>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính về đăng ký tạm trú trực tuyến, gọi: 1900.0191
Luật sư tư vấn:
1. Nhân viên công ty có phải đăng ký tạm trú hay không?
Tạm trú là việc công dân tạm sinh sống ở một nơi khác ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đăng ký thường trú để lao động, học tập trong một khoảng thời gian nhất định. Theo đó có thể hiểu là việc công dân sinh sống ở một nơi trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, công dân có quyền tự do cư trú nhưng bất kỳ thay đổi nào về việc cư trú đều phải thực hiện thủ tục đăng ký. Mỗi người chỉ được phép đăng ký thường trú và đăng ký tạm trú tại một nơi. Việc thay đổi nơi sinh sống khác với nơi đăng ký thường trú vì các mục đích khác nhau của cá nhân, đều phải thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú tạm vắng theo đúng quy định của pháp luật.
Cụ thể, người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó, thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn. Người đến đăng ký tạm trú cần phải xuất trình các giấy tờ như: Giấy chứng nhân nhân dân hoặc giấy tờ có xác định của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó; nộp phiếu báo hay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu. Trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản. Cần lưu ý, pháp luật cũng quy định rằng, người đã đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống, làm việc, lao động, học tập từ 6 tháng trở lên tại địa phương đã đăng ký tạm trú thì cơ quan đã cấp sổ tạm trú phải xóa tên người đó, trong sổ đăng ký tạm trú và cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú.
Như vậy, có thể thấy rằng, pháp luật không có điều khoản nào quy định về việc công dân làm việc tại công ty trong khoảng thời gian từ 7 giờ sáng đến 22 giờ tối là cần phải đăng ký tạm trú. Việc tiến hành đăng ký tạm trú chỉ phụ thuộc vào việc công dân đó có đang sinh sống tại nơi khác nơi đã đăng ký thường trú hay không, và thời gian sinh sống ít nhất là trên 30 ngày tại nơi khác nơi đăng ký thường trú.
Ý nghĩa của khi thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú:
+ Đối với Nhà nước, đăng ký tạm trú là thủ tục giúp cơ quan nhà nước quản lý nơi cư trú của người dân, từ đó định hướng, hoạch định các chính sách phù hợp. Hiện nay, Bộ Công an đang quản lý nơi tạm trú, thường trú của người dân cả nước thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú trên môi trường mạng internet. Khi người dân đến đăng ký tạm trú hoặc thay đổi thông tin về cứ trú (trong đó có thủ tục đăng ký tạm trú), cơ quan có thẩm quyền sẽ cập nhật dữ liệu lên Cơ sở dữ liệu quốc gia, đồng thời thu lại Sổ tạm trú, Sổ hộ khẩu của người dân.
+ Đối với người dân, việc đăng ký tạm trú không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của công dân. Tại nơi đăng ký tạm trú, người dân sẽ thuận lợi hơn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Nhà nước cho phép người dân thực hiện các thủ tục hành chính phổ biến tại nơi tạm trú như: Thủ tục làm căn cước công dân gắn chíp; Thủ tục đăng ký kết hôn; Thủ tục làm hộ chiếu; Thủ tục đăng ký khai sinh cho con, … Ngoài ra, người dân còn có thể tham gia các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện, tham gia tiêm vác xin Covid-19, đăng ký tham gia bầu cử … tại địa phương nơi mình tạm trú.
2. Khi nào phải đăng ký tạm trú theo quy định?
Như đã trình bày ở trên, nhân viên công ty làm việc từ 7 giờ sáng đến 22 giờ tối có phải thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú không phụ thuộc vào nơi sinh sống của nhân viên đó. Nếu nhân viên đang làm việc tại công ty mà vẫn đang sinh sống tại nơi đăng ký thường trú thì không cần phải làm thủ tục đăng ký tạm trú. Còn đối với trường hợp nhân viên làm việc tại công ty mà đang thuê nhà, ở trọ tại nơi khác nơi đăng ký thường trú và trong một thời gian dài, thì nhân viên đó phải tiến hành thủ tục đăng ký tạm trú.
