Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hình sự của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.0191

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận Luật sư của LVN Group tư vấn pháp luật của Công ty Luật LVN Group. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ Luật sư của LVN Group của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý:

– Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

2. Cơ quan điều tra là gì?

Cơ quan điều tra là Cơ quan tiến hành tố tụng, có nhiệm vụ áp dụng mọi biện pháp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định, tiến hành điều tra tất cả các tội phạmxảy ra theo thẩm quyền. Gồm có:

1. Trong Công an nhân dân có cơ quan điều tra: Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công an, cảnh sát điều tra công an cấp tỉnh, cấp huyện; Cơ quan an ninh điều tra Bộ công an, cấp tỉnh, cấp huyện.

2. Trong Quân đội nhân dân có các cơ quan điều tra: Cơ quan điều tra hình sự Bộ quốc phòng, Cơ quan an ninh điều tra quân khu và cấp tương đương;

3. Viện kiểm sát nhân dân tối cao có các cơ quan điều tra: Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương. Ngoài ra còn có một số cơ quan khác.

3. Những điểm mới về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra

Điều 34 Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) năm 2003 quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (CQĐT). Trên cơ sở kế thừa những quy định này, Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung để khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định của Bộ luật TTHS năm 2003, đồng thời bảo đảm phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của các chủ thể này trên thực tế cũng như các quy định mới trong Bộ luật TTHS.

Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng CQĐT theo 02 nhóm: nhiệm vụ, quyền hạn khi thực hiện chức năng quản lý hoạt động tố tụng của CQĐT; nhiệm vụ, quyền hạn khi tiến hành TTHS. Với mỗi nhóm này, Bộ luật TTHS năm 2015 đều có sự sửa đổi, bổ sung so với Bộ luật TTHS năm 2003, cụ thể như sau :

3.1. Đối với nhóm nhiệm vụ, quyền hạn khi thực hiện chức năng quản lý hoạt động tố tụng của CQĐT

Một là, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố.

Theo các quy định tại Chương VIII Bộ luật TTHS năm 2003, CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và các hoạt động khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, điểm a khoản 1 Điều 34 Bộ luật TTHS năm 2003 lại không quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động này. Khắc phục bất cập này, điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố. Việc bổ sung này cũng đã bảo đảm sự thống nhất với các quy định tại Chương IX Bộ luật TTHS năm 2015 (Chương này quy định rất cụ thể về việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố).

Hai là, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn: Quyết định thay đổi Phó Thủ trưởng CQĐT, thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm; kiểm tra việc khởi tố của Phó Thủ trưởng CQĐT.

Bộ luật TTHS năm 2015 mở rộng nhiều nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng CQĐT theo hướng lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện hoạt động của CQĐT, trong đó có hoạt động của Phó Thủ trưởng CQĐT. Cụ thể, nếu như điểm b khoản 1 Điều 34 Bộ luật TTHS năm 2003 quy định Thủ trưởng CQĐT chỉ có nhiệm vụ, quyền hạn phân công Phó Thủ trưởng CQĐT thì điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 đã bổ sung quyền thay đổi Phó Thủ trưởng CQĐT; quyền trực tiếp tổ chức và chỉ đạo việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm; quyền thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm; quyền kiểm tra việc khởi tố của Phó Thủ trưởng CQĐT.

Ba là, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn quyết định phân công hoặc thay đổi Cán bộ điều tra; kiểm tra các hoạt động thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Cán bộ điều tra. Cùng với việc bổ sung chức danh tố tụng mới là Cán bộ điều tra, Bộ luật TTHS năm 2015 đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn trên của Thủ trưởng CQĐT đối với hoạt động của Cán bộ điều tra.

3.2. Đối với nhóm nhiệm vụ, quyền hạn khi tiến hành TTHS

Một là, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Việc bổ sung này nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa quy định chung về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng CQĐT tại Điều luật này với quy định riêng về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng CQĐT tại điểm a khoản 1 Điều 147 Bộ luật TTHS năm 2015.

Hai là, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn quyết định bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án; quyết định bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can; quyết định ủy thác điều tra.

Việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn này nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng CQĐT tại Bộ luật TTHS năm 2003. Theo quy định của điểm a khoản 2 Điều 34 Bộ luật TTHS năm 2003, Thủ trưởng CQĐT có thẩm quyền ra quyết định bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án; quyết định bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can; quyết định ủy thác điều tra. Tuy nhiên, điểm a khoản 2 Điều 34 Bộ luật TTHS năm 2003 chỉ quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn “Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can; quyết định không khởi tố vụ án; quyết định nhập hoặc tách vụ án”. Bên cạnh đó, việc bổ sung này cũng nhằm bảo đảm tính thống nhất với các quy định tại các Điều 156, 171 và 180 của Bộ luật TTHS năm 2015 về nhiệm vụ, quyền hạn của CQĐT.

Ba là, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp cưỡng chế, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt theo quy định của Bộ luật TTHS.

Bộ luật TTHS năm 2015 đã bổ sung những nội dung mới quy định về các biện pháp cưỡng chế tại mục II, Chương VII Bộ luật TTHS năm 2015; các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt tại Chương XVI. Theo đó, Thủ trưởng CQĐT có thẩm quyền áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp cưỡng chế, biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Do đó, điểm b khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 đã bổ sung những nhiệm vụ, quyền hạn này.

Bốn là, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn quyết định đình nã bị can. Việc bổ sung này nhằm tạo sự thống nhất với quy định riêng về nhiệm vụ, quyền hạn này của Thủ trưởng CQĐT tại khoản 3 Điều 231 Bộ luật TTHS năm 2015.

Năm là, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn quyết định trưng cầu giám định bổ sung, giám định lại, thực nghiệm điều tra, thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định. Yêu cầu định giá, định giá lại tài sản, yêu cầu thay đổi người định giá tài sản.

Sáu là, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn trực tiếp kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm.

Thủ trưởng CQĐT cũng là Điều tra viên chonên cùng với việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn trực tiếp kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm cho Điều tra viên, điểm đ khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 cũng đã bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn này cho Thủ trưởng CQĐT.

Bên cạnh việc bổ sung, quy định rõ hơn về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng CQĐT, khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 tiếp tục quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Phó Thủ trưởng CQĐT với tư cách là người giúp Thủ trưởng CQĐT trong việc thực hiện chức năng quản lý hoạt động tố tụng của CQĐT: “Khi vắng mặt, Thủ trưởng Cơ quan điều tra ủy quyền cho một Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng Cơ quan điều tra. Phó Thủ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng về nhiệm vụ được ủy quyền”. Với tư cách là một chức danh tố tụng độc lập, khi được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự, Phó Thủ trưởng CQĐT có những nhiệm vụ, quyền hạn như Thủ trưởng CQĐT, trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015; đồng thời, Phó Thủ trưởng CQĐT không được giải quyết khiếu nại, tố cáo về hành vi, quyết định của mình. Như vậy, có thể thấy rằng, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Thủ trưởng CQĐT đã có sự mở rộng hơn nhiều so với Bộ luật TTHS năm 2003.

Ngoài ra, khoản 4 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 còn bổ sung quy định Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng CQĐT không được ủy quyền cho Điều tra viên thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

4. Một số kiến nghị, đề xuất sửa đổi quy định pháp luật

4.1. Về nhóm nhiệm vụ, quyền hạn khi thực hiện chức năng quản lý hoạt động tố tụng của Thủ trưởng CQĐT

Điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm tra việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Phó Thủ trưởng CQĐT là chưa đầy đủ. Theo đó, cần bổ sung quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn kiểm tra cả việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm của Phó Thủ trưởng CQĐT. Bởi lẽ, Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn phân công hoặc thay đổi Phó Thủ trưởng CQĐT thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm cho nên cũng có thẩm quyền kiểm tra các hoạt động này.

Ngoài ra, việc quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn “Quyết định phân công hoặc thay đổi Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra…” là chưa cụ thể. Cần quy định rõ việc phân công hoặc thay đổi Phó Thủ trưởng CQĐT gắn với hoạt động cụ thể như thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc áp dụng trong thực tế.

Với sự phân tích trên đây, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 như sau:

“Quyết định phân công hoặc thay đổi Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra trong việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự; thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm; kiểm tra việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra”.

Tương tự như trên, cần quy định rõ việc quyết định phân công hoặc thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra trong các hoạt động cụ thể: Thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự; đồng thời, thay cụm từ “Cán bộ điều tra” bằng cụm từ “Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra” để phân biệt với Cán bộ điều tra của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Theo đó, điểm c khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 được sửa đổi như sau:

“Quyết định phân công hoặc thay đổi Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra trong việc thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự; kiểm tra các hoạt động thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra vụ án hình sự của Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra; quyết định thay đổi hoặc hủy bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của Điều tra viên”.

4.2. Về nhóm nhiệm vụ, quyền hạn khi tiến hành TTHS của Thủ trưởng CQĐT

– Khoản 1 Điều 149 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định CQĐT có thẩm quyền quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Tuy nhiên, điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 lại không quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn này. Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 158 Bộ luât TTHS năm 2015, CQĐT có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự, tuy nhiên điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 chỉ quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn “…quyết định khởi tố, không khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án; quyết định khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can…” mà không quy định nhiệm vụ, quyền hạn quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự. Do đó, chúng tôi cho rằng, cần bổ sung quy định về những nhiệm vụ, quyền hạn này trong quy định chung về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ trưởng CQĐT. Theo đó, điểm a khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 được sửa đổi như sau:

“Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; quyết định khởi tố, không khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố vụ án; quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự; quyết định khởi tố, bổ sung hoặc thay đổi quyết định khởi tố bị can; quyết định nhập hoặc tách vụ án; quyết định ủy thác điều tra”.

– Điểm b khoản 1 Điều 281 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định, CQĐT không chỉ có thẩm quyền truy nã, đình nã bị can mà còn có thẩm quyền truy nã, đình nã bị cáo. Tuy nhiên, điểm c khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 chỉ quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn “Quyết định truy nã, đình nã bị can…”. Để bảo đảm tính thống nhất giữa các điều luật, chúng tôi cho rằng, cần bổ sung cho Thủ trưởng CQĐT nhiệm vụ, quyền hạn truy nã, đình nã bị cáo. Theo đó, điểm c khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 cần được sửa đổi như sau:

“Quyết định truy nã, đình nã bị can, bị cáo, khám xét, thu giữ, tạm giữ, xử lý vật chứng”.

– Điểm d khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn “…thay đổi hoặc yêu cầu thay đổi người giám định… yêu cầu thay đổi người định giá tài sản”. Tuy nhiên, khoản 6 Điều 68 và khoản 6 Điều 69 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định CQĐT có thẩm quyền quyết định việc thay đổi người giám định, người định giá tài sản chứ không phải yêu cầu thay đổi người giám định hay yêu cầu thay đổi người định giá tài sản. Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 76 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định CQĐT có quyền yêu cầu, đề nghị cử người bào chữa; khoản 1, 5 Điều 70 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định CQĐT có thẩm quyền yêu cầu, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật, tuy nhiên, các nhiệm vụ, quyền hạn này chưa được quy định tại Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015. Để bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định của Bộ luật TTHS năm 2015, chúng tôi cho rằng, cần sửa đổi điểm d khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 như sau:

“Quyết định trưng cầu giám định, giám định bổ sung hoặc giám định lại, khai quật tử thi, thực nghiệm điều tra, thay đổi người giám định. Yêu cầu định giá, định giá lại tài sản, thay đổi người định giá tài sản. Yêu cầu, đề nghị cử người bào chữa; yêu cầu, thay đổi người phiên dịch, người dịch thuật”.

– Khoản 1 Điều 457, Điều 458 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định, CQĐT, Viện kiểm sát, Tòa án có thẩm quyền quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn. Các nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể Viện kiểm sát, Tòa án được Bộ luật TTHS năm 2015 quy định tại điểm l khoản 2 Điều 41 và điểm c khoản 2 Điều 44. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 lại không quy định nhiệm vụ, quyền hạn này cho Thủ trưởng CQĐT. Để bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định của Bộ luật TTHS năm 2015, chúng tôi cho rằng, cần bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn quyết định áp dụng thủ tục rút gọn và quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng thủ tục rút gọn của Thủ trưởng CQĐT vào khoản 2 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015.

Thứ ba, đối với nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Thủ trưởng CQĐT.

Khoản 1 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 quy định Thủ trưởng CQĐT có nhiệm vụ, quyền hạn phân công Phó Thủ trưởng CQĐT thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Tuy nhiên khoản 3 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 lại chỉ quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Thủ trưởng CQĐT khi được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự. Quy định này không bảo đảm sự thống nhất, chưa bảo đảm cơ sở pháp lý cho Phó Thủ trưởng CQĐT thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình khi được phân công thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Do vậy, chúng tôi cho rằng, cần sửa đổi khoản 3 Điều 36 Bộ luật TTHS năm 2015 như sau:

“Khi được phân công thụ lý, giải quyết nguồn tin về tội phạm, tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra có những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ quy định tại điểm b khoản 1 Điều này…”.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập