Tuy nhiên, có một điều ít được để ý là trong khi hàng loạt những tập đoàn tài chính vốn được xem như những “chiến hạm khổng lồ” bị chao đảo, thậm chí biến mất trong “cơn bão” khủng hoảng thì các tổ chức tín dụng (TCTD) hợp tác – vốn được ví như những “chiếc thuyền nan mong manh” lại có thể vượt qua sóng gió một các bình an vô sự. Thật vậy, cho đến nay, khi cuộc khủng hoảng đã qua đỉnh điểm, chưa có một hệ thống TCTD hợp tác nào trên thế giới bị đổ vỡ. Ngay trong lòng nước Mỹ – nơi được xem là “tâm bão” và các quốc gia lân cận như Canađa hay Mêhicô, các TCTD hợp tác vẫn trụ vững, dù những khó khăn là không thể tránh khỏi.
Thực tế này đặt ra một câu hỏi: Tại sao các TCTD hợp tác với tiềm lực tài chính, năng lực quản lý và trình độ công nghệ hạn chế hơn nhiều so với các loại hình định chế tài chính khác lại có thể vượt qua khủng hoảng một cách ngoạn mục như vậy?
Trong khuôn khổ bài viết này, tác giả không có tham vọng lý giải một cách thấu đáo vấn đề đặt ra mà chỉ xin tập trung phân tích một số khía cạnh liên quan; qua đó, rút ra những bài học hữu ích đối với hệ thống quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi:1900.0191
I- Những yếu tố đặc trưng cơ bản góp phần đảm bảo an toàn cho loại hình TCTD hợp tác
– Các TCTD hợp tác thường không chịu áp lực phải đạt được lợi nhuận cao nhất bằng mọi giá
Về mặt khái niệm, TCTD hợp tác được hiểu là một loại hình trung gian tài chính được thành lập, quản lý và kiểm soát bởi các thành viên là những người có cùng nhu cầu thụ hưởng các dịch vụ tài chính (như gửi tiết kiệm, tín dụng, bảo hiểm, thanh toán,…) và có những đặc điểm tương đồng về nơi cư trú hay nghề nghiệp. Trên thế giới, mọi loại hình TCTD hợp tác đều xác định mục tiêu hoạt động cao cả nhất là phát huy sức mạnh đoàn kết, tương trợ giữa các thành viên nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của từng thành viên và góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho cộng đồng dân cư trên địa bàn. Do không chịu áp lực phải đạt được mục tiêu lợi nhuận bằng mọi giá nên các TCTD hợp tác luôn đầu tư theo nguyên tắc thận trọng, tức là không mạo hiểm. Như vậy, có thể nói đây chính là một trong những yếu tố đầu tiên đảm bảo sự an toàn cho hoạt động của các TCTD hợp tác.
– Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động tạo nên sự gắn bó bền chặt giữa thành viên (chủ sở hữu đồng thời là khách hàng) với TCTD hợp tác
Mặc dầu mỗi một nước có cách diễn đạt khác nhau về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của loại hình TCTD hợp tác nhưng về cơ bản, nội hàm của các nguyên tắc này là khá thống nhất:
+ Nguyên tắc tự nguyện: Mọi công dân, các hộ gia đình và các đối tượng khác có đủ điều kiện theo quy định đều có thể gia nhập TCTD hợp tác. Khi không còn nhu cầu, thành viên có quyền ra khỏi TCTD hợp tác. Nói cách khác, việc gia nhập hay ra khỏi TCTD hợp tác là hoàn toàn tự nguyện và không chịu bất kỳ sự cưỡng ép nào. Đương nhiên, sự “tự nguyện” này phải nằm trong khuôn khổ của những quy định cụ thể, vừa nhằm đảm bảo quyền tự do lựa chọn của thành viên nhưng lại vừa đảm bảo tính ổn định trong tổ chức và hoạt động của TCTD hợp tác.
+ Nguyên tắc quản lý dân chủ và bình đẳng: Sau khi gia nhập, mọi thành viên đều được quyền tham gia quản lý TCTD hợp tác thông qua các quyền cơ bản của thành viên, đó là: Được dự đại hội thành viên để thảo luận và biểu quyết các vấn đề quan trọng của TCTD hợp tác; được ứng cử, bầu cử vào bộ máy quản trị, kiểm soát và điều hành của TCTD hợp tác; được cung cấp các thông tin cần thiết liên quan đến hoạt động của TCTD hợp tác; các thành viên có quyền ngang nhau trong biểu quyết (mỗi thành viên bằng một phiếu bầu, không phân biệt số vốn góp). Đây chính là một trong những điểm khác biệt cơ bản của loại hình TCTD hợp tác so với các loại hình TCTD cổ phần khác.
