Nội dung được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật Hình sự của Công ty luật LVN Group

>> Luật sư tư vấn pháp luật Hình sự, gọi: 1900.0191

1. Cơ sở pháp lý:

– Hiến pháp năm 2013

– Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015

2. Khái quát về ý nghĩa của nguyên tắc suy đoán vô tội

Nguyên tắc suy đoán vô tội có nghĩa vô cùng quan trọng trong thực tiễn Việt Nam cũng như các nước khác trong thực tiễn xét xử các vụ án hình sự. Việc không quán triệt nguyên tắc này sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường, nhất là ở những nước chưa bãi bỏ án tử hình. Viêc tuyên án tử hình khi vẫn còn những “reasonable doubt” (nghi ngờ hợp lý) dẫn đến nhiều oan sai không khắc phục được.

Thực tiễn tư pháp ở Việt Nam từ xưa đến nay phần lớn các vụ án oan khuất phần lớn đều do không hiểu, không đặt ra hoặc không tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội. Sau đây chúng ta điểm qua một số vụ án oan sai thời phong kiến để có thể “ôn cổ, tri tân”, và các bản án thời kỳ đương đại để rút ra những bài học nhất định cho hiện tại và tương lai.

Nguyên tắc suy đoán vô tội (presumption of innocence) là một nguyên tắc quan trọng trong tố tụng hình sự của bất kỳ quốc gia nào trong thế giới đương đại. Bản chất của nguyên tắc này là bất kỳ ai bị buộc tội hình sự đều được coi là vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội trong một phiên tòa công khai với việc đám bào các điều kiện cân thiết cho việc biện hộ cùa người đó. Khi không đủ, hoặc không thề làm sáng tỏ căn cứ buộc tội thì phái coi người bị buộc tội là vô tội. Cùng đưa ra một số vụ án oan sai trong thực tiễn tư pháp ở Việt Nam thời kỳ phong kiến cũng như thời kỳ đương đại nhằm rút ra những bài học bổ ích cho hoạt động tư pháp ở Việt Nam cũng như các nước khác trên thế giới đương đại.

3. Những vụ án oan thời kỳ nhà nước quân chủ khi chưa quán triệt nguyên tắc suy đoán vô tội

3.1. Vụ án Trân Quốc Chẩn thời kỳ nhà Trần

Trần Quốc Chẩn là một đại thần thời kỳ nhà Trần, ông là bố đẻ của Hoàng hậu Lệ Thánh, Hoàng hậu dưới triều Vua Trần Minh Tông. Năm 1328 nhà Vua Trần Minh Tông đã ở ngôi 15 năm nhưng vẫn chưa chọn ai làm Thái tử. Hoàng hậu Lệ Thánh không sinh được hoàng nam. Ngôi Thái tử trong nhà nước quân chủ có tầm quan trọng đặc biệt nên không thể không lập sớm. Các hoàng tử Vượng, Kinh, Trác, Phủ đều đã vào tuổi trường thành. Trong bối cảnh các con thứ đã lớn mà con đích chưa sinh thì phải làm thế nào đây? Vua muốn các quan đại thần tư vấn cho Vua về vấn đề này. Trong triều đình các quan đại thần chia làm hai phái: phái của Văn Hiến Hầu và Trần Khắc Chung cho rằng nên lập Thái tử trong các con thứ đã trưởng thành, còn phái của Trần Quốc Chẩn thì tư vấn cho Vua nên đợi thêm một thời gian vì Hoàng hậu còn trẻ và còn có khả năng sinh nở hoàng nam. Do chưa có sự thống nhất giữa các quan đại thần nên Vua Trần Minh Tông đã phán rằng hãy cứ từ từ để nhà vua suy xét. Trong thời gian chờ Vua suy xét, hai quan đại thần Văn Hiến Hầu và Trần Khắc Chung đã nghĩ ra mưu kế để triệt hạ Trần Quốc Chẩn. Trần Khắc Chung biết tên Trần Phẫu, gia nô của Trần Quốc Chẩn tham vàng nên bảo Văn Hiến hãy đưa cho nó 100 lạng vàng để nó tố cáo Trần Quốc Chẩn đang có âm mưu phản Vua. Vua Trần Minh Tông đã nghe lời tố giác của tên Trần Phẩu, hạ lệnh tống giam Trần Quốc Chẩn ở chùa Tư Phúc. Thấy nhiều người trong triều đình không tin chuyện đó và bênh vực Trần Quốc Chẩn, Vua đem việc ấy ra hỏi Thiếu Bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung nhân cơ hội đó đã nói với Vua: “Bắt hổ thì dễ, thả hổ thì khó”. Vua mới cấm tuyệt không cho Quốc Chẩn ăn uống, bắt phải tự tử. Hoàng hậu vào thăm cha phải lấy áo tẩm nước vắt cho cha uống. Trần Quốc Chẩn, người có công lớn trong dẹp giặc Chiêm Thành đã chết một cách oan khuất.

Mấy năm sau, gặp khi vợ cả, vợ lẽ của Trần Phẫu ghen nhau, đem chuyện Văn Hiến đút vàng tâu lên Vua. Trần Phẫu bị xử tử hình với hình thức lăng trì. Văn Hiến hầu được miễn tội chết nhưng bị giáng xuống làm thứ nhân và xóa tên trong sổ hoàng tộc. Riêng Trần Khắc Chung tuy không bị án hình sự nhưng bị sử sách ghi lại như một kẻ tiểu nhân, không xứng được làm quan.

Vụ án oan trên đây đã xảy ra do chưa quán triệt nguyên tắc suy đoán vô tội. Với vụ án này Vua Trần Minh Tông đã mắc hai sai lầm lớn về mặt đạo đức và pháp luật. Một là Vua đã giết mất một quan đại thần có công lớn trong dẹp giặc Chiêm Thành, bảo vệ lãnh thổ phía Nam của quốc gia. Hai là, giết oan một người trung thành với triều đình và là một người thân thiết của gia đình, người cha kính yêu của Hoàng hậu, vợ của Vua, ông ngoại của các công chúa, con của vua. Các nghi ngờ hợp lý (Resonable doubts) đã không được lưu ý như Trần Phẫu với bản tính tham vàng, tham của cải, tham giàu, có thể nhận đút lót để vu oan, giá họa cho người khác đã không được đặt ra, hay Văn Hiến hầu vốn đã mâu thuẫn với Trần Quốc Chẩn từ trước có thể nghĩ ra nhiều mưu sâu để hãm hại Trần Quốc Chẩn đã không được Vua Trần Minh Tông chú ý đến. Đó chính là những nguyên nhân dẫn đến cái chết oan khuất của một đại thần có công với nước.

3.2. Vụ án Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ (Vụ án Lệ Chi Viên) thời kỳ nhà Lê

Trong lịch sử tư pháp Việt Nam thời kỳ nhà nước quân chủ chuyên chế vụ án Lệ Chi Viên ( Vụ án Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ) là trang đau thương và đen tối nhất. Vụ án Lệ Chi Viên như là sự biểu hiện phi lý nhất, bất công nhất, tàn bạo nhất có thể xảy ra đối với số phận của một con người, một gia đình, một dòng họ có đóng góp lớn lao cho Tổ quốc nhưng lại phải hứng lấy cái chết oan nghiệt không những cho một người mà cho cả gia đình và dòng họ bởi bản án: ” tru di tam tộc”. Trong lời giới thiệu cho tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Pháp Yveline Feray ” Dix mille printems” (Vạn xuân) viết về Nguyễn Trãi, danh nhân văn hóa thế giới, nhà thơ Huy Cận đã viết:” Cái bi kịch của Nguyễn Trãi có phải là một tâm hồn lớn phải sống trong một xã hội chật hẹp, ngặt nghèo không? Và vấn đề của thời đại Nguyễn Trãi có phải là vấn đề xây dựng và sử dụng quyền lực sao cho phù hợp với lòng dân và vận nước?”.

Về vụ án Lệ Chi Viên, Đại Việt sử ký toàn thư đã viết:

” Nhâm tuất,/Đại bảo/ năm thứ 3 (1442). Tháng 8, Vua về đến vườn Vải, huyện Gia Định, bỗng bị bạo bệnh rồi băng hà. Trước đây Vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn chương rất hay, gọi vào cung phong làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền Đông, xa giá về tới vườn Vải, xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức, Vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng hà, các quan bí mật đưa về. Ngày mồng sáu về tới kinh, nửa đêm đem vào cung rồi mới phát tang. Mọi người đều nói là nguyễn Thị Lộ giết Vua. Ngày 12 tháng 8 triều đình đưa Hoàng thái tử Bang Cơ lên ngôi. Bang Cơ lúc đó mói 2 tuổi nên Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh làm nhiếp chính.

Ngày 16, giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ. Trước đây, Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả vớithị. Đến đây Vua đi tuần về miền Đông, đến chơi nhà Trãi rồi bị bạo bệnh mà mất, cho nên Trãi bị tội ấy.

Lời bàn: Nữ sắc làm hại người ta quá lắm. Thị Lộ chỉ là một người đàn bà thôi, Thái Tông yêu nó mà thân phải chết, Nguyễn Trãi lấy nó mà cả họ bị diệt, không đề phòng mà được ư?”

Trong cuốn sách “Các vụ án lớn trong lịch sử cổ, cận đại Việt Nam” của tác giả Phạm Minh Thảo khi nói về vụ án Lệ Chi Viên tác giả đã viết: “Thị Lộ bị tra tấn rất dã man. Trước sau vẫn chỉ là một câu hỏi: – Có phải ngươi đã tiến độc không? Có phải Nguyễn Trãi đã bày ra mưu thí nghịch đó không? Vì quá đau đớn, Thị Lộ buộc phải nhận tất cả những tội lỗi mà bọn hình quan đã bày đặt ra. Sau khi điểm chỉ vào bản cung, nàng bị tống vào ngục”.

Trong công trình nghiên cứu: “Lê Thánh Tông vị vua anh minh, nhà cách tân vĩ đại” của nhà nghiên cứu, luật gia Lê Đức Tiết khi viết về bối cảnh nhà nước và xã hội trong giai đoạn xảy ra vụ án Lệ Chi Viên đã viết: “Lê Lợi chết, Lê Thái Tông nối ngôi (1433- 1442) đã làm cho tình hình đất nước lún sâu vào những cuộc rối ren. Lê Thái Tông ưa xu nịnh. Xung quanh Lê Thái Tông là một lũ hoạn quan đầy mưu mô xảo quyệt. Thoạt đầu, Lê Thái Tông phong tước kế vị Hoàng thái tử cho con cả là Nghị Dân, lúc Nghị Dân mới 3 tháng tuổi. Mẹ Nghi Dân là chính cung Dương Thị Bí được phong làm Hoàng hậu. Nhưng chẳng bao lâu sau, do say đắm nhan sắc và nghe lời xiểm nịnh của thứ phi Nguyễn Thị Anh cùng lũ hoạn quan, Lê Thái Tông phế truất ngôi kế vị ngai vàng của con cả Nghi Dân, phế truất ngôi Hoàng hậu của chính cung Dương Thị Bí. Cả hai mẹ con Dương Thị Bí, Nghi Dân bị buộc phải rời khỏi cung cấm. Bang cơ, con thứ của Lê Thái Tông, con đẻ của thứ phi Nguyễn Thị Anh được phong Hoàng thái tử để kế vị ngôi Vua. Nguyễn Thị Anh trở thành chính cung và được phong ngôi Hoàng hậu. Hành vi của Lê Thái Tông bị xem là đi ngược với quan điểm truyền thống của Nho giáo, ngược lại với các nguyên tắc cơ bản trong việc kế vị ngai vàng, là mầm mống của họa tranh giành ngai vàng về sau. Các quan đầu triều, các công thần, lão tướng, những ai dám đứng ra can ngăn Vua đều bị thất sủng, bị lưu đày ra nơi quan ải hoặc bị giết chết.

Trước khi xảy ra cái chết đột tử của vua Lê Thái Tông và vụ án Lệ Chi Viên trong cung của Vua Lê Thái Tông đã xảy ra cuộc tranh giành ngôi vị Thái tử. Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao đang mang thai ( là thê của vua Lê Thái Tông) thì bị nghi ngờ làm bùa yểm hoàng tử Bang Cơ. Nguyễn Trãi và vợ ông là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ đều biết rằng đó là mưu mô của Nguyễn Thị Anh muốn loại trừ Ngô Thị Ngọc Dao, một người nhân hậu, đẹp người, đẹp nết nên đã bí mật tổ chức cho Ngô Thị ngọc Dao trốn đi nhằm đảm bảo an toàn tính mạng. Nguyễn Thị Anh biết được điều này nên rất thù ghét vợ chồng Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ. Việc Vua Lê Thái Tông mất khi ở bên cạnh Nguyễn Thị Lộ là cơ hội để Nguyễn Thị Anh buộc tội Nguyễn Thị Lộ giết Vua. Sau khi Vua Lê Thái Tông mất mấy hôm, Thái tử Bang cơ được kế vị ngai vàng, Nguyễn Thị Anh thực hiện quyền nhiếp chính. Cơ hội để trả thù Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ của Nguyễn Thị Anh đã đến. Trong bối cảnh như vậy, tất nhiên nguyên tắc suy đoán vô tội sẽ không được đặt ra. Mãi sau này khi Tư Thành con của thứ phi Ngô Thị Ngọc Giao lên ngôi, trở thành vị vua anh minh Lê Thánh Tông, cái chết oan khuất của Nguyễn Trãi – Nguyễn Thị Lộ được minh oan, Lê Thánh Tông đã làm sáng tỏ các tình tiết vụ án và ca ngợi Nguyễn Irãi: ” ức trai lòng sáng tựa sao khuê”.

3.3. Vụ án quan tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành

Nguyễn văn Thành quê ở Quảng Điền, phủ Thừa Thiên, là một người điển trai, văn võ song toàn. Nguyễn Văn Thành là người có công lớn cho Triều Nguyễn trong việc xây dựng Bộ Hoàng Việt luật lệ ( Bộ luật Gia Long) ban hành năm 1812. Nguyễn Văn Thành từng được Vua Gia Long bổ nhiệm làm quan Tổng trấn Bắc Thành có quyền lực lớn. Do có nhiều quyền lực nên Nguyễn Văn Thành cũng có nhiều kẻ ghen tỵ và thù ghét. Thành có con trai là Nguyễn Văn Thuyên đã thi đậu cử nhân và hay làm thơ, phú. Một lần Thuyên nghe nói ở Thanh Hóa có Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Thuận nổi tiếng văn chương, Thuyên liền làm một bài thơ sai Trương Hiệu cầm đi mời Khuê và Nhuận vào chơi:

Ái Châu nghe nói lắm người hay

Ao ước cầu hiền đã bấy nay

Ngọc phác Kinh Sơn tài sẵn có

Ngựa kỳ Ký Bắc biết lâu thay

Mùi hương hang tối xa nghìn dặm

Tiếng phượng gò cao suốt chín mây

Sơn tế phen này dù gặp gỡ

Giúp nhau xoay đổi cơ hội này.

Trương Hiệu đã đưa bài thơ này cho Nguyễn Hữu Nghi xem. Nguyễn Hữu Nghi biết quan đại thần Lê văn Duyệt là người rất ghét Nguyễn Văn Thành nên đã đưa thư này cho Duyệt. Duyệt đã tâu lên Vua Gia Long rằng bài thơ có ý làm phản. Nhưng Vua Gia Long nghĩ chỉ là một bài thơ ngông mà thôi nên chưa phán xử gì. Năm 1816, Ký Lục ở Quảng Trị là Nguyễn Duy Hòa, được phe chống Thành trong triều đình kích động, đã xin vào chầu dâng sớ hạch tội Thành. Bản sớ viết: “Con Văn Thành là Văn Thuyên âm ưu làm phản, sự cơ tiết lộ. Thành không biết đến việc ăn năn chịu tội còn ngênh ngang đứng ở trên các đình thần như thế không còn thể thống triều đình gì nữa. Nếu bệ hạ có thương là người có công thì cũng nên giao cho công luận, lấy phép mà trị rồi sau lấy ơn mà chu toàn cho, thế thì phép nước được bày tỏ, kẻ gian biết sợ hãi”.

Vua Gia Long đã giao cho quan đại thần Lê văn Duyệt tống giam Nguyễn Văn Thuyên. Duyệt đã sai lính tra khảo. Bị đánh đau, Thuyên không chịu được đã nhận tội làm phản. Theo pháp luật phong kiến Triều Nguyễn, con làm cha phải chịu tội. Vì vậy Nguyễn Văn Thành bị tống giam và ông buộc phải uống thuốc độc tự vẫn.

Vụ án Nguyễn Văn Thành cũng như vụ án Nguyễn Trãi, nguyên tắc suy đoán vô tội không được đặt ra. Nhục hình, tra tấn để vì quá đau đớn mà các bị can nhận tội. Quan hệ nhân quả trực tiếp giữa hành vi được coi là pham tội và hậu quả trực tiếp của nó không đươc đặt ra.

4. Những vụ án oan sai trong thời kỳ đương đại do vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội

4.1. Vụ án Nguyễn Thanh Chấn

Đêm 15/8/2003 xảy ra vụ án giết người tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, nạn nhân là chị Nguyễn thị Hoan, sinh năm 1972. Sau khi tiến hành điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh Bắc Giang đã khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Thanh Chấn từ ngày 28/9/2003. Sau đó Tòa án nhân dân xử sơ thẩm và Tòa án nhân dân tối cao xử phúc thẩm đã tuyên án ông Chấn phạm tội giết người và xử phạt với mức án chung thân. Ông nguyễn Thanh Chấn chấp hành hình phạt tù tại trại giam Vĩnh Quang, Bộ Công An. Điều đặc biệt là trong hồ sơ vụ án thể hiện ông Nguyễn Thanh Chấn ra tự thú, tự nhận là người giết chị Hoan, nhưng lời khai nhận tội liên tục thay đổi và khi kết thúc điều tra thì bắt đầu phản cung. Bắt đầutừ phiên tòa sơ thẩm ông Chấn đã kêu oan. Tố cáo việc bị bức cung, nhục hình, nhiều nhân chứng xác định tình trạng ngoại phạm cho ông Chấn. Trong quá trình chấp hành hình phạt ông Chấn và gia đình liên tục kêu oan và gửi đơn kêu oan nhưngkhông có kết quả.

Ngày 9/7/2013 , bộ phận tiếp nhận thông tin thuộc phòng tiếp nhận và thu thập thông tin tội phạm (Phòng 1) Cơ quan điều tra VKSNDTC tiếp nhận đơn kêu oan được đánh máy với nội dung ngắn gọn khoảng hơn 200 chữ của Nguyễn Thị Chiến. Đơn viết rằng tôi là Nguyễn Thị Chiến có người chồng đã bị TANDTC xử phúc thẩm và y án chung thân, hiện nay đang ở trại giam Vĩnh Quang, tỉnh Vĩnh Phúc. Chồng tội bị oan. Hiên nay, tháng 6/2013 gia đình tôi biết thêm chứng cứ mới cực kỳ quan trọng. Vì vậy tôi làm đơn này khẩn cấp kêu cứu chồng tôi…”. Vào một ngày cuối tháng 9 năm đó, chị Chiến được chị Thân Thị Hải ( người thân của gia đình) đưa lên gặp lãnh đạo phòng 1. Ngày 30/9/2013 một tổ công tác đươc cử đi Bắc Giang đã xác định thông tin mới mà chị Chiến và Chị Hải vừa cung cấp. Để đảm bảo bí mật Đoàn công tác đã để xe ở trụ sở UBND và đi xe ôm đến thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc giang trong vai những người đi mua gỗ. Thông tin về một người có tên là Lý Nguyễn Chung là ai, làm gì trong đêm xảy ra án mạng mà người rõ việc này là bà Nguyễn Thị Lành, mẹ kế của Lý Nguyễn Chung nắm rõ. Ngày 2/10/2013 cơ quan điều tra có giấy triệu tập bà Nguyễn Thị Lành đến cơ quan làm việc, nhưng đến đêm ngày 3/10/2013 bà đã gọi điện cho cơ quan điều tra nói rằng ông Lý Văn Chúc, bố đẻ của Lý Nguyễn Chung đe dọa giết bà và nhờ giúp đỡ. Ngay sáng sớm 4/10/2013, cơ quan điều tra đã chỉ đạo công an xã Nghĩa Trung đưa bà Lành đến trụ sở UBND xã để đảm bảo an toàn cho bà Lành, chờ xe của cơ quan điều tra đến. Khi làm việc với cơ quan điều tra bà Lành đã kể lại đêm xảy ra án mạng Lý Nguyễn Chung về nhà, quần áo dính đầy máu, hai bố con nói chuyện bằng tiếng dân tộc và sáng sớm hôm sau Chung bỏ về Lạng Sơn. Sau này thì bà nghe Chung thú nhận là đã giết chị Hoan. Ông Chúc đe dọa nếu bà nói ra thì ông sẽ giết bà. Việc này chị chỉ kể lại cho ông Hiền là bố đẻ, nay già yếu, sắp chết. Khi điều tra viên làm việc với ông Chúc, lúc đầu ông không hợp tác, tỏ thái độ rất kích động, chống đối cơ quan điều tra quyết liệt, thậm chí đe dọa sẽ tự tử chết ngay. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, khéo léo thuyết phục, cuối cùng ông Chúc đã xác nhận những thông tin bà Lành nói ra là sự thật.

Ngày 10/10/2013, cơ quan điều tra VKSNDTC đã đến xã Nhượng Bạn, huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn nơi Lý Nguyễn Chung bắt đầu hành trình trốn đi Tây Nguyên. Tại đây cơ quan đỉều tra đã gặp chị Lý Thị Nghiến là chị ruột của Lý Nguyễn Chung, sau 4 tiếng đồng hồ thuyết phục, cuối cùng Lý Thị Nghiến cũng mở lời: “Hôm đó Lý về đã kể chuyện giết chị Hoan bán hàng tạp hóa ở Bắc Giang, nó nói không biết sao nó lại làm như vậy”. Sau đó Phúc (anh trai của Chung, sau này đã bị chết trong một vụ án mạng) đã liên hệ cho Chung trốn vào Tây Nguyên làm ăn.

Ông Nguyễn Thanh Chấn được trả tự do vào tháng 11/2013 sau 10 năm bị tù oan. Sau này ông Chấn kể lại ông đã bị bức cung, bị đánh đập, bị đe dọa, thậm chí ông còn phải tập cầm dao đâm bù nhìn rơm cho thuần thục để sau này diễn lại trước tòa. Nhìn chung, không những vụ án Nguyễn Thanh Chấn mà các vụ án khác như Huỳnh văn Nén ( tỉnh Bình Thuận), vụ án Hàn Đức Long (Bắc Giang) đều có nguyên nhân giống nhau không tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội và đều có hiện tượng bức cung. Ông Nguyễn Thanh Chấn đã được bồi thường oan sai 7,2 tỷ đồng (khoảng 320.000USD), số tiền bồi thường tuy không lớn so với 10 năm tù oan, tuy nhiên cũng đã phần nào giúp ông Chấn và gia đình khôi phục lại các điều kiện vật chất và tinh thần bị sa sút trầm trọng trong thời kỳ 10 năm ông bị tước quyền tự do do phải chịu án phạt tù.

4.2. Vụ án Huỳnh Văn Nén và 17 năm tù oan

Ngày 23 tháng 4 năm 1998 Nguyễn Thọ cùng Hồ Thanh Việt (tức Chín điếc, đã chết) đi trên đường liên thôn xã Tân Minh, huyện Hàm Lần, tỉnh Bình Thuận gặp con gái bà Lê Thị Bông ở cùng thôn đi bán hàng về. Cả hai lúc đầu định giật dây chuyền nhưng sau đó sợ lộ nên chuyển sang ý định sẽ trộm đầu máy video của bà Bông. Rạng sáng hôm sau Thọ và Việt đột nhập nhà bà Bông, đang cạy tủ để trộm cắp thì bị bà Bông phát hiện. Cả hai khống chế, siết cổ bà Bông cho đến chết. Sau đó Thọ và Việt đã tháo chiến nhẫn 1 chỉ vàng của nạn nhân. Sáng 1998, sau khi bán nhẫn vàng cướp được của nạn nhân, Thọ đón xe vào thành phố Hồ Chí Minh, sau đó tiếp tục đón xe đi Lộc Ninh- Bình Phước. Tại đây Thọ thuê được một người đưa sang Campuchia đi làm mướn. Làm được một năm Thọ lại về thành phố Hồ Chí Minh, sau đó xuống cần Thơ với cái tên mới là Phạm Văn Khanh. Tại đây Thọ quen với Trà Thị S (44 tuổi, quê ở Sóc Trăng). Khi đã có một con với chị S Thọ lại bỏ đi theo chị Sơn Thị H (ngụ tại huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng). Ngày 8/7/2012 do ghen tuông, Thọ đâm anh Nguyễn Văn Hùng (bạn cũ của chị S) thương tật đến 21% và bị TAND huyện Cù Lao Dung phạt hai năm tù giam. Ra tù trước thời hạn 3 tháng Thọ đến nuôi tôm cho ông Nguyễn Văn Đông ở huyện Kiên Lương, Kiên Giang. Làm được 9 tháng Thọ bỏ sang huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) sống với chị Nguyễn Thị P (46 tuổi). Đến ngày 10/10/2015 khi điều khiển xe máy trên đường ở huyện Hồng Ngự thì Thọ bị CSGT dừng xe kiểm tra giấy tờ. Do không có giấy tờ tùy thân, Thọ bị CSGS I mời về đồn. Tại đồn công an Thọ đã khai tên thật của mình và hành vi phạm tội giết bà Bông trước cơ quan điều tra CSĐT huyện Hồng Ngự. Qua sự thú tội của Thọ, sau 17 năm ngồi tù Huỳnh Văn Nén được minh oan tội giết bà Bông.

Tháng 8/2016 TAND tình Bình Thuận đã xử sơ thẩm kết án Nguyễn Thọ 20 năm tù giam. Sau đó bị cáo kháng án xin giảm nhẹ, còn gia đình bà Bông kháng án đề nghị xử tử hình. Trong phiên tòa phúc thẩm Nguyễn Thọ bị nâng mức án thành tù chung thân.

Tháng 5/ 2015 khi khi bị cáo Nguyễn Thọ đầu thú, ông Huỳnh Văn Nén được chính thức minh oan sau 17 năm tù oan. Tháng 5/2017 ông Nén được TAND tình Bình Thuận bồi thường oan sai 10 tỷ đồng (khoảng 450.000 USD).

Nhớ lại vụ án giết người cướp của năm 1999 mà nạn nhân là bà Lê Thị Bông, ông Huỳnh Văn Nén bị tuyên án tù chung thân, trong tác phẩm Vụ án Vườn Điều của Luật sư của LVN Group, PGS-TS Phạm Hồng Hải xuất bản năm 2008, Luật sư của LVN Group Phạm Hồng Hải đã viết, đã kể lại, tháng 8 năm 2000 Nguyễn Phúc Thành khi đang thụ án tù 18 tháng tại trại giam Sông Cái khi nghe tin Huỳnh Văn Nén bị kết án chung thân về tội giết bà Bông đã tìm cán bộ trại giam để tố cáo Nguyễn Thọ giải oan cho Huỳnh Văn Nén vì nhóm bạn Thành, Thọ ,Việt, Cường, Trang thường tụ tập ăn uống, nhậu, đánh lộn và bàn nhau đi cướp. Sau khi thực hiện vụ án Thọ đã kể cho Thành nghe về chiến tích giết bà Bông của mình. Sau khi nhận được tin của Thành công an tỉnh Bình thuận đã cử Cao Văn Hùng đi xác minh, Cao Văn Hùng đã yêu cầu Nguyễn Phúc Thành rút đơn nhưng Thành không nghe. Sau đó Không biết điều tra viên Cao Văn Hùng đã làm thế nào mà tình tiết mới đã bị chìm xuồng. Huỳnh Văn Nén bị oan trong cả hai vụ án giết người là vụ án mà bị hại là bà Lê Thị Bông (ngày 23/4/1998) và vụ án Vườn Điều mà bị hại là bà Dương Thị Mỹ (ngày 10/10/1993). Vụ án Dương Thị Mỹ ông Nén nhận hình phạt 5 năm tù giam, vụ án Lê Thị Bông ồng Nén Nhận hình phạt tù chung thân, tổng hợp hai vụ án là tù chung thân. Nguyên nhân của cả hai vụ án oan sai này là cả ba cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án đều không quán triệt nguyên tắc suy đoán vô tội và cơ quan điều tra dùng bức cung và tra tấn để buộc Huỳnh Văn Nén nhận tội.

Thông qua việc dẫn chiếu các vụ án oan sai khi chưa quán triệt nguyên tắc suy đoán vô tội có thể thấy việc pháp luật hiện hành ghi nhận nguyên tắc suy đoán vô tội là một nguyên tắc hiến định là rất đúng đắn và đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiến tố tụng hình sự. Tuy vậy, việc áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội trên thực tiễn cần được thực hiện nghiêm túc thì mới hạn chế được những oan sai trong giải quyết vụ án hình sự trọng thời gian tới.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài điện thoại số: 1900.0191 để được giải đáp.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Luật LVN Group – Sưu tầm & biên tập