Bởi theo quy định, công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục tiêu khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú (khoản 1 điều 27 Luật Cư trú 2020). Điều này đồng nghĩa rằng, nếu nhân viên đó đến sinh sống tại một nơi khác mà dưới 30 ngày theo yêu cầu của công ty đối với công việc của họ như đi công tác, đào tạo bồi dưỡng thì không cần phải đăng ký tạm trú. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật về đăng ký tạm trú và có thể rút ra được các trường hợp không phải đăng ký tạm trú, cụ thể:
– Các trường hợp không phải đăng ký tạm trú:
Hiện nay, công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác kể từ ngày 30 trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú. Như vậy, đối chiếu với quy định trên, có 02 trường hợp người dân không phải đăng ký tạm trú, bao gồm:
- Thuộc trường hợp đăng ký thường trú;
- Người đến sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn khác nơi đăng ký thường trú dưới 30 ngày.
Đối với người thuộc trường hợp đăng ký thường trú, không cần đăng ký tạm trú mà phải đăng ký thường trú với cơ quan có thẩm quyền. Đối với người không thuộc trường hợp đăng ký thường trú, và cũng không thuộc trường hợp đăng ký tạm trú thì phải đăng ký lưu trú.
Theo quy định hiện hành, lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày. Đối với trường hợp lưu trú, công dân không cần tiến hành đăng ký như tạm trú và thường trú, mà chỉ cần thực hiện việc thông báo lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú. Cụ thể, khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú; trường hợp người đến lưu trú tại chỗ ở cá nhân, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm tự thông báo việc mình đang lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi đó. Cần lưu ý, việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giời của ngày bắt đầu lưu trú, trường hợp người đến lưu trú sau 23 giờ thì việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 08 giờ ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con , cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.
– Chỗ ở hợp pháp đăng ký tạm trú:
Để chứng minh chỗ ở hợp pháp để đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật hiện nay, công dân khi đăng ký cần chuẩn bị một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
- Giấy tờ, tài liệu chứng nhận về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc tài sản gắn liền với đất do cơ quan có thẩm quyền cấp (trong đó có thông tin về nhà ở);
- Giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng (đối với trường hợp công trình phải cấp giấy phép xây dựng và đã xây dựng xong;
- Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước hoặc giấy tờ về hóa giá thanh lý nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
- Hợp đồng mua nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh việc đã bàn giao nhà ở, đã nhận nhà ở của doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nhà ở đầu tư xây dựng để bán;
- Giấy tờ về mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;
- Giấy tờ về giao tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết, cấp nhà ở, đất ở cho cá nhân, hộ gia đình;
- Giấy tờ của Tòa án hoặc cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền giải quyết cho được sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
- Giấy tờ có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã về nhà ở, đất ở không có tranh chấp quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu đất ở nếu không có một trong các giấy tờ nêu trên;
- Giấy chứng minh về đăng ký, đăng kiểm phương tiện thuộc quyền sở hữu. Trường hợp phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm thì cần có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đơn vị hành chính cấp xã về việc phương tiện được sử dụng để ở; Giấy xác nhận đăng ký nơi thường xuyên đậu, đỗ của phương tiện đó nếu nơi đăng ký cư trú không phải nơi đăng ký phương tiện hoặc phương tiện đó không phải đăng ký, đăng kiểm;
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ của cơ quan tổ chức, cá nhân phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai và nhà ở;
- Giấy tờ của cơ quan, tổ chức do thủ trưởng cơ quan, tổ chức ký tên, đóng dấu chứng minh về việc được cấp, sử dụng nhà ở, chuyển nhượng nhà ở, có nhà ở tạo lập trên đất do cơ quan, tổ chức giao đất để làm nhà ở (đối với nhà ở, đất thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, tổ chức).
Bên cạnh đó, các giấy tờ, tài liệu này cần được công chứng, chứng thực trừ trường hợp giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp là văn bản cho thuê, cho mượn, cho ở nhà nhà ở, nhà khác của cá nhân thì văn bản đó không cần công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã. Đồng thời cũng cần có văn bản cam kết của công dân về việc có chỗ ở thuộc quyền sử dụng của mình và không có tranh chấp về quyền sử dụng nếu không có một trong các giấy tờ, tài liệu đã nêu trên.
