Người ta đã cho dịch và xuất bản các văn kiện pháp lý quốc tế và các đạo luật về tự do thông tin từ nhiều quốc gia trên thế giới, bước đầu xây dựng được một bản đề cương với 32 điều làm tư liệu thảo luận về dự luật này. Bài viết dưới đây góp phần nhìn nhận về nhu cầu, giới hạn và những tác động khả dĩ có được của dự luật này từ góc độ bảo vệ dân quyền.
Một đạo luật cần cho người dân, báo chí và chính quyền
Báo giới Việt Nam thường ráng né nhiều vấn đề được cho là nhạy cảm, song trên thực tế những vấn đề đó nếu được bàn luận tự do chưa chắc đã được số đông người dân quan tâm. Bình dân quan tâm đến việc an sinh thường ngày. Công việc, thu nhập, học hành, sức khoẻ và mọi sự tiện lợi trong giao lưu xã hội là những ưu tiên hàng đầu. Trong giao tiếp với chính quyền, người ta mong được đối xử công bằng và rõ ràng. Sự bất bình của dân chúng thường khởi nguồn từ những đối xử của chính quyền mà họ cảm thấy bất công. Thu hồi và sử dụng đất không đúng mục đích, đền bù không thoả đáng cho đất bị thu hồi, không được tạo việc làm và cơ hội chuyển nghề, sự bất lực của chính quyền trước ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường và các bất an khác trong xã hội… thường là những mồi lửa tạo nên bất bình. Tích tụ lâu ngày, mồi lửa nhỏ cũng tạo nên đám cháy. Động loạn lớn đôi khi có nguyên căn từ vô cảm của chính quyền trước những lo toan nho nhỏ của người dân.
Tự do thông tin tốt cho người dân, báo giới và chính quyền: Một đạo luật bảo đảm quyền tự do thông tin của người dân nếu được ban hành sẽ giúp báo giới tự tin hơn khi khai thác quyền được biết, quyền được nói của người dân. Có biết, có dám tranh luận, rồi một ngày người dân mới học cách tập hợp lực lượng để phản biện lại, một cách hoà bình và văn minh, các chính sách của chính quyền khi cần thiết. Đạo luật này cũng giúp quan chức hành chính tự tin hơn khi tiết lộ thông tin cho dân chúng mà không sợ vi phạm các nghĩa vụ bảo mật. Thêm nữa, có được sự hiểu biết và thông cảm từ phía người dân các chính sách của Nhà nước cũng dễ thực hiện hơn. Tăng tự do thông tin cho người dân cũng nghĩa là tăng sức đề kháng, tăng cường ổn định, làm trong sạch, giúp bảo vệ chính quyền.
Tương quan giữa Luật tiếp cận thông tin và Luật báo chí
Từ đưa tin tới tự do khám phá sự thật: Được hậu thuẫn từ quyền tự do thông tin của người dân, có thể trên thực tế, báo chí sẽ có những lợi ích, động cơ, tính chuyên nghiệp, bộ máy và năng lực để “thừa ủy quyền” của người dân mà truy tìm thông tin, khám phá ra những sự thật mà cơ quan Nhà nước có thể chưa muốn công bố cho công chúng (trừ những thông tin cần bảo mật vì lợi ích quốc gia). Không chỉ ở vị trí thụ động, phát ngôn cho các cơ quan của Đảng và cơ quan hành chính, dựa trên luật về tự do thông tin, báo chí chuyển sang một vị thế chủ động hơn, khai thác, điều tra, truy đuổi các thông tin đáng ra cơ quan Nhà nước phải công bố. Triết lý này phải được ghi nhận bởi luật báo chí, nói cách khác, ban hành luật về tự do thông tin sẽ làm một cú hích để tu chỉnh luật báo chí nhằm xác định trách nhiệm xã hội của báo chí trước nhân dân và dân tộc.
Chủ đề nhạy cảm: Ngoại lệ đối với tự do thông tin của người dân cũng nên là ngoại lệ đối với tự do báo chí. Ngoài bí mật Nhà nước, bí mật của doanh nghiệp, quyền riêng tư của người dân cũng nên là một chủ đề cần thận trọng khi công bố trên báo chí. Những nguyên tắc này cần được ấn định rõ ràng. Cần tìm cách giới hạn quyền lực của cơ quan Nhà nước trong quản lý báo chí, không cho họ tự tiện tuyên bố những vấn đề nhạy cảm cấm đưa tin dựa theo quan niệm của một số quan chức có quyền. Ở những vấn đề này báo chí cũng phải có tố quyền, phải được tranh luận vì sao một chủ đề nhất định lại được xem là nhạy cảm, và vì sao họ không được phép đưa tin. Một cơ chế tranh luận, xét xử bảo mật, hoặc một phiên điều trần không công khai trước các ủy ban của cơ quan dân cử có thể giúp thẩm định và giới hạn những vấn đề được xem là nhạy cảm vào những tiêu chí khách quan hơn.
Tương quan giữa Luật tiếp cận thông tin và Pháp lệnh về bí mật Nhà nước
Làm việc với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) và Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) ngày 13/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói: “Quyền được thông tin của nhân dân thì nhân dân phải biết Chính phủ đang làm gì và sắp làm gì”.
Bí mật Nhà nước?
Trong cơn khát, luật về tự do thông tin ví như một bầu nước, song Pháp lệnh về bí mật Nhà nước năm 2000 lại chính là cái nút thắt chặt lấy bầu nước ấy. Một bản kết luận nước tương hay sữa kém phẩm của một sở y tế địa phương, bản danh mục điện thoại của các đại biểu Quốc hội có là bí mật Nhà nước, nếu phóng viên tiệm cận và công bố những tin ấy, liệu có được xem là vi phạm các quy định về bí mật Nhà nước hay không? Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH10 về bí mật Nhà nước định nghĩa rất rộng, cho rằng bí mật là tất cả những gì có trong danh sách được xem là bí mật, danh sách này do người đứng đầu cơ quan tổ chức Nhà nước hoặc người được ủy quyền đề nghị và tuỳ theo loại tối mật, tuyệt mật hoặc mật mà do Thủ tướng hoặc Bộ trưởng Bộ Công an quyết định. Tóm lại bí mật là những gì cơ quan hành chính Nhà nước trình và được Bộ Công an thẩm định đồng ý cho là mật.
Thẩm định danh mục bí mật: Theo Nghị định số 33/2002/NĐ-CP ban hành ngày 28/03/2002 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh về bí mật Nhà nước năm 2000, trên thực tế các thông tin được xem là bí mật Nhà nước thực ra rộng hơn cả khái niệm thông tin Nhà nước. Bởi lẽ, người đứng đầu các tổ chức chính trị, chính trị xã hội cũng có thể lập danh sách các thông tin được xem là bí mật Nhà nước. Điều này áp dụng đối với các thông tin của Đảng, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các thông tin được cho là bí mật Nhà nước do các tổ chức chính trị xã hội khác đề xuất. Nghị định tuy có nhắc đến việc thẩm định các danh sách đề xuất này, song không cụ thể hoá việc thẩm định được diễn ra như thế nào, với những tiêu chí gì. Cũng như vậy bản thân các danh sách những gì được xem là mật này cũng có thể được công bố hoặc không, tuỳ thuộc vào Bộ Công an xem xét quyết định. Trên trang thông tin điện tử của Chính phủ người ta có thể theo dõi vô số các danh sách bí mật đã được công bố, từ danh sách bí mật của Học viện chính trị hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, cho tới bí mật của ngành xây dựng, ngành công thương.
Rà soát lại pháp luật về bí mật Nhà nước: Điểm lại thông tin báo chí Việt Nam trong các năm gần đây, xuất hiện nhiều vụ việc có thể liên quan đến vấn đề bảo vệ bí mật Nhà nước có thể cần được thảo luận thêm, ví dụ về vụ việc phóng viên Lan Anh của báo Tuổi trẻ bị khởi tố liên quan đến tài liệu được cho là bí mật của Bộ Y tế. Theo pháp luật hiện hành, một thông tin nằm trong danh sách bí mật do Bộ Y tế đề xuất đã được Bộ Công an quyết định, đã được đóng dấu mật, thì được xem là bí mật. Nếu không giải thích được rành rọt cách thức lấy được thông tin đó, cô phóng viên gặp phải rủi ro có thể được xem là vi phạm bí mật Nhà nước. Tương tự như vậy, việc đưa tin về các đề án xây dựng quy hoạch vùng có thể vi phạm bí mật thuộc phạm vi do Bộ Xây dựng phụ trách, xem § 1 Quyết định số 2039/2008/QĐ-BCA (A11) ngày 03/12/2008. Đáng lưu ý rằng quy hoạch là một thông tin tối nhạy cảm trong lĩnh vực đất đai, ảnh hưởng đáng kể đến dân cư. Cũng như vậy, nếu quá say sưa đưa tin về vụ khai thác Bauxite ở Đắc-Nông (Tây Nguyên), báo chí có thể gặp phải nguy cơ vi phạm những thông tin được xem là tuyệt mật liên quan đến chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về khai thác khoáng sản, xem § 2.4 Quyết định số 106/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 21/07/2008 về danh sách thông tin độ tối mật, tuyệt mật trong ngành Công thương.
Phạm vi và quy trình thẩm định danh sách bí mật: Cuộc thảo luận về luật về tự do thông tin không trực tiếp thay đổi được các quy định về bảo mật, song như một mắt xích hướng tới sự minh bạch hơn trong quản trị quốc gia, đạo luật này hối thúc việc sửa Pháp lệnh về bí mật Nhà nước, nhất là xác định những nội dung nào được xem là bí mật và từng bước hướng tới một quy trình thẩm định, tương đối khách quan và có thể giám sát được, các tiêu chí đánh giá một thông tin có cần được xem là bí mật Nhà nước hay không.
SOURCE: TẠP CHÍ TIA SÁNG – PGS.TS. PHẠM DUY NGHĨA
Trích dẫn từ:http://tiasang.com.vn