Tháng 11/2006 Việt Nam ta được mùa vào WTO và thành công trong tổ chức hội nghị APEC.

Thế là sau 11 năm đàm phán gian khổ, phấn đấu gian nan, chúng ta mới được kết nạp vào WTO. Ai đã từng gian nan phấn đấu vào Đảng sau khi được kết nạp thì mới thấu hiểu được cái cảm giác của những người trực tiếp đàm phán – suy cho cùng thì WTO cũng là Đảng, Đảng WTO, mà mọi người Việt Nam là một Đảng viên có khác chăng ta gọi là thành viên thay cho đảng viên mà thôi.

Có quan chức trực tiếp đàm phán xong nói, bây giờ là trận địa của doanh nhân! Thực tế bây giờ mới là  lúc cả nước bắt đầu thực hiện cam kết lời hứa của mình trước WTO – Sau cơn tiệc rượu mừng được mùa, tỉnh rượu ngẫm nghĩ xem thiên hạ đánh giá ta ra sao? Ta tự đánh giá xem được mất? ai mất? mất gì? ai được, được gì!

>> Luật sư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.0191

Lời hứa vào WTO là minh bạch, sự minh bạch của toàn xã hội đang là thử thách lớn nhất khi vào WTO. Như vậy bất kỳ ai vi phạm nguyên tắc minh bạch này sẽ bị WTO “xử lý” nói khác đi họ sẽ chịu rủi ro khi hội nhập.

1. Hãy thử công bố một cách minh bạch nợ xấu của các ngân hàng quốc doanh, làm rõ ràng khái niệm nợ xấu theo chuẩn mực quốc tế. Hình như ở Việt Nam nợ xấu có nghĩa là mất trắng không có cách nào thu hồi! Còn nợ xấu với chuẩn mực của WB chắc là khác ta.

Hãy thử xem trong danh sách nợ nần của cácTổng công ty nhà nước, xem ai nợ, nợ bao nhiêu? Có cách trả lời không? tỷ suất lợi nhuận  trên vốn (chỉ số ICOR ngày càng cao, từ 1990 – 2000 là 4,1 đến giai đoạn 2000-2005 là 5), từng doanh nghiệp ra sao? để có cách xử lý mạnh mẽ với những con đẻ của mình là Doanh nghiệp nhà nước.

Phải công bố minh bạch thông tin cho toàn xã hội để mọi người có thể lựa chọn cách ứng xử thích hợp cho bản thân, để quyết định đầu tư.

2. Thị trường đòi hỏi sự minh bạch của toàn xã hội. Thị trường chứng khoán sẽ là thước đo sự minh bạch. Sự đầu tư xã hội không hiệu quả dẫn đến lãng phí hàng tỷ USD/mỗi năm. Nếu minh bạch thì sự lãng phí và tham nhũng sẽ giảm, thị trường đất đai, thị trường bất động sản hiện là nơi kém minh bạch nhất.

3. Minh bạch chất lượng sản phẩm bảo vệ người tiêu dùng để phù hợp với nguyên tắc thứ tư của WTO. Nếu sữa tươi mà 90% lại là sữa bột thì ai chịu trách nhiệm sự vi phạm trên chắc chắn sẽ bị xử lý và những ai vi phạm nguyên tắc minh bạch sẽ chịu rủi ro, chắc là người tiêu dùng sẽ không mặn mà sản phẩm kém minh bạch. Ấy là chưa kể việc người tiêu dùng có quyền khởi kiện các công ty này ra toà đòi bồi thường.

4. Minh bạch trong sở hữu trí tuệ

Sản phẩm lớn nhất của loài người là trí tuệ nhưng vừa rồi ta mới có Luật sở hữu trí tuệ, hoá ra ngày xưa ta coi trí thức là kẻ thù chẳng là tệ hại lắm sao (trí phú địa hào đào tận gốc trốc tận rễ, và cái quái thai của tư duy này còn được thử nghiệm tại Campuchia thời Khơme đỏ.) May thay ta đã góp phần tiêu diệt cái xã hội quái thai đó. Và bây giờ lần đầu tiên chúng ta có Luật sở hữu trí tuệ _tức là đã thừa nhận quyền sở hữu sản phẩm của tư duy . Thế kỷ của kinh tế tri thức đã rộng mở. Hãy thử xem ta đang ở đâu!

Mọi thứ ta dùng đều do loài người  văn minh sáng tạo ra! Còn ta với bao nhiêu tiến sĩ, phát minh được những gì?

Có thể nói chúng ta có sự tăng trưởng nhờ vào đâu! Có lẽ nhờ vào nguồn tài nguyên trời cho, ta xuất khẩu nguyên liệu, khoáng sản liệu có vững bền không? Nước ta đang ở thời kỳ kinh tế nguyên thuỷ +1 nghĩa là đào bới có máy móc, bán đi để ăn dần, vậy thì sau này con cháu ta sống bằng gì?

Có thể nói ta đang ăn tranh của con cháu, ăn vào tương lai. Do vậy sự phát triển cần điều chỉnh cho cân đối để ít lệ thuộc vào tài nguyên, lấy hàm lượng trí thức làm thước đo sự phát triển chứ đừng lấy tăng trưởng do khai thác tài nguyên. Nếu không dựa vào phát triển tài sản trí tuệ thì sẽ gặp rủi ro ngay khi hội nhập; Muốn hội nhập phải minh bạch sở hữu trí tuệ.

Minh bạch từ nhà nước tới doanh nghiệp và từng công dân . Doanh nghiệp Việt Nam thường nghiên cứu cách bảo vệ bí mật kinh doanh và thường lạm dụng bí mật kinh doanh, Nhà nước phải minh bạch và ổn định chính sách để nhà đầu tư tiên lượng được kế hoạch kinh doanh của mình.

5. Ba Ông thầy ốm: Các cụ ta vẫn tôn trọng 3 ông thầy của toàn xã hội

Thầy thuốc chăm sóc sức khoẻ

– Thầy giáo chăm sóc phần hồn

– Thầy cãi bảo vệ công lý.

Vào thời hội nhập WTO xem ra ba ông thầy này đều lâm bệnh.

Thầy thuốc được công luận quan tâm những vấn đề về y đức ? Lương y như từ mẫu hiện nay ra sao? Vai trò của Nhà nước và xã hội giải quyết vấn đề chăm sóc sức khoẻ toàn dân ra sao? Xem chừng qua thông tin thấy ông thầy này cũng đang ốm yếu cần phải chữa trị. Thầy thuốc móc ngoặc với trình dược viên để nâng giá thuốc vô tội vạ – Thầy thuốc ăn vào y đức!

Thầy giáo đào tạo cho thế hệ tương lai, quyết định sinh mệnh quốc gia với việc cải cách giáo dục, dạy thêm học thêm vô lối có nhiều điều bất cập, không kỳ họp nào mà Quốc hội không đề cập, chất vấn.

Chương trình giáo dục theo định hướng liệu đã cân đối chưa? Sự can thiệp của Nhà nước vào chương trình mang định hướng hay bắt buộc! Đó là các câu hỏi không có câu trả lời?

Hiện nay sinh viên đang học cái không cần thế mà vẫn cứ quy định cứng nhắc. Như vậy đã đúng chưa? Đã hợp lý chưa?

Thầy cãi – Luật sư là bảo vệ công lý cho thân chủ trong các vụ kiện trong thời kỳ hội nhập, thử hỏi vai trò của Luật sư được tôn trọng chưa? Các vai trò đó có được độc lập xét xử theo pháp luật không? Oan sai vì sao còn nhiều? Vào WTO các tranh chấp quốc tế sẽ xảy ra chúng ta phải thực hiện luật pháp quốc tế, nếu các Luật sư của LVN Group của ta không đủ sức hội nhập với luật pháp quốc tế thì sẽ thất trận ngay trên sân nhà. Sẽ không có khách hàng, còn cả hệ thống thẩm phán, các quan toà hiện nay xem ra chưa sẵn sàng cho hội nhập việc “ vơ vét” thẩm phán như lời ông chánh án nói trước quốc hội xem ra là thảm cảnh của nền tư pháp, thử hỏi với cung cách làm ăn như hiện nay liệu có hội nhập được không?

Xem ra cái sự hội nhập là việc của toàn xã hội và của từng người, từng doanh nghiệp mà trước tiên là Nhà nước, là hệ thống pháp luật là thể chế trong đó cái cốt lõi là phải kiên quyết thay đổi tư duy mà bắt đầu là từ tư duy pháp luật, ta phải chống lại chính mình.

Đã đến lúc lời khuyên của Phật ứng nghiệm: Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình.

Luật gia: Cao Bá Khoát

CÔNG TY LUẬT LVN GROUP (Sưu tầm)

————————————————————

THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

2. Dịch vụ tư vấn cơ cấu lại doanh nghiệp;

3. Tư vấn thành lập doanh nghiệp tại Hà Nội;
4. Tư vấn xây dựng quy chế hoạt động cho doanh nghiệp;
5. Luật sư tư vấn vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại;
6. Luật sư tư vấn và giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp.