tưởng chịu ảnh hưởng lớn của ông là Xpinôza.
(MK LAW FIRM: Bài viết được đăng tải nhằm mục đích giáo dục, phổ biến, tuyên truyền pháp luật và chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước không nhằm mục đích thương mại. Thông tin nêu trên chỉ có giá trị tham khảo vì vậy Quý khách khi đọc thông tin này cần tham khảo ý kiến Luật sư của LVN Group, chuyên gia tư vấn trước khi áp dụng vào thực tế.)
Trên đây là nội dung Luật LVN Group đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.0191 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật LVN Group
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng!
Luật LVN Group (Sưu tầm và biên tập).