1. Quản trị thanh khoản

1.1 Khái niệm quản trị thanh khoản

Từ khái niệm về thanh khoản và rủi ro thanh khoản ta thấy rằng Quản trị thanh khoản là việc quản lý có hiệu quả cấu trúc tính thanh khoản (tính lỏng) của tài sản và quản lý tốt cấu trúc danh mục nguồn vốn nhằm đạt được mục tiêu tài sản và nguồn vốn có tính thanh khoản cao. Một nguồn vốn có tính thanh khoản cao khi chi phí huy động thấp và thời gian huy động nhanh. Một tài sản có tính thanh khoản cao khi chi phí chuyển hóa thành tiền thấp và khả năng chuyển hóa ra tiền nhanh.
Một cách khái quát hơn, quản trị rủi ro thanh khoản nhằm đáp ứng kịp thời đầy đủ nhu cầu thanh khoản của ngân hàng với chi phí thấp. Qua đó cho thấy quản trị rủi ro thanh khoản có tính chất vô cùng quan trọng đối với ngân hàng nói riêng và mở rộng ra là ảnh hưởng gần như đến toàn bộ nền kinh tế vì nếu tình trạng thanh khoản không tốt có thể ảnh hưởng đến gần như toàn bộ hoạt động của ngân hàng bao gồm:
– Chức năng trung gian tín dụng – huy động vốn và cho vay;
– Chức năng trung gian thanh toán;
– Chức năng cung ứng các dịch vụ ngân hàng..
Như các loại rủi ro khác, rủi ro thanh khoản luôn tồn tại trong nội tại hoạt động của ngân hàng. Đó là sự lựa chọn của ngân hàng giữa việc đảm bảo thanh khoản và khả năng sinh lời. Do đó việc quản trị thanh khoản phải thực hiện thường xuyên để đảm bảo cân bằng giữa hai mục tiêu an toàn và hiệu quả. Theo thông lệ tốt nhất về quản trị khả năng thanh khoản của các ngân hàng, chính sách thanh khoản cần được xây dựng bởi các nhà quản lý cao cấp nhất, trong đó xác định trạng thái thanh khoản thông qua các chỉ số phản ánh mức thanh khoản của từng ngân hàng. Ngoài ra để duy trì nguồn vốn ổn định, chính sách thanh khoản cần đảm bảo quy mô, cấu trúc của nguồn vốn và sự đa dạng các loại vốn huy động. Ngân hàng có nguồn vốn lớn sẽ dễ dàng đối phó với những biến động trong huy động vốn và thực hiện cho vay một cách an toàn.
Ngoài việc đo lường và quản lý các yêu cầu về vốn, để đối phó với các vấn đề thanh khoản đòi hỏi các nhà quản lý rủi ro phải thực hiện các đánh giá về thị trường, dự báo các trường hợp có thể xảy ra sự suy giảm về thanh khoản, từ đó xây dựng kịch bản đối phó trong tình huống xảy ra khủng hoảng.
Thanh khoản ngân hàng vượt ra khỏi phạm vi của một ngân hàng, do đó  quản lý thanh khoản đòi hỏi phải có sự giám sát thường xuyên của Ngân hàng trung ương (NHTW). Các cơ quan giám sát thể hiện vai trò của mình trong việc kiểm tra tính tuân thủ các nguyên tắc quản lý rủi ro, đồng thời đánh giá hiệu quả chính sách đo lường, theo dõi rủi ro thanh khoản của các NHTM, ngăn ngừa sự suy giảm khả năng thanh khoản có thể lan truyền tới cả hệ thống.
Nội dung của hoạt động Quản trị rủi ro thanh khoản cũng giống như quản trị các loại rủi ro khác, bao gồm: nhận dạng rủi ro, phân tích rủi ro, đo lường rủi ro, kiểm soát, phòng ngừa và tài trợ rủi ro. 

1.2 Nhận dạng rủi ro thanh khoản

Một số dấu hiệu cho thấy một Ngân hàng đang gặp rủi ro về thanh khoản
– Sự biến động giá của cổ phiếu khi thị giá cổ phiếu của ngân hàng đang giảm vì sự kỳ vọng của nhà đầu tư vào ngân hàng đang giảm;
– Ngân hàng áp dụng mức lãi suất cao hơn mức lãi suất thị trường để huy động vốn.;
– Ngân hàng đang bán gấp tài sản và sẵn sàng chịu lỗ từ việc bán tài sản này; đồng thời việc bán tài sản này diễn ra thường xuyên;
– Ngân hàng buộc phải từ chối một số khoản vay khả thi của khách hàng hoặc Ngân hàng không có khả năng giải ngân đúng hẹn và đầy đủ các cam kết tín dụng,
– Ngân hàng vay NHTW với khối lượng lớn và thường xuyên.
Các vấn đề nghiêm trọng về thanh khoản chỉ có thể phát sinh khi số tiền gửi được rút ra quá mức bình thường và không dự tính trước. Điều đó xảy ra khi:
– Người gửi tiền lo ngại về khả năng thanh toán của ngân hàng này so với ngân hàng khác;
– Sự sụp đổ của một ngân hàng làm những người gửi tiền mất niềm tin vào khả năng thanh toán của ngân hàng;
– Sự đột ngột chuyển hướng ưu tiên đầu tư từ tiền gửi ngân hàng sang các tài sản tài chính phi ngân hàng (như trái phiếu kho bạc, trái phiếu công ty, cổ phiếu thương phiếu), rút tiền đầu tư vào bất động sản…
– Sự bất ổn của hệ thống chính trị như: Chiến tranh, bạo loạn, sự mất lòng tin của người dân về tính ổn định của đồng tiền..

1.3 Phân tích rủi ro thanh khoản

Phân tích rủi ro thanh khoản để xác định được những nguyên nhân gây ra rủi ro nhằm tìm ra biện pháp hữu hiệu từ đó góp phần phòng ngừa rủi ro thanh khoản.
Thanh khoản có vấn đề của một ngân hàng thương mại có thể do các nguyên nhân cơ bản sau:
Một là, ngân hàng vay mượn quá nhiều các khoản tiền gửi ngắn hạn từ các tổ chức, cá nhân hoặc các định chế tài chính khác; sau đó chuyển hóa chúng thành những tài sản đầu tư dài hạn, dẫn đến mất cân đối về kỳ hạn giữa nguồn vốn và sử dụng vốn.
Hai là, sự thay đổi của lãi suất có thể tác động đến cả người gửi tiền và người vay vốn. Khi lãi suất giảm, một số người rút vốn khỏi ngân hàng để đầu tư vào nơi có tỷ suất sinh lợi cao hơn; còn những người đi vay tích cực tiếp cận các khoản tín dụng vì lãi suất thấp hơn trước. Như vậy lãi suất thay đổi sẽ ảnh hưởng đến trạng thái thanh khoản của ngân hàng.
Ba là, do ngân hàng có chiến lược quản trị rủi ro thanh khoản không phù hợp và kém hiệu quả như: các chứng khoán đang sở hữu có tính thanh khoản thấp, dự trữ của ngân hàng không đủ cho nhu cầu chi trả.

