Có xin được không( vẫn giữ quốc tịch đài loan) nếu xin được thì cần những thủ tục gì. Trình tự ra sao. Muốn làm hộ chiếu việt nam cho con. Xin trân thành cám ơn.

Người gửi : Vy Vy

Luật sư trả lời:

Căn cứ pháp lý

Bộ luật dân sự 2015

Luật Quốc tịch Việt Nam 2008 (sửa đổi, bổ sung 2014)

Nội dung

1. Quốc tịch là gì?

Định nghĩa quốc tịch

Quốc tịch là chế định cơ bản của Luật quốc tịchvề địa vị pháp lý của công dân, là tiền đề pháp lý bắt buộc để cá nhân có thể đuợc hưởng các quyền và nghĩa vụ công dân của nhà nước.

Nói đến quốc tịch là nói đến tư cách công dân của nhà nước độc lập, có chủ quyền. Nội dung quốc tịch thể hiện mối quan hệ pháp lý – chính trị giữa cá nhân cụ thể với chính quyền nhà nước nhất định. Xét về mặt nội dung, trong mỗi chế độ nhà nước khác nhau, quốc tịch có nội dung khác nhau. Nội dung quốc tịch phụ thuộc vào kiểu nhà nước và cơ sở kinh tế – xã hội đã quyết định kiểu nhà nước đó. Mỗi hình thái kinh tế – xã hội có một kiểu nhà nước, mỗi kiểu nhà nước lại có một nội dung mối quan hệ nhà nước – công dân tương ứng, thể hiện trình độ khác nhau. Quốc tịch là chế định pháp lý có tính chất tổng hợp, quy định mối quan hệ mọi mặt giữa cá nhân với nhà nước.

Quốc tịch thể hiện mối quan hệ có tính ổn định rất cao, bền vững về mặt thời gian. Mối quan hệ này không dễ dàng bị thay đổi mà chỉ có thể thay đổi trong những trường hợp đặc biệt, với những điều kiện hết sức khắt khe. Đối với những người nước ngoài đã xin nhập quốc tịch của một nhà nước thì mối quan hệ này tồn tại dài hay ngắn là phụ thuộc vào thái độ của người đó đối với nhà nước mà họ mang quốc tịch (tích cực hay không tích cực).

Về mặt không gian, mối quan hệ này hoàn toàn không bị giới hạn. Khi đã là công dân của một nhà nước, người đó phải chịu sự chi phối và tác động mọi mặt bởi chính quyền nhà nước, dù người đó ở bất kì nơi nào, trong nước hay ở nước ngoài. Mặt khác, người đó luôn luôn được nhà nước bảo đảm cho hưởng các quyền và phải thực hiện các nghĩa vụ công dân đối với nhà nước. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan đặc biệt, một số quyền và nghĩa vụ tạm thời không thể lĩnh hội và thực hiện được ở một phạm vi nhất định.

Ví dụ: Khi sống ở nước ngoài, công dân không thể thực hiện được quyền bầu cử, quyền và nghĩa vụ tham gia quân đội… Như vậy, mối quan hệ giữa nhà nước và công dân không bị giới hạn về mặt không gian. Dù ở đâu đi chăng nữa, người mang quốc tịch của một nhà nước vẫn là công dân của nhà nước đó.

Từ sự phân tích trên, có thể đưa ra định nghĩa về quốc tịch như sau:

Quốc tịch là mối quan hệ pháp lý – chính trị có tính chất lâu dài, bền vững, ốn định cao về mặt thời gian, không bị giới hạn về mặt không gian giữa cá nhân cụ thể với chính quyền nhà nước nhất định.

Đặc điểm của quốc tịch

* Quốc tịch có một số đặc điểm sau: Từ định nghĩa nêu trên về quốc tịch, chúng ta có thể rút ra một số đặc điểm sau về quốc tịch:

• Có tính ổn định và bền vững về không gian và thời gian.

