Chào Luật LVN Group. Mình đang có một vấn đề băn khoăn như sau: Công ty mình kinh doanh trong hoạt động thương mại. Vừa rồi bên mình có đặt mua một đợt hàng có số lượng lớn bên công ty B. Hợp đồng đã ký kết, tiền bên mình đã tiến hành thanh toán đầy đủ, thời hạn chuyển giao hàng trong hợp đồng đã quá. Tuy nhiên, công ty này đã chậm giao hàng và gây thiệt hại lớn cho bên mình.

Vừa rồi Công ty mình có thỏa thuận với bên B yêu cầu bên B bồi thương cho mình số tiền tương đối lớn. Mình đang băn không biết khi nhận tiền bồi thường vi phạm hợp đồng này bên mình có phải xuất hóa đơn cho bên B hay không ?

Rất mong bên mình hỗ trợ. Chân thành cảm ơn ! 

>> Luật sư tư vấn pháp luật Thuế, gọi:  1900.0191

 

Luật sư tư vấn:

1. Khái niệm về vi phạm hợp đồng

Vi phạm hợp đồng là hành vi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng những nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng. Nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng là những nghĩa vụ đã được ghi nhận trong các điều khoản của hợp đồng hoặc được pháp luật điều chỉnh hợp đồng đó quy định.

Hành vi vi phạm hợp đồng chỉ xảy ra khi hợp đồng được giao kết hợp pháp và đã có hiệu lực pháp luật. Hợp đồng hợp pháp là hợp đồng thoả mãn các yếu tố căn bản như thể hiện sự tự do ý chí của các bên tham gia giao kết (không có dấu hiệu của ép buộc hoặc lừa dối), hợp đồng được kí kết giữa các chủ thể có đầy đủ năng lực kí kết hợp đồng. Tùy theo từng loại hợp đồng cụ thể mà điều kiện về năng lực chủ thể có thể khác nhau. Chẳng hạn, đối với những hợp đồng không nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng hàng ngày, phù hợp với lứa tuổi thì người chưa thành niên có thể không được tham gia giao kết; nội dung và hợp đồng không trái pháp luật và hình thức của hợp đồng phù hợp với các quy định của pháp luật. Hợp đồng không có đầy đủ các yếu tố trên sẽ vô hiệu và không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên giao kết hợp đồng.

Không thể coi là có hành vi vi phạm hợp đồng nếu bên thực hiện hành vi không có nghĩa vụ thực hiện hành vi đó. Chẳng hạn, trong hợp đồng mua bán hàng hoá, nếu bên bán hàng giao hàng trước thời hạn quy định, bên mua hàng có quyền không nhận và hành vi không nhận này không bị coi là hành vi vi phạm hợp đồng bởi vì bên mua hàng không có nghĩa vụ phải nhận hàng trước thời hạn đã thoả thuận trong hợp đồng.

Trong hệ thống pháp luật nước ta, khái niệm vi phạm hợp đồng chưa được giải thích cụ thể, tuy nhiên, nhiều đạo luật như Bộ luật dân sự năm 2015 và Luật thương mại đã sử dụng thuật ngữ vi phạm hợp đồng với cách hiểu tương đối thống nhất là hành vi của bên có nghĩa vụ theo hợp đồng đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng và đầy đủ nghĩa vụ của mình. Các đạo luật này cũng đã quy định tương đối chỉ tiết về các trường hợp vỉ phạm hợp đồng và các chế tài được áp dụng tương ứng với từng trường hợp vi phạm ấy.

 

2. Thiệt hại được bồi thường do vi phạm hợp đồng

 Thiệt hại được bồi thường do vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng được xác định: Người có quyền có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà lẽ ra mình sẽ được hưởng do hợp đồng mang lại. Người có quyền còn có thể yêu cầu người có nghĩa vụ chi trả chi phí phát sinh do không hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng mà không trùng lặp với mức bồi thường thiệt hại cho lợi ích mà hợp đồng mang lại. Theo yêu cầu của người có quyền, Tòa án có thể buộc người có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại về tinh thần cho người có quyền. Mức bồi thường do Tòa án quyết định căn cứ vào nội dung vụ việc hoặc theo thỏa thuận của các bên.
 

3. Kết luận về việc nhận tiền bồi thường vi phạm hợp đồng có phải xuất hóa đơn không?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 5 Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế GTGT quy định về các trường hợp không phải kê khai tính nộp thuế GTGT bao gồm:

Điều 5. Các trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT
1. Tổ chức, cá nhân nhận các khoản thu về bồi thường bằng tiền (bao gồm cả tiền bồi thường về đất và tài sản trên đất khi bị thu hồi đất theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền), tiền thưởng, tiền hỗ trợ, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác.
Cơ sở kinh doanh khi nhận khoản tiền thu về bồi thường, tiền thưởng, tiền hỗ trợ nhận được, tiền chuyển nhượng quyền phát thải và các khoản thu tài chính khác thì lập chứng từ thu theo quy định. Đối với cơ sở kinh doanh chi tiền, căn cứ mục đích chi để lập chứng từ chi tiền.
Trường hợp bồi thường bằng hàng hóa, dịch vụ, cơ sở bồi thường phải lập hóa đơn và kê khai, tính, nộp thuế GTGT như đối với bán hàng hóa, dịch vụ; cơ sở nhận bồi thường kê khai, khấu trừ theo quy định.
Trường hợp cơ sở kinh doanh nhận tiền của tổ chức, cá nhân để thực hiện dịch vụ cho tổ chức, cá nhân như sửa chữa, bảo hành, khuyến mại, quảng cáo thì phải kê khai, nộp thuế theo quy định.
Ví dụ 10: Công ty TNHH P&C nhận được khoản tiền lãi từ việc mua trái phiếu và tiền cổ tức từ việc mua cổ phiếu của các doanh nghiệp khác. Công ty TNHH P&C không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản tiền lãi từ việc mua trái phiếu và tiền cổ tức nhận được.
Ví dụ 11: Doanh nghiệp A nhận được khoản bồi thường thiệt hại do bị hủy hợp đồng từ doanh nghiệp B là 50 triệu đồng thì doanh nghiệp A lập chứng từ thu và không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản tiền trên.
Ví dụ 12: Doanh nghiệp X mua hàng của doanh nghiệp Y, doanh nghiệp X có ứng trước cho doanh nghiệp Y một khoản tiền và được doanh nghiệp Y trả lãi cho khoản tiền ứng trước đó thì doanh nghiệp X không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản lãi nhận được.
Ví dụ 13: Doanh nghiệp X bán hàng cho doanh nghiệp Z, tổng giá thanh toán là 440 triệu đồng. Theo hợp đồng, doanh nghiệp Z thanh toán trả chậm trong vòng 3 tháng, lãi suất trả chậm là 1%/tháng/tổng giá thanh toán của hợp đồng. Sau 3 tháng, doanh nghiệp X nhận được từ doanh nghiệp Z tổng giá trị thanh toán của hợp đồng là 440 triệu đồng và số tiền lãi chậm trả là 13,2 triệu đồng (440 triệu đồng x 1% x 3 tháng) thì doanh nghiệp X không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với khoản tiền 13,2 triệu đồng này.
Ví dụ 14: Doanh nghiệp bảo hiểm A và Công ty B ký hợp đồng bảo hiểm với hình thức bảo hiểm bằng tiền. Khi có rủi ro bảo hiểm xảy ra, doanh nghiệp bảo hiểm A bồi thường cho Công ty B bằng tiền theo quy định của pháp luật về bảo hiểm. Công ty B không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với số tiền bồi thường bảo hiểm nhận được.
Ví dụ 15: Công ty cổ phần Sữa ABC có chi tiền cho các nhà phân phối (là tổ chức, cá nhân kinh doanh) để thực hiện chương trình khuyến mại (theo quy định của pháp luật về hoạt động xúc tiến thương mại), tiếp thị, trưng bày sản phẩm cho Công ty (nhà phân phối nhận tiền này để thực hiện dịch vụ cho Công ty) thì khi nhận tiền, trường hợp nhà phân phối là người nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ lập hóa đơn GTGT và tính thuế GTGT theo thuế suất 10%, trường hợp nhà phân phối là người nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp thì sử dụng hóa đơn bán hàng và xác định số thuế phải nộp theo tỷ lệ (%) trên doanh thu theo quy định.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam, bao gồm các trường hợp: sửa chữa phương tiện vận tải, máy móc, thiết bị (bao gồm cả vật tư, phụ tùng thay thế); quảng cáo, tiếp thị; xúc tiến đầu tư và thương mại; môi giới bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra nước ngoài; đào tạo; chia cước dịch vụ bưu chính, viễn thông quốc tế giữa Việt Nam với nước ngoài mà các dịch vụ này được thực hiện ở ngoài Việt Nam, dịch vụ thuê đường truyền dẫn và băng tần vệ tinh của nước ngoài theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức, cá nhân không kinh doanh, không phải là người nộp thuế GTGT bán tài sản.
Ví dụ 16: Ông A là cá nhân không kinh doanh bán 01 ô tô 4 chỗ ngồi cho ông B với giá là 600 triệu đồng thì ông A không phải kê khai, tính thuế GTGT đối với số tiền bán ô tô thu được.
Ví dụ 17: Ông E là cá nhân không kinh doanh thế chấp 01 ô tô 5 chỗ ngồi cho ngân hàng VC để vay tiền. Đến thời hạn phải thanh toán theo hợp đồng, Ông E không thanh toán được cho ngân hàng VC nên tài sản là ô tô thế chấp bị bán phát mại để thu hồi nợ thì khoản tiền thu được từ bán phát mại chiếc ôtô thế chấp nêu trên không phải kê khai, tính thuế GTGT.
4. Tổ chức, cá nhân chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, hợp tác xã.
Ví dụ 18: Công ty cổ phần P thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất cồn công nghiệp. Đến tháng 3/2014, dự án đầu tư đã hoàn thành được 90% so với đề án thiết kế và giá trị đầu tư là 26 tỷ đồng. Do gặp khó khăn về tài chính, Công ty cổ phần P quyết định chuyển nhượng toàn bộ dự án đang đầu tư cho Công ty cổ phần X với giá chuyển nhượng là 28 tỷ đồng. Công ty cổ phần X nhận chuyển nhượng dự án đầu tư trên để tiếp tục sản xuất cồn công nghiệp. Công ty cổ phần P không phải kê khai, nộp thuế GTGT đối với giá trị dự án chuyển nhượng cho Công ty cổ phần X.

Như vậy, căn cứ theo quy định nêu trên thì trường hợp công ty bạn nhận tiền phạt vi phạm hợp đồng thì sẽ không cần phải xuất hóa đơn, chỉ cần có phiếu thu ghi nhận khoản thu nhập này. Và khoản này vẫn sẽ phải kê khai và tính nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Trên đây là tư vấn của Luật LVN Group, nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ 1900.0191 để được giải đáp. Rất mong nhận được sự hợp tác!