2. Đo lường rủi ro thanh khoản

Khả năng và yêu cầu về thanh khoản được thể hiện qua đo lường cung thanh khoản và cầu thanh khoản. Theo lý thuyết về quản trị NHTM của Peter S.Rose, trạng thái thanh khoản của ngân hàng được xác định thông qua mô hình Cung – Cầu về thanh khoản.
Cung về thanh khoản: Cung thanh khoản là các khoản vốn làm tăng khả năng chi trả của ngân hàng, là nguồn cung cấp thanh khoản cho ngân hàng bao gồm:
– Các khoản tiền gửi sẽ nhận được (S1)
– Thu nhập từ việc cung cấp các dịch vụ (S2)
– Các khoản tín dụng sẽ thu về (S3)
– Bán các tài sản đang kinh doanh và sử dụng (S4)
– Vay mượn từ thị trường tiền tệ (S5)
Cầu về thanh khoản: Cầu về thanh khoản là nhu cầu vay vốn cho các mục đích hoạt động của ngân hàng, các khoản làm giảm quỹ của ngân hàng. Thông thường trong lĩnh vực kinh doanh của ngân hàng, những hoạt động tạo ra cầu về thanh khoản bao gồm:
– Khách rút tiền từ tài khoản (D1)
– Đề nghị vay vốn của của khách hàng (D2)
– Thanh toán các khoản phải trả khác (D3)
– Chi phí cho quá trình tạo ra sản phẩm và dịch vụ ngân hàng (D4)
– Thanh toán cổ tức cho cổ đông (D5)

3. Kiểm soát – Phòng ngừa rủi ro thanh khoản

Để kiểm soát rủi ro thanh khoản, bất kỳ một ngân hàng thương mại nào cũng phải xây dựng chiến lược quản trị thanh khoản, các ngân hàng có thể sử dụng các chiến lược sau đây:
– Tạo ra nguồn cung cấp thanh khoản từ bên trong (dựa vào tài sản Có); hoặc
– Vay mượn từ bên ngoài (dựa vào tài sản Nợ) để đáp ứng nhu cầu thanh khoản;
– Phối hợp cân bằng ở hai hướng trên.
Chiến lược quản trị thanh khoản dựa vào tài sản Có:
Khi thực hiện chiến lược này, ngân hàng chỉ cho vay ngắn hạn hoặc nắm giữ những tài sản có tính thanh khoản cao, chủ yếu là tiền mặt và các chứng khoán ngắn hạn. Trong trường hợp nhu cầu thanh khoản phát sinh, ngân hàng có thể thu hồi các khoản cho vay hoặc bán nợ để đáp ứng nhu cầu thanh khoản, bán các tài sản dự trữ để lấy tiền cho đến khi tất cả nhu cầu thanh khoản được đáp ứng đầy đủ. Chiến lược quản trị thanh khoản theo hướng này được gọi là sự chuyển hóa tài sản, bởi vì ngân hàng tăng nguồn cung cấp thanh khoản bằng cách chuyển đổi các tài sản phi tiền mặt thành tiền mặt.
Ưu điểm của chiến lược này là ngân hàng hoàn toàn chủ động trong việc tự đáp ứng nhu cầu thanh khoản cho mình mà không bị lệ thuộc vào các chủ thể khác. Tuy nhiên chiến lược này cũng có những nhược điểm sau:
– Mất chi phí cơ hội khi bán tài sản, bởi một khi bán tài sản tức là ngân hàng mất đi thu nhập mà các tài sản này tạo ra cũng như các nguồn lợi đầu tư mà nó mang lại;
– Tốn kém chi phí giao dịch như hoa hồng trả cho người môi giới, chi phí thực hiện giao dịch để bán được tài sản..
– Tổn thất về giá: Xảy ra khi các tài sản đem bán trên thị trường có giá bán giảm so với giá gốc ban đầu, hoặc bị người mua bị ép giá do phải gấp rút bán để đáp ứng cho nhu cầu thanh khoản.
– Ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng vốn của ngân hàng: Do Ngân hàng phải đầu tư nhiều vào các tài sản có tính thanh khoản cao, lại là các tài sản có khả năng sinh lợi thấp.
Chiến lược quản trị thanh khoản dựa vào tài sản Nợ (đi vay):