– Thời hạn hiệu lực của giấy xác định tạm trú:
+ Đối với thời hạn của sổ tạm trú được cấp khi đăng ký tạm trú trước ngày 01/07/2021. Căn cứ theo thông tư 35/2014/TT-BCA và Nghị định 31/2014/NĐ-CP thời hạn của sổ tạm trú được quy định cụ thể như sau:
- Thời hạn tạm trú theo đề nghị của công dân nhưng tối đa không quá hai mươi bốn tháng;
- Hết thời hạn tạm trú, hộ gia đình hoặc cá nhân vẫn tiếp tục tạm trú thì đại diện hộ gia đình hoặc cá nhân đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú làm thủ tục gia hạn tạm trú, thời hạn tạm trú của mỗi lần gia hạn tối đa không quá thời hạn còn lại của sổ tạm trú. Trường hợp sổ tạm trú hết thời hạn sử dụng mà hộ gia đình hoặc cá nhân vẫn tiếp tục tạm trú tại đó thì đại diện hộ gia đình; hoặc cá nhân đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú làm thủ tục cấp lại sổ tạm trú.
Theo đó, kể từ ngày 01/07/2021, ngày Luật Cư trú 2020 có hiệu lực; sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú; cho đến hết ngày 32/12/2022, tức đến năm 2023 thì sổ tạm trú sẽ hoàn toàn bị khai tử.
+ Đối với sau ngày luật Cư trú có hiệu lực, tức kể từ ngày 01 /07/2021 cần xác định điều kiện đăng ký tạm trú được quy định như sau:
- Công dân đến sinh sống tại chỗ ở hợp pháp ngoài phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc vì mục đích khác từ 30 ngày trở lên thì phải thực hiện đăng ký tạm trú;
- Thời hạn tạm trú tối đa là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần.
Theo đó, Luật cư trú 2020 không hề nhắc đến giấy xác định tạm trú hay sổ tạm trú. Bởi từ ngày 01/07/2020, việc đăng ký tạm trú của công dân; sẽ được chuyển sang quản lý bằng số hóa; thông qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về cư trú và số định danh cá nhân. Theo quy định, thời hạn tạm trú là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn.
Vậy, có thể hiểu rằng, thời hạn tạm trú tối đa của công dân là 02 năm và có thể tiếp tục gia hạn nhiều lần nêu công dân vẫn tiếp tục sinh sống và làm việc ở đó.
Như vậy, nếu nhân viên khi làm việc tại công ty, để thuận tiện cho chỗ ở gần nơi làm việc, nhân viên đó đã chuyển khỏi nơi đăng ký thường trú thì cần phải đăng ký tạm trú tại cơ quan đăng ký cư trú cấp xã. Trong trường hợp dưới 30 ngày thì nhân viên viên đó không cần đăng ký tạm trú, mà chỉ cần tiến hành việc thông báo lưu trú là được. Còn đối với trường hợp công dân có nhà ở cho một công ty thuê làm văn phòng thì công dân đó không cần đăng ký tạm trú mà công ty thuê nhà cần phải đăng ký địa điểm kinh doanh với phòng đăng ký kinh doanh theo đúng trình tự, quy định của pháp luật.
3. Một số lưu ý về đăng ký tạm trú
Khi tiến hành thủ tục đăng ký tạm trú, công dân cần phải lưu ý một số điều sau đây:
– Các địa điểm không được đăng ký tạm trú:
Hiện nay theo quy định mới, có 05 địa điểm mà công dân không được đăng ký tạm trú mới, đó là:
- Chỗ ở nằm trong địa điểm cấm xây dựng hoặc lấn, chiếm hành lang bảo vệ quốc phòng, an ninh giao thông, thủy lợi, đê điều, năng lượng, mốc giới bảo vệ công trình hạ tầng kỹ thuật , di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng, khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật;
- Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép hoặc chỗ ở xây dựng trên diện tích đất không đủ điều kiện xây dựng theo quy định của pháp luật;
- Chỗ ở đã có quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của cơ quan, nhà nước có thẩm quyền; chỗ ở là nhà ở mà một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà ở đang có tranh chấp, khiếu nại liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng nhưng chưa được giải quyết theo uy định của pháp luật;
- Chỗ ở bị tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phương tiện được dùng làm nơi đăng ký thường trú đã bị xóa đăng ký phương tiện hoặc không có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
- Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Đăng ký tạm trú onnline hay trực tiếp:
Trước đây, đề khai báo tạm trú, người dân phải trực tiếp tới công an xã, phường, thị trân nơi tạm trú để làm thủ tục. Hiện nay để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và tiết kiệm chi phí đi lại, in ấn, … người dân có thể dễ dàng đăng ký tạm trú online trên Công dịch vụ công quản lý cư trú. Việc đăng ký tạm trú hiện nay được thực hiện trên Cổng dịch vụ công về quản lý cư trú rất đơn giản và dễ dàng thực hiện. Đồng thời khi thực hiện đăng ký online, người đăng ký dễ dàng tra cứu tiến độ thực hiện cũng như kết quả giải quyết hồ sơ. Tuy nhiên, đối với một số trường hợp như công nhân, người lớn tuổi, trẻ em chưa có khả năng thực hiện được thủ tục đăng ký tạm trú online một cách dễ dàng. Như vậy, phù thuộc vào đối tượng, hoàn cảnh cụ thể mà công dân có thể lựa chọn đăng ký tạm trú online hoặc trực tiếp tại cơ quan về cư trú.
– Gia hạn tạm trú:
Như đã trình bày ở trên, thời hạn tạm trú là 02 năm và có thể gia hạn nhiều lần. Bởi vậy, trong thời hạn 15 ngày trước ngày kết thúc thời hạn tạm trú, công dân phải làm thủ tục gia hạn tạm trú. Đối với thủ tục này, công dân cần chuẩn bị một bộ hồ sơ bao gồm: Tờ khai thay đổi thông tin cư trú (đối với người đăng ký tạm trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản); và Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp. Cần lưu ý, công dân gai hạn tạm trú nộp hồ sơ gia hạn tạm trú đến đúng cơ quan đăng ký cư trú nơi mình đang tạm trú.
Sau khi thẩm định hồ sơ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm cập nhật thông tin về thời hạn tạm trú mới của người đăng ký vào cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký tạm trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
– Xử phạt đối với hành vi vi phạm về đăng ký tạm trú:
Theo quy định của pháp luật, các mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về đăng ký tạm trú, cụ thể như sau:
+ Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Không thực hiện đúng quy định về đăng ký tạm trú;
- Không xuất trình sổ tạm trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;
+ Phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
- Cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú để được đăng ký tạm trú;
- Làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú để được đăng ký tạm trú;
- Làm giả, sử dụng sổ hộ khẩu giả, sổ tạm trú để đăng ký thường trú, tạm trú, cấp giấy tờ khác có liên quan đến cư trú hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật khác;
- Không khai báo tạm trú cho người nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Trên đây là bài viết tham khảo của công ty Luật LVN Group về vấn đề nhân viên công ty có phải hay không phải đăng ký tạm trú khi làm việc từ 7 giờ sáng đến 22 giờ tối. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp những thông tin hữu ích cho quý bạn đọc khi muốn tìm hiểu về các quy định đăng ký tạm trú và cần lưu ý rằng công dân cần phải đăng ký tạm trú nếu sinh sống tại một chỗ ở khác phạm vi đơn vị hành chính cấp xã đã đăng ký thường trú để lao động, học tập hoặc mục đích khác và trong một khoảng thời gian từ 30 ngày trở lên.
Nếu quý khách hàng còn bất kỳ vướng mắc, không hiểu nào về vấn đề này hay bất kỳ vấn đề pháp luật liên quan nào khác, quý khách hàng vui lòng liên hệ qua số tổng đài tư vấn pháp luật miễn phí: 1900.0191 của công ty Luật LVN Group chúng tôi để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ nhiệt tình đến từ đội ngũ Luật sư của LVN Group và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệp chuyên môn. Rất mong nhận được sự hợp tác của quý khách hàng!