– Về không gian: Mối quan hệ pháp lý giữa quốc gia và cá nhân mang quốc tịch là hoàn toàn không bị hạn chế, điều này thể hiện ở chỗ: Khi đã mang quốc tịch và trở thành công dân của một quốc gia nào đó thì mỗi công dân phải luôn chịu sự chi phối và tác động về mọi mặt từ quốc gia đó, không kể họ đang cư trú ở đâu, trong hay ngoài nước, và tại nơi họ cư trú họ có các quyền và nghĩa vụ pháp lý như nhau.

– Về thời gian: Thông thường, một người ngay khi sinh ra đã mang một quốc tịch, tức là có mối liên hệ với ít nhất một quốc gia nhất định. Mối liên hệ này sẽ gắn bó suốt quá trình sống của người đó từ lúc sinh ra cho đến lúc chết, trừ những trường hợp đặc biệt (như: xin thôi quốc tịch, bị tước quốc tịch…).

• Quốc tịch thể hiện mối quan hệ pháp lý có tính hai chiều giữa nhà nước và công dân, là cơ sở để xác định các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Khi mang quốc tịch của một quốc gia nào đó, thì công dân được hưởng những quyền đồng thời phải gánh vác các nghĩa vụ đối với nhà nước của họ; ngược lại, các quyền của công dân cũng chính là các nghĩa vụ mà quốc gia phải thực hiện nhằm đảm bảo tốt nhất các quyền của công dân và nghĩa vụ của công dân lại đồng thời là các quyền của quốc gia đó.

• Tính cá nhân của quốc tịch: Quốc tịch gắn bó với bản thân mỗi cá nhân nhất định và không thể chia sẻ cho người khác. Việc thay đổi quốc tịch của một người không thể làm quốc tịch của người khác thay đổi theo.

• Quốc tịch vừa mang tính quốc tế, vừa là đối tượng điều chỉnh của pháp luật quốc gia. Trong quan hệ quốc tế, quốc tịch là cơ sở để quốc gia tiến hành bảo hộ ngoại giao cho công dân của mình; là cơ sở để quốc gia từ chối tiến hành dẫn độ tội phạm đối với công dân mình (trừ những trường hợp có điều ước quốc tế quy định về dân độ).

Quốc tịch là mối liên hệ pháp lý giữa một cá nhân với một quốc gia nhất định, có chủ quyền và phải được hưởng mọi quyền lợi cũng như phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của một công dân của quốc gia đó.

2. Điều kiện để nhập quốc tịch Việt Nam

Điều kiện để được nhập quốc tịch Việt Nam được quy định tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam :

“Điều 19. Điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam

1. Công dân nước ngoài và người không quốc tịch đang thường trú ở Việt Nam có đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì có thể được nhập quốc tịch Việt Nam, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam; tôn trọng truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc Việt Nam;

c) Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam;

d) Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam;

đ) Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam;

2. Người xin nhập quốc tịch Việt Nam có thể được nhập quốc tịch Việt Nam mà không phải có các điều kiện quy định tại các điểm c, d và đ khoản 1 Điều này, nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam;

b) Có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;

c) Có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã họi chủ nghĩa Việt Nam.”

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 19 Luật Quốc tịch quy định:

“Người nhập quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người quy định tại khoản 2 Điều này, trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép”.

Đối với trường hợp của bạn, bạn là mẹ đẻ của con bạn, bạn mang quốc tịch Việt Nam va có nhu cầu nhập quốc tịch Việt Nam cho con (06 tháng tuổi). Để có thể nhập được quốc tịch Việt Nam, con bạn phải đáp ứng được các điều kiện về nhập quốc tịch tại Điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam, trong đó có điều kiện: “a) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật Việt Nam”. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015, người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người từ đủ 18 tuổi trở lên. Vì con bạn hiện mới được 06 tháng tuổi nên chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trường hợp này bạn là mẹ của bé, sẽ là đại diện theo pháp luật cho con và đứng tên trong đơn xin nhập quốc tịch cho con. Và việc xin cấp Hộ chiếu Việt Nam chỉ được thực hiện sau khi con bạn hoàn thành các thủ tục về nhập quốc tịch Việt Nam và Chủ tịch nước chấp thuận cho việc nhập quốc tịch Việt Nam.

3. Hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam (lập thành 03 bộ)

– Đơn xin nhập quốc tịch Việt Nam (theo mẫu)

– Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế; (Giấy tờ khác có giá trị thay thế Giấy khai sinh, Hộ chiếu của người xin nhập quốc tịch Việt Nam là những giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch nước ngoài của người đó); Bản sao Giấy khai sinh của người con chưa thành niên cùng nhập quốc tịch Việt Nam theo cha mẹ hoặc giấy tờ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con. Trường hợp chỉ cha hoặc mẹ nhập quốc tịch Việt Nam mà con chưa thành niên sinh sống cùng người đó nhập quốc tịch Việt Nam theo cha hoặc mẹ thì còn phải nộp văn bản thoả thuận của cha mẹ về việc nhập quốc tịch Việt Nam cho con;

– Bản khai lý lịch;

– Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến ngày nộp hồ sơ;

– Giấy tờ chứng minh trình độ Tiếng Việt; (Giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt của người xin nhập quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ sau đây: bản sao bằng tốt nghiệp sau đại học, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông hoặc trung học cơ sở của Việt Nam; bản sao văn bằng hoặc chứng chỉ chứng nhận trình độ tiếng Việt do cơ sở đào tạo tiếng Việt của Việt Nam cấp. Trong trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam khai báo biết tiếng Việt đủ để hoà nhập. (Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được đánh giá trên cơ sở khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt với công dân Việt Nam trong cuộc sống, phù hợp với môi trường sống và làm việc của người đó), nhưng không có một trong các giấy tờ nêu trên, thì Sở Tư pháp tổ chức phỏng vấn trực tiếp để kiểm tra trình độ tiếng Việt của người đó theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp. Kết quả phỏng vấn phải được lập thành văn bản; người trực tiếp phỏng vấn căn cứ vào tiêu chuẩn quy định (Biết tiếng Việt đủ để hoà nhập vào cộng đồng Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được đánh giá trên cơ sở khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt với công dân Việt Nam trong cuộc sống, phù hợp với môi trường sống và làm việc của người đó) để đề xuất ý kiến và chịu trách nhiệm về ý kiến đề xuất của mình;

– Giấy tờ chứng minh về chỗ ở, thời gian thường trú ở Việt Nam (ví dụ: Bản sao Thẻ thường trú, tạm trú);

– Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam. (Giấy tờ chứng minh bảo đảm cuộc sống ở Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam gồm một trong các giấy tờ sau: giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản; giấy xác nhận mức lương hoặc thu nhập do cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc cấp; giấy xác nhận của cơ quan thuế về thu nhập chịu thuế; giấy tờ chứng minh được sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam; giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người xin nhập quốc tịch Việt Nam về khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người đó).

4. Những người được miễn một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam thì phải nộp thêm những giấy tờ sau:

– Người có vợ hoặc chồng là công dân Việt Nam phải nộp bản sao Giấy chứng nhận kết hôn chứng minh quan hệ hôn nhân;

– Người là cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam phải nộp bản sao Giấy khai sinh hoặc giấy tờ hợp lệ khác chứng minh quan hệ cha con, mẹ con;

– Người có công lao đặc biệt đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phải nộp bản sao Huân chương, Huy chương, giấy chứng nhận danh hiệu cao quý khác hoặc giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam;

– Người mà việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải nộp giấy chứng nhận của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, được cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận về việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ sẽ đóng góp cho sự phát triển của một trong các lĩnh vực. (Người mà việc nhập quốc tịch Việt Nam của họ có lợi cho Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là người có tài năng trong các lĩnh vực khoa học, kinh tế, văn hoá, xã hội, nghệ thuật, thể thao, được cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc chứng nhận và cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác nhận việc nhập quốc tịch của họ sẽ đóng góp cho sự phát triển trong các lĩnh vực nói trên của Việt Nam).

Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Hành chính – Công ty luật LVN Group