Chiến lược quản trị thanh khoản dựa vào tài sản Nợ là chiến lược quản trị thanh khoản phổ biến được các ngân hàng lớn sử dụng vào những năm 60 và 70 của thế kỷ trước. Trong chiến lược này, nhu cầu thanh khoản được đáp ứng bằng cách vay mượn trên thị trường tiền tệ. Việc vay mượn chủ yếu là để đáp ứng nhu cầu thanh toán tức thời và chỉ thực hiện khi có nhu cầu thanh khoản phát sinh.
Nguồn vay mượn thanh khoản yếu đối với một ngân hàng bao gồm: vay qua đêm, vay ngân hàng trung ương, bán các hợp đồng mua lại, phát hành chứng chỉ tiền gửi có thể chuyển nhượng mệnh giá lớn…
Hạn chế của chiến lược này là ngân hàng bị phụ thuộc vào thị trường cho vay khi đáp ứng nhu cầu thanh khoản (nhưng đồng thời cũng đem lại lợi nhuận cao nhất) do sự biến động về khả năng cho vay và lãi suất trên thị trường tiền tệ.
Hơn nữa, một ngân hàng vay mượn quá nhiều thường bị đánh giá là có khó khăn về tài chính, khi thông tin này lan rộng ra, những khách hàng gửi tiền sẽ rút vốn hàng loạt hoặc phải huy động vốn với chi phí cao gấp nhiều lần. Cùng lúc đó, các định chế tài chính khác, để tránh rủi ro có thể sẽ gặp phải, sẽ thận trọng, dè dặt hơn trong việc tài trợ vốn cho ngân hàng này để giải quyết khó khăn về thanh khoản.
Chiến lược cân đối giữa tài sản Có và tài sản Nợ (Quản trị thanh khoản cân bằng
Chiến lược quản trị thanh khoản dựa vào tài sản Có và dựa vào tài sản Nợ đều có ưu điểm và nhược điểm nhất định. Do đó, phần lớn các Ngân hàng thường  sử dụng chiến lược dung hòa và kết hợp cả hai chiến lược trên để tạo ra chiến lược quản trị thanh khoản cân bằng.
Định hướng của chiến lược này là: các nhu cầu thanh khoản thường xuyên, hàng ngày sẽ được đáp ứng bằng tài sản dự trữ tiền mặt, chứng khoán khả mại, tiền gửi tại các ngân hàng khác. Bên cạnh đó, các nhu cầu thanh khoản không thường xuyên nhưng có thể dự đoán trước như nhu cầu thanh khoản theo thời vụ, chu kỳ, xu hướng…sẽ được đáp ứng bằng các thỏa thuận trước về hạn mức tín dụng từ các ngân hàng đại lý hoặc nhà cung ứng vốn khác; các nhu cầu thanh khoản đột xuất không thể dự báo được đáp ứng từ việc vay mượn trên thị trường tiền tệ; các nhu cầu thanh khoản dài hạn được hoạch định nguồn và tài trợ là các khoản vay ngắn và trung hạn, chứng khoán có thể chuyển hóa thành tiền.

4. Tài trợ rủi ro thanh khoản

Khi đã xảy ra rủi ro thanh khoản, trước hết cần theo dõi, xác định chính xác những tổn thất về tài sản, nguồn nhân lực hoặc về giá trị pháp lý. Sau đó, cần thiết lập các biện pháp tài trợ rủi ro thanh khoản thích hợp. Các biện pháp có thể thực hiện:
– Vay ngắn hạn NHNN và các tổ chức tín dụng khác, bán hoặc repo giấy tờ có giá qua thị trường mở, thị trường chứng khoán, bán ngoại tệ. Có thể chấp nhận vay với lãi suất cao hoặc bán tài sản thanh khoản (giấy tờ có giá, ngoại tệ) với giá thấp hơn giá thị trường;
– Đẩy mạnh huy động vốn, phát hành giấy tờ có giá, có thể chấp nhận lãi suất huy động cao;
– Hạn chế cam kết cho vay mới, ngừng giải ngân tín dụng;
– Tích cực thu hồi nợ quá hạn. 
Trân trọng!
Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự – Công ty Luật LVN Group