1. Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng là gì?
Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (sau đây gọi tắt là Cục Giám định) là tổ chức thuộc Bộ Xây dựng, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về chất lượng công trình xây dựng, an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, giám định chất lượng công trình xây dựng, giám định tư pháp xây dựng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng theo phân công, ủy quyền của Bộ trưởng; cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng. Cục Giám định có tư cách pháp nhân, có con dấu để giao dịch, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn:
Quyết định 982/QĐ-BXD Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng có nhiệm vụ, quyền hạn như sau:
– Xây dựng kế hoạch, chương trình, dự án, các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn về quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, giám định chất lượng công trình xây dựng, giám định tư pháp xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền.
– Hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng trong các giai đoạn: khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, nghiệm thu, bàn giao, bảo hành, bảo trì, vận hành khai thác sử dụng công trình xây dựng; kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất và kiến nghị xử lý vi phạm về chất lượng công trình xây dựng; đình chỉ thi công và yêu cầu chủ đầu tư, tư vấn, các nhà thầu khắc phục trong trường hợp phát hiện chất lượng công trình không đạt yêu cầu, có nguy cơ gây thiệt hại về người và tài sản theo quy định của pháp luật.
– Kiểm tra công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng của các Bộ, ngành, địa phương và các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; kiểm tra chất lượng công trình và kiến nghị xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình theo quy định của pháp luật.
– Kiểm tra công tác nghiệm thu đối với công trình xây dựng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng; quản lý chất lượng các công trình quan trọng quốc gia do Thủ tướng Chính phủ giao.
– Chủ trì tổ chức hoạt động xét tặng các giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng.
– Hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động: giám sát thi công xây dựng công trình, kiểm định, giám định chất lượng xây dựng, giám định tư pháp xây dựng, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, giám định nguyên nhân, giải quyết sự cố trong thi công xây dựng và trong quá trình khai thác, sử dụng công trình; tổ chức thực hiện giám định chất lượng công trình xây dựng, giám định tư pháp xây dựng, giám định nguyên nhân sự cố trong thi công xây dựng và trong quá trình khai thác, sử dụng công trình theo quy định của pháp luật.
– Hướng dẫn, kiểm tra công tác bảo trì công trình xây dựng và đánh giá chất lượng, an toàn chịu lực, an toàn vận hành công trình xây dựng trong quá trình khai thác, sử dụng; hướng dẫn xử lý công trình hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp theo quy định của pháp luật.
– Xây dựng cơ sở dữ liệu, cập nhật và quản lý thông tin về năng lực của các tổ chức cá nhân hành nghề trong các hoạt động: giám định tư pháp xây dựng, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện năng lực hành nghề xây dựng của cá nhân và điều kiện năng lực hoạt động của các tổ chức tham gia trong các hoạt động nêu trên.
– Quản lý hệ thống kiểm định chất lượng công trình xây dựng và trực tiếp điều hành hoạt động của Mạng Kiểm định chất lượng công trình xây dựng.
– Xây dựng danh mục máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng công trình thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng; xây dựng, ban hành quy trình kiểm định và hướng dẫn, kiểm tra hoạt động kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng; quy định cụ thể hình thức, nội dung, chương trình và việc tổ chức thực hiện huấn luyện, bồi dưỡng, sát hạch nghiệp vụ kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động đối với đối tượng kiểm định thuộc thẩm quyền quản lý.
– Cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động và cấp, cấp lại chứng chỉ kiểm định viên thuộc thẩm quyền quản lý, công bố trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng.
– Hướng dẫn, kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình thuộc phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; hướng dẫn thực hiện khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo sự cố kỹ thuật gây mất an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình.
– Tổ chức thực hiện Chương trình Quốc gia về An toàn, vệ sinh lao động.
– Thực hiện nhiệm vụ cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Xây dựng.
– Thực hiện hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài về các lĩnh vực công tác của Cục Giám định.
– Thực hiện các đề án, nhiệm vụ khoa học công nghệ, dự án sự nghiệp kinh tế liên quan đến công tác chuyên môn của Cục Giám định.
– Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế, số lượng người làm việc; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ chính sách khác, công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Cục Giám định theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.
– Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước được phân bổ, thực hiện quản lý các hoạt động có thu theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.
– Cục trưởng Cục Giám định được quyền:
+ Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin về tình hình chất lượng công trình xây dựng; cung cấp tài liệu, số liệu và tạo điều kiện cần thiết phục vụ công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình, giám định chất lượng công trình xây dựng, giám định tư pháp xây dựng.
+ Đề xuất hoặc chỉ định các pháp nhân có năng lực phù hợp để thực hiện việc kiểm tra, kiểm định xây dựng, giám định chất lượng công trình xây dựng, giám định tư pháp xây dựng, kiểm định kỹ thuật an toàn lao động khi cần thiết.
+ Xử lý hoặc kiến nghị xử lý vi phạm về quản lý chất lượng công trình xây dựng, quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật; tạm đình chỉ xây dựng khi phát hiện có vi phạm nghiêm trọng về chất lượng công trình, an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình hoặc ngừng khai thác sử dụng công trình khi có nguy cơ dẫn đến sự cố nghiêm trọng; báo cáo Bộ trưởng xem xét, quyết định, đồng thời thông báo ngay cho các cơ quan liên quan phối hợp giải quyết.
+ Đề xuất và ký hợp đồng với các chuyên gia, tổ chức tư vấn có năng lực phù hợp để tư vấn trong các trường hợp cần thiết liên quan đến công tác chuyên môn của Cục Giám định.
+ Ký các báo cáo kiểm tra, các văn bản hành chính, văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ nhân danh Cục trưởng và sử dụng con dấu của Cục theo quy định pháp luật.
+ Đựợc Bộ trưởng uỷ quyền ký một số văn bản về các lĩnh vực công tác của Cục Giám định theo quy định tại Quy chế làm việc của cơ quan Bộ Xây dựng.
– Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng giao.
3. Cơ cấu tổ chức:
3.1. Các đơn vị trực thuộc:
– Văn phòng.
– Phòng Giám định chất lượng xây dựng 1.
– Phòng Giám định chất lượng xây dựng 2.
– Phòng Giám định chất lượng xây dựng 3.
– Phòng Quản lý chất lượng các công trình trọng điểm.
– Phòng Quản lý an toàn xây dựng.
– Trung tâm Phát triển Công nghệ quản lý và Kiểm định xây dựng.
Trung tâm Phát triển Công nghệ quản lý và Kiểm định xây dựng là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Cục Giám định, được khắc con dấu theo mẫu quy định để giao dịch, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng theo sự uỷ quyền, phân cấp quản lý tài chính kế toán của Cục trưởng Cục Giám định và các quy định của pháp luật.
Các đơn vị trực thuộc Cục Giám định có cấp trưởng, một số cấp phó và các công chức, viên chức chuyên môn nghiệp vụ.
Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh cấp trưởng, cấp phó các đơn vị trực thuộc Cục Giám định do Bộ trưởng quyết định theo đề nghị của Cục trưởng Cục Giám định và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
3.2. Lãnh đạo Cục Giám định:
– Cục Giám định có Cục trưởng và các Phó Cục trưởng.
– Cục trưởng và Phó Cục trưởng do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của Đảng và pháp luật.
– Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Giám định, Cục trưởng có trách nhiệm lập kế hoạch công tác cho từng giai đoạn, xác định nhu cầu biên chế của Cục Giám định; xây dựng và ban hành quy chế làm việc của Cục Giám định; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức cùa các đơn vị trực thuộc; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi đơn vị, cá nhân trong Cục Giám định và báo cáo Bộ trưởng.
– Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục Giám định; Phó Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.
4. Kiểm định chất lượng công trình xây dựng là gì?
Kiểm định chất lượng công trình xây dựng là hoạt động kiểm tra, xác định chất lượng nhà xưởng, bộ phận công trình, hoặc công trình xây dựng so với yêu cầu của thiết kế và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật thông qua việc thí nghiệm, kết hợp với ghi nhận, đánh giá hiện trạng bằng trực quan.
5. Quy định chung về
5.1. Kiểm định trong hoạt động kiểm định chất lượng công trình xây dựng (do nhà thầu thực hiện)
– Việc tổ chức kiểm định chất lượng công trình xây dựng (KĐCL) là một công việc quan trọng nhất trong kế hoạch chất lượng của nhà thầu nhằm thực hhiện các cam kết trong hợp đồng giao nhận thầu giữa chủ công trình và nhà thầu. Việc KĐCL là trách nhiệm của nhà thầu và là nội dung hoạt động của nhà thầu chính, các thầu phụ và nhà cung ứng vật tư trang thiết bị nhằm cung cấp cho Chủ đầu tư một sản phẩm thoả mãn các yêu cầu đặt ra mà đầu tiên phải là chất lượng.
– Yêu cầu đối với chương trình KĐCL phải được nêu cụ thể trong các tài liệu của hợp đồng. Để có hiệu quả, công việc KĐCL phải thường xuyên và chủ động, không gián đoạn và bị động. Chủ công trình cần được đảm bảo rằng chương trình KĐCL của nhà thầu là toàn diện và được thực hiện liên tục. Nếu chương trình KĐCL của nhà thầu chỉ là đối phó trước chương trình bảo đảm chất lượng để chủ đầu tư chấp nhận nghiệm thu thì đó là điều không đúng và không được phép.
– Nhà thầu đã thoả thuận là tạo ra một sản phẩm cuối cùng phù hợp với mọi yêu cầu của các văn bản hợp đồng. Đó là trách nhiệm và nghĩa vụ riêng của nhà thầu. Các đơn vị thi công công trình phải thiết lập chế độ trách nhiệm thể hiện trong hệ thống quản lý chất lượng. Hệ thống quản lý chất lượng không chỉ nhằm kiểm soát chất lượng nguyên vật liệu đầu vào, kiểm soát dây chuyền sản xuất, kiểm soát thao tác, kiểm tra các bước công việc mà còn phải gồm chế độ lấy mẫu kiểm nghiệm.
– Công việc kiểm nghiệm các loại vật liệu chủ yếu, các bán thành phẩm, thành phẩm, cấu kiện xây dựng, dụng cụ và thiết bị lắp đặt vào công trình, việc nhận xét về sự phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật để thực hiện công việc tiếp theo là nội dung hoạt động kiểm định chất lượng do nhà thầu thực hiện.
5.2. Kiểm định và bảo đảm chất lượng công trình xây dựng (do chủ đầu tư thực hiện)
– Việc bảo đảm chất lượng thông qua giám sát để nghiệm thu là trách nhiệm của chủ công trình. Cũng giống như KĐCL, một kế hoạch bảo đảm chất lượng đem lại lợi ích cho chủ công trình. Nếu thiếu một kế hoạch bảo đảm chất lượng hiệu quả, chủ công trình sẽ phải tốn kém nhiều do phải chi tiền của và thời gian để sửa chữa những phần chất lượng kém mà còn chấp nhận một công trình có nhiều rủi ro.
– Vì vậy, Luật Xây dựng tại điều 87 đã quy định:
“Chủ đầu tư xây dựng công trình phải thuê tư vấn giám sát hoặc tự thực hiện khi có đủ điều kiện năng lực hoạt động giám sát thi công xây dựng”.
– Đối với chủ đầu tư, khi nghiệm thu công trình cũng cần phải kiểm định. Công việc kiểm định này thường dùng phương pháp không phá huỷ và khi cần thiết thì tổ chức lấy mẫu xác xuất để thử nghiệm phá huỷ phục vụ công tác thí nghiệm vật liệu xây dựng.
Ví dụ: Việc xác định cường độ của bê tông kết cấu bao gồm phương pháp thí nghiệm cường độ trực tiếp và phương pháp thí nghiệm cường độ không làm tổn thương đến kết cấu hay gọi là thí nghiệm cường độ gián tiếp.