+ Nguyên tắc tự chịu trách nhiệm và cùng có lợi: Với tư cách là một doanh nghiệp, TCTD hợp tác tự chịu trách nhiệm về kết quả hoạt động của mình, tự quyết định về phân phối thu nhập; đồng thời, đảm bảo rằng TCTD hợp tác và các thành viên cùng có lợi.
+ Nguyên tắc chia lãi đảm bảo kết hợp lợi ích của thành viên và sự phát triển của TCTD hợp tác: Theo nguyên tắc truyền thống, lợi nhuận của TCTD hợp tác không được chia theo vốn góp, vì điều này có thể làm xói mòn tinh thần hợp tác, đề cao tư tưởng lợi nhuận, nhưng nếu không chia thì không thể thu hút được đông đảo thành viên tham gia. Tuy nhiên, nếu chia toàn bộ lợi nhuận theo vốn góp thì rất dễ quay trở về mô hình doanh nghiệp thương mại, theo đó lợi nhuận cơ bản chia theo vốn góp và như vậy thì TCTD hợp tác không còn có lợi thế trong việc khuyến khích tinh thần tương trợ cộng đồng. Vì vậy, qua quá trình phát triển lâu dài của các TCTD hợp tác, nguyên tắc này mới được vận dụng nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa lợi ích của thành viên với sự phát triển của TCTD hợp tác. Nhìn chung, lợi nhuận của TCTD hợp tác có thể được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như: Trả lãi vốn góp; trả thưởng theo mức độ sử dụng sản phẩm, dịch vụ; trích lập quỹ phát triển, quỹ dự phòng rủi ro,.. Ngoài ra, TCTD hợp tác còn có thể sử dụng lợi nhuận còn lại để đáp ứng nhu cầu giáo dục, tập huấn, cung cấp thông tin cho thành viên; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa – xã hội chung của cộng đồng; đóng góp vào các hoạt động từ thiện và tham gia vào các loại quỹ phát triển cộng đồng dân cư địa phương,…
+ Nguyên tắc hợp tác và phát triển cộng đồng: Khi gia nhập TCTD hợp tác, thành viên có trách nhiệm phát huy tối đa tinh thần tập thể, nâng cao ý thức đoàn kết, hợp tác và tương trợ lẫn nhau trong nội bộ từng TCTD hợp tác cũng như trong cộng đồng xã hội; đồng thời, góp phần thúc đẩy phát triển mối quan hệ hợp tác giữa các TCTD hợp tác trong và ngoài nước.
+ Nguyên tắc sử dụng dịch vụ thường xuyên: Để góp phần tạo điều kiện cho TCTD hợp tác hoạt động bền vững, các thành viên phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ của TCTD hợp tác một cách đều đặn. Nói cách khác, các thành viên có trách nhiệm góp phần tăng doanh số hoạt động của TCTD hợp tác thông qua việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ do TCTD hợp tác cung cấp. Về thực chất, đây không phải là nguyên tắc truyền thống nên các TCTD hợp tác có thể áp dụng hoặc không áp dụng.
Chính các nguyên tắc hợp tác xã này đã tạo nên sự gắn bó tự nguyện nhưng hết sức chặt chẽ giữa TCTD hợp tác với các thành viên của nó. Mỗi một thành viên khi gia nhập vào TCTD hợp tác đều xác định sẽ gắn bó lâu dài, không chỉ vì lợi ích của riêng mình mà còn vì lợi ích của cộng đồng. Mặt khác, việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của TCTD hợp tác không chỉ là nhu cầu mà còn là trách nhiệm, là nghĩa vụ của thành viên. Điều này hoàn toàn khác biệt với các cổ đông của các TCTD thương mại.
– Các thành viên (đồng thời là khách hàng và là chủ sở hữu) luôn hiểu rõ tình hình hoạt động của TCTD hợp tác
Nói chung, các TCTD hợp tác thường hoạt động trong một địa bàn dân cư nhất định, nơi mà các thành viên chỉ sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của TCTD hợp tác, trừ những sản phẩm, dịch vụ mà TCTD hợp tác không đáp ứng được. Mặt khác, bộ máy kiểm soát, giám sát hoạt động của TCTD hợp tác do chính các thành viên bầu ra luôn sẵn sàng cung cấp các thông tin về tình hình tổ chức và hoạt động của TCTD hợp tác. Ngoài ra, các thành viên còn được quyền tiếp cận với mọi thông tin về TCTD hợp tác khi cần thiết. Vì vậy, những băn khoăn, nghi ngờ của các thành viên đối với sự an toàn của TCTD hợp tác luôn được giải tỏa một cách nhanh chóng.
Trong cơn khủng hoảng, yếu tố niềm tin đóng một vai trò hết sức quan trọng đối với sự tồn tại của một định chế tài chính. Khách hàng có thể dễ dàng mất niềm tin đối với một TCTD thương mại vì những lý do không rõ ràng (tác động tâm lý, tin đồn,…), nhưng các thành viên thường chỉ mất niềm tin TCTD hợp tác khi nguy cơ mất an toàn đã trở nên rõ ràng.
– Các TCTD hợp tác gần gũi và hiểu rõ các khách hàng của mình hơn so với các loại hình TCTD thương mại khác
Hầu hết khách hàng của TCTD hợp tác là các đối tượng cư trú hoặc sản xuất, kinh doanh tại địa phương và có quan hệ chặt chẽ với TCTD hợp tác. Vì vậy, mọi biến động về tình hình sản xuất, kinh doanh của khách hàng luôn được TCTD hợp tác nắm rõ và có biện pháp hỗ trợ hoặc ứng phó kịp thời. Ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng, tỷ lệ nợ quá hạn của các TCTD hợp tác vẫn luôn nằm trong tầm kiểm soát.
– Các khoản đầu tư của TCTD hợp tác thường có độ an toàn cao
So với các TCTD thương mại, các khoản đầu tư của TCTD hợp tác thường có quy mô nhỏ và ít khi tập trung vào những lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm có độ rủi ro cao (như kinh doanh chứng khoán, bất động sản,…). Vì vậy, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, các TCTD hợp tác hầu như không phải chịu những tổn thất do sự sụt giảm của thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán.
– Các TCTD hợp tác có khả năng hỗ trợ lẫn nhau thông qua các hình thức liên kết hệ thống
Đây chính là một trong những yếu tố hết sức quan trọng giúp các TCTD hợp tác vượt qua cơn bão khủng hoảng tài chính, đặc biệt là ở những nước có cấu trúc hệ thống TCTD hợp tác hoàn chỉnh như Canada hay CHLB Đức. Khả năng liên kết hệ thống của các TCTD hợp tác được biểu hiện thông qua hai hình thức sau:
Một là, liên kết thông qua hoạt động, chủ yếu gồm: (i) Điều hoà vốn khả dụng trong toàn hệ thống theo nguyên tắc “bình thông nhau”, trong đó TCTD đầu mối (ở Việt Nam là QTDND Trung ương) đóng vai trò trung gian điều tiết; (ii) Trích lập và quản lý chung các loại quỹ nhằm hỗ trợ các TCTD hợp tác khi gặp khó khăn tạm thời (quỹ dự phòng khả năng chi trả, quỹ tiền gửi,…), nâng cao hiệu quả đầu tư đối với những dự án lớn mà từng TCTD hợp tác cấp cơ sở riêng lẻ khó thực hiện được (quỹ đầu tư, cơ chế đồng tài trợ,..); (iii) Xây dựng, áp dụng các chuẩn mực, quy tắc về đầu tư an toàn, thận trọng thống nhất cho cả hệ thống; (iv) Tư vấn về các vấn đề pháp lý và hoạt động nghiệp vụ; (v) Thiết lập hệ thống thanh toán, thông tin nội bộ; (vi) Phối hợp thực hiện các chương trình hành động chung trong hệ thống; (vii) Lập bảng cân đối tổng hợp chung để có thể phân tích tình hình hoạt động của toàn hệ thống.
Hai là, liên kết thông qua cơ cấu tổ chức: Mặc dù mỗi TCTD hợp tác là một pháp nhân độc lập nhưng lại được liên kết hết sức chặt chẽ thông qua cơ cấu tổ chức của hệ thống. Các TCTD hợp tác cùng nhau thành lập nên tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Với vai trò điều phối hoạt động chung của toàn hệ thống, tổ chức này chịu trách nhiệm thiết lập và quản lý các tổ chức hỗ trợ liên kết, phát triển hệ thống như: Tổ chức kiểm toán đóng vai trò phát hiện, đồng thời đưa ra những tư vấn, khuyến nghị giúp các TCTD hợp tác kịp thời khắc phục những yếu kém, bất cập về tổ chức và hoạt động; Quỹ An toàn đóng vai trò hỗ trợ nhằm giúp các TCTD hợp tác vượt qua khó khăn về tài chính.(Xem bảng 1)
Qua phân tích những yếu tố nêu trên, tác giả cho rằng chính những đặc trưng cơ bản của loại hình TCTD hợp tác đã góp phần giúp chúng vượt qua cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nói như vậy không có nghĩa là các hệ thống TCTD hợp tác “miễn dịch” với khủng hoảng. Trên thực tế, việc hàng loạt TCTD hợp tác đổ vỡ ở các nước không phải là chuyện hiếm nhưng nói chung nguyên nhân chủ yếu đều xuất phát từ những yếu kém về khả năng thích ứng với các thay đổi chính sách và điều đáng lưu ý là hầu hết các TCTD hợp tác bị đỗ vỡ đều thuộc loại mô hình phân tán, tức là sự không có sự liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức cấu thành hệ thống; ví dụ như sự sụp đổ của hàng loạt Quỹ tín dụng ở Mỹ (năm 1999), Anbani (những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước) và ở Việt Nam (1989- 1990). Đây cũng chính là lý do khiến hầu hết các TCTD hợp tác (trong đó có hệ thống QTDND Việt Nam) định hướng phát triển theo mô hình liên kết.
II- Một số bài học kinh nghiệm
Từ những phân tích trên, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm cho hệ thống QTDND Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đó là:
Thứ nhất, các QTDND cần phải quán triệt nhận thức và kiên định với mục tiêu hoạt động cao nhất là nhằm tương trợ cộng đồng chứ không phải lợi nhuận. Khi chạy theo mục tiêu lợi nhuận, các QTDND thường có xu hướng mở rộng hoạt động cho vay, bất chấp những quy định an toàn nên rất dễ dẫn đến những rủi ro ngoài tầm kiểm soát của QTDND.
Thứ hai, cần tuân thủ nghiêm chỉnh các nguyên tắc về tổ chức và hoạt động của loại hình TCTD hợp tác; đồng thời nêu cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ giữa các đơn vị cấu thành hệ thống. Bên cạnh đó, việc đưa ra các quyết định quan trọng của hệ thống cần được thực hiện một cách dân chủ và minh bạch. Để làm được việc này, Hiệp hội QTDND Việt Nam, với tư cách là tổ chức đại diện hệ thống, cần phải chủ động phát huy vai trò điều phối đối với toàn bộ các hoạt động chung của hệ thống QTDND.
Thứ ba, cần đẩy mạnh tiến độ hoàn thiện mô hình liên kết hệ thống QTDND, trước mắt cần khẩn trương nghiên cứu thành lập Tổ chức kiểm toán và Quỹ An toàn hệ thống cấp quốc gia. Đây chính là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần đảm bảo cho các QTDND hoạt động an toàn và vượt qua được những tác động của cuộc khủng hoảng.
Thứ tư, cần đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực cho hệ thống QTDND. Ngoài việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành và trình độ nghiệp vụ chuyên môn thông thường, đội ngũ cán bộ, nhân viên của các QTDND cần được trang bị những kiến thức cơ bản và cập nhật những thông tin liên quan đến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Thứ năm, các QTDND cần đặc biệt chú trọng đến vai trò của các thành viên vì thành viên chính là nền tảng, là nhân tố cơ bản để xây dựng nên hệ thống QTDND vững mạnh. Để nâng cao vai trò, trách nhiệm của thành viên, các QTDND cần phải thể hiện được tính ưu việt của mình và đặc biệt chú trọng đến công tác giáo dục, tuyên truyền cho các thành viên về lợi ích và ý nghĩa về mặt kinh tế – xã hội trong hoạt động của QTDND. Khi nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của mình, các thành viên sẽ có trách nhiệm và gắn bó hơn với QTDND.
Như vậy, qua việc phân tích, nhận diện một số yếu tố góp phần giúp loại hình TCTD hợp tác vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang diễn ra, có thể thấy rằng, nếu phát huy được các ưu thế của loại hình TCTD hợp tác, hệ thống QTDND Việt Nam không chỉ vượt qua được những khó khăn, thách thức trước mắt mà còn vững bước trên con đường phát triển bền vững và đóng góp ngày càng nhiều cho sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn.
SOURCE: TẠP CHÍ NGÂN HÀNG SỐ 12 NĂM 2009 – THS. DOÃN HỮU